Bạch Đàn (truyện ngắn)
Một hôm tỉnh dậy, tôi nhớ mãi, sáng ngày 16 tháng 10, vào lúc 6 giờ và kim phút - vì mắt tôi hơi mờ - đã uể oải đi đến mép số 5, tôi đã biến thành người khác.
Để tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Anh Quốc
(Đã đăng Viết và Đọc chuyên đề mùa hạ 2021)
1.
Vào đầu tháng ba năm ấy, tôi mất đi Xuân, người vợ của mình. Đó là vì một vụ hoả hoạn.
Và mãi tận cuối tháng tám năm ấy, tôi mới cho phép nỗi đau của mình, cùng những gì giả vờ nhất và chân thực nhất của nó, lui gót. Tôi bắt đầu kết thúc trạng thái đối phó với những kẻ lăm le động viên, những kẻ lúc nào cũng mang ánh mắt thương cảm lạc quan đến và tạo cho tôi cảm giác tôi đang giả vờ tuyệt vọng. Khi tôi thức dậy thì đã tà chiều, tôi dỡ báo giấy bọc kính cửa, mặt tôi trong kính trông như được tạc trên một cái chuông. Ngoài kia có giông, cây cối nghiêng đi trong trận gió điếc. Và nhờ những tia nắng nhút nhát cuối cùng đậu lại, xuyên qua lớp băng dính đã hết chất keo, căn phòng ánh lên một màu cá kho bóng lưỡng. Khung cảnh ấy hút hồn tôi một lúc lâu, tôi kiếm chiếc ghế và đầu tôi chỉ còn hai ý nghĩ: hoặc tôi sẽ chết, hoặc tôi phải sống khác, vì Xuân. Thật ra tôi đã quên rằng lúc nào mà tôi chẳng nghĩ đến những chuyện ấy, nhưng tôi sợ, tôi rất sợ, tôi rất sợ cả hai.
Nhưng những toan tính của tôi đã nhanh chóng phá sản. Gần đêm, khi cuối cùng cảnh trí bên ngoài không còn giấu nổi vẻ thảm hại đã thuộc về bản sắc, tôi leo lên chiếc bàn, nằm mãi mà không ngủ được. Áp tai vào tường, tôi nghe tiếng gầm gừ kiệt sức của máy bơm nhà bên, và xen giữa đó, một người mẹ nào - hoặc Youtube - kể chuyện cho đứa trẻ, đã đến đoạn Cô bé Lọ Lem phải về nhà trước mười hai giờ. Đúng lúc ấy tôi nghe tiếng gõ cửa. Bên ngoài là một gã, trông thư sinh, khuôn mặt nhợt nhạt hợp với màn đêm nhưng lại cao hơn tôi một chút. Tôi nghĩ gã sẽ đứng đó, mãi mãi, góp một chi tiết dường như còn thiếu từ lâu vào vùng tối hiên nhà nếu tôi không hỏi "Anh tìm ai?"
"Anh là Hoàng?"
"Vâng"
"Tôi...tôi..." - Anh ta lúng túng. Nhưng tôi sẵn sàng chờ. Cuối cùng mới bật ra câu thứ hai: "Tôi là Bạch Đàn, tôi là bạn cũ của chị nhà. Đến lúc này thì thật là hơi bất tiện quá nhưng mà tôi muốn thắp cho chị nén nhang".
Bàn thờ chính và linh cữu của vợ tôi, tôi đã để ở Hà Giang. Khi vào Sài Gòn, tôi chẳng mang theo gì, chỉ một tấm ảnh. Hồi tháng sáu thì tôi quyết định làm một bàn thờ, chẳng thuê thầy cúng kiếng gì đâu. Nhưng tôi vẫn để anh ta vào.
Một thời gian dài tôi cự tuyệt những bạn bè của Xuân. Nhưng đêm nay đường đột quá. Không kịp gì nữa cho một cuộc chối từ. Vả lại, tôi thấy mệt mỏi, tôi chấp nhận bị hành hạ, tôi sẽ ở yên trong những quấy rối vô biên mà cuộc đời cứ vô tư mang lại. Thế nhưng, trong một giây không yên ả, tôi bỗng chột dạ. Ở đây trong căn phòng tôi trọ, có một người đàn ông, một người bạn của Xuân, tôi chưa từng gặp bao giờ, chưa từng nhìn thấy trong đời.
"Xin lỗi, anh học cùng với vợ tôi, hay là đồng nghiệp ạ?”
Sau khi thắp nhang, chẳng ai mời, gã đó ngồi thụp xuống ghế. Từ đâu đó, có lẽ là từ chiếc quần vải thô khổ quá rộng so với cẳng chân gầy - cái mà đang ngoạm chặt lấy mặt ghế gỗ, tạo ra một ấn tượng thị giác bất an, hoặc từ chiếc áo sơ mi chùng, ướt một mảng cận vai - bốc lên mùi rượu vodka và táo tàu chín nẫu. Gã nhìn trân trân vào hai bàn tay bấu chặt, trông như đang ôm chiếc cột vô hình và thình lình, toàn thân hắn run lên, một thứ động lượng mà truyền qua được cả vào không khí. Tôi đã nhìn rõ mặt hắn, xấu hoắc, không rõ vì tạo hóa cẩu thả hay quá tỉ mỉ, nhưng đôi mắt của hắn thì rất có hồn, nó trong trẻo, sinh động, có sắc thái riêng tư và rồi, một cách kì quặc nào đó, nó làm tôi nhớ đến đôi mắt của Xuân. Cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu một cách khó nhọc như thế và cũng phong phú như thế.
Đêm hôm đó tôi đã gặp hắn, hắn là người tình của Xuân, ít nhất theo như hắn thừa nhận.
Mặc dù tôi, với sự kiên định kiêu bạc của một kẻ đã ở phía cực hữu của tuyệt vọng, đã cố gắng để tuyệt đối không tin và không quan tâm vào bất cứ thêu dệt nào nữa. Và với nỗi sợ hãi cũng như khả năng tự vệ trước những kỷ niệm gai góc, những chuyện buồn vui mà chúng tôi đã từng có mà não trái rất dễ biên tập lại thành một cảnh phim cảm động, minh họa bằng những dẫn lối nham hiểm hướng về hình ảnh nhỏ bé thân thương của vợ tôi, và thậm chí có cả giọng kể nức nở nhấn nhá mà lý trí đã thu thập được trong tuổi nhỏ, để dồn sức lại, một cách lanh lợi, như đã chờ thời cơ từ lâu, như thể đúng là toàn bộ tâm hồn tôi chỉ chờ có giờ phút ấy, để tự đánh gục và đày đọa tôi trong nỗi trống vắng vĩnh viễn của phần đời còn lại, thì tôi đã vờ như lờ đi, coi như đó là chuyện của người khác, của một gã say rượu lạ hoắc vào nhầm nhà.
