Mai Thảo: Một tinh cầu
“Bằng cách định giá của riêng anh, Mai Thảo liệt vào hàng "ngoại đạo" tất cả những người (theo anh nghĩ) không xem văn chương là lẽ sống duy nhất trong đời, những người đầu tư tâm lực của mình vào một
Đọc Mai Thảo, nghĩa là ngồi trước thu phong của tiếng Việt lồng lộng. Là một nhà văn vừa được yêu mến cuồng nhiệt, lại vừa bị chê bai thậm tệ, Mai Thảo tưởng như luôn đứng ở vị trí chính giữa những thái cực: giữa viễn mơ và dấn thân, giữa chán chường cực độ và sống đời nồng nhiệt, giữa tình ái thị trường và đích thực duy mỹ, giữa màu mè và tinh mật, giữa kiệt tác và vô danh. Mai Thảo đứng giữa nhưng đi vững. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nhiều hơn về những gì mà ta có thể học được từ Mai Thảo, không hẳn phải về nghề viết, không hẳn phải về tư tưởng, mà là về cách một nhà văn có thể lớn hơn văn chương của họ.
Mai Thảo văn chương lẽ sống
Trong văn chương, không phải nhà văn lớn nào cũng cần kiệt tác. Kiệt tác hoàn toàn có thể không ứ đọng ở khuôn khổ gọn gàng và chật hẹp của một quyển sách, một ý tưởng, một câu chuyện được kể. Mai Thảo hiển nhiên sẽ khó có thể có tác phẩm được xướng tên trong bất kỳ một cuộc bình chọn có nghĩa lý nào. Mai Thảo thuộc nhóm những người viết mà ta không cần đọc hết một tác phẩm tiêu biểu, nhưng có khi lại phải đọc qua mọi quyển, phải xâu chuỗi một văn nghiệp mới thấy ra một đền đài trong sương lờ mờ mà trác tuyệt.
Nhưng Mai Thảo cũng có thể hiện ra ngay trong một khoảnh khắc. Nếu gặp may bốc trúng một trang nhỏ không đầu cuối, thậm chí chỉ một câu, hay một bổ từ đặt chệch tuyến tính ngữ pháp, ta cũng nhận ra được Mai Thảo đấy. Mà thường thì ta sẽ gặp may, nếu thử điều ấy với những tuỳ bút hoặc truyện ngắn đã in như Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời (tập truyện, Sáng Tạo 1963), Căn nhà vùng nước mặn (tuỳ bút, An Tiêm 1966), Dòng sông rực rỡ (tập truyện, Văn Uyển, 1968)...
Bằng đôi chân không đeo chì kiệt tác, Mai Thảo giữa đời chúng ta đã lẻn bước rất nhanh khỏi những mắt nhìn "thời sự văn học". Mai Thảo tránh được phiền hà của một câu hỏi tuỳ tiện nặng nề “Văn Việt có gì với thế giới?”, câu hỏi đã được hỏi từ gần một trăm năm trước, đến năm nay vẫn bền gan ở lại, và tuốt về sau này. Chắc người ta tưởng văn chương là thể thao. Nhiều năm, người ta kì vọng một Nam Cao cái thế, giữ bằng được một Vũ Trọng Phụng trong đền đài để sao cho văn học Việt đại chúng hơn, dễ hiểu hơn, chịu đựng được, lúc nào cũng an ủi được và vỗ đùi được, mà không cần nhiều nỗ lực và đau đớn (làm sao để nhà văn lớn ấy nói hộ chúng ta điều này điều kia, để chúng ta đỡ phải lâm trận, giữ thân tâm ta thanh sạch). Mặt khác, để bù lại nhu cầu được thấy những gì kì bí tinh mật, thi thoảng sẽ đưa lên cao hẳn những gì sặc sỡ nhưng mập mờ, chẳng hạn Mình và Họ, để bù lại. Đầu bên này dây võng có Số Đỏ, đầu bên kia dây võng thì Mình và Họ, bình dân nhưng lại trí thức, trí thức nhưng cũng rất bình dân.
