Di sản mất giá của Laurence Sterne
Laurence Sterne (1713 - 1768) xuất hiện như cột mốc trước nhất - theo một cách nói nào đó - vào mê cung riêng của một người đọc.
Bài viết đã đăng tạp chí Văn Bản của FORMAPubli
Bài trong Series Đọc Cổ Điển
Để viết được thì phải nhìn được. Và để nhìn được, phải chăng là phải biết lùi. Lùi cũng là một hành trình nhưng theo tư thế khác: lùi mới cần visa (nhân vật của Sterne quên cả xin giấy thông hành trong Hành trình tình cảm) và bản đồ hơn là đi. Nhưng lùi đến đâu? Lùi vào thế kỷ XX đã chứng minh thất bại nghiêm trọng, nhất là đối với riêng tôi, không chỉ vì thế kỷ XX quá nhiều khói, mà cơ bản là vì ta phải nhìn cả thế kỷ XX và thời đại của chúng ta trong chung một khối. Sự xuất bản ở Việt Nam trước kia không hỗ trợ được nhiều cho đường lùi xuống các thế kỷ trước, buộc ta phải cẩn trọng, và phải may mắn, tìm được một ánh lửa nhận đường. Nhưng vẫn phải lùi xuống đó chẳng còn cách nào khác, cũng như Yorick của Hành trình tình cảm, dù đang nợ nần và mắc bệnh lao, vẫn phải tìm hạnh phúc, vẫn phải vui thú, vì đấy là bản mệnh con người. Chẳng hạn, nếu chỉ kẹt lại ở thế kỷ XX, ít nhất ta không thể biết nổi cười là gì. Cười của Cervantes, Racine, Laurence Sterne… không giống cười gằn của chúng ta bây giờ, thậm chí ta có thực sự cười không? Không biết về cười thì cũng không biết đến trang nghiêm, cặp cười - trang nghiêm bị thay thế một cách tàn nhẫn thành cặp cười - khóc của thời này. Ta nhìn vào văn bản classic: "Văn học kinh điển là văn học có giá trị vượt thời gian"? Câu nói này người ta đồng ý ngay tắp lự, à nhưng cẩn thận, ấy là cái nhìn lởm, vạch khởi động của một đường chạy sai. Phải thấy là ngoài thiểu số may mắn được ở lại, nhiều khi là do nỗ lực cá nhân, thì phần lớn văn chương kinh điển có giá trị lại ở chính chỗ nó đã mất hình tích, đã góp mình vào trong bóng tối của vòm trời hôm nay. Theo kiểu cách Milan Kundera: những di sản bị mất giá.
(Và lại nói về thời gian, thì cái “thời gian” trong một mệnh đề như trên là thời gian cơ giới, E. M. Forster đã nói trong Các khía cạnh của tiểu thuyết và cả Alain trong quyển về văn xuôi của Hệ thống Mỹ Thuật, ta phải nhìn vào cùng lúc bên trong thời gian (lịch sử) và bên trên thời gian (tức thời tục) để nắm bắt được truyền thống văn chương, từ đó, người viết văn của ngày nay và thậm chí common readers có chỗ dựa để tìm ra được các bắt rễ của thực tại bây giờ.
Thế thì, Laurence Sterne (1713 - 1768) xuất hiện như cột mốc trước nhất - theo một cách nói nào đó - vào mê cung riêng của một người đọc. Thực ra với riêng tôi, rất dễ để tôi nói rằng E. M. Forster mới là người vẽ bản đồ, vì ông đưa chúng ta đến danh mục tác giả mà phần lớn đã đến trong tiếng Việt, đưa cả hướng dẫn và sốt sắng kéo hộ luôn cả dây cung chưa giương lên của chúng ta. Nhưng không, bản đồ không quan trọng bằng những cây cọc có vạch sơn vàng. Laurence Sterne đã đến đúng lúc tôi cần: chúng ta đã và sẽ có hai tác phẩm lớn của Laurence Sterne, Hành trình tình cảm (Nguyễn Hoài dịch) và Tristram Shandy (sẽ được in). Ở đây sẽ nói đến Hành trình tình cảm. Gặp ngay từ trang đầu của Hành trình tình cảm một thử thách nho nhỏ: cuốn sách ấy mời gọi một cách đọc nhảy cóc, vì trông có vẻ như, một người đọc sành sỏi có thể nắm được ngay các tính chất của văn bản; nhưng cùng lúc, ta lại thấy phải thực sự đi vào, kiên nhẫn. Khoảnh khắc tranh đấu nho nhỏ của hai sự đọc, bên nào cũng có phần thưởng.