Nhưng không, bản năng lỗi lạc của tôi về việc phân tích mọi sự, cái thói ham suy tư của tôi - thứ dẫn cuộc đời tôi đi lòng vòng thiếu dứt khoát - trỗi dậy, đã kịp đến trước. Và rồi tôi tự hỏi. Và rồi tôi hoang mang tột bậc. Như một sụp đổ không thể nào cản lại được, tinh thần tôi trượt xuống một dốc dài vô danh. Bởi vì, bởi vì tất cả mọi người tìm đến tôi những tháng ngày qua đều mang theo bản mặt giả vờ lạc quan, nhưng gã trước mặt tôi thì không hề. Gã nói thật, gã không hề giả dối. Và cái ánh tuyệt vọng trong mắt gã, khi thời giờ càng sụt lún vào đêm muộn, càng rõ rệt, ánh lên như trong cơ hội cuối, và nó chạm đến tôi. Nó làm tôi tưởng tượng ra đôi mắt của vợ tôi, trong vụ cháy ấy, ở phút cuối cùng. Tôi lạnh người, và định ôm mặt khốn khổ, nhưng tôi đã không làm như vậy. Tôi lê bàn chân dập nát đến tận cùng của câu chuyện, khi tôi và gã cùng chịu chung một khổ hình trong ngọn lửa đen. Và ngoài trời thì lặng ngắt, một vuông cửa bật nhầm ánh điện đã kịp thu mình.
Hắn thuộc loại người chắc tính, không biết ăn nói hay đùa cợt. Hắn cũng không hẳn có cuộc đời hạnh phúc: vốn là một chuyên viên quản lí thư viện, hắn có một người vợ và một đứa con gái, nhưng vợ hắn bị khiếm thị do chấn thương ở đầu và đứa con gái chết non. Sau quãng đó đó, hắn mở một canteen trong công ty của vợ tôi.
“Và sau khi vợ tôi chuyển nơi làm việc, thì anh đi theo à?”
Gã gật đầu, vẫn trong dáng vẻ thú nhận. “Sau đó Xuân nhận ra tôi”.
“Rồi thế nào? Ôm hôn nhau à?” - Tôi định cười mỉm, nhưng nhận ra mình đang thô lỗ. Vợ tôi có thể đang còn ở quanh đây và nghe thấy tôi nói.
“Không, không làm gì cả, không có ôm hôn. Chúng tôi đơn giản chỉ nhận ra nhau. Xuân chưa từng nói với tôi hết một câu, một ý nào, anh ạ. Chỉ có một lần, một lần duy nhất Xuân đi lướt qua người tôi, rất là nhanh, chạm đầu cô ấy vào vai tôi. Còn lại chưa bao giờ chúng tôi ở gần nhau”.
“Nhưng thế mà anh dám nói là vợ tôi ngoại tình với anh?”
“Tôi chưa từng nói Xuân ngoại tình với tôi. Tôi chỉ nói, giữa Xuân và tôi, là tình yêu, anh ạ. Một kiểu tình yêu anh không thể nào biết được đâu. Anh Hoàng, tôi xin lỗi anh thật nhiều, tôi đã làm phiền anh, nhưng hôm nay tôi phải đến. Tôi…”
“Tình yêu kiểu gì cơ? Anh đùa tôi đấy hả?”
“Vâng. Giữa Xuân và tôi, là tình yêu. Hơn tất cả mọi người tôi biết điều đó. Tôi phải biết rõ nó chứ anh. Về tất cả những gì Xuân và tôi dành cho nhau. Nhưng tình yêu đó là bí mật, mãi mãi. Chúng tôi lướt qua nhau, không ai nhận ra tay chúng tôi chạm vào nhau” - Hắn bỗng dưng đổi giọng, tôi bỗng cảm thấy một sức mạnh bí ẩn bất ngờ dậy lên trong kẻ đối diện - “Không ai biết chúng tôi đổi cốc nước cho nhau. Tôi là người khơi lên trước, tôi để lại chiếc cốc trong giỏ xe của cô ấy, và hôm sau thì Xuân đưa tôi chiếc cốc của Xuân. Không ai biết cả anh ạ. Và khi tôi sụp đổ, Xuân ở lại rất muộn, chỉ đứng đấy nhìn tôi, hoặc quanh quất giả như đang làm gì đó. Nhưng Xuân tuyệt nhiên không bao giờ nói gì. Chính vì thế tôi yêu cô ấy, cố ấy cứ dịu dàng nhưng cứ xa lạ mãi, kỳ lạ mãi. Cô ấy không bao giờ vượt khỏi giới hạn. Tôi cũng thế, tôi không chạm vào Xuân ngay cả khi có thể, chúng tôi đã có một thoả thuận ràng buộc chúng tôi đến cuối cuộc đời. Dường như đấy là cách để chúng tôi mãi mãi ở bên nhau, anh có hiểu không? Cho đến khi tôi nhận được tin dữ. Nhưng tôi đã khốn nạn không đến với Xuân lần cuối. Tôi biết anh đau buồn, nhưng tôi cũng thế, phần lớn con người tôi đã chết”.
2.
Hắn tên là Bạch Đàn. Tôi tưởng như đêm ấy là lần cuối cùng tôi gặp kẻ này. Vì một món nợ lớn, hắn trốn chạy, và trong một khoảnh khắc khó kiểm soát, hắn tìm đến chỗ tôi. Khi tỉnh táo nghĩ lại, tôi hiểu rằng hắn muốn đến tìm Xuân, muốn chạy đến với cô ấy, dù cô ấy không còn tồn tại. Ý nghĩ đó làm tôi bao dung hơn. Suýt nữa tôi đã tiến đến một cấp độ đạo đức lạ thường, được đề dẫn bằng chính sự vô đạo phi lý của nỗi tuyệt vọng. Nhưng tôi đã không làm được.
Đọng lại trong tôi chỉ là sự lợm giọng, sự lợm giọng tuyệt đối, vào mỗi cuối ngày, khi cái máy bơm nhà bên lại keng kéc oán than và bà mẹ bên kia bức tường thất bại trong việc làm mới một câu chuyện cổ tích cũ rích. Trong vài ngày tôi không ăn uống. Nỗi tuyệt vọng đã thành công. Tôi cũng không nghĩ sâu hơn về chuyện của Xuân và Bạch Đàn. Tôi chỉ cần vợ tôi quay trở lại, với cuộc đời tôi. Tôi muốn được sống. Tôi không chịu nổi sự tàn nhẫn của cuộc đời thêm một ngày nào nữa.