Nói điều ấy về Mai Thảo không phải vô căn cứ. Đó chính là thái độ của Mai Thảo. Nguyễn Mộng Giác kể rằng Mai Thảo gọi một số những người khác là ngoại đạo, theo cái ý nghĩa riêng của ông. “Bằng cách định giá của riêng anh, Mai Thảo liệt vào hàng "ngoại đạo" tất cả những người (theo anh nghĩ) không xem văn chương là lẽ sống duy nhất trong đời, những người đầu tư tâm lực của mình vào một ngành hoạt động khác nhưng lâu lâu nhảy vào văn chương như một thú giải trí cuối tuần”. [1]
Mai Thảo nhiều lần thể hiện quan điểm văn chương của ông, nhưng không phải là một tư tưởng gì về mỹ học hay quan niệm về hiện tồn của bản ngã và vạn vật, mà thực sự chỉ tập trung vào sự viết. Sự viết là một phúc phần mà ta không để dành được, cũng không truyền lại được. Nó mong manh, có thể mất bất cứ lúc nào. Một ngày kia bút của anh sẽ tự hỏng, anh viết gì cũng như nhai lại của người khác, viết gì cũng chỉ khiến bản thân lún sâu vào tuyệt vọng, niềm tuyệt vọng của mũi tên hụt đích. Không lý giải được và không làm thế nào được nữa. Không phải là bệnh mà để chữa, không món nợ để khất lần. Đời bạc như thế thì sự viết phải bắt đầu ngay đi thôi. Ngay ở một câu kế tiếp, ngay khi vừa nhấc quản bút khỏi nét đuôi vút lên của một từ cũ. Văn chương sẽ đến trong khắc ấy. Sự viết tách mình với thế giới và trở thành tạo vật với đời riêng, tự định nghĩa nó trong chính nó như một hồi quy bất tận. Những gì ngoài văn chương sẽ không nhìn được văn chương. Với Mai Thảo, cái đạo lý của viết là như vậy chăng? Mai Thảo luôn từ chối những phương tiện hiện đại khi viết, không máy đánh chữ, không com-pu-tơ ngay cả khi có sẵn các điều kiện ấy. Ông chỉ viết bằng bút.
Mai Thảo không quan trọng viết về vấn đề gì, viết như thế nào mà chỉ quan tâm khi viết, chúng ta hạnh phúc như thế nào.
“Viết, theo các bạn và Vui hiểu, chỉ là những xâu chuỗi không cùng của miệt mài hồi tưởng. Hiện tại này, tôi không nhìn thấy nó. Cái trước mắt ồn ào sóng vỗ, cái chung quanh muôn vẻ nghìn hình, cái đang có như một trái tim lớn, máu tiếp máu bàng hoàng dội dập, ngần ấy ánh sáng, chấp chới, bay múa, một rừng lá nõn, một biển sương trong, là sớm mai này mang tên hiện tại, hỏi tại sao ở văn tôi không mảy may dáu tích, cái bây giờ của dân Việt Nam nóng hổi sinh động, Việt Nam đang xuống đường, Việt Nam đang vào trận, Việt Nam đang thoát hình” (Những do thám không ngừng quá khứ). [2]
Những câu trên tôi viết trong cảm hứng Mai Thảo. Mai Thảo rất hay dạy những người trẻ, xong không phải bằng cách quảng cáo một khoá học, hay xiển dương cho nghề biên tập tạp chí. Cái dạy bảo của Mai Thảo tựu chung không đúc kết thành điều gì thực dụng cụ thể để biến một kẻ chập chững thành một Nhất Linh, thậm chí tuyền là viễn mộng cao vời, nhưng lại chân thành và toả ra một mùi hương quyến dụ khắt khe của người đàn bà sành sỏi nước hoa.