Hành trình tình cảm đặt tên phần alias của nó “Chuyến du hành qua Pháp và Ý” lấy luôn tiêu đề (và là để hồi đáp cho) tiểu thuyết của người cùng thời Tobias Smollett. Thay vì một du ký theo nghĩa thông thường, cuộc đi của nhân vật trong Hành Trình Tình Cảm là giữa vạch biên của thế giới bên ngoài và thế giới bên trong. Trước, tôi không hiểu có cách nào để một cuốn tiểu thuyết tồn tại được trọn vẹn chỉ trong một cõi. Để có tiểu thuyết, ngay cả ly kỳ tiểu thuyết, cần ít nhất hai cõi. Nhưng Laurence Sterne đã xếp gọn các thứ vào một trình tự, một tổng hòa, bằng một cách mà cách ấy là duy nhất. Yorick - nhân vật chính của Laurence Sterne là một giáo sĩ, lại còn trùng tên với một nhân vật trong Hamlet của Shakespeare - điều sẽ gây ra một vụ tức cười liên quan đến giấy thông hành. Nhưng người đọc cũng không cần phải biết đến chuyện đó ngay từ đầu. Những thông tin cần thiết đều đến chậm: ta chỉ cần biết rằng, nhờ một lời ráo hoảnh của thằng hầu “Thế ngài đã tới Pháp chưa?”, chuyến đi được hợp thức hoá một cách chóng vánh. Không có lý do, sau này ta biết là quên mất cả giấy thông hành, và nhân vật cũng cố ý quên luôn cả chuyện nước họ và nước mình đang chiến sự, ba thứ ấy chìa ra ở các chỗ khác nhau trong sách, gạt luôn cõi khác ra ngoài. Vậy ngay từ đầu, người lữ hành đã gắn chặt mình với chuyến đi, không cần một mào đầu, một liên hệ nghiêm trang theo kiểu các du hành khác - chẳng hạn, không cần như Nguyễn Tuân trong Một chuyến đi liên hệ mình với một nhà văn Romania, và thấy khó chịu với tâm trạng nhạt nhẽo với các bạn đồng hành trên con tàu King Chow. Nguyễn Tuân luôn luôn là nhân vật “tôi”, luôn luôn làm một cái phép đo khoảng cách giữa mình và thực tại, luôn luôn trong mọi chuyển động, là đỉnh cao của một lối du hành. Nhưng du hành của Sterne không như vậy.
Yorick đi, chuyến đi là đơn nhất, thực tại thuần tuý là đây, một mình nó. Cái sự đi để nhìn và để xếp lại cõi mình trong chỉ một ngăn dài thôi. Câu chuyện kể nhảy cóc, có lẽ là thế, từ một cái nhà để xe, sang một cửa hàng xén nơi có cô vợ xinh đẹp nắm cả quyền hành pháp và lập pháp, rồi qua những suy nghĩ về kiểu tóc, ngôn ngữ (phân biệt rất nhỏ mấy cụm từ) anh chàng hầu La Fleur, người hiệp sĩ sa cơ với thúng bánh ngọt v.v… chia làm các chương khác nhau. Có chương là một cái nhìn thẳng vào đáy cùng sự vật; có lúc thì là một truyện kể hiện lên đầy đủ như kịch ba hồi. Có lúc, có sự xuất hiện của các nhân vật ở Tristram Shandy, và ta thấy đặc trưng những kiểu lý luận Shandy, ở chương Người lùn: trẻ em có thể phát triển không giới hạn, nhưng chẳng qua ở Paris đất chật người đông quá nên tạm chưa đạt được điều ấy.
Nhưng không lúc nào là không tránh đi cái nhìn vu khoát khi nhân vật chỉ tìm đến những điểm nhỏ, một bắt tay, một xúc động, một chuyện nghe lỏm, một kiểu tóc, mà người khác sẽ bỏ qua, những tiếp điểm của tinh thần từ đó khơi dậy tình cảm và cho người đi một hiện hữu mới - như E.M. Forster vẫn trong Các khía cạnh của tiểu thuyết nói về Laurence Sterne (và cả Virgina Woolf): “Họ [tức Sterne và Woolf] trộn lẫn cái nhìn hài hước về sự rối mù của cuộc đời với cảm giác sâu sắc về vẻ đẹp của nó” (tr. 24). Loáng sau thì ta đã thấy nhân vật ở Ý rồi.
