Ma Quỷ Việt Nam và tôi
Cần phải tỉa một vài nét nhìn thật chính xác cho quyển sách này.
Trước hết: chữ nghĩa thì có linh, nếu đi đến cùng của câu này, thì giống như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói: chữ nghĩa nó có ma. Cái đặc sắc là dường như chỉ có người Việt mới ám ảnh về chữ nghĩa đến như vậy, đến nỗi tin một chữ bất kỳ cũng có thể run rủi cả một đời người, một dòng họ. Đến nỗi nếu ta không cư xử với ngôn ngữ tiếng Việt một cách ngay ngắn, thì chỉ có thể sống được cùng lắm là một cuộc đời lặt vặt vớ vẩn của một đứa nhãi con. Mô men động lực của chữ đã kiến tạo nên cả một lớp người ở Việt Nam, nhưng lại khác bản chất với tầng lớp sĩ phu của Tống Nho. Gần như rất khó viết văn hay ở Việt Nam nếu không đụng đến những thứ ấy. Văn chương có lẽ là âm bản của tâm linh, tức là lật ngược lên là thấy. Xét như vậy thì ta mới có một bộ ba dựng lên một đời đúng đắn: đời sống vật chất, đời sống tâm linh và đời sống văn chương. Còn đời sống tinh thần ấy à, vốn nó chỉ là biến tướng của đời sống vật chất, hay nói cách khác là một cụm từ rất có tính cách xỏ xiên, lừa đảo.
Văn chương thậm chí còn chi viện cho tâm linh nhiều thứ bởi nó còn có những khoảng rộng hơn cả tâm linh: nhờ văn tự mà tâm linh có được một hình hài.
Dưới đây là quyển sách Ma quỷ dân gian ký gồm 2 tập, do hoạ sĩ Duy Văn sưu tầm các câu chuyện ma quái dân gian, vẽ hình minh hoạ. Nét vẽ kiểu doodle pha lẫn một chút với tranh dân gian hàng Trống, màu sắc rực rỡ kì khôi.
Với tôi, tất nhiên là một cuốn sách có nhiều kỷ niệm trong đời làm xuất bản, cùng với Arsene Lupin và Cuốn theo chiều gió. Không những nó là hiện tượng xuất bản của một thời năng lực đọc sách của xã hội ta tưởng đi lên mà đi xuống, mà còn mở ra nhiều điều. Thật ra đa phần các truyện ma quỷ, chí quái ở Việt Nam đã xuất hiện cả ngàn năm, cũng đã được tổng hợp, chẳng hạn Toan Ánh… nhưng lại không tránh được tính chất Bồ Tùng Linh, về cơ bản là những truyện truyền kì giải trí của một lớp nho học bất mãn và một nền văn học thương mại phát triển cùng với năng lực in ấn. Còn truyện lấy trực tiếp, nhiều khi ngẫu hứng từ dân gian đương đại thì lại khác, cần có một cuốn sách với động tác lưu nó vào.
Rất nhiều người đã đọc nhưng không thấy ai nhìn nhận được chính xác về quyển này.
Trước hết, nhờ nó mới thấy, ma quỷ có một khuôn mặt riêng. Tức là rất có thể, chúng ta sẽ không đem theo nốt cả diện mạo của mình sau khi cái cơ thể của ta đã xong việc, khác với những suy nghĩ về linh hồn người đã khuất sẽ hiện về với thậm chí đầy đủ cả quần áo, nhưng vốn chỉ là tái tạo trong mộng. Khi chết, ta hoá thân, rất giống và thậm chí chính xác là G. Samsa biến thành con bọ trong truyện của Kafka, những câu chuyện lớn nhất trong cuộc đời ta được nhặt để tái tạo trong một câu chuyện khác. Khi ta trở về thế giới thực tại, ta không còn là con người của lúc trước nữa, không còn cá biệt mà trở nên một hình hài có tính cách truyền thừa từ khối tiềm thức lớn của cộng đồng. Ta không còn thấy cha mẹ mình thân thuộc và dưới chân ta, nếu vén tóc lên thì rất có thể là bộ ruột dài lòng thòng. Một nỗi cô đơn và phi lý vô hạn của đời quỷ đang chờ ngay trước mắt, sau cuộc sống này.