“Khó nhất là cái bước đầu. Viết phải được tâm niệm và lĩnh hội như một sửa soạn chu đáo. Cái bước đầu sai yếu, hụt hơi, thì di động nào về sau cũng cứ mãi mãi là một điều chỉnh cực nhọc… Đoạn văn, bài thơ đầu tiên không phải là một thoảng qua đầu, mà là một vết lằn đẫm nét, nó quyết định cho cả một sự nghiệp sáng tác, sau này thấy hỏng, có dụng tâm làm khác đến mấy, cũng vẫn cứ hiện hữu cái bút pháp, cái phong cách ấy của những dòng chữ đầu tiên. Bước đầu anh đi, nhìn lại, phải là một bước đi chững chạc. Không nhìn được như vậy, hãy cưỡng chống tích cực và quyết liệt với một quá sớm lên đường. Tôi thấy nhiều bạn trẻ của chúng ta hiện nay muốn đi vào con đường văn nghệ sáng tươi mà không chọn được cho mình một giờ hoàng đạo[…]” (lời tựa tập truyện Dòng Sông Rực rỡ)[3].
Mai Thảo sinh năm 1927 ở Hải Hậu, Nam Định. Học ở Hà Nội, từng tham gia kháng chiến, hoạt động văn nghệ ở Chiến khu Việt Bắc những năm 1951, Mai Thảo tiêu biểu thế hệ những nhà văn miền Bắc di cư vào Nam từ 1954. Sống qua những biến đổi đó làm nên một Mai Thảo giàu hoài niệm, các nhân vật của ông ít có vẻ bông lơn của Sài Gòn như Duyên Anh. Giai đoạn sinh hoạt văn chương dưới chính thể Việt Nam Cộng Hoà, Mai Thảo nổi tiếng nhất với tư cách thành viên chủ trương tờ Sáng Tạo (1956 - 1960), cùng cộng tác với Duy Thanh, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền… Hiện nay, Mai Thảo không phải là không được nhắc đến trong các nghiên cứu văn học chính thống. Chẳng hạn, trong những luận văn về các đề tài văn học đô thị Miền nam, hay ảnh hưởng của triết học hiện sinh, Mai Thảo có được điểm danh, song còn hạn chế. Mai Thảo sẽ được xuất bản trở lại? Gần như là không bao giờ.
Mai Thảo lối viết
Đọc Mai Thảo khi còn bồng bột, đọc Mai Thảo khi niềm tin phơi phới đã loãng đi, đọc Mai Thảo trong những vinh quang đến sớm, trong những phản bội sau trót, khi còn yêu thế gian hay khi đã chọn đời ích kỷ, đọc lần nào cũng thấy chung một cảm giác. Đấy là ở xa đời mình, phía bên kia tường tối của những mâu thuẫn vụn vặt trong đời sống nhỏ tự giam cầm, thì vẫn có một dòng sông rực rỡ đang chảy. Bởi đó là một văn chương không nói hai lời. Một văn chương hơi cầu kì nhưng trung thực. Văn chương đó sẽ ở lại được, với ta. Không phải! Hãy nói rằng ta sẽ ở lại được với nó, bên trong nó, bởi nó có một thế giới duy mỹ riêng và nhịp thời gian riêng.
