Biện pháp Nhân hoá
Tôi ngờ rằng biện pháp nhân hoá - cũng giống như chuyện người ngoài hành tinh, cũng giống như những lời hứa giữ hộ tiền lì xì của các bà mẹ - không bao giờ có thực.
Văn trong nhà trường
Nếu bạn đọc đã mất công đọc một vài, hay toàn bộ Series Onwriting (đã kết thúc), có thể sẽ nhận thấy từ chỗ kỹ thuật sáng tác khô khan và bề nổi, càng về cuối tôi càng đi đến một thứ trông như nằm ngoài sự sáng tác, nhưng lại có quyền lực chi phối tất thảy: thế giới quan của người viết. Giữa thế giới quan và cách viết: cái nào tạo ra cái nào? Không phải ngại ngần gì khi nói tất nhiên cách viết là hiện hình của một thế giới quan, và thế giới quan thì tạo ra cách viết.
Các khoá đào tạo “làm chủ ngôn từ” về cơ bản không nhìn lên những điều trên đỉnh mái che sự viết lách, và thám cứu dưới vực sâu của sự viết lách, mà dí cho người ta một cái liềm sắc bắt làm thợ gặt lúa. Nhưng cũng khó mà trách được cái máu thực chiến này, về cơ bản nhiều khi người ta đi học là để giải trí và tìm kiếm các mối quan hệ mới. Học, dù là học bất cứ cái gì đều chứa trong ấy những huyễn tưởng của cuộc đời. Chẳng hạn những bà nội trợ bỗng dưng muốn trở thành nhà thuyết trình quyền năng, những chuyên gia bán hàng online bán máy lọc nước, thực ra là phản chiếu của ham muốn vượt thoát. Vượt thoát khỏi cái gì? Khỏi một lịch sử đè nén phụ nữ.
Thôi phụ nữ không phải chuyện của chúng ta.
Có những hục hặc với môn tiếng Anh, và bực mình vì môn sử trong nhà trường, nhưng tại sao chưa bao giờ thấy người ta phản ứng tương tự với môn văn? Và phản ứng nếu có, dừng lại ở một vài thầy cô yêu văn chương và thấy thất vọng về mô hình dạy và học cứ đổi mới loạn ly. Theo như những gì tôi biết, giờ dạy văn ở những trường công ở các tỉnh đã đến độ giáo án được set up sẵn và thầy cô chỉ còn việc chiếu presentation và nói theo. Phản ứng thứ hai là môn văn quá một chiều và đọc chép. Song tôi không thấy điều này chưa có gì quá đáng, ta phải thấy là ở một mức độ nhất định, môn nào cũng là một chiều và đọc chép mà thôi. Đòi hỏi tư duy độc lập là phải đòi hỏi ở tất cả mọi môn, thậm chí cả thể dục: môn thể dục đi ngược hoàn toàn cái ý nghĩa sơ khởi của nó là làm cho người ta hiểu và quý trọng thân xác và sinh lực của mình. Không có giấy bút, nhưng thể dục mới là môn đọc chép đúng nghĩa, ít nhất ở thế hệ chúng tôi.
Để cải thiện môn văn, người ta cũng nỗ lực nhiều điều, chẳng hạn tổ chức thuyết trình, phản biện. Cơ bản thì nó cũng tốt thôi, học hành là một huyễn tưởng, huyễn tưởng nào cũng đẹp. Song những thứ kỹ năng mềm đó không phải và thậm chí đối lập với văn chương. Một sáng kiến nữa là tách phần ngữ khỏi phần văn thì còn ngớ ngẩn hơn.
Có một điều thế này: dù gián tiếp hay trực tiếp, văn chương, hay ngôn ngữ, thậm chí là những thanh âm tí tách líu lo và nhạc điệu của từ ngữ, có ma lực thao túng con người ta. Nó đứng sau mọi ngành kinh tế, nhưng nó không chỉ huy trực tiếp, mà thầy dùi.
Văn chương, nó không đại diện và thật ra hoàn toàn không liên quan đến bất cứ cái gì đã được xác lập trong danh sách sau đây: lý trí, tình cảm, cảm xúc, nỗi niềm, giao tiếp, EQ… So với văn chương, những khái niệm vừa rồi hoàn toàn là từ những kẻ Sở Khanh, Tú Bà và Mã Giám Sinh. Nếu không lừa con nhà người ta vào chỗ ảo ảnh, thì cũng cuỗm mất của các cháu những cơ hội được giữ khoảng cách với các thuật ngữ đã chết trên từ điển - vốn chỉ là cái phần ứ đọng y như Calci Carbonat kết rắn trong nước máy nhiễm vôi sau một lần lửa.
