Lịch sử cơ thể: Sự thống trị của nam giới
Sách liên quan trong bài này: Sự thống trị của Nam Giới (Pierre Bordieu, Lê Hồng Sâm chuyển ngữ, NXB Tri Thức 2016)
Rất lâu rồi từ cuốn Tri Thức Khách Quan (K. Popper), Những Huyền Thoại (Barthes), Kafka – vì một nền văn học thiểu số (Gilles và Deleuze) và Sự kiến tạo xã hội về thực tại (Peter L . Berger) mới đọc được một cuốn hay. Cuốn này:
Về nội dung cuốn sách, xin đọc tóm tắt của Dịch giả Lê Hồng Sâm tôi nghĩ là đủ rõ ràng và thông thái. Trong entry này sẽ không nhắc lại các nội dung này.
Sự thống trị của Nam giới được in trước bốn cuốn nêu trên. Nhưng sự ra mắt của nó thầm lặng, hình như chỉ có một buổi hội thảo, mà tôi đã đọc report rồi: chắc chắn là quẩn quanh trong thuyết nữ quyền (Ta hãy xem một điểm báo về cuốn này, chẳng hạn: Trạm Đọc). Cuốn sách của Pierre Bordieu này rơi đúng vào thời kỳ thịnh hành của Nữ quyền luận cùng với “Diễn ngôn giới và tính dục trong cuộc sống muôn màu”. Đáng tiếc nhất là lại đọc quyển này sau cùng, tuy nó có đủ các lý thuyết ở ba trong bốn cuốn trên: Huyền thoại học của Barthes, Lý thuyết thiểu số của Deleuze, Lý thuyệt sự kiến tạo xã hội của Berger. Nhưng sự diễn giải của Bordieu, đi theo cấu trúc diễn dịch, là rõ ràng và dễ chịu hơn trước khi tiếp cận các lý thuyết đồ sộ đã nêu. Tuy nhiên tầm ảnh hưởng của “Sự thống trị của nam giới” là rất ít, dường như chỉ ở trong cái ao tù của Nữ quyền luận, ngược lại thì các cuốn kia cung cấp một khả năng khai thác vô tận (nhất là với những kẻ săn lý thuyết để chơi trò chơi khoa học).
Sở dĩ tôi cứ luôn mồm đặt sách của Bordieu này với các cuốn sách dày cộp và to tát từ Popper hay Berger bởi nó có tầm quan trọng xứng đáng. Bất kể một cuốn sách nào, trong lĩnh vực nhỏ đến đâu, chạm đến hố thẳm của tư duy – những cuốn sách mà dám đưa tay ra để đặt lại câu hỏi nền tảng vốn chìm khuất trong kinh nghiệm sáo mòn (Experience Doxique – chữ của Husserl) đều xứng đáng một cái nhìn yêu thương.
Và hơn nữa, suốt một thời gian dài tôi ngụp trong mớ chữ vô cùng trừu tượng và phức tạp của ngành xã hội học. Những câu chữ tối tăm, nghe như một lời gian dối, hoặc những thứ phức tạp được diễn đạt thông minh để trở nên dễ hiểu thông thái, không những khai sáng được bất cứ cái đầu nào ngược lại, tăng sự tự mãn khoa học, làm phát phì thêm trò chơi hậu hiện đại, thế mà các nghiên cứu theo kiểu tiền giả định rồi lấy ví dụ minh họa cứ sản xuất ầm ầm.
Đứng giữa không gian trật trội của Nữ quyền Luận (mà chính trong quyển này, bạn tinh ý sẽ thấy Bordieu có ý giễu cợt Jeanne Favret Saada), Bordieu chọn một vị thế khác: phía sau. Ông mang lại, trước hết, một cái nhìn về cái nhìn: phá giải nền tảng của nữ quyền luận, đặt lại một câu hỏi cơ bản. Hầu hết, cái nhìn bình dân về nữ quyền luận xuất phát điểm từ việc đả phá quan niệm cố hữu về ưu thế của cơ thể đàn ông. Dương tính, dương vật, sức khỏe, sự cao lớn, việc không phải mất máu và sinh nở - tất thảy sự tự nhiên sẵn có của nó là điểm đầu tiên để con trai vươn lên so với con gái. Nhưng với Bordieu, đó là một tư duy sai lầm. Giới tính là cái có sau: sự áp đặt của nam giới có trước rồi sau đó những thứ ở trên được kiến tạo để biện minh.