Tôi định tự sát, nhưng hình như giống như mọi kẻ định tự sát, luôn luôn có một thời kỳ trì hoãn dài dằng dặc. Vào thời kỳ ấy, người ta ở ngưỡng của trạng thái phát điên, tức là phấn chấn và hưng cảm lạ thường. Thế rồi sau rất nhiều ngày gặm gối, tôi bỗng nhớ Xuân, tôi nhớ nàng và tôi đã thủ dâm.
Nhưng đen đủi ở chỗ, vừa vào lúc tôi đã có thể nhảy quách xuống cái sân đầy những chậu cây cảnh mất nết, thì Bạch Đàn bỗng tìm đến.
“Chưa chết à?” - Tôi nghĩ mình đang tự hỏi bản thân nhưng chỉ là vô tình thành ra hỏi Bạch Đàn.
“Chưa. Tôi trả xong nợ rồi. Có người bỏ tiền ra cho tôi”.
Không còn gì trung thực hơn thế.
Bỗng nhiên ở giữa chúng tôi là một nụ cười vô hình. Thế là rất nhanh, bằng những phương cách giao tế rất đàn ông, chúng tôi uống rượu với nhau. Trong cuộc rượu, Bạch Đàn khẳng định đi khẳng định lại chuyện hắn và vợ tôi cùng chia sẻ một bí mật, mà đến chết cũng không có người thứ ba biết. Nhưng giờ tôi đã biết rồi. Trong cuộc rượu, bỗng dưng tôi nói nhiều bất thường, và những sự nói năng ấy, cứ dẫn tôi về một chỗ nào đấy, nơi dĩ vãng đã sẵn mai phục.
Tôi khóc, tôi thú nhận rằng tôi là một gã bạc nhược. Trước hết tôi không làm ra được nhiều tiền, tuy tôi có ước vọng và cũng biết tính toán cho cuộc sống. Tôi tự nhủ sẽ mua cho nàng một chiếc máy tính mới, nhưng nàng vẫn cứ phải dùng chiếc máy tính cục mịch đã xám một góc màn hình ở cạnh trái. Và vì nàng không thể sinh đẻ, tôi cứ nuôi như nuôi một con nhện, một ý nghĩ khốn kiếp rằng Xuân sẽ cần tôi hơn là tôi cần nàng.
Tôi đưa cho Bạch Đàn xem chiếc máy tính kỷ vật, còn tôi cứ ngồi ôm gối khóc mãi. Đến giờ tôi đã tin Xuân yêu Bạch Đàn. Nhưng tại sao Xuân lại yêu Bạch Đàn? Tôi không thể nào biết. Những thứ ấy đã tế nhị đào thoát đi khỏi bàn tay và kiếp sống nhỏ của tôi. Nhưng có lẽ, vì trận rượu và vì trận khóc, tôi đã không tự sát nữa. Tôi thú nhận với Bạch Đàn về tất cả, về việc tôi xấu xa như thế nào còn Xuân đã chấp nhận mọi lao ải để vun vén chúng tôi ra sao. Tôi tưởng như thông qua Bạch Đàn - gã tình địch chó chết này - Xuân sẽ nghe thấy mọi sự. Kể cả đứng trước bàn thờ, tôi cũng chưa bao giờ có được cảm giác ấy.
Bằng Bạch Đàn, qua Bạch Đàn, tôi tìm thấy một chút gì đó còn lại của Xuân. Một chút, nhưng chính lại là điều quan trọng nhất, điều tôi không sở hữu ở nàng.
Cuối cùng dĩ nhiên chỉ còn lại tôi với hơi rượu. Tôi ôm chiếc máy tính ngủ say trước cửa nhà mở rộng. Bạch Đàn bỏ đi từ lúc nào, cũng kịp nôn một bãi.
3.
Ai sẽ chứng nhận cho chúng ta nỗi buồn đau và chán chường? Bởi vì không ai nói với chúng ta rằng, không phải nốt ruồi chấm 1mm ở phía sau đuôi mắt phải, mà nỗi đau mới chính là điều riêng biệt nhất mà ta có được.
Nhưng câu chuyện kỳ lạ của tôi bây giờ mới thực sự bắt đầu. Nó không còn phi lý nữa, nó đã trở nên vô lý. Nó không còn đi theo một đường hướng khả dĩ nào mà chúng ta có thể biết, có thể đủ an tâm để tạm lờ đi những bí ẩn miên viễn của sự sinh tồn.
Mọi chuyện bắt đầu từ giữa tháng mười năm ấy. Tôi đã không còn nghiện ngập nữa, vì tôi cũng đã tiêu hết tiền tiết kiệm từ khoản đám tang của Xuân để lại. Tôi phải đứng lên và đi kiếm sống. Ngay lúc ấy tôi vấp phải một rắc rối vô cùng lớn, vô cùng kỳ lạ, vô lý, khó tin và khủng khiếp nhất trên đời.
Một hôm tỉnh dậy, tôi nhớ mãi, sáng ngày 16 tháng 10, vào lúc 6 giờ và kim phút - vì mắt tôi hơi mờ - đã uể oải đi đến mép số 5, tôi đã biến thành người khác. Không phải nghĩa bóng hay ẩn dụ: TÔI ĐÃ BIẾN THÀNH NGƯỜI KHÁC. Hình hài khác, tóc khác và thậm chí tôi chỉ cao một mét sáu mươi ba và trông như một thằng vừa mới thi giữa kỳ ở trường cấp ba. Khung cảnh vô cùng lạ lùng: một căn chung cư sặc mùi lô hội, tiếng chíu chít của con robot hút bụi và treo những bức tranh vẽ trên những tấm gỗ đứng. Bóng một người phụ nữ lạ hoắc, cố tình tạo ra tiếng loảng xoảng và gầm gừ trách móc ai đó không thèm dậy sớm để chuẩn bị tiết học, và rồi tiếng lanh tanh trơ trẽn của Tivi Toshiba, những bước chân nặng nhọc, nhưng mãn nguyện, của một người thứ ba nào đó đi lại trên sàn gỗ cứng, vân vân…
Hình như người phụ nữ ấy nói tôi.
Tôi vùng đứng dậy, tôi chạy, nhẹ bẫng như chưa từng lớn lên, đến bên chiếc gương to hơn. Tôi nắn lên má mình, bẹo mũi, nhìn trong cổ áo và lia mắt xuống chân. Tôi đã hoàn toàn biến thành người khác.