Cái “tình cảm” là phép cộng của ngoại cảnh và người nhìn, không rút bớt bên nào được. Sau Laurence Sterne, ta có các loại du ký khác, tập trung hơn vào “trải nghiệm” của hành trình: tức là các tác giả sẽ khoe rằng cuộc đi ấy là để tìm thấy chính mình. Nhưng cái khác biệt rất lớn là ở chỗ: chính ở các cuốn du ký mà người ta cứ nói là “tìm thấy chính mình”, bỏ đi cái tôi lữ hành, thì vẫn còn lại các loại thông tin khác, quyển sách không thiệt hại gì mấy. Nhưng riêng ở Hành trình tình cảm, ta không rút đi cái nhìn của nhân vật được, vì như thế sẽ chẳng còn lại gì. Theo tôi, nó vẫn là vì không có thế giới bên trong và bên ngoài nào cả, nó chỉ có một thế giới thôi, đó chính là tính cách tiểu thuyết của nó. Đây nhé: đoạn tưởng tượng về cảnh tù (lúc nhân vật tự huyễn rằng lãnh án trong nhà ngục Bastile vì nhập cảnh trái phép thì cũng không quá tệ), Laurence Sterne có một pha chuyển hoá lý thú, từ thế giới khác vào thế giới mình: “Bastile không phải một cái tai hoạ mà ta có thể coi khinh - nhưng nếu lấy đi những toà tháp - san lấp các con hào - dỡ bỏ chướng ngại nơi các cửa - chỉ gọi đấy là nơi giam giữ, và tin rằng tên bạo chúa nhốt anh vào đó là một cơn khó ở chứ không phải một con người - thì cái tai ương sẽ bốc hơi một nửa, và anh có thể chịu đựng nửa còn lại không một lời than” (tr. 132). Qua khỏi bốc đồng ấy, khi nhân vật Yorick nhận thấy thì ra nhà tù vẫn đáng sợ lắm, thì cách thức vẫn y sì, qua hình ảnh một con chim - độc giả đọc đến đoạn này có lẽ sẽ thấy rất hay và chia sẻ với tôi về ý ấy.
Virginia Woolf không phải chỉ được đặt cạnh Laurence Sterne bởi E.M. Forster, chính bà viết lời tựa cho common readers trong bản in A Sentimental Journey 1928 - Oxford World’s Classics edition. Virginia Woolf nhìn Laurence Sterne như sau:
“Bởi lẽ, dù nhà văn luôn ngẫm thấy sẽ có cách nào đấy để gạt bỏ các nghi thức và quy ước của viết lách để nói chuyện trực tiếp với độc giả như thể đang tỉ tê, ấy nhưng bất kỳ ai thử làm điều này đều hoặc bị đứng hình trước những điểm khó của nó, hoặc bị cuốn vào những pha lan man dài dòng ngớ ngẩn. Thế nhưng Sterne bằng cách nào đó đã thực hiện được sự kết hợp đáng kinh ngạc này. Không có văn bản nào dường như thấm sâu vào từng nếp gấp và ngóc ngách của trí tưởng đến thế, biểu diễn được những tâm tình xao động, đáp ứng mọi ý thích và cảm hứng vặt vãnh nhất của nó, nhưng kết quả vẫn hoàn toàn chính xác và trọn vẹn. Linh hoạt tột độ tồn tại song hành với vững vàng lừng lững. Như thể thủy triều lên xuống liên hồi nhưng để lại mỗi gợn sóng và xoáy nước khắc sâu trên cát như bằng đá cẩm thạch”. [1]
Tuy nhiên, chính vì đặt Yorick quá gần Sterne, đến mức bà cho rằng gần như là đồng nhất người viết với nhân vật, ở phần cuối, bà nói khá nhiều về cái vị kỷ của tác giả. Sự ký sinh của cái tôi kể chuyện bày tỏ mình (và giữ cái hình ảnh tốt đẹp về mình): “Theo một cách bị bóp méo, A Sentimental Journey dự báo trước một truyền thống ký sự du lịch thời kỳ Victoria, khi người ta tái phát hiện cá nhân như một chủ thể biết cảm nhận. Đó là lý do tôi đặt văn bản của Sterne vào bối cảnh ký sự du lịch thay vì tiểu thuyết. Nhưng Yorick là một du khách ký sinh, tức là vô cùng cá nhân chủ nghĩa”. Lối nhìn này được đón nhận ngay bởi học giả đời sau (ví dụ, Heidi Liedke): “Hành trình tình cảm” chỉ còn lại một cách viết thú vị, một ego trip, đồng thời đi kèm với cái tôi khổng lồ và vụng về của người viết ra nó. Với độc giả Việt Nam - một nơi bị ám ảnh bởi post-modernism, ta cũng có thể nhanh miệng gọi ngay đấy là hậu hiện đại đi trước thời. Còn đâu cái kinh ngạc, cái cười phá lên được của đọc A Sentimental Journey nếu đi theo con đường ấy. Yorick không phải là Sterne, họ khác nhau đến mức chính cái khoảng cách giữa Sterne và Yorick mới là nền tảng của tiếng cười chứ không phải những hóm hỉnh vui nhộn lạc thời của anh giáo sĩ lập dị với một nước Pháp hoạt kê.
