Đảo bạo bệnh (trích): Phân đoạn Hiện trường
Một bàn thờ rất lớn nhiều tượng Trung Quốc. Những đồ vàng mã óng ả, nổi bật giữa nền tường mạng nhện và xám khói. Nhang đã ẩm. Lá trầu đã khô kiệt, phân rã. Phía dưới bàn thờ ấy: rất nhiều đồ đạc hỏng
Thực ra Quyên chỉ đi qua tôi thôi. Nhưng tôi biết nàng sẽ qua con đường này. Đây là con đường của nàng, con đường em đi đó, con đường em theo đó như một bài hát lão Thân hay lẩm bẩm. Con đường đưa nàng đến bệnh viện Thanh Đảo, bây giờ là trận tuyến của nàng, tiểu thư áo bờ lu. Tôi yêu tà áo trắng, dẫu đó là áo bờ lu. Nhìn chung tôi yêu mọi tà áo nàng khoác lên.
"Hạnh Quyên!"
Nàng vẫn thản nhiên đạp xe qua tôi. Tôi bèn chạy ngáng đường, nàng mới chịu dừng lại. Khẩu trang che quá nửa khuôn mặt, chỉ còn chừa ra đôi mắt long lanh dưới đôi lông mày quyên tú. Như thế là quá đủ.
Nàng mập hơn tuần trước. Như một định mệnh, mỗi ngày không gặp tôi, trung bình nàng sẽ tăng một lạng. Tôi theo dõi rất kỹ vụ ấy.
"Anh gọi tôi?"
"Thì tôi gọi Quyên".
"Có gì cho tôi à?" – Nàng ráo hoảnh, như mọi khi. Lát nữa nàng sẽ còn gắt gỏng hơn, tôi biết, tôi chờ khoảnh khắc đó.
"Tôi chỉ hỏi thăm sức khỏe".
"Tôi khỏe".
"Mập hơn nữa!"
"Vô duyên! Tôi ăn mực theo cân hoài! Anh định bắt tôi hả?"
"Nếu Quyên chịu!" - Tôi nhăn nhở.
"Anh dai như đỉa ấy. Mỗi hôm anh lại chặn tôi ở một ngả. Lần thì ngay ngõ nhà tôi. Hôm thì Công Viên Bích Đảo. Hôm nay thì dốc Dương Đảo. Anh còn dai hơn cả Phantom-X".
"Tôi chỉ tình cờ thôi".
"Tình cờ nghiệp vụ hả?"
"Bệnh dịch Quyên nên cẩn thận".
"Tôi cẩn thận rồi mà sáng ra vẫn vướng nguyên cái ổ gà nè".
"Ổ gà ở chỗ nào thế?".
"Ổ gà là anh chứ ai!" – Tôi biết nàng đang tủm tỉm cười.
"Từ hôm dịch bệnh bùng phát, tôi không gặp được Quyên. Nhắn thì Quyên không trả lời. Tôi đành đứng đây đợi".
"Kinh nhỉ. Anh chôn chân ở đây tận một tuần cơ à. Thế ai lo cho nhân dân?" – Chất giọng chua ngoa đã thành bản sắc của Hạnh Quyên.
Đúng lúc ấy, ông nội Tèo của tôi lên tiếng:
"Chú công an ơi! Chú có nước không?"
"Chết tôi quên thằng bé".
"Nó bị sao?" – Nàng hỏi, giọng dịu hơn.
"Nó kẹt ở đây từ hôm phong tỏa cả huyện đảo. Quyên đi qua không thấy à?"
Nàng lắc đầu, lộ ra một gò má hồng. Đúng cái bên tôi từng thơm trộm, và nàng ghét tôi từ dạo ấy.
"Ủa thế tôi tưởng ông Cẩm ở đây?"
"Ông ấy không ở nhà à?" – Tôi hỏi vậy vì nhà Quyên cùng ngõ phố với ông Cẩm Thư.