Hẳn nhiên, nỗi kinh ngạc của tôi truyền đến những người xung quanh, và mặc dù bà mẹ kia ra sức la mắng, tôi chết trân giữa căn nhà lạ. Rất nhanh chóng tôi lên cơn sốt suốt ngày dài và bà mẹ, vì nỗi nhạy cảm phụ nữ muôn thưở bao giờ cũng đi xa hơn thực tế, nên bỗng lật mặt chuyển sang chế độ yêu thương. Nhưng hôm sau, tỉnh dậy giữa nhiều cơn ngủ ngắn, tôi vẫn là cậu bé đó. Tôi không còn là Hoàng, người đàn ông goá vợ và sến xẩm ba mươi mốt tuổi của ngày hôm qua. Chuyện quái gì đã xảy ra? Ma thuật kì quặc nào đã đưa hồn tôi nhập xác một người khác?
Cơn hào hứng bất thường trong ngày thứ hai mang thân xác kẻ khác đã đưa tôi ra khỏi chiếc giường, tôi kín đáo ra được khỏi căn nhà mà không cần nói câu nào. Có lẽ mấy người trong nhà mặc định nghĩ tôi đi học. Việc đầu tiên là tôi dốc tất cả những thứ đồ thu thập được ở trong cặp. Tôi biết thằng bé này tên là Nguyễn Đình Tuấn Anh, và nó mới mười bốn tuổi, học trường Lý Thánh Tông. Tôi vẫn còn ở Sài Gòn. Sự hoang mang pha lẫn hiếu kỳ làm tôi quyết đoán hơn: bán chiếc iPod của thằng bé cho một tiệm cầm đồ bất kỳ gần nhất, rồi bắt xe taxi đến địa chỉ căn phòng của tôi. Khi tôi đến nơi, căn phòng khoá kín từ bên trong hờ hững phô ra cái vẻ im ắng lì lợm đủ để nhen lên trong tôi một nỗi sợ thuộc về nguyên thuỷ, không dễ trải nghiệm được nếu như chưa từng gặp ma.
Xuyên qua buổi trưa, tôi không đi về, thi thoảng trong vài phút, ở nơi thấp điểm của tâm trạng, tôi bỗng thấy mình quan tâm đến những người ở nhà. Liệu thằng bé Nguyễn Đình Tuấn Anh có đăng ký ăn trưa bán trú không? Và tĩnh tâm, tôi chạy vào nhà vệ sinh của quán ăn, sờ nắn cơ thể mình. Tất nhiên xa lạ, nhưng thêm một điều nữa tôi có thể bổ sung được: hoàn toàn ăn ý, hoàn toàn linh hoạt thay một thân thể tiền dậy thì. Thực tế mà nói tôi có rất ít cảm giác về việc đây không phải là cơ thể của tôi, ngoại trừ ký ức của tôi về Hoàng, và mức độ quen thuộc đã tăng lên đáng kể chỉ sau hơn hai mươi tư tiếng. Tôi có thể kể câu chuyện này với ai? Tôi không có nhiều người bạn. Cha mẹ tôi từ lâu không còn là bạn, vì luôn so sánh tôi với anh trai, đặc biệt là đám anh rể. Người đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi là Xuân. Và người thứ hai là Bạch Đàn.
Tôi biết Bạch Đàn làm việc ở đâu, vì cùng chỗ với vợ tôi. Trên hành trình bắt taxi đến đó, miếng băng dính bong ra từ kính cửa đã tạo hành lang cho một loạt những suy tư ngẫu nhiên khác án ngữ tôi, đẩy tôi vào một con ngách ướt và thiếu sáng của tâm tưởng, một vài trong số đó không hoàn toàn liên đới đến mọi câu chuyện tôi đang kể, nhưng một vài thì có, một số thì tạo cho tôi cảm giác nó can hệ trực tiếp, nhưng lại tráo trở đi lướt qua thần trí của tôi một cách cẩu thả. Rằng những đau khổ và đen đủi triền miên của tôi, phần nào trong chúng hoàn toàn là thật, và phần nào đã được sự ủng hộ thầm kín của tôi, khéo léo trộn lẫn với giả vờ và đã xây nên cho tôi một dạng sức sống mãnh liệt hướng về nỗi chết cũng như sự khốn cùng - những thứ rốt cục cũng vẫn khoái cảm. Và tự nhiên, bằng bộ não của thằng bé họ Nguyễn Đình này, tôi suy nghĩ thoáng hơn hẳn, nhưng một vài giây sau tôi lại thấy cũng có thể đây là một cú lừa của bản ngã: tôi tha thiết yêu Xuân đã khuất, và tôi đã đi quá xa, tôi đã bị bứng khỏi cội rễ của cuộc sống ngày xưa. Vâng, tất cả những suy tư ấy vẫn còn dịu dàng dìu dắt, cho đến khi trước mặt tôi là Bạch Đàn: tôi cứng họng không nói được câu nào, vì hắn hoàn toàn ngạc nhiên, hắn không hề quen biết tôi.
“Bạch Đàn ơi, tôi là Hoàng, tôi là Hoàng đây” - Tôi nói y như kịch. Nhưng y hệt căn nhà, anh ta, dù không giấu được sự tò mò và có phần hơi sợ hãi (tôi biết được ngay, vì lúc này tôi thấp hơn và có đặc quyền nhìn anh ta theo hướng từ dưới lên), và mặc dù tôi bắt đầu nhắc đến đề tài Xuân, anh ta cố tình lờ đi. Rồi vờ dắt tôi ra cổng, anh ta chuồn lẹ trên chiếc xe cub 81 vỡ một mảng chắn bùn. Chắc Bạch Đàn nghĩ tôi là một thằng bé bệnh hoạn - vì tình cờ nghe thấy những cuộc tâm sự giữa Bạch Đàn và Hoàng - nên rảnh rỗi đi trêu hắn. Bọn sắp dậy thì rất nguy hiểm ở chỗ đó.
Buổi tối, tôi về nhà, nhận ra rằng con đường từ công ty của Bạch Đàn về “nhà mới” khá gần so với lúc sáng đi đến “nhà cũ”, lờ đi những trận mắng của bà mẹ y hệt như cách Bạch Đàn lờ tôi đi. Tôi vục đầu vào gối, tình cờ ngửi được mùi nước dãi của mình, kinh tởm, tôi bật dậy đi vào nhà tắm, rửa mặt như sắp lột được cả da. Thế là từ nay vì một sai số nào đấy của thế giới tâm linh, tôi sẽ là một thằng bé mười bốn tuổi? Trước khi đi về với giấc ngủ, tôi phát hiện ra một thứ, có lẽ là thứ giá trị nhất trong một ngày bỏ đi: chiếc máy tính của Xuân, nằm gọn gàng trong cặp cũ, ngả đầu ngủ yên nơi cạnh trái cua bàn học.