ĐIều này thấy ở Mind Map dưới đây:
Nghĩa là: những ưu thế sinh học đại diện cho tính mạnh mẽ của nam giới, cái nhân sinh quan nam / nữ = dương / âm = cao / thấp = mạnh / yếu = trên / dưới… là kết quả của một quá trình áp đặt, được che giấu một cách hết sức tự nhiên. Cơ thể không phải là cái gốc, nó là cái để biện minh. Đây là sự đảo ngược nguyên nhân và kết quả, “biến các quan hệ thống trị mang tính xã hội thành mang tính cơ thể”.
Và kết quả như thế nào, nữ quyền luận đã nói quá nhiều: cơ thể phụ nữ trở thành như ngày nay, chịu sự phục tùng, yếm thế, coi sự dịu dàng, khép nép và “dựa vào bờ vai đàn ông” là một đức hạnh.
“Cơ thể hóa” và lịch sử của sự thống trị
Như thế, tồn tại một sự kiến tạo xã hội về cơ thể. Khi cho sinh học ra rìa thì khái niệm Cơ thể hóa (Sematis) trở thành trung tâm. Những gì biện minh cho giới tính được quy về cơ thể: cái được tri giác, cái lồ lộ, trực quan, sống động như một bằng chứng quyết định. Cuộc dẫn độ tư duy về với cơ thể, cái trò chơi này, được kiến tạo đủ lâu để in sâu vào tư duy, phổ biến trong văn hóa. Và sau đó, toàn bộ cơ cấu văn hóa và xã hội xoay quanh cái trục của nam tính. Người ta không có những từ ngữ chính thức miêu tả các bộ phận của phụ nữ từ trước thế kỷ XV. (Để cho dễ hiểu, tuy hơi nôm na quá, nếu ở thế kỷ X trước công nguyên, loài Homosapiens khốn khổ này bị cai trị bởi nữ giới, thì ở thế kỷ XX, tóc ngắn là sự ngu xuẩn lớn nhất). Nó đủ phồn tạp để cải biến nhiều thế hệ: người ta không sẵn là phụ nữ, người ta trở thành phụ nữ. Loài người trở thành đàn ông và đàn bà. Có một lịch sử về sự trở thành đó.
Lịch sử này sau đó đương nhiên được giải trừ, hợp thức hóa trở thành cái lẽ tự nhiên. Khi đó, một xã hội vận hành dựa trên quyền lực đàn ông đã được kiến tạo vững chắc, đủ phức tạp để che lấp cái lõi đích thực của nó: những giá trị được xếp lên thang đo từ gốc tọa độ là con mắt đàn ông. Những người tình được ban ơn về vẻ đẹp mà đàn ông quy định cho phụ nữ (tóc, dáng, môi, mặt), xuất hiện mọi nơi, trong những tác phẩm mà thậm chí nhân loại chúng ta ưa thích nhất. (nhưng liệu có con số nào chứng minh rằng phụ nữ, một nửa thế giới, cũng mê “Phía nhà Swann” của Proust hay “Đồi gió hú” của E.B? Các giải nobel sẽ khác đi nếu thế giới này cân bằng về quyền lực giới tiính? Ngôn tình sẽ lênn ngôi?). Như tác phẩm đã nói, khi đàn ông nói về phụ nữ, họ nói về những quy chuẩn chung chung như mông, ngực, khuôn mặt. Ngược lại, phụ nữ luôn nói về đàn ông với tiểu tiết. Vì vẻ đẹp giới tính của đàn ông không được (bị) áp đặt, còn phụ nữ thì đã bị chìm lẫn vào thế giới nhỏ bé của phụ nữ, bị co lại một cách thô bạo thành các quy chuẩn chung. Một người đàn ông trí tuệ nếu như hiểu được thế giới, một người phụ nữ trí tuệ khi hiểu được người đàn ông của họ. (Còn nếu phụ nữ tiến đến một địa vị cao, họ lập tức thành hiện tượng lạ lùng).