Văn chương là gì?
Nhân hoá
Tôi ngờ rằng biện pháp nhân hoá - cũng giống như chuyện người ngoài hành tinh, cũng giống như những lời hứa giữ hộ tiền lì xì của các bà mẹ - không bao giờ có thực.
Trước hết, môn văn trong nhà trường, và biến tướng của nó là các khoá học viết và làm chủ ngôn từ sau này, tách tu từ ra khỏi bản chất của văn chương. Làm như đó là một liệu pháp kỹ thuật dùng để áp dụng, và làm như nó là một thứ son phấn đắp vào chẳng có can hệ gì với dung nhan. Điều này thoạt nhìn không sao cả, nhưng phải đi kèm với giải thích về cơ chế, vì nếu không thì không khác gì dạy lịch sử theo biên niên mà không cho thấy các động lực bên trong.
Nhân hoá không phải là thứ Việt Nam nghĩ ra, ở phương Tây gọi là personification, có nhiều cuốn sách nói về nó, như James J. Paxson trong The Poetics of Personification. Nhân hoá được SGK hiểu là cách biến các vật vô tri có tình cảm, hành động như con người để khiến cho câu văn sinh động hơn.
Khi ra trường, môn văn dừng lại, ta không theo nó nữa, nó cũng tách khỏi cuộc đời ta, với những thứ đồ đạc gói dở bỏ lại trong căn phòng trống vắng của tinh thần. Nhưng hãy cẩn thận với những cái gì một nửa. Yêu một nửa. Sống một nửa. Và làm một nửa. Một nửa con sâu trong quả táo đáng sợ hơn một con sâu nguyên vẹn.
Nhưng khi ta nói “sóng hôn lên bờ cát”, thì có phải là một hành động giống như con người không? Nếu trên đời ai chưa từng thấy, quá bất hạnh, nếu chưa từng thấy sóng đã thực sự hôn lên bờ cát (“Nếu ai trên đời chưa một lần thấy / không có quyền phán xét những câu thơ” - Lưu Quang Vũ). Nụ hôn là gì nếu không phải là một cú táp của vật chất rắn và tạo ra những con sóng?
Tương tự, những chú lợn trong truyện của George Orwell (Chuyện ở nông trại) hay con khỉ của Murakami là được nhân hoá như con người? Đúng. Nhưng kết luận như vậy không để làm gì, không gợi mở bất cứ điều gì ngoại trừ để làm bài tập. Nó còn vi phạm một phạm trù lớn hơn của tiểu thuyết: tiểu thuyết là một hệ thống khép kín, trong đó nó có luật lệ riêng quy định cách vận hành của nó. Những chú lợn, ngựa, vịt… của Orwell biết nói, biết đau buồn không phải vì chúng được nhân cách hoá cho sinh động, mà vì đó là cơ chế của cuốn tiểu thuyết, trong đó ít nhất có cơ chế ngụ ngôn và ẩn dụ.
Nhân hoá / Personification cần được nhận ra như một tín hiệu nghệ thuật, trong những văn bản nhất định, để đi vào không gian sáng tạo của văn bản; không phải là một biện pháp tu từ
Bởi nó nguy hiểm ở chỗ nó mặc định thẩm quyền cấp tiếng nói và tâm hồn của vạn vật cho con người, điều sẽ đúng trong một ý hệ, nhưng va chạm với hầu hết các ý hệ khác.
Nếu bạn ngó ra một cơn mưa cuối hạ, và nếu khoảnh khắc bạn thấy ô cửa sổ bật khóc, đó không phải là nhân hoá. Ô cửa sổ, với khoảnh khắc đó, và thế giới đó của bạn, nó thực sự bật khóc. Khoảnh khắc ấy sẽ trôi qua rất nhanh: nhưng nếu bạn thực sự đã thấy, và không nghĩ đó là nhân hoá, thì lúc đó mới có văn chương.