Khi tôi bật máy lên, vẫn là hình ảnh của Xuân trên desktop, với một góc trái ám đen.
4.
Hình như một cuộc trừng phạt đã đến, nỗi kinh hoàng đã trườn đi xa hơn. Không phải, tôi không phải chỉ là Nguyễn Đình Tuấn Anh. Hai ngày sau cuộc biến đổi, điều đó đã lặp lại: tôi thức giấc và trở thành một người khác, và lặp lại theo chu kỳ ba ngày.
Cứ ba ngày tôi nhận ra mình đang ở trên một chiếc giường mới. Về sau tôi biết rằng cứ qua mười hai giờ, chỉ cần chớp mắt, tôi đã “nhảy” sang một kiếp sống nào khác. Tôi hoang mang tột bậc khi sau diễm phúc được làm Nguyễn Đình Tuấn Anh, tôi lại trở thành một gã trắng trẻo sinh năm 1996 rất nhiều râu và để đầu trọc, thức dậy ở tận khu Đầm Sen. Cái gã đó làm nghề biên dịch thuê nhì nhằng từ một nhóm người nước ngoài trên mạng thuê nhân công giá rẻ ở Việt Nam và không phút nào điện thoại không reo tin nhắn. Cái gã đó còn có một thằng bạn cùng phòng hết sức thô lỗ, chuyên mở đầu bằng một câu thoại vô duyên và rồi tự dẫn câu chuyện vào ngõ cụt. Nhưng tôi đâu có nhiều thời giờ để ý mấy thứ đó, ngoại trừ việc có một quý bà mãn kinh và em trai của bả bỗng tìm đến đòi khoản nợ hai mươi tám triệu rưỡi thì hơi nhì nhằng một chút. Tôi ký giấy cam đoan sẽ trả trong bốn ngày nữa. Tôi cũng đã tìm đến Bạch Đàn, nhưng hắn không có mặt ở nơi làm việc. Tôi gọi điện vào số cũ của mình, nhưng máy tắt, vì thế không hiểu sao tôi quyết định để lại một cái tin nhắn vắn tắt. Và khi trở về nhà, còn lại một mình giữa tàn chiều, đóng kín cửa, tôi lại thấy chiếc máy tính cũ vẫn “đi theo” mình.
Ba ngày sau thì tôi trở thành một con mụ bị rách cơ đùi, chắc là do ngã xe, vô cùng đau đớn ở Bệnh viện Chợ Rẫy, tuy cũng đủ để tôi cảm nhận sự thiếu vắng giữa hai chân, cùng với tính chất hợp lý nhuần nhuyễn của nó, để lần đầu tiên hiểu ra sự kết nối giữa linh hồn và thể xác. Còn lại thì toàn đau đớn, cho đến ba hôm tiếp, nằm ở một căn nhà ổ chuột ven một cái ngòi hôi thối, tôi lại trở thành một thằng bé, cũng mười bốn tuổi, nhưng gầy nhẳng.
Linh hồn tôi theo một run rủi độc ác nào đã phiêu dạt qua vài kiếp sống chỉ trong vòng có gần một tháng, đến mức tôi bắt đầu quen nhịp độ.
Tôi thấy vừa lạc lõng bất an, lại vừa phấn khích khoái trá, giống như người ta bị lôi kéo mãi vào các dạ yến, không còn nhà để về, cứ phải uống rượu và nhảy múa mãi, nói mãi những câu chuyện mang vẻ ngoài của một tâm sự để trình ra cái dấu vết thằn lằn của mình trong mênh mông đời sống. Song, càng thế tôi càng nhớ cuộc sống cũ, nơi tôi từng có một căn bếp, mà thay vì mua một chiếc bếp điện đôi có giá tiền quá cao, Xuân và tôi tinh nghịch mua hai chiếc bếp đơn Trung Quốc, và nàng nhất quyết thích nấu những món có xương cục, còn tôi dẫu ậm ừ dễ tính, thì cuối cùng luôn là người đi vào tiểu tiết của bữa ăn và thường quên mất những cái mà lẽ ra phải yêu cầu ngay từ đầu. Tôi đã từng sở hữu đời sống như thế. Một vài đêm, tôi bắt đầu có trở lại những tâm tình bình thường, không bị xen bởi lý trí hỗn loạn. Tôi nhớ Xuân và tôi thèm ôm nàng để ngủ.
Vâng, thế nhưng tôi không thể ngăn cản được, những nhóm của ba ngày, những cơn biến đổi ngắn ngủi cứ thế làm tôi mất đi hình hài cố định. Và thường là cái cảm giác buồn nôn khi vô duyên xen giữa kiếp sống của kẻ khác, mà phần lớn tôi làm gián đoạn vô ích. Nhưng lại cũng có lúc, rất lạ kỳ, tôi thấy tôi vẫn hoàn toàn là chính mình, chưa phai đi một chút nào, nhất là vào một ngày chủ nhật, tôi thức dậy ở một quán trà vắng lặng sắp đi đến hồi sập tiệm, nhưng hình như tôi là chủ quán, không đến nỗi quá đẹp trai, lại còn cận thị quá nặng, đổi lại thì cao ráo mạnh mẽ và hợp với chiếc áo cổ Tàu màu bọt cà phê.
Nhưng trong quãng thời gian tưởng như vô tận, tôi vẫn cố gắng, để tìm về nhà cũ, căn nhà vẫn khoá cửa từ bên trong, bất chấp mọi đập cửa và nức nở khóc của tôi. Và sau đó, hệt như hành trình sắp sẵn, tôi lại mò đến chỗ Bạch Đàn. Hắn lúc nào cũng một mình. Tôi gặp hắn tất cả năm lần, hai trong số đó tôi tìm cách trò chuyện dông dài, nhưng ba lần còn lại, nhận thấy cần phải thật tập trung, đi vào một câu chuyện duy nhất, như là một thông điệp truyền thông, tôi xưng danh là Hoàng ngay từ đầu. Tôi muốn lặp lại với hắn và cũng vừa muốn tự tuyên bố với mình: tôi là Hoàng, tôi không phải là kẻ này. Dù ở lần thứ ba, khi chìa cánh tay béo múp từ tấm áo đỏ chấm hoa rất rộng và tự giới thiệu “Tôi là Hoàng đây”, tôi bỗng thấy dường như có một điều gì đó giả dối đã dần xen giữa, không còn tính đúng đắn nguyên thuỷ. Nhưng cũng chính lúc đó, Bạch Đàn bỗng thôi vẻ thờ ơ khó chịu, hắn kéo tôi đến một quán cafe trông tương đối nghiêm trọng.