Đức Anh
PHỤ LỤC
VIRGINIA WOOLF VIẾT VỀ L. STERNE
Lời tựa bản in 1928 Oxford World’s Classics edition
Tristram Shandy, mặc dù là tiểu thuyết đầu tay của Sterne, nhưng được viết vào thời điểm nhiều nhà văn khác đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết thứ hai mươi của họ, tức là khi ông đã bốn mươi lăm tuổi. Nhưng tác phẩm lại mang mọi dấu hiệu của sự chín chắn. Không một nhà văn trẻ nào dám tự do phá vỡ các quy tắc về ngữ pháp, cú pháp, ý nghĩa, chuẩn mực và truyền thống lâu đời trong cách viết tiểu thuyết đến như vậy. Cần phải có một sự tự tin mạnh mẽ của tuổi trung niên và một sự thờ ơ trước những lời chỉ trích để dám mạo hiểm khiến giới trí thức phải sốc vì lối viết khác thường, và những kẻ bảo thủ khó chịu vì sự phi chuẩn mực trong đạo đức. Nhưng ông đã mạo hiểm, và thành công ngoài sức tưởng tượng. Tất cả những người uyên bác, khó tính đều bị quyến rũ. Sterne trở thành thần tượng của cả thành phố. Chỉ trong tiếng cười và tiếng vỗ tay vang dội chào đón cuốn sách, ta mới nghe thấy tiếng phản đối của những độc giả giản dị, cho rằng đó là một sự bê bối đến từ một giáo sĩ, và Tổng Giám mục York ít nhất cũng nên khiển trách ông. Có vẻ như Tổng Giám mục đã không làm gì. Nhưng Sterne, dù không thể hiện ra ngoài, đã để lời chỉ trích ấy chạm vào lòng mình. Trái tim đó đã chịu nhiều đau khổ kể từ khi Tristram Shandy được xuất bản. Eliza Draper, đối tượng của tình yêu say đắm của ông, đã lên tàu để tới Bombay đoàn tụ với chồng. Trong cuốn sách tiếp theo, Sterne quyết tâm thể hiện sự thay đổi đã đến với ông và chứng minh không chỉ sự sắc sảo của trí tuệ mà còn cả chiều sâu của cảm xúc. Nói theo lời của chính ông, "mục đích của tôi là dạy chúng ta yêu thế giới và đồng loại nhiều hơn những gì chúng ta đang làm". Chính với động lực ấy mà ông ngồi xuống viết câu chuyện về một chuyến du ngoạn nhỏ ở Pháp mà ông gọi là A Sentimental Journey (Cuộc hành trình cảm xúc).
Nhưng nếu Sterne có thể sửa đổi cách hành xử của mình, thì ông không thể nào thay đổi được phong cách viết. Phong cách đó đã trở thành một phần con người ông, như chiếc mũi to hay đôi mắt rực rỡ của ông vậy. Ngay từ những từ đầu tiên — Họ sắp xếp mọi chuyện tốt hơn ở Pháp, tôi nói — ta đã bước vào thế giới của Tristram Shandy. Đó là một thế giới mà bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Chúng ta hầu như không biết câu nói đùa nào, lời chế nhạo nào, hay tia chớp thơ ca nào sẽ không bất ngờ lóe lên từ khoảng trống mà ngòi bút linh hoạt đến kinh ngạc của ông đã cắt ra trong hàng rào rậm rạp của văn xuôi Anh. Liệu chính Sterne có trách nhiệm với điều đó không? Liệu ông có biết mình sẽ nói gì tiếp theo, dù đã quyết tâm cư xử “đúng mực” lần này? Những câu văn ngắt quãng, rời rạc vừa nhanh chóng vừa dường như khó kiểm soát chẳng khác gì những cụm từ thoát ra từ miệng của một người nói chuyện xuất chúng. Ngay cả cách ngắt câu cũng giống với lời nói hơn là văn viết, và mang theo âm thanh cùng những liên tưởng của giọng nói trong giao tiếp. Trật tự của các ý tưởng, sự đột ngột và thiếu liên kết của chúng, phản ánh đời thực nhiều hơn là văn chương. Có một sự riêng tư trong kiểu giao tiếp này, cho phép những điều thường bị xem là thiếu tế nhị trượt ra một cách tự nhiên, điều mà nếu nói trước công chúng có thể bị coi là khiếm nhã. Dưới ảnh hưởng của phong cách đặc biệt này, cuốn sách trở nên trong suốt một phần. Những nghi thức và quy ước thông thường, vốn giữ khoảng cách giữa người đọc và người viết, giờ biến mất. Chúng ta gần với đời sống hơn bao giờ hết.