Văn xuôi Mai Thảo, trước hết là một tổ chức không thời gian hoàn toàn khác, nhưng không bằng tưởng tượng, mà bằng nỗ lực của ngôn ngữ. Ta cùng thử một đoạn:
“Chàng yêu nhất là cái hình bóng lay động thấp thoáng của những chùm lá, dấu vết duy nhất còn lại của đời sống trên một vùng bao la mênh mông nín thinh, khi con đường khuất nẻo sau chợ Phú-nhuận đó, lúc chàng trở về, chỉ còn là một mặt nhựa khép kín nằm với đêm giữa hai dẫy nhà thấp đã tắt ngấm đèn lửa và đóng chặt mọi cánh cửa. Đêm. Đêm trong vắt, đêm lững lờ, đêm như một con mắt đăm đăm sát gần và phóng lớn đến vô tận, đêm của thứ đêm riêng, đêm của riêng chàng, vừa bắt đầu, lúc này, lúc này chàng đã trở về. Chiếc taxi đậu lại cách nhà chàng một quãng xa, đèn pha lóe lên, vệt ánh sáng xoay tròn về một hướng đối nghịch chàng đứng lặng nhìn chiếc xe trở đầu và mất hút. Trí nhớ, tan loãng, nhận chìm theo nó mới ghi nhận chập chờn đeo bám hững hờ vào thần trí lãng đãng suốt dọc đường trở về, ngồi thu mình trong một góc xe và ném một cái nhìn gần như e sợ bàng hoàng ra cảnh vật” (Cửa Sau)[4]
Ta còn gặp nhiều những cảnh như thế này, Phượng nhìn Hà Nội trong “Đêm giã từ Hà Nội”, Phủ nằm trên đê Hưng Yên trong “Khi mùa mưa tới”. Các nhân vật nói chung không tham gia vào văn chương, không có ý đồ gì để tác động vào cốt truyện hay thử hành động để khuấy cơn tò mò. Văn chương của Mai Thảo dựng lại cuộc đời ngoài kia bằng cách chập lại những khắc sững sờ nho nhỏ giữa các chuyển động vi tế, nơi thế gian phơi sáng, hiển lộ mọi điều không tránh né nổi. Tốc độ của đời thực xoá nhanh được cho người đời một cái nhếch mép ỡm ờ, một bàn tay xỏ nhanh vào túi. Nhưng Mai Thảo thì không cho phép các tình tiết ấy lẹm đi, mà sẽ ghi nhận chúng, để xoáy sâu vào chúng mãi, cho đến khi văn chương xảy đến. Như thế này: một khe lõm vi tế được mở ra cho siêu thực tràn vào, hiện thực và siêu thực tan lẫn, như lúc viết về một nụ hôn: “Cái hôn dẫn Linh đi. Trên những con đường tình tự. Con đường nhỏ, biệt lập với đời sống, chỉ những kẻ yêu nhau được phép đi vào” (Khi Mùa mưa tới)[5]. Nói cách khác, Mai Thảo miêu tả thế giới trong “kỳ gian” (duration - một thuật ngữ của Henri Bergson[6]) của nó, bắt lấy cách mà sự vật chuyển động, nhưng không phải giống như miêu tả tuần tự từng nốt nhạc, mà là chơi lại bản nhạc ấy.
Tuy nhiên, như thế thì vẫn còn bình thường. Cơ bản khi giữ các nhân vật lại trong kỳ gian, Mai Thảo chỉ làm đúng một việc là miêu tả một cách tận tuỵ và trung thành, không bằng ham muốn của một kẻ thông thái muốn lùng sục mọi bí mật và bao quát thế giới bằng sự tham lam vô đạo của tri kiến. Nhưng còn nữa, ở Mai Thảo, nó chỉ là động tác dựng sân khấu mà thôi. “chủ đề chỉ là một cảnh trí, một sân khấu, một đối tượng, ở đó nhà văn ném cái chủ quan mãnh liệt của mình vào, làm sống lại một thế giới thực hơn thực tại, sống hơn đời sống, bởi vì cái thế giới nghệ thuật là một thế giới đã hình thành xong xuôi, xong xuôi từ tính chất đến những vận động trở thành đến định mệnh và ý nghĩa sau cùng của nó” (Những do thám không ngừng quá khứ). Chữ nghĩa của tiếng Việt ta không còn là chất liệu để truyền tải tư tưởng nữa, chữ nghĩa bước luôn ra sân khấu và đóng vai chính, tư tưởng chỉ là cái phông. Nên nhiều khi ta tưởng Mai Thảo không lớn, nếu đọc truyện chỉ thấy những suy nghĩ không phải của một nhân vật đích thực theo chuẩn mực kịch nghệ.