“Nói đi, anh Hoàng thuê các anh đến để quấy rối tôi đúng không?” - Hoàng nói, với vẻ lạnh lùng được chuẩn bị từ lâu.
“Tôi nói thì ông không tin. Nhưng tôi đúng là Hoàng” - Tôi hơi cau có, nghĩ rằng như thế tăng được độ tin cậy - “Tôi bị…nhảy hồn, ông hiểu không. Cứ mỗi vài hôm tôi lại bị nhập vào hồn người khác”.
Và tôi bắt đầu kể lể.
“Nghĩa là mỗi ngày một cái xác á?” - Bạch Đàn hỏi.
“Đúng”.
“Tốt đấy. Thế thì anh cứ nhảy, nhảy lên Nha Trang cho nó mát. Còn bảo Hoàng đừng có phái người đến gặp tôi. Tôi quên hết các chuyện cũ rồi, tôi cũng không muốn dây đến thằng cha ấy. Tôi có cuộc đời riêng, và nếu tôi có từng làm gì, thì tôi cũng đã xin lỗi rồi. Còn nếu tiếp tục quấy rầy tôi thì…”
“Anh có qua gặp Hoàng bao giờ không? Ý tôi là độ một tháng nay?”
“Cách đây một tháng, tình cờ tôi có đến gần nhà anh ta, vừa tiện định rẽ vào thì gặp anh ta ở cổng”
“Cái gì?” - Tôi nói rõ to.
“Tôi có gặp Hoàng rồi. Các anh không phải thêu dệt mấy cái chuyện hoang đường. Bảo Hoàng như thế, giờ tôi về nhé”.
Nhưng tôi đã cản Bạch Đàn lại.
“Thế Hoàng có nói gì với anh không? Xin cho tôi biết”
“Tôi không có nhiệm vụ đi báo cáo với anh. Bây giờ tôi phải về, vợ tôi đang đợi” - Hắn có vẻ bực mình.
“Vì chuyện này rất quan trọng. Tôi từng về nhà nhiều lần nhưng đều thấy cửa khoá kín từ bên trong. Tôi nhờ anh, nhờ anh nói với Hoàng rằng tôi sẽ gửi két bạn Facebook và nhắn tin cho Hoàng, nhờ anh ta để ý với nhé.” - Tôi dặn Bạch Đàn vậy, trong một tâm trạng không có niềm tin để bấu víu, và trong đầu tôi, mường tượng sẽ mở một tài khoản Facebook mới trắng hình đại diện. Bạch Đàn ném lại cho tôi một cái nhìn nhiều ý nghĩa. Tự dưng anh ta giãn cơ mặt và cười cười:
“Này, anh là Hoàng phải không? Hoàng thích uống bia gì?”
“Hà Nội đỏ” - Tôi dứt khoát như là tuyên bố đáp án.
“Sai bét. Anh còn không biết về Hoàng bằng tôi.” - Bạch Đàn cười rõ rệt hơn - “Nhưng này, anh chính là anh thôi, chứ không phải là Hoàng. Biết đâu Hoàng cũng chỉ là một trạm dừng chân mà anh từng “nhảy hồn” qua thì sao?”
Rồi hắn bỏ tôi lại một mình. Hôm ấy tôi ngồi lại quán cafe thêm hai tiếng đồng hồ, gọi hai chai Hà Nội đỏ, và tăng lên bốn chai khi phát hiện trong ví của thân xác mới này có khá nhiều tiền mặt. Và lẽ ra tôi sẽ ngồi lâu hơn, nếu không phải vì nhớ đến chiếc máy tính của Xuân.
5.
Nhưng ngoài chiếc máy tính, có hai điều tôi phải nói ngay, nói thật gọn. Thứ nhất, khi đã quen với việc thân xác tạm thời và linh hồn phát vãng, khi trí tò mò đã cạn hết thế năng ban đầu, tôi đã đi đến chỗ chấp nhận cuộc đời, và mặc kệ tính kì bí vĩ đại của nó. Tôi đã học được một cách tự nhiên những kỹ năng phản ứng nhanh sau chuỗi ba ngày. Chẳng hạn vào đêm cuối cùng, tôi sẽ ngủ thật sớm, tránh uống rượu để hôm sau có thể dậy sớm hơn. Chẳng hạn nữa, chính vì dậy sớm hơn, tôi có chút thời gian tránh được bỡ ngỡ với môi trường xung quanh. Nhưng quả thật, khi nhảy qua các thân xác, tôi mới thấy nhiều vẻ hơn của đời sống oan uổng này: không phải ai cũng có giấc ngủ ngon và thức dậy đều đều khi mặt trời lên. Không phải ai cũng đủ cả hai cánh tay để làm gượng được người, và thậm chí, không phải ai cũng nâng được cơ thể lên theo ý muốn. Nhưng đó là chuyện khác, tôi sẽ giữ làm bí mật cho riêng tôi.
Điều thứ hai tôi nhận ra: dẫu có mỗi ba ngày, tôi tỉnh dậy là một người khác, nhưng khi đã đều đặn như thế, tôi vẫn là chính mình và lại càng là chính mình hơn. Bản ngã của tôi tựa như cặn kết tủa của những phản ứng hoá học liên tiếp, dẫu có thế nào thì cũng đã ở lại. Tôi chỉ giống như một người có nhiều nick ảo mà thôi.
Điều thứ ba tôi nhận ra, điều này hệ trọng hết mức, mà tôi không thể kiểm nghiệm được ngay: mỗi lần tôi lại càng tiến gần Bạch Đàn hơn, nếu xét về mặt địa lý. Mỗi lần đi tìm hắn, tôi bỗng thấy mình phải đi ít hơn. Dần dần tôi thấy mình chỉ quanh co ở Quận 5, nơi Bạch Đàn làm việc.
Điều thứ tư: tôi đã nghĩ khác về chiếc máy tính cũ của Xuân. Trong những phân tích riêng tư, tôi cho rằng nó giống như một thứ liên kết nối những hành trình của mình. Tôi vừa ôm ấp nó trân trọng, vừa nghi ngờ nó. Không ít lần tôi tự hỏi sẽ ra sao nếu tôi phá vỡ hay làm mất nó?