Việc Sterne đạt được hiệu ứng (illusion) này chỉ thông qua sự khéo léo tột bậc và nỗ lực phi thường là điều hiển nhiên, không cần phải xem qua bản thảo của ông để chứng minh. Bởi lẽ, dù nhà văn luôn bị ám ảnh bởi niềm tin rằng, bằng cách nào đó, có thể gạt bỏ các nghi thức và quy ước của việc viết lách để nói chuyện trực tiếp với độc giả như thể đang trò chuyện, bất kỳ ai thử làm điều này đều hoặc bị câm lặng trước khó khăn, hoặc bị cuốn vào sự hỗn độn và lan man không thể diễn đạt. Thế nhưng Sterne bằng cách nào đó đã thực hiện được sự kết hợp đáng kinh ngạc này. Không có văn bản nào dường như thấm sâu hơn vào từng nếp gấp và ngóc ngách của tâm trí cá nhân, biểu đạt những tâm trạng thay đổi, đáp ứng mọi ý thích và cảm hứng nhỏ nhặt nhất của nó, nhưng kết quả vẫn hoàn toàn chính xác và trọn vẹn. Sự linh hoạt tột độ tồn tại song hành với sự bền vững tối cao. Như thể thủy triều cuộn qua bãi biển, chảy đi chảy lại, nhưng vẫn để lại mỗi gợn sóng và xoáy nước khắc sâu trên cát như bằng đá cẩm thạch.
Dĩ nhiên, không ai cần đến sự tự do để là chính mình hơn Sterne. Bởi trong khi có những nhà văn sở hữu tài năng vô ngã, đến mức một Tolstoy chẳng hạn, có thể tạo ra một nhân vật và để chúng ta tự mình trải nghiệm, thì Sterne luôn phải có mặt để đồng hành cùng chúng ta trong cuộc giao tiếp. Nếu loại bỏ hết những gì được gọi là chính Sterne khỏi A Sentimental Journey, thì gần như chẳng còn lại gì. Ông không mang lại thông tin có giá trị nào, cũng không truyền tải triết lý nào được lập luận chặt chẽ. Ông kể rằng mình rời London "vội vã đến mức chẳng hề nhớ rằng chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh với Pháp". Ông không có gì để nói về tranh ảnh, nhà thờ, hay sự khốn khổ hoặc hạnh phúc của vùng thôn quê. Dù thực sự đang du hành ở Pháp, con đường mà ông đi qua thường là trong tâm trí chính mình, và những cuộc phiêu lưu quan trọng nhất của ông không phải với bọn cướp hay vách núi cheo leo mà là với những cảm xúc trong trái tim mình.
Sự thay đổi về góc nhìn này tự thân nó đã là một sáng tạo táo bạo. Trước đây, người lữ hành thường tuân thủ những quy tắc nhất định về tỷ lệ và phối cảnh. Trong bất kỳ cuốn sách du ký nào, nhà thờ lớn luôn là một công trình đồ sộ, còn con người bên cạnh nó chỉ là một hình dáng nhỏ bé, đúng mực. Nhưng Sterne hoàn toàn có thể bỏ qua nhà thờ lớn. Một cô gái với chiếc ví satin màu xanh lá cây có thể quan trọng hơn cả Notre-Dame. Vì theo gợi ý của ông, không có hệ giá trị phổ quát nào cả. Một cô gái có thể thú vị hơn một nhà thờ; một con khỉ chết có thể mang tính giáo dục hơn một triết gia sống. Tất cả chỉ là vấn đề về quan điểm. Đôi mắt của Sterne được điều chỉnh theo cách mà những điều nhỏ bé thường chiếm vị trí lớn trong tầm nhìn của ông hơn là những điều vĩ đại. Cuộc trò chuyện của một thợ cạo về khóa cài tóc giả của anh ta tiết lộ cho ông nhiều hơn về tính cách của người Pháp so với sự khoa trương của các chính khách nước này.
"Tôi nghĩ rằng mình có thể thấy rõ những nét chính xác và đặc trưng của tính cách dân tộc hơn trong những chuyện vụn vặt nhảm nhí này, hơn là trong các vấn đề trọng đại của nhà nước; nơi mà những con người vĩ đại của mọi quốc gia đều nói năng và đi đứng giống nhau đến mức tôi không muốn bỏ ra chín xu để chọn giữa họ."