"Nhà khóa ngoài! Tưởng ông Cẩm cố thủ luôn ở đây? Tôi có để ý mấy đâu!"
"Quyên biết ở đâu mua nước được không?"
"Nghiệp vụ để đâu mà không biết? Mà thôi để tôi đạp xe ra bà Bình ngã ba Trinh Đảo".
"Có nhiều chuyện Quyên rành hơn tôi!"
"Chuyện gì?"
"Chuyện ăn uống chẳng hạn!" – Tôi cười cố ý, nhớ đến khuôn miệng xinh xắn của nàng mỗi khi gặm sườn trong bát bún đỏ cay, húp hột vịt lộn ở cổng Chợ Muối. Tôi từng có ngần ấy vinh hạnh được hầu nàng.
Nàng nguýt một cái dài như nửa đời người, rồi quay xe. Nhưng được hai vòng, nàng ngoái đầu lại, thở dài:
"Anh lên xe được không!"
"Sao thế?" – Tôi vờ ngạc nhiên.
"Tôi cần anh ngồi sau vác bình nước"
Con đường đến phố Trinh Đảo ngắn một đoạn, nhưng tôi thấy nó sao mà xa xôi, gập ghềnh, nhưng lại đầy hoa cỏ mọc ven.
"Tôi ngu chết đi được! Để anh đèo cho xong!"
Tôi không nói gì. Tôi sẽ đèo em suốt đời, nhưng chưa phải bây giờ. Tôi cần ngồi sau, để ngắm lưng em, để nghe sức sống em nhịp nhàng từng điệu bánh lăn, thấy thanh hương của em dịu dàng ru đời đã mất. Vả lại em ngồi trước thì quả cũng đỡ áp lực cho săm lốp xe đạp.
Quyên, mỗi ngày gặp nhau đều có thể là một lần cuối. Những pha ngồi sau xe đạp em sẽ là kỷ niệm đẹp mãi trong đời tôi, một ân sá ứng trước cho tôi lỡ mai này đời tôi có mắc sai lầm.
"Anh đừng có lẽo đẽo theo tôi nữa, anh Thanh Đức. Tôi đanh đá lắm. Tôi còn nóng tính, tôi chửi nhau như hàng tôm. Tôi ăn quà có tiếng chợ Muối. Tôi mài xèng chơi trò cứa nhau từ nhỏ. Tôi lười. Tôi chỉ muốn được bố mẹ nuôi tôi mãi mãi. Tôi khâu áo bằng kim tiêm thú y. Tôi không có cái quái gì của bọn con gái dịu dàng hết".
"Quyên đang kể mọi điều mà tôi yêu ở Quyên".
"Anh nhầm đấy. Anh khoái tôi vì mặt tôi xinh. Thấy tôi, mắt anh tít lên lúc thấy tôi, anh còn liếc dọc xuống ngực tôi nữa. Không có đáp án nào khác đâu, anh đừng tưởng. Tôi biết là mặt tôi đẹp. Tôi chả phải khiêm tốn. Anh cũng đừng bày đặt yêu tâm hồn, tôi hãi trò ấy lắm".
"Quyên đeo mười hai lớp khẩu trang vào tôi vẫn yêu!"
Nàng phanh xe cái kít.
"Tôi nói thật hết tấm lòng mà anh không hiểu hả anh công an?"
Tất nhiên tôi hiểu chứ. Em làm y sỹ mổ phanh con nhà người ta ra, hẳn đã từng thấy trái tim máu của không ít người. Thật ra quả tim người ta cũng tầm thường đến thế mà thôi. Nhưng tôi nghĩ kiểu như Quyên thì tôi phải trêu trọc Quyên. Tôi phải làm cho em tức, cay cú tôi. Ngao ngán tôi. Vì nhiều khi, đấy là cách duy nhất để tôi thấy tôi đang gần em. Và có lẽ cũng là con đường duy nhất để tôi bước vào - dù chỉ là một bàn chân - thế giới của em.