Đối với tôi, nếu có gì được cho là “hay”, dù với mọi khía cạnh mập mờ của chữ “hay”, thì trong đoạn trên, hay nhất là “chỉ còn là một mặt nhựa khép kín nằm với đêm giữa hai dãy nhà thấp đã tắt ngấm đèn lửa”. Không phải là nằm trong đêm. Mà là nằm với đêm.
“Khởi thủy là sự phá vỡ, sự vượt bỏ những biên thùy đã có, ngôn ngữ mới được sáng chế ra bởi tri thức thần diệu của thiên tài khi đã hình thành, đều có một hiệu năng ghê gớm giam nhốt kẻ đã sáng tạo chúng, là thiên tài, trong chúng. Mỗi chữ, mỗi lời của ngôn ngữ sáng tạo đều hiển lộng cái hiệu năng ghê gớm đó. Và rõ nhất ở địa hạt thi ca. Thiên tài bị giam nhốt trong cái lồng ngôn ngữ nguy nga vừa sáng tạo ra, tới khi phá được lại để rơi vào một cái lồng vừa mới sáng chế.” (Mấy tháng cuối cùng với Vũ Hoàng Chương)[7]
Mai Thảo nói như thế trong “Mấy Tháng Cuối Cùng Với Vũ Hoàng Chương”. Ta nhận thấy rõ ý đồ tuyên ngôn của ông, nhất quán mọi lúc, rằng sự viết lách đặt sức nặng của chúng ở câu chữ. Đây là điểm để ta có thể nói Mai Thảo rất cầu kỳ. Nhưng dù hai chữ “cầu kỳ” có vẻ tiêu cực, song như thế là nhìn đúng Mai Thảo hơn những khái quát khác về đời văn của ông, chẳng hạn như là nhà văn của vũ trường, nhà văn đô thị. “Văn chương đô thị Miền Nam” nghe rất xong việc, mà chẳng nói lên điều gì ngoài việc tố cáo những văn chương ấy đang đứng dưới chân đèn kia trên một lãnh địa khác, vĩnh viễn là lãnh địa và vĩnh viễn có biên giới. Nhân tiện, Mai Thảo viết chân dung rất nhiều, nhưng không lậm chính trị phe phái, mà chỉ nói về những tâm đắc của ông với văn chương. Ông là người có nhiều bạn văn, cái sống hết mình với văn hữu cũng là nghệ thuật, một lẽ đời. Cái Vươt bỏ những biên thuỳ đã có của Mai Thảo là bằng những tu từ sinh động, nhưng những nhãn tự được đẩy xuống như kép phụ, lùa người đọc chung thân vào trong ngữ pháp câu ấy rồi mới giới thiệu. Đó là những đỉnh cây, kẽ mái, những cây số đường gần hay lá tre ngón tay trong đoạn mở đầu vang động trong Căn Nhà Vùng Nước Mặn: “Tôi sẽ về. Thẳng một mạch. Như con chim sẻ qua hàng nghìn đỉnh cây, hàng nghìn nóc nhà, vào thẳng cái tổ của nó trên kẽ mái. Tôi sẽ đi theo sức hút mầu nhiệm của một hình ảnh đẹp. Mỗi cây số đường gần thấy lòng ấm nóng trở lại. Cảm động và thơ dại trở lại. Đôi mắt tôi rưng rưng, tâm hồn tôi dịu xuống và tôi đi băng băng. Những đoạn đường cuối cùng không có bạn hữu, khuất bóng thành phố, không tiếng động - tôi muốn thế - tôi sẽ về nhà một mình. Đó là lúc buổi chiều. Nắng đồng vàng bụi. Vòm trời đỏ thẫm. Bóng tôi đổ xuống con đường nhỏ. Qua những lá tre ngón tay. Hết một con đê chân trời. Khỏi một gốc đa cũ, đến một dòng sông hiền từ chảy từ một chân tường. Mặt tường ghi những chữ vụng dại tôi đã viết lên, gửi đi cái kiến thức sơ đẳng của quyển sách vỡ lòng lên mặt tường cũ. Đó là một tấm bảng đen… Tôi sẽ đứng lại dưới những hàng cải, những dấu vết thí nghiệm thứ nhất những vần trắc vần bằng, thành kính...” (Căn nhà vùng nước mặn)[8]