Vì vậy, nếu muốn nắm bắt bản chất của sự vật, như một người lữ hành cảm xúc nên làm, thì ta không nên tìm kiếm nó vào giữa trưa sáng sủa trên các con phố lớn và rộng, mà trong một góc khuất ít người để ý, ở lối đi tối tăm. Ta nên rèn luyện một loại tốc ký nào đó, để diễn đạt mọi biểu hiện thoáng qua của ánh mắt hay cử chỉ thành những từ ngữ rõ ràng. Đây là một nghệ thuật mà Sterne đã luyện tập trong thời gian dài.
"Phần tôi, nhờ thói quen lâu năm, tôi thực hiện điều này một cách máy móc đến mức khi đi trên các con phố ở London, tôi dịch mọi thứ trên đường đi; và không ít lần, tôi đứng phía sau một nhóm người, nơi chỉ ba lời đã được thốt ra, và mang về hơn hai mươi đoạn đối thoại khác nhau, mà tôi hoàn toàn có thể viết ra và thề rằng chúng chính xác."
Và như thế, Sterne chuyển mối quan tâm của chúng ta từ thế giới bên ngoài vào thế giới bên trong. Không ích gì khi tìm đến cuốn sách hướng dẫn; chúng ta phải tham khảo chính tâm trí mình; chỉ có nó mới có thể cho ta biết tầm quan trọng tương đối của một nhà thờ, một con lừa và một cô gái với chiếc ví satin màu xanh lá cây. Trong việc ưu tiên cho những ngõ ngách của tâm trí mình hơn là con đường rộng thênh thang của sách hướng dẫn, Sterne lại rất gần gũi với thời đại của chúng ta. Với sự quan tâm dành cho sự im lặng hơn là ngôn từ, Sterne chính là người đi trước của thời hiện đại. Và vì những lý do ấy, ông có mối giao kết thân mật hơn với chúng ta ngày nay so với những bậc vĩ nhân đương thời của ông, như Richardsons và Fieldings.
Tuy nhiên, vẫn có một sự khác biệt. Dù rất quan tâm đến tâm lý học, Sterne nhanh nhẹn hơn và kém sâu sắc hơn các bậc thầy của trường phái có phần “tĩnh tại” này sau này. Rốt cuộc, ông vẫn đang kể một câu chuyện, thực hiện một cuộc hành trình, dù phương pháp của ông tùy tiện và zigzag đến đâu. Dù có nhiều lần lạc hướng, chúng ta vẫn đi được quãng đường từ Calais đến Modena trong chỉ vài trang sách. Dù rất chú ý đến cách ông nhìn nhận sự vật, thì chính những sự vật ấy cũng khiến ông quan tâm sâu sắc. Lựa chọn của ông có phần ngẫu hứng và rất cá nhân, nhưng không một nhà hiện thực nào có thể thành công rực rỡ hơn trong việc truyền tải ấn tượng tức thời. A Sentimental Journey là một chuỗi chân dung — thầy tu, người phụ nữ, chàng Chevalier bán pâtés, cô gái trong tiệm sách, La Fleur trong chiếc quần mới của mình; — nó là một chuỗi cảnh tượng. Và dù những suy tưởng của tâm trí phiêu bạt này có zigzag như đường bay của một con chuồn chuồn, ta không thể phủ nhận rằng con chuồn chuồn này cũng có phương pháp trong chuyến bay của nó, và lựa chọn những bông hoa không phải ngẫu nhiên, mà vì một sự hài hòa tuyệt diệu nào đó hoặc một sự đối lập rực rỡ nào đó. Chúng ta cười, khóc, mỉa mai, cảm thông lần lượt. Chúng ta chuyển từ cảm xúc này sang cảm xúc đối lập trong nháy mắt. Sự gắn kết nhẹ nhàng này với hiện thực thông thường, sự lãng quên trình tự câu chuyện có trật tự, mang lại cho Sterne gần như sự tự do của một nhà thơ. […]
Có rất nhiều đoạn văn thơ thuần khiết như thế trong tác phẩm của Sterne. Người ta có thể cắt chúng ra và đọc riêng khỏi văn bản, và tuy vậy — bởi Sterne là bậc thầy của nghệ thuật tương phản — chúng vẫn nằm hài hòa cạnh nhau trên trang sách in. Sự tươi mới, linh hoạt và khả năng liên tục khiến ta ngạc nhiên và sững sờ của ông là kết quả của những sự tương phản ấy. Ông dẫn dắt chúng ta tới bờ vực của một vực thẳm sâu thẳm trong tâm hồn; chúng ta nắm bắt một ánh nhìn ngắn ngủi vào độ sâu của nó; và ngay khoảnh khắc sau, chúng ta bị xoay lại để nhìn vào những cánh đồng xanh tươi rực rỡ ở phía bên kia.