Ta sẽ cùng xem Nguyễn Tuân:
Nhân hoá không làm nên sự sinh động, ngược lại, sự sinh động là sẵn có, nó xuất hiện trước và là một phần cách nhìn thế giới của nhà văn. Nó làm nên một thứ gọi là không gian văn chương, một cái xới mà vạn vật đều mang tâm hồn của chúng góp vào. Khoảnh khắc phát hiện ra tâm hồn của sự vật chính là bản chất của văn. Không có ai bắt chước con người hoặc được gán cho các yếu tố của nhân tính, những chuyển động của tự nhiên trong văn học đi song song với chuyển động của từ ngữ: đúng hơn là các từ bắt đầu thoát y và chuyển nghĩa để đi vào thế giới. Ô cửa sổ không khóc mà tại sao không nghĩ rằng: sự khóc được định nghĩa lại. Đấy mới là một cơ hội của sự đọc, của độc giả.
(Chính vì thế Nguyễn Tuân mới hay cầu kì, trong thế giới cua Nguyễn Tuân: từ ngữ và biểu nghĩa của nó hoà vào làm một, các từ không phải chỉ tự bày tỏ, mà chúng còn liên lạc với nhau. Hấp lực của nhịp hành văn đôi khi cuốn tác giả vào, nhưng nó buộc phải như vậy, nó cần đủ khả năng để lớn hơn cả chính người viết, cho đến khi tiếng còi xúp lê cất lên - nếu bạn đọc nào có nhìn thấy trong tác phẩm của Nguyễn Tuân rất nhiều những âm thanh ngắt mạch)
Nếu các tu từ trở lại vị trí trung tâm của nó trong văn chương, ta sẽ bắt đầu có thế giới riêng của từng nhà văn. Thế giới đó có toạ độ, tốc độ và hệ thời gian riêng. Dưới đây là những đoạn văn của Bruno Schultz:
Cự ly
Ai cũng có thể nhân hoá sự vật. Tuy vậy, chuyển động của các sự vật không tồn tại để làm son phấn. Phép nhân hoá tước mất khả năng giao cảm với những sinh thể phi nhân. Và kết quả biến việc hành văn trở thành đắp hoa tươi lên tử thi.
Văn chương là xác lập các cự ly. Không quá xa, vì nhìn từ xa thì thành báo chí. Không quá gần, quá gần thì không thành gì cả, đó là đời thường. Một người thợ với thước dây tỉ mẩn đong đếm từ mili cho một cái nhìn, có lẽ phần nào khá giống với quay phim, nhưng quay phim thì chỉ bằng thị giác, con văn chương là mọi giác quan, kết hợp trực giác, nhìn sự vật trong tiến hoá sáng tạo và thời tính (la duree) của nó. Sự vật ở đây gồm cả những vật thể tồn tại, nhưng cũng gồm các trạng huống, những tình cảm trừu tượng.
Già đi vài phân thì là hài kịch, non thiếu một phân thì thành một thứ tản văn não nùng. Chỉnh lại thước ngắm là công việc suốt đời, có lẽ không phải chỉ của những người viết.
Nhưng trên hết, cự ly gắn liền với vai trò của các chiều không gian (gồm cả thời gian xét như một chiều không gian). Viết văn nghĩa là chọn chỗ. Đó là lý do vì sao lại có những tác phẩm tầm thường dù lột tả rất giỏi những đề tài khủng khiếp đùng đoàng và rất quan trọng về kinh tế chính trị. Và vì sao lại có những kiệt tác dù chỉ viết về những thứ tầm thường, một chuyến về quê xa, một cánh buồm nhiệt đới, một Hồi ức thiếu nữ của Annie Ernaux.
Diễn-Đạt Writing Program được tổ chức tháng 11/2024. Xem thông báo
Cách tiếp cận như vậy, ít nhất mới là xuôi chiều, và đúng đắn để đi vào lĩnh vực tu từ. Vậy nếu nhìn lại, hẳn phương án của môn văn trong nhà trường đã đẩy văn chương vào chỗ chỉ còn là một bộ môn của những cảm tình xủng xoảng. Và của nói dối. Trong khi đó, đáng ra không có nhiều lĩnh vực đòi hỏi ý chí như văn chương. Một thứ ý chí xác lập nhân dạng đúng đắn. Và đấy là - nếu có tính ứng dụng - những vũ khí đầu tiên để chiến thắng depression.
Đ.A
Rất mừng được đọc những bài viết phân tích văn chương như thế này! Bravo! Way to go, Bro :))