ĐIỀU ĐƯỢC GỢI Ý 1: Đàn ông hay không đàn ông: Vị trí của đồng tính nam
Sách không đề cập nhưng ta có thể phát triển ý tưởng từ đây: Sự áp đặt của đàn ông đương nhiên lên cả đối tượng đồng tính. (và ngoài ra, sẽ còn nhiều sự áp đặt khác quyển sách không nói đến, mà ta có thể được gợi ý từ đó, tôi nghĩ đến chẳng hạn: sự áp đặt theo lứa tuổi, nơi mà thế giới của người lớn được chọn llàm điểm nhìn so với trẻ con). Ở đây thì đồng tính nam chịu đựng nhiều hơn đồng tính nữ. Những người đồng tính nữ dẫu sao chỉ thu hút về mặt thông tin, với sự tò mò, xen lẫn khoan khoái của đàn ông nếu thấy cảnh làm tình của những cô gái. Bởi đàn ông đã sẵn cái nhìn rằng phụ nữ là kẻ bị khuất phục: họ không chinh phục khoái cảm, họ phục tùng khoái cảm. (Đó là lý do vì sao đề tài phụ nữ dâm đãng, hoặc thủ dâm, luôn gây hứng thú, hơn là đàn ông, điều cho thấy họ đầu hàng trước ham muốn và đang cần được đàn ông ban phát). Ngược lại, người đồng tính nam khổ đau hơn nhiều (có lẽ); họ mang sẵn một giới tính chưa bị cơ thể hóa (semantis), họ là một sự sỉ nhục với thân thể đàn ông bởi họ mang trong mình “tâm hồn phụ nữ” vốn đã bị quy định thành cái thấp kém. Sự ghê rợn này thực ra chưa bao giờ diễn ra ở phụ nữ, và tôi cảm thấy, phụ nữ tỏ ra bình thường và dân chủ trong giới tính hơn đàn ông rất nhiều: hai người đồng tính nam có thể khiến cho phụ nữ thấy hứng thú, vì họ được ban tặng vị trí thưởng thức, đồng tính nữ cũng ok, chỉ hơi lạ và hiếm. (Người ta còn cho rằng bất cứ phụ nữ nào cũng có thể trở thành đồng tính nữ nếu gặp điều kiện. Còn giữa đàn ông và gay khoảng cách đã là quá lớn, do xã hội và lịch sử đàn ông tạo ra).
Trong một thế giới xoay quanh điểm nhìn của nam tính, đồng tính nam ngày nay không còn không gian để xoay trở. Họ lạc loài, cô lập và che giấu, không phải vì bị kẻ khác kỳ thị, mà chủ yếu là vì họ sống trong thế giới mà phải mượn vay các giá trị từ hai giới tính đã được “cơ thể hóa” là đàn ông và phụ nữ. Những giá trị tiếp theo của họ đang dần được kiến tạo: nhưng là do đàn ông kiến tạo, bao gồm sự thông cảm, chống lại kỳ thị. Thực tế, cũng chỉ là một kiểu của sự khu biệt mà thôi.
Và tôi nghĩ rằng tuy không có sự liên quan nhưng đối thủ và “kẻ thù” mà người đồng tính sẽ ý thức được là phụ nữ. Để có được chỗ đứng, họ cần tránh bị đẩy về phía phụ nữ, xu hướng mà kiểu gì cũng diễn ra bởi trong thế giới phụ quyền, chỉ có hai loại mà thôi: Đàn ông và Không phải đàn ông.
