Hà Thuỷ Nguyên: Hai mươi năm
Một cuộc trở lại? Nhưng không, đó là một nhân vật chưa bao giờ hết sức nổi bật, nhưng đã đi được hẳn một con đường có tính cách sứ mệnh
Năm 2008 là năm nở rộ của phim truyền hình Việt Nam, ít nhất thì là vì người ta không còn thấy những chủ đề lặp đi lặp lại của giai đoạn mở cửa; cốt truyện lắt léo hơn, có tình tiền gắt gỏng và những cảnh quay gay cấn… Ta cũng có các bản ballad với phần hoà âm da diết violon theo kiểu Hallyu những năm 2000.
Tuy nhiên, cũng năm đó, có một thứ còn thú vị hơn nhiều: một bộ phim nói về các nhà văn trẻ Việt Nam, chiếu đều đặn khung giờ vàng. Ấy là Vòng Nguyệt Quế, xem cảnh toạ đàm viết văn trẻ ở đây, không ít điều thú vị… những chuyện mà đến tận bây giờ báo chí vẫn còn bàn.
Và người đã đưa đề tài mà có lẽ xã hội không mấy quan tâm ấy vào phim, là biên kịch Hà Thuỷ Nguyên.
Tôi đã nghe tiếng nhà văn Hà Thuỷ Nguyên rất nhiều khi sinh hoạt ở những quán cafe tuổi trẻ lạc lối một thời những năm 2010, lúc Internet bắt đầu trở nên quan trọng và trào lưu nhạc Trịnh - phòng trà trở lại; giới trẻ nổi loạn không còn bằng cách đá chân chống xuống mặt đường, mà giờ đây là hút thuốc cùng bọn con gái ở những nơi có đàn Classic đang chơi điệu Slow Rock. Hà Thuỷ Nguyên là một nét chói lên trong Hà Nội êm dịu của một thời, hình ảnh một người đàn bà trẻ tuổi, nhưng cương nghị, luôn phản biện và đề cao việc đọc hơn tất thảy. Bằng cách nào đó vừa gây cảm thông nhưng cũng vừa làm khó chịu cho không ít người, nhưng chắc chắn tạo ra một tinh thần, một kiểu tinh thần gây được ảnh hưởng không nhỏ đến một số bạn bè của tôi, nhất là các cô gái.
Tuổi trẻ, tôi không thuộc những người thích kiểu của nhà văn Hà Thuỷ Nguyên, thậm chí từng viết blog phản luận, nhưng cũng không có hiềm khích gì. Hai mươi năm, Hà Thuỷ Nguyên đã sống đúng như cái hoài bão ban đầu, với Book Hunter - ban đầu là một CLB đọc sách, có lẽ là một người dành cho những việc như vậy. Không ngờ sau nhiều năm chúng tôi mới gặp nhau, Hà Thuỷ Nguyên dịu dàng hơn nhiều, nhưng vẫn cương nghị. Có lẽ cương nghị thì không nhất thiết phải dữ dội: ta vẫn có thể phẩy quạt, và vẫn có thể cầm kiếm. Chúng tôi trở thành những người bạn mới.
Ở Book Hunter, với tư cách một đơn vị xuất bản, cũng là nơi lấy việc đọc, làm trung tâm của tinh thần, đó là điều rất đáng trân trọng.
Cầm Thư Quán là một trong hai cuốn sách đầu tay của Hà Thuỷ Nguyên: ta thấy có nhân vật Lê Thánh Tông, cùng hai chị em Ngọc Cầm và Ngọc Thư - đại diện cho giấc mộng nghệ thuật và thực tế khắc nghiệt của đời sống. Năm 2007, cuốn sách từng được in, sau đó thu hồi, nhưng nó đã làm được việc quan trọng là mở ra một thời kỳ mới của một thế hệ người viết mới. Một thế hệ mà viết văn vẫn là chuyện quá khó, nhưng biết sao được.
Ghi hình cuộc trò chuyện xoay quanh sự trở lại của tiểu thuyết Cầm Thư Quán
Về Nhà văn - dịch giả Hà Thủy Nguyên sinh năm 1986. Cô là founder của công ty Book Hunter. Năm 18 tuổi, cô gây xôn xao văn đàn khi ra mắt cuốn tiểu thuyết dã sử Điệu nhạc trần gian (NXB Phụ nữ, năm 2004); “Cầm thư quán (2007). Gần đây, cô tiếp tục ghi dấu ấn với các tác phẩm Thiên mã (tiểu thuyết khoa học viễn tưởng), Bên kia cánh cửa (tập truyện ngắn huyền ảo), Mùa dã cổ (tập thơ), Thiên địa phong trần (tiểu thuyết).