Nếu Sterne khiến chúng ta phiền lòng, thì đó lại vì một lý do khác. Và ở đây, một phần trách nhiệm ít nhiều nằm ở công chúng — công chúng đã từng bị sốc, từng kêu gào sau khi Tristram Shandy được xuất bản rằng tác giả là một kẻ hoài nghi đáng bị cách chức giáo sĩ. Thật không may, Sterne lại cho rằng cần phải đáp trả.
"Thế giới đã nghĩ [ông nói với Lord Shelburne] rằng vì tôi viết Tristram Shandy, nên tôi là người Shandean hơn thực tế rất nhiều… Nếu A Sentimental Journey không được coi là một cuốn sách đứng đắn, thì xin thương xót những ai đọc nó, vì chắc hẳn trí tưởng tượng của họ phải vô cùng mạnh mẽ!"
Do đó, trong A Sentimental Journey, chúng ta không bao giờ được phép quên rằng trên hết Sterne là một con người nhạy cảm, đồng cảm, và nhân văn; rằng ông vô cùng trân trọng những điều giản dị và thuần khiết trong trái tim con người. Nhưng một khi nhà văn cố gắng chứng minh bản thân là điều này hay điều kia, lòng nghi ngờ của chúng ta sẽ dấy lên. Bởi cái sự nhấn mạnh thêm một chút vào phẩm chất mà ông muốn chúng ta nhận thấy ở mình đã làm nó trở nên thô thiển và phô trương; thay vì sự hài hước, ta có trò khôi hài, và thay vì cảm xúc, ta có sự ủy mị. Ở đây, thay vì tin vào sự nhạy cảm trong trái tim của Sterne — điều không bao giờ bị nghi ngờ trong Tristram Shandy — ta lại bắt đầu nghi ngờ nó. Bởi ta cảm thấy rằng Sterne không nghĩ về sự việc bản thân nó, mà nghĩ về ấn tượng mà nó tạo ra trong lòng chúng ta. Những kẻ ăn xin tụ tập quanh ông, và ông cho người pauvre honteux (người nghèo mà tự trọng) nhiều hơn dự định. Nhưng tâm trí ông không chỉ tập trung vào những kẻ ăn xin; một phần tâm trí ông đang quan sát chúng ta, để đảm bảo rằng ta trân trọng lòng tốt của ông. Vì vậy, kết luận của ông, “và tôi nghĩ anh ta đã cảm ơn tôi hơn tất cả những người còn lại”, được đặt ở cuối chương để nhấn mạnh thêm, khiến ta ngấy ngán bởi cái ngọt ngào như giọt đường tinh khiết còn đọng lại dưới đáy cốc. Thật vậy, lỗi lớn nhất của A Sentimental Journey xuất phát từ sự quan tâm của Sterne đến cách chúng ta đánh giá trái tim của ông. Tác phẩm có một sự đơn điệu nhất định, bất chấp sự rực rỡ của nó, như thể tác giả đã kìm hãm sự đa dạng và sống động tự nhiên trong sở thích của mình, vì sợ chúng có thể gây phật ý. Tâm trạng được kìm nén lại trong một sắc thái quá đều đặn — quá tử tế, dịu dàng, và giàu lòng trắc ẩn đến mức không còn tự nhiên. Người ta cảm thấy thiếu đi sự đa dạng, sự sôi nổi và cả sự thô tục của Tristram Shandy. Sự quan tâm của ông dành cho sự nhạy cảm đã làm cùn đi sự sắc bén tự nhiên của ông, và ta bị buộc phải chiêm ngưỡng quá lâu sự khiêm nhường, giản dị và đức hạnh đứng yên bất động đến mức không còn gì để nhìn.
Nhưng điều đáng nói là sự thay đổi trong thị hiếu của chúng ta: điều khiến chúng ta khó chịu là sự ủy mị của Sterne chứ không phải sự vô đạo đức của ông. Trong mắt thế kỷ 19, mọi điều Sterne viết đều bị che mờ bởi hành vi của ông với tư cách là một người chồng và người tình. Thackeray đã giận dữ chỉ trích ông và tuyên bố rằng, “Không có một trang viết nào của Sterne mà không chứa điều gì đó nên được loại bỏ, một sự thối nát tiềm ẩn — một gợi ý về sự hiện diện không trong sạch.” Nhưng đối với chúng ta ngày nay, sự ngạo mạn của các tiểu thuyết gia thời Victoria dường như cũng đáng trách chẳng kém gì những chuyện bội bạc của một giáo sĩ thế kỷ 18. Nếu người Victoria lên án sự dối trá và lố bịch của ông, thì lòng can đảm biến mọi khó khăn của cuộc sống thành tiếng cười và sự rực rỡ trong cách thể hiện của ông lại nổi bật rõ ràng hơn bây giờ.