Một cuốn sách về ma thì lại không ma, nó đóng góp một phần hoà âm nền cho văn học. Điều đáng kể nhất là phải giữ nguyên cái chữ không được lọt ra phần hồn nào, cái này khó không kém đi trên dây, nếu không rất nguy hiểm, quyển sách sẽ không còn là chính nó nếu nó bắt đầu kể chuyện. Nó phải tránh xa văn chương vì nó xuất phát từ tranh vẽ. Thời điểm ra đời không hề dễ dàng chút nào, nó từng bị một NXB từ chối, và một NXB khác từ chối khéo. Cho đến khi có một BTV lão làng nhìn nhận đúng giá trị của nó, nhà biên tập này đồng thời có chức trách trong một Hội đồng Văn học Thiếu nhi, chắc là phải nhờ một tâm hồn như vậy mới có thể hiểu được tính cách dân gian.
Từ khi xuất hiện, tranh của Duy Văn đã tạo ra cơn sốt lên toàn thế hệ. Vì có một điều đúng đắn ở đây: nét vẽ Việt Nam hoàn toàn đối lập với nét vẽ Trung Hoa, ở chỗ, cái cảm giác ngây ngô. Vậy mà không tài nào các sách minh hoạ Việt Nam làm được, nhiều quyển đã thành một Nhật Bản rởm và Trung Hoa fake. Tranh vẽ này cũng góp lên một phần thành công cho nhiều quyển sách, thậm chí bản chuyển thể phim nữa, đó là trường hợp Tết ở Làng Địa Ngục
Một lời tựa của TS Hà Thanh Vân, người xuất hiện ngay sau vụ việc của phim Đất Rừng Phương Nam. Tôi mời chị Hà Thanh Vân vì đó là người duy nhất có thể hợp lý - với toàn bộ tinh thần - để viết tựa cho một quyển sách như thế này:
Trở lại với văn chương, trong “Lắng nghe gió hát” của Haruki Murakami, từ những câu văn đầu tiên của ông được xuất bản trong đời, ta thấy có một trích dẫn của Derek Hartfield: “Viết văn không khác gì việc xác định khoảng cách giữa bản thân với mọi điều quanh mình. Do đó, điều cần thiết không phải cảm xúc mà là thước đo”. Điều này đã mách bảo đúng đường cho Murakami và thực ra nếu nói không quá, nó là một phần lớn bản chất của viết văn. Văn chương không phải là lại gần mà là tạo ra những cự ly để ngắm thực tại. Nên làm gì có chuyện văn chương phản ánh cuộc đời, hay là ánh trăng ánh sao gì đó, đấy là vu khống.
Nếu nói cho đến cùng với cái ý hệ đấy, thì tất cả văn chương đều phải có tính chất kinh dị. Vì kinh dị chứa đựng những khoảng cách để nhìn thấy tính cách xa lạ của thực tại (trước đây lý luận văn học hay có cụm từ “lạ hoá”), nhưng nhờ như thế mới thấy bản chất của tồn tại bắt đầu khai mở. Không nên thấy quá lạ lùng khi Lovecraft hay Edgar Poe là những người vĩ đại nhất của lịch sử, và ngay ở Việt Nam, những tầm vóc quá cỡ và quá sức chịu đựng như Nguyễn Tuân cũng đã phải kéo nét kinh dị vào.
Nhưng sao bài viết này là có chữ “và tôi”. Chắc chắn không phải là do tôi đã tổ chức bản thảo bộ sách đó, kèm với đám quà tặng nhìn chung là chỉ để cho vui.
Ngày còn nhỏ, ông ngoại tôi thường tìm cách kiếm cho tôi một cái bàn học tử tế. Để làm đèn học, ông tôi buộc chao đèn từ trần nhà, toả xuống bàn theo chiều thẳng đứng. Tôi phải cố sức giữ cho bóng không che vào chữ. Chao đèn lay động không theo một chiều nào, khoảnh khắc tôi nhìn thấy bóng tôi in trên chân bàn học đung đưa muốn thoát khỏi trói buộc vào cái thằng người, đó là khoảnh khắc văn chương và khoảnh khắc tâm linh đầu tiên của cuộc đời tôi, và là duy nhất. Sau này, tôi không còn tìm thấy một ngọn đèn nào choàng được cái ánh sáng hào hiệp của nó lên được cả những gì tôi viết, và cùng lúc, cả con người tôi.
Đức Anh