Cho đến một hôm, hôm ấy đã là giáp mùa xuân, ngày mùng năm tháng một, vừa qua sinh nhật của tôi - ý tôi là Hoàng, tôi thức dậy trên một mảnh giường thơm. Tôi thức dậy. Một mình. Chung cư cao tầng. Tóc loà roà phủ xuống khuỷu tay, nhưng điểm tôi chú ý hơn cả, cổ chân trắng ngần, mọng nước, kiêu hãnh và tinh nghịch khoác một chiếc lắc bạc, mỏng mảnh như thể chỉ tình cờ ở đấy, đẹp một cách vô ý. Tôi nhìn quanh. Rèm cửa lãnh đạm. Sofa nhỏ trang nghiêm trên thảm ấm. Chiếc tủ lạnh bù nhìn. Trên bàn vuông một bình hoa tím. Rồi tôi tìm đến gương.
Trong gương là một cô gái xinh đẹp, dẫu bộ đồ ngủ có hơi cũ kỹ. Nhưng cũng từ trong gương, khi chưa hết ngạc nhiên tôi nhìn thấy, tấm ảnh to treo giữa tường nhà: ảnh cưới của tôi và một kẻ, không thể lẫn đi một chút nào, chính là Bạch Đàn.
6.
Tôi không thể ngừng ngắm mình. Chưa từng thấy một phụ nữ nào đẹp như vậy, dường như tôi đã yêu cô kiều nữ trong gương, từ cú nhìn đầu tiên. Đó là loại phụ nữ mà đàn ông thèm muốn, cảnh giác và sợ hãi. Niềm thích thú mới làm tôi vơi dần đi sự quan tâm đối với việc tôi đang là vợ của Bạch Đàn. Niềm thích thú ấy tôi không biết phải miêu tả thế nào: tôi thấy mát mẻ, nhẹ nhõm, khi tôi cởi bỏ toàn bộ quần áo, tôi thấy cơ thể của mình là một tuyệt tác bước ra từ Photoshop. Tôi không đến từ thiên đàng, tôi chính là thiên đàng. Khi tôi thấy cô ta trong gương, trần truồng và làm những động tác tuyệt đối đúng như não tôi đang chỉ bảo.
Cuối cùng tôi không thể không thấy kỳ quặc, khi tôi nghĩ đến việc chiếm hữu cô ả, thì cơn thuỷ triều dục vọng lại xô về một hướng khác: tôi không thể đè cô ta ra, vì chính tôi đang mang cái nhục thể này, lúc đó tôi mơ màng nghĩ đến một thân xác đàn ông… Mặc dù đã từng đôi lần “nhảy” trúng một thân xác khác giới, nhưng đây mới là cơ thể đẹp đầu tiên, tôi không cản nổi những suy nghĩ đó.
Khi Bạch Đàn trở về đã là sáu giờ chiều. Sơ mi một bên tay xắn, một bên buông, anh ta chào tôi khá to, thình lình tiến lại gần và…đi bước qua tôi. Chính xác là như thế, hắn trải bước rất dài, vòng qua đôi chân thon thả mịn mượt của tôi, như thể tôi là một chiếc barrier, rồi úp mặt xuống sofa. Tôi nhìn Bạch Đàn, lần đầu tiên cái nhìn của tôi thâu gồm cả thân thể hắn, tôi nghĩ hắn thật may mắn. Nhưng đã quen mang thân xác khác, tôi đã khôn hơn, không nhận ngay mình là Hoàng.
Thế rồi Bạch Đàn hỏi tôi muốn nghe nhạc hay đài phát thanh trực tiếp. Tôi nói đài phát thanh trực tiếp. Tuy nhiên thay vì cái đó, Bạch Đàn lại mở một trang video lạ hoắc, có thu âm chương trình Quick & Snow Show từ hồi 2011. Chương trình vừa phát đến đoạn đọc tản văn thì Bạch Đàn ném cho tôi một ánh nhìn trân trân, kinh ngạc.
“Huyền!”
Hình như là tên của tôi, tôi dạ một tiếng ngoan ngoãn.
Bạch Đàn tiến lại, sát gần mặt tôi, suýt nũa mũi chúng tôi chạm nhau. Tất nhiên tôi hơi lùi lại. Và vì thế, Bạch Đàn càng kinh ngạc hơn.
“Huyền!’ - Hắn khua bàn tay trước mắt tôi - “Em nhìn được rồi à?”
Tôi không hiểu câu hỏi lắm nhưng cứ gật đầu đại. Rồi tôi sực nhớ ra một chuyện.
“Vãi chưởng thật!” - Hắn gần như quỳ xuống, bấu lấy hai khuỷu tay của tôi - “Em có nhìn thấy mặt anh không? Em nhìn được từ bao giờ thế?”
“Từ sáng hôm nay” - Tôi lạnh lùng.
Trong lúc Bạch Đàn quay tôi qua lại, vật lộn với nỗi ngạc nhiên đúng với tư cách của một kẻ lần đầu tiên biết kính trọng tạo hoá, thì tôi mải mê theo đuổi những phân tích lộn xộn của mình. Thế là tôi đang ở trong thân xác của Huyền - vợ Bạch Đàn. Người đẹp ấy thì mù, nhưng tôi thì không, dường như nó đang tạm thời mang bộ não của tôi. Tình trạng ấy sẽ kéo dài bao lâu? Cho đến khi tôi nhảy sang một đoản mệnh khác?
Song, tôi còn một câu hỏi khác, vĩnh viễn sẽ không có câu trả lời: nếu như mỗi lần nhảy hồn, tôi tiến đến gần Bạch Đàn hơn, bây giờ chắc đã là tối đa rồi, thì lần tới tôi sẽ đi đâu?
Bạch Đàn dĩ nhiên, hết sức vui mừng gọi điện cho người thân và gia đình. Rốt cục anh ta cũng như tôi, một kẻ yêu vợ. Và tôi bỗng bực mình trở lại: nhưng hắn lại yêu Xuân. Trí tuệ của tôi ghen cho mình và thân xác của tôi ghen với Xuân.
Đêm đến, mùi mồ hôi của Bạch Đàn thật hấp dẫn. Cơ thể tôi lên tiếng, nhưng tôi thì kìm được. Vẫn là giấc mơ ngắn thoáng qua về thân thể của Huyền, và một người đàn ông, vục đầu vào ngực mát.
Tôi đã quên một thứ: chiếc máy tính - người bạn đồng hành khốn khổ. Trong hai ngày, tôi không tài nào lần ra được kỷ vật của Xuân trong căn nhà của Bạch Đàn. Nhưng tôi tìm thấy thứ có lẽ quan trọng không kém: một tấm ảnh của Xuân, rơi xuống gậm ghế sofa. Tấm ảnh chụp lén bằng điện thoại, nhưng được đổ lại màu và in ra trân trọng.
Về chiếc máy tính thân thương nọ, Bạch Đàn đã tìm ra trước tôi. Hôm sau khi hắn mở tủ quần áo vốn có chìa khoá riêng, chiếc cặp đen bọc cái laptop trơ trẽn xuất hiện. Ban đầu là hiếu kỳ, về sau, có phần thô bạo, Bạch Đàn cậy bằng được cái cặp méo mó ấy ra.