Thật vậy, A Sentimental Journey, dù mang đầy tính vui nhộn và dí dỏm, vẫn dựa trên một nền tảng triết học nhất định. Đúng là đó là một triết lý từng lỗi thời trong thời Victoria — triết lý về niềm vui; triết lý cho rằng việc cư xử tốt trong những điều nhỏ nhặt cũng cần thiết như trong những điều lớn lao, và rằng việc tận hưởng cuộc sống, kể cả của người khác, đáng mơ ước hơn là sự khổ đau của họ. Người đàn ông “đáng xấu hổ” ấy đã dám thú nhận rằng ông “đã yêu hết nàng công chúa này đến nàng công chúa khác gần như cả đời mình”, và còn thêm, “và tôi hy vọng sẽ tiếp tục như vậy cho đến khi chết, bởi tôi tin chắc rằng nếu tôi có làm một hành động đê tiện nào đó, thì chắc hẳn nó chỉ xảy ra trong khoảng ngắt quãng giữa hai đam mê mà thôi.” Kẻ trụy lạc ấy còn táo bạo thốt qua miệng một nhân vật của mình, “Mais vive la joie… Vive l’amour! et vive la bagatelle!” (Hãy sống vì niềm vui… vì tình yêu! và vì những điều vụn vặt!). Là một giáo sĩ, ông đã dám cả gan nhận xét, khi nhìn những người nông dân Pháp đang khiêu vũ, rằng ông có thể nhận ra một sự thăng hoa trong tâm hồn, khác với niềm vui đơn thuần: “Tóm lại, tôi nghĩ mình đã nhìn thấy tôn giáo hòa lẫn trong điệu nhảy.”
Thật táo bạo khi một giáo sĩ nhận ra mối liên hệ giữa tôn giáo và niềm vui. Tuy nhiên, có thể biện hộ cho ông rằng, trong trường hợp của mình, “tôn giáo của hạnh phúc” đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Nếu bạn không còn trẻ, nếu bạn đang nợ nần chồng chất, nếu vợ bạn cáu kỉnh, nếu khi bạn rong ruổi khắp nước Pháp trong chiếc xe thuê, bạn đang chết dần vì bệnh lao, thì việc theo đuổi hạnh phúc quả không dễ dàng chút nào. Dù vậy, con người vẫn phải theo đuổi nó. Ta phải nhảy múa quanh thế giới, vui đùa, tán tỉnh ở đây một chút, bố thí ở kia một chút, và ngồi lại trong bất cứ mảnh nắng ấm nào ta có thể tìm thấy. Ta phải đùa một câu, dù câu đùa ấy không hoàn toàn đứng đắn. Dù trong cuộc sống hàng ngày, ta cũng không được quên thốt lên, “Hoan hô những cử chỉ nhỏ nhặt, ngọt ngào của cuộc sống, vì chính chúng làm cho con đường đời trở nên êm ái!” Ta phải — nhưng thôi đủ rồi với chữ “phải”; đó không phải là từ mà Sterne ưa dùng. Chỉ khi ta gác cuốn sách sang một bên và nhớ lại sự cân đối, niềm vui, niềm hân hoan hết mình trước mọi khía cạnh của cuộc sống, và sự dễ dàng, rực rỡ với cách mà chúng được truyền tải đến ta, ta mới tin tưởng rằng nhà văn này có một niềm tin vững chắc làm điểm tựa. Liệu “kẻ hèn nhát” của Thackeray — người đã đùa cợt với bao nhiêu phụ nữ một cách vô đạo đức và viết thư tình trên giấy viền vàng khi đáng lẽ phải nằm trên giường bệnh hoặc viết bài giảng — liệu ông ấy không phải một kẻ khắc kỷ theo cách riêng của mình, một nhà đạo đức, và một người thầy hay sao? Suy cho cùng, hầu hết các nhà văn vĩ đại đều như vậy. Và rằng Sterne là một nhà văn vô cùng vĩ đại, điều đó chúng ta không thể nghi ngờ.
Phương Lan chuyển ngữ
Laurence Sterne (1928). A sentimental journey through France and Italy (Oxford World’s Classics ed., p. VI). Oxford University Press.