Đó là tấm gương hắt trả một đường môi đỏ, trong Vầng Trăng Thơ Ấu: “Đôi mắt anh ấy buồn lạ. Hiền nghĩ thầm như vậy và đi lại phía bàn phấn. Nàng ngồi xuống im lặng, tự ngắm mình một lúc lâu. Tấm gương hắt trả một đường môi đỏ. Hiền khẽ nhếch mép. Vết son động đậy, ánh ánh. Hiền thoa phấn lại một lần nữa, đứng dậy đi về phía tủ áo. Chiếc áo nàng đã chọn cho đêm nay, màu nó đỏ sẫm với những bông hoa thật lớn.” (Vầng Trăng Thơ Ấu, in trong tập Chuyến Tàu Trên Sông Hồng)[9]. Người con gái sau khi người tình trở về, còn trơ lại một mình, ngồi đối gương, tâm trí và tinh thần tụ lại trên nét môi đỏ, nhưng không phải do tác giả miêu tả, mà được trả lại trong thức nhận chủ động của nhân vật. Kẻ đi tìm tấm gương đã lấy được câu trả lời, nhưng không là cảm hứng đột khởi, mà đã có trong nàng từ lâu, còn nguyên bằng chứng chiếc áo dạ hội nàng đã chọn. Như vậy thì trên đỉnh cao sáng rỡ của nhan sắc, mọi thứ nhỏ bé lại, phai lạt theo nhịp đi đứng dẫu cho là của người tình. Niềm vui tạm bợ hôm nay lại hoá ra vĩnh cửu. Và vĩnh cửu của tình yêu lại cụt đi trong một khắc dợm chân. Mai Thảo tóm lấy chuyển động, những chuyển động giải nghĩa thế gian.
Các thủ pháp và công thức tạo nên văn chương Mai Thảo vô cùng linh hoạt, nhưng cũng có thể nhìn ra những yếu tố chính, trong đó có tạo nhịp điệu và giai điệu. Cái nhịp của Mai Thảo được tạo ra từ một thao tác không là viết cho cầu kì thê lương, mà là sự cắt gọt. Cắt cụt đi những loại từ, đột ngột đặt một vị ngữ từ đơn rất ngắn trước một chủ ngữ dài và đôi khi là tuỳ tiện kết câu. Không phải bóng tối dềnh lên trên những con đường lung linh mà là “Bóng tối dềnh lên những đường lung linh” (Đêm giã từ Hà Nội)[10]. Không phải là một sự đừng lên đường quá sớm, mà là “hãy kiên quyết chống lại một quá sớm lên đường” (Dòng sông rực rỡ, Lời tựa). Một Quá-sớm -lên-đường xác lập một từ mới, chỉ có nghĩa chỉ trong văn cảnh ấy, những vẫn là có nghĩa. (Tôi nhớ lại lời Cao Xuân Hạo, đại ý ta cảm thấy một từ vô nghĩa, đôi khi chẳng qua chỉ vì nó chỉ có một nghĩa chính nó đang toát lên, như hấu trong dưa hấu). Và như thế, những đoạn văn mang tính thơ không tránh khỏi, nhưng không có nghĩa là không có cái chính xác của dụng công quan sát và liên tưởng:
“Có lẽ. Mày, tao đi đây. Đã hết ngạc nhiên, thôi chẳng đợi chờ, cười ngất vào cuộc đời ném lại, cất bổng mình bay, tao đi đây. Như một cây pháo thăng thiên, cười lên một ngọn gió khinh thanh xa thổi ngoài đời, trong di động thần tốc nhân ảnh thấp thoáng, một thân một mình, một về một hết, vô tận ơi nguy nga, vô cùng ơi