Cung cấp xong đồ uống và lương thảo cho Tèo em, ngửi “ké” phấn hương lưng cô y sỹ thơ mộng của tôi, tôi mới lên cơ quan, vừa may kịp giờ hành chính. Ngay trưa hôm ấy, tôi nhanh nhẹn xin được ra vào hiện trường vụ án. Tôi rủ lão Vụ ở đội điều tra tổng hợp đi, nhưng lão nói trưa nay lão nghiên cứu trồng khoai tây, buổi chiều còn phải phối hợp lực lượng để xử lý ổ dịch mới bùng ở xã Bạch Đảo. Lão nói sắp tới nông dân sẽ rất có giá, nên nghiên cứu trồng trọt từ bây giờ đi.
Khu nhà tập thể 7A toát ra vẻ gì đó rất giống một bệnh viện bỏ hoang nửa thế kỷ.
Tôi mặc đồ bảo hộ kín mít, lại đeo thêm một lớp khẩu trang y tế, xem ra việc xoay trở không dễ dàng gì. Mất rất nhiều thời gian tôi mới nhờ người bật lại đèn. Tham vọng làm giả không khí Hà Nội giữa lòng Đảo Thiên Đường quả thực còn ngu ngốc và điên rồ hơn cả chuyện Hạnh Quyên thương mến chịu ưng tôi.
Bây giờ tôi mới hiểu tại sao mọi người đều xác nhận rằng không có ai ra vào khu nhà. Mặc dù bên ngoài nhìn không đến nỗi, nhưng hai lối cầu thang rất hẹp, lại mất diện tích vào dốc lăn cho xe đạp. Tôi đã ướm thử, nếu có hai người vai rộng lòng khòng như lão Thân đi qua, kiểu gì cũng va vào nhau, hoặc ít nhất là chạm áo. Có nghĩa là, sẽ khó có ai ra vào theo lối cầu thang mà hoàn toàn không bị chú ý, chỉ trừ lúc không người.
Không giống như tôi hình dung, lối ra vào xen giữa các căn hộ không đến nỗi quá chật hẹp tối tăm. Tuy nhiên nó cũng không đủ cho hai người cùng lúc, trừ khi phải lách qua. Có một chi tiết đáng lưu ý: các chậu cây đều có tàn thuốc. Ở tầng thứ ba thì không nói làm gì, nhưng cả tầng hai? Vậy là nhà thơ – nhà báo viết thơ sai vần Cận Phương đứng suy tư triết học ở cả hai ban công?
Kể từ khi bị phong tỏa, 7A đã được rửa sạch, không còn dấu vết gì nữa. Cũng đáng thông cảm, bởi chống dịch bệnh là ưu tiên số một, cấp thiết nhất. Nhưng toàn bộ các căn hộ cũng đã khóa cửa, trừ căn nhà hiện trường. Nghĩ nhanh trong một giây, tôi ra kiểm tra lối sân sau.
Đúng như những gì tôi hằng tưởng, lối sân sau hoàn toàn dễ đột nhập. Tất nhiên đó phải là một người khỏe mạnh. Hàng rào khu biệt với hồ câu quá yếu, phần nữa, có một vài thứ có thể làm chỗ bám để trèo lên. Nhà số 204, hình như cho thuê, nhưng không có ai ở, sẽ là nơi kẻ đột nhập đặt chân đầu tiên. Vì nó có một mái tôn làm nền. Sau đó thì sao nhỉ? Chắc tên trộm – nếu có trộm – sẽ bám vào đường ống và đu lên các lan can ban công hậu. Khéo léo hơn thì bám vào cột thu lôi. Nhưng cột thu lôi thì quá xa nhà số 204. Nếu chúng ta để ý cách loài mèo di chuyển, nó sẽ luôn chọn vị trí cao nhất để thử trước, nhằm lượng sức mình. Nhưng con người thì đối lập, luôn luôn đi theo các phương án an toàn, dù có vòng vèo, nên rất nhiều khi không chọn được lộ trình tối ưu. Nên rất có thể, từ nhà số 204, kẻ đột nhập sẽ bám vào ban công nhà số 206, trước khi vọt lên chiếu nghỉ cầu thang phía Đông . Đó có phải là tiếng động mà người nhà 205 – tức ông Sự đã nghe thấy?