ĐIỀU ĐƯỢC GỢI Ý 2: Phái tính của văn hóa
Cái tiếp theo thôi nghĩ đến từ quyển sách này, và một vài cuốn tương tự, mà tôi cũng đã nghĩ đến rất lâu rồi là giới tính của văn hóa. Thực ra tôi cũng đã đọc một hai cuốn của Baudrillard có đề cập đến cái đó, rất rõ nhưng ngắn. Đương nhiên, thế giới quan được kiến taoj bằng phân biệt giới tính, sẽ có những khu vực văn hóa dành riêng cho từng giới. Không lý luận nhiều, tôi có thể tạm lấy cái mà tất cả đều quan sát được:
- Phụ nữ thích ngôn tình. Nơi cung cấp một nguồn diễn ngôn vô tận về tình yêu, rất giàu tính biện luận giúp tìm ra một vị trí đứng trong thứ tình yêu bay nhảy đáng ghét của đàn ông (Người ta có thương mình đâu, chẳng hạn). (Ở đây là điểm khác biệt rõ ràng giữa ngôn tình và diễm tình chung chung)
- Đàn ông thích những cuốn sách, ban nhạc vĩ đại, lãng mạn, có tư tưởng. Một dạng quyền lực. (Và nhân vật nữ nào trong âm nhạc lãng mạn cũng đẹp chung chung vậy)
- Đồng tính thì không rõ, nhưng một số quan sát cho thấy họ thích cái phi giới tính, chẳng hạn nghệ thuật hàn lâm, hoặc văn hóa mang hơi hướng thiền, hư vô chủ nghĩa. Những thứ “cao cả” hơn tình yêu (thật ra là cao cả hơn tình yêu nam nữ dị giới thôi, và từ đây họ tìm thấy chỗ đứng hợp thức của mình).
Nếu rõ ràng là thế giới được kiến tạo từ đàn ông thì các hệ giá trị về cái hay, đẹp của một văn hóa nào đó sẽ được xem xét lại. Ngày nay, âm nhạc của ngôn tình đang chiếm lĩnh văn hóa đại chúng. Chưa bao giờ, nhạc Việt Nam lại nữ tính đến như thế. Lời nhạc ngày nay không phải là cành cây hoa lá, những tay măng, tóc dài được thi vị hóa trong cái nhìn đàn ông cũng không phải những nỗi nhớ về một người thương xa xôi không rõ hình bóng và tên tuổi, để thỏa mãn một nam tính; mà là những biện luận đích xác về tình yêu: chúng ta là ai trong mối quan hệ này, sự thương nhớ đáng giá bao nhiêu và đã đến lúc giữ hay bỏ mối tình đang có. (Bolero, nếu không vì cái luyến láy hấp dẫn của nó, thì rất ít bài chiếm được cảm tình phụ nữ, vì có ít diễn ngôn đứng về giới nữ). Nếu tìm bình đẳng giới ở đâu, thì chính từ những bài hát triệu view đang được mở suốt ngày ở cafe, những bài hát mà thế hệ 7x không hiểu nổi và quy nó về nhạc trẻ, nhưng thực sự là một thứ âm nhạc mà thời trước chưa bao giờ có, hoặc hiếm, thứ yếu.
Còn đồng tính nam thì thú vị lắm. Thứ âm nhạc sách vở mà họ lựa chọn là gì? Chả lẽ họ cứ đứng mãi ở chỗ “tao không phải bọn kia, cái bọn ‘anh anh em em’ đó” mà không tìm thấy một mảnh đất để nhấm nháp thú vui được trời ban tặng? (Trong phim Call me by your name, một cái phim mà tôi không thích, có câu rất hay của ông bố: Thân thể này được ban tặng cho chúng ta). Đúng rồi, nó được ban tặng chứ không phải được kiến tạo bởi lịch sử. Nhưng vấn đề là bóc được cái lớp văn hóa quá dày đo bằng thiên niên kỷ đã phủ lên thân thể này, thì cuốn sách này đủ đơn giản, vừa tầm để người đọc bình dân xơi được (không phải bọn ăn cắp lý thuyết rồi minh họa). Và mấy câu trên, sẽ hẹn ở một entry khác mà Blog này sẽ hân hạnh chỉ ra một vài thứ vui vẻ hơn.