Hắn gần như phát điên khi thấy chiếc máy tính. Bạch Đàn xông ra chỗ tôi, hơi hung hăng bất thường:
“Huyền, hôm nay có ai đưa cho em cái này à?
Tôi đã thấy chiếc máy tính của mình. Còn Bạch Đàn, dường như thấy ánh mắt của tôi.
“Không” - Tôi lạnh lùng. Tôi luôn nói rất ít vì tôi sợ giọng nữ của mình.
“Em không được nhận bất cứ đồ của ai gửi hiểu không?”
“Em tưởng đây là đồ đạc của anh chứ?” - Tôi nói để hoãn binh, tiện tay vơ lấy chiếc máy, còn đầu nghĩ cách làm sao để lát nữa cất chiếc máy tính sang một góc riêng.
Khi máy tính được bật, hình của Xuân hiện trên nền. Lần đầu tiên ba chúng tôi họp lại với nhau, có đủ ba gương mặt, chỉ riêng tôi đã mất nhân ảnh.
Bạch Đàn ngồi thụp xuống trên thảm, nhưng trông như đang trôi dần về phía tấm rèm ban công.
“Có một tay này…” - Giọng hắn chậm lại - “Anh không biết, nhưng lâu nay đều đến hoặc cho người đến làm phiền anh. Tay ấy hoang tưởng bảo rằng anh có quan hệ với vợ gã, nhưng vợ gã thì mất lâu rồi”.
Như có điện chạy qua người tôi. Tôi nhắc lại với bản thân mình: Bạch Đàn đang nói về tôi.
“Tay đấy tên là Hoàng phải không?” - Tôi chuẩn bị ngửa bài.
“Sao em biết?” - Bạch Đàn nuốt ực.
“Em đoán”.
“Chắc tay đấy tìm được đến đây rồi hả? Gã cài rất nhiều thứ vào anh, có cả ảnh của vợ hắn. Giờ thì đến cái máy tính này” - Bạch Đàn nghiến răng - “Nếu được anh sẽ kiện hắn tội quấy rối”.
“Giờ hắn ở đâu anh có biết không?” - Giọng tôi run run.
“Anh không biết. Thoắt ẩn thoắt hiện ngoài kia” - Bạch Đàn mệt mỏi, gục đầu xuống hai gối.
Tối hôm ấy, tôi không ngủ được. Đó là buổi tối cuối cùng tôi ở lại trong thân xác Huyền. Tôi tắm thật lâu, ngắm nàng trong gương mờ và bóng nước. Tôi để cho Bạch Đàn ôm tôi, nhưng rồi ghê tởm đẩy hắn ra. Bỗng tôi không còn thấy hắn thân thuộc gì nữa, hắn cũng chỉ là một thằng xấu trai may mắn có vợ, và cô vợ này, vì mù - theo đúng nghĩa đen - mới lấy hắn. Nhưng rồi hắn cặp với vợ tôi và nói rằng do tôi đổ vấy cho hắn.
Bạch Đàn, Bạch Đàn… Tôi lẩm nhẩm tên của hắn. Tôi đi lại trong phòng một mình. Cất chiếc máy tính vào túi, tôi sẽ ôm nó theo người. Tôi dự định ngủ ở sofa với ước mong sáng ngày mai tỉnh dậy, vòng tuần hoàn này sẽ kết thúc. Đã mười một giờ đêm. Lần vào Internet, tôi tình cờ đọc được mẩu tin về gã sinh năm 1996 mang nợ hôm trước, vừa bị giết vì xô xát với giang hồ thu nợ.
Tôi là ai? Vì lẽ gì tôi lại ở đây? Nhưng một lần nữa, dịu dàng chui ra từ tấm váy ren, đôi chân thon dài của Huyền xoa dịu tôi. Tôi đang mang một thân xác mới, dễ chịu.
Bỗng dưng tôi nhận ra một điều.
Bạch Đàn nói đến những tấm ảnh nào đó. Bỗng dưng tôi hiểu ra cái tâm trạng của hắn ngay lúc ấy. Vâng, lý trí của tôi đã trở lại đúng thời điểm, một lần nữa, xuất sắc quá chừng trong cơn nạn: vì Huyền bị mù, và mắt của cô ta vừa mới sáng trở lại, nên Bạch Đàn cần thêu dệt một câu chuyện, để hợp lý hoá các dấu vết, kỷ niệm của Xuân vẫn còn đâu đó trong căn nhà này.
Không phải.
Điều tôi hiểu ra còn cao hơn thế: tôi không còn liên quan gì đến câu chuyện này nữa. Vậy tôi phải làm gì đây? Chính là chiếc máy tính. Chính nó là kết nối còn lại của tôi và Hoàng. Chỉ cần phá huỷ nó đi, mọi chuyện sẽ kết thúc, tôi sẽ mãi mãi là Huyền.
Tôi sải bước về phía cửa. Sắp mười hai giờ đêm. Tôi nhớ đến tiếng máy bơm ken két, và câu chuyện cổ tích của người mẹ hàng xóm hôm nào. Phải trở về trước mười hai giờ đêm, để thay đổi số phận. Tôi mang một thân hình đẹp. Tôi tươi trẻ và thấy thoải mái, sung túc. Tại sao tôi còn phải luỵ vào kiếp sống cũ một cách phi lý nữa để làm gì?
Cứ thế tôi đi, đôi chân trắng muốt khiêu vũ cùng mặt đường đêm câm nín. Cần phải nhanh trước khi thời giờ điểm. Sau đó, tôi sẽ ngủ ở khách sạn. Sáng ngày mai, tôi sẽ tuyên bố bỏ Bạch Đàn. Đến một lùm cây nhỏ, tôi đập nát vụn chiếc máy tính, chôn nó cẩu thả trong đất ẩm. Ở phía đông, một toà nhà rực sáng, vừa kiêu hãnh vừa ngu ngốc, đồng hồ điểm không giờ. Một hồi chuông chói.
Nhưng rồi tất cả vụt tắt, không chỉ toà nhà. Bóng tối tuyệt cùng. Không còn thấy gì nữa, tôi hoảng hồn đưa tay sờ lên cổ mình, và lần xuống, chạm phải làn tóc suôn quen thuộc, dường như một hạt mưa đã lọt vào giữa hai bầu ngực ấm.
2021
Phiên bản truyện ngắn trên Viết và đọc chuyên đề mùa hạ 2021 cùng lời giới thiệu của nhà văn Đào Bá Đoàn
Đức Anh