Tạm thời ta cứ để bộ môn vượt tường đấy đã, tôi tiến sâu vào hiện trường. Lời tôi tự nhắc bản thân mình trước khi đến đây, bây giờ bỗng vang lên bên tai, phập phồng trong mũ áo bảo hộ: rằng tất cả mọi người, không trừ một ai, đều hoàn toàn không có chứng cứ ngoại phạm vững chắc. Một câu chuyện trinh thám thực thụ hiện ra ngoài đời. Chỉ có điều hoàn toàn không đúng lúc.
Nhà bà Lường, đúng như miêu tả, thuộc dạng hoang tàn nhất của cả khu nhà. Có vẻ tệ hơn cả các căn hộ bỏ hoang. Cánh cửa gỗ đã mục. Một chiếc khóa hoen rỉ hững hờ. Kính đã vỡ hết, được dán bù lên những tờ in lời Phật dạy hoặc hình ảnh các bức tượng Hộ pháp Khuyến Thiện, Trừng Ác, A Di Đà và Thích Ca, có vẻ lấy ra từ một bộ lịch. Hai chiếc đèn lồng cũ hỏng, cùng một vài loại bùa treo hai bên cửa, che mất số nhà.
Thềm cửa đắp một lớp xi măng mới, nhưng lại thấy dấu vết cạo ra. Có thể là do hoạt động đập đi xây lại rồi đập đi liên tục của bà Lường, theo những lời chứng. Thêm cửa nhà bếp cũng vậy.
Căn nhà có một mùi hôi nồng rất khó diễn tả. Nếu không có đồ bảo hộ chắc tôi ngộp mất.
Một bàn thờ rất lớn với đủ thứ tượng Trung Quốc. Những đồ vàng mã óng ả, nổi bật giữa nền tường mạng nhện và xám khói. Nhang đã ẩm. Lá trầu đã khô kiệt, phân rã. Phía dưới bàn thờ ấy: rất nhiều đồ đạc hỏng, chủ yếu là phích nước, chậu nhựa vỡ, những túi nilon đựng các thứ bát đũa nhựa.
Một tấm nệm trải trong góc tường, màn buông lờ lững, chăn phủ lên những quần áo rách nát. Một chiếc xe đạp trẻ con treo ngược trên tường, dĩ nhiên đã rỉ sét. Cũng thế: một chiếc mặt nạ trung thu nay bám đầy muội khói.
Nền nhà lát gạch men hai màu nâu trắng. Có vẻ cũng không được chăm chút lắm. Cứ cho là thời gian phong tỏa vừa qua khiến nhà bị bỏ hoang, nhưng nơi chân tường đầy các vết bẩn bám chặt lâu năm, trông như đã từng có một ngọn lửa liếm lên.
Một thùng rác bằng nhựa đã được dọn sạch sẽ.
Một tủ sắt đã khóa ngoài. Lát sau tôi lấy một thanh thép đục cái tủ ấy ra. Không có gì ngoài một vài lọ thuốc, trong đó có một số lọ đã hỏng. Một hộp bánh quy đựng chỉ may. Nhưng trong ấy, có một phòng bì. Đựng ảnh, giấy tờ tùy thân và thư? Tôi không vội xem mà bọc chúng vào túi plastic rồi cất vào cặp.
Lối cửa thông ra ban công sau. Nhưng ban công ấy được “bọc” tương đối kĩ bằng lưới sắt. Trên đó, treo lỉnh kỉnh đủ thứ chai nhựa, vỏ lon. Tôi thầm nghĩ nếu trèo vào đây, trăm phần trăm sẽ tạo ra tiếng động, chưa tính chuyện phải khoét một lỗ để chui vào. Thế nhưng ở góc tay trái ban công, quả thật có vết rạch đủ cho một người lớn khéo léo nhất đi qua được, song sẽ mất công và có thể cần đồng đội trợ giúp.
Nhìn chung mọi thứ rất lộn xộn, nó giống như cái kho trong nhà bất cứ ai. Nhưng suýt nữa cơn ngứa (và nóng) của bộ quần áo cồng kềnh đã làm tôi tôi đã bỏ qua thùng rác nhỏ phía ban công. Bên trong đó là một túi nilon đen buộc thật kỹ. Trong có vẻ chẳng có gì đáng chú ý ngoài đồ ăn thừa đã bốc mùi rất nặng. Nhưng nạn nhân bị đầu độc, nên những thứ hóa chất xung quanh - bất kể là gì - đều có khả năng làm manh mối. Phải nói lại rằng, dưới áp lực bệnh dịch nguy hiểm, đội điều tra của chúng tôi đã bước đầu xử lý hiện trường không được đúng cho lắm.
Những đồ đạc khác của bà Lường đã được thu thập từ lần trước. Tôi phải tiếp cận chúng càng sớm càng tốt.
Về phía bếp, rất khớp với căn nhà: gian bếp cũng có những “phong cách” y hệt. Rác rến. Bẩn bụi. Đồ đạc xếp xó. Nhưng nhìn kỹ mới thấy hóa ra trần nhà là một bể nước, dùng chung đường ống lộ thiên cho cả khu tập thể.
Có hai đôi dép nhựa để sử dụng trong nhà bếp và nhà tắm. Cả hai đều có kích cỡ nhỏ, phù hợp với phụ nữ, và đều đã cũ rách.
Tất cả xoong nồi, bát đĩa đều sạch sẽ. Đúng là có một bình ga mới. Tôi cúi xuống nhìn dưới gầm bếp, dấu vết chuyển dịch bình ga vẫn còn nguyên. Trong chạn bát, một bát nước tương vẫn còn nguyên, được rải hạt tiêu. Thế là thế nào nhỉ? Tôi nhớ lại cái túi rác: có kha khá đồ ăn đổ đi. Nhưng trên mâm cơm trong ảnh, không hề có thức ăn ngoài một đĩa rau trông giống dưa chuột hoặc đậu bắp. Một chú nhện kiêu hãnh xông ra chào tôi, nhưng thấy tôi quá kém thú vị, nó cũng vội bò đi về hướng cửa sổ.
Hướng cửa sổ: nhìn ra là nhà số 6A, thẳng một mạch. Với một ống nhòm, ta thậm chí có thể xem được hàng xóm đang đọc truyện gì trong căn phòng bên kia. Như thế, liệu có khả năng nào có nhân chứng từ bên ấy? Nhưng hy vọng của tôi mau chóng tiêu tán bởi loại kính này chỉ nhìn được từ bên trong ra. Điều kỳ lạ duy nhất là cửa sổ mới và xem ra là thứ đồ sáng láng nhất trong toàn thể ngôi nhà. Các chậu cây cũng được chăm tưới đều đặn, ngược hẳn với số phận các đồng loại bên phía nhà chính. Một ý nghĩ kỳ lạ bừng lên, kéo tôi trở lại thềm cửa. Cái khóa nhà bếp chính là điều mà tôi hơi ngờ ngợ từ đầu. Trông nó có vẻ kiên cố bất thường: hai lớp khóa, một chốt dưới cũng khóa. Theo bản năng, tôi lục tìm trong căn bếp xem có bí ẩn nào cất giấu, nhưng không thấy gì. Cái nhà bếp này mặc dù cũng bẩn tưởi, nhưng về cấu trúc lại gọn gàng, các đồ đạc dễ nhìn.
Có thể nào có một người vẫn từng đến đây? Tôi nhớ đến ông Sùng. Ông ta nói, thỉnh thoảng lại chạy qua giúp bà Lường cái nọ cái kia.
Có một thứ tôi không tìm thấy, đó là thùng gạo. Chắc gạo đã dùng hết. Tôi trở lại nhà chính, xem lại cái thùng rác nhựa sạch sẽ ở góc tường, nó có dính vài hạt gạo. Tôi đã nhầm: chính cái này mới là thùng đựng gạo. Nhưng tại sao lại phải để bên này?
Trí não của tôi "chạy" ngay về phía một câu hỏi mà tôi đã ghi bằng bút đỏ trong sổ cá nhân: liệu bà Lường mắc những chứng bệnh tâm thần gì? Nếu trong đám giấy tờ và ảnh kia có hồ sơ khám chữa bệnh, chúng ta sẽ có những hướng suy luận cụ thể hơn. Nhưng tôi lờ mờ đoán rằng bà bị một hội chứng gọi là Social Phobia tức bệnh sợ xã hội. Bây giờ chúng ta sẽ hình dung hai căn phòng này như một cái hang chuột chũi: càng về phía cửa sổ nhà bếp mọi thứ càng gọn gàng sáng láng hơn và ngược lại, phía chỗ bà nằm nghỉ ngơi, lại là nơi tích tụ đồ đạc. Nó giống như một pháo đài phòng thủ, chính là bởi một trong số các hội chứng tâm lý của bà ấy.
Sợ hãi, nhưng quá cô đơn, bà ấy vẫn phải giao tiếp với kẻ khác. Con đường duy nhất là chửi bới.
Chửi bới cho kiệt ngày cùng tháng. Nhưng vẫn không có ai thèm đáp lại mình. Tất cả những người khác đều dửng dưng, không muốn dây dưa với một con mụ tâm thần.
Cái chết của bà hẳn có nhiều ẩn tình khác, chắc chắn không thể đơn giản rằng chỉ vì người ta ghét bà ấy.
Tôi trở lại con đường hành lang. Xem qua một loạt các căn hộ đóng kín. Họ dùng chung một cáp truyền hình và Internet. Những sợi dây mạng bện vào nhau rồi chia ra các ngả, mỗi sợi đi về một gia đình. Chỉ trừ bà Lường. Chỉ mình bà bị cô lập. Tôi rùng mình bởi một ý nghĩ khó nắm bắt, thế rồi lại liên tưởng đến một cuốn truyện trinh thám mà mẹ tôi từng yêu thích: Án Mạng Trên Tàu Tốc Hành Phương Đông. Trong tác phẩm ấy, tất cả những người khách đã hiệp lực giết một nạn nhân.
Tôi chụp vài tấm ảnh. Các cửa nhà còn mới và hóa ra mỗi nhà lại có chiều ngang khác nhau, chứ không đồng đều như ấn tượng ban đầu. Tôi lại lượn xuống tầng hai, dạo qua xem lại ban công sân sau. Tôi nghĩ chẳng còn gì nhiều để xem xét. Nhưng tôi cũng phần nào hiểu ra sự non nớt của mình. Hiện trường trong thực tế khác với truyện đọc, khác với cả kiến thức tôi từng học. Rõ ràng tôi cần ông Tư Lãng hoặc các cô chú có kinh nghiệm đi cùng. Nhưng đông người thì quá nguy hiểm, nếu có ai nhiễm virus, gần như toàn bộ cơ quan Công an huyện đảo sẽ đóng băng.
Tôi đi dọc hành lang tầng hai lần cuối cùng. Dù sao thì chiều cũng chưa muộn. Tôi nghĩ xong việc tôi sẽ về nhà, tắm rửa như chưa bao giờ được tắm rửa. Thế nhưng chính vào lúc ấy, tôi nhận ra có một căn nhà không hề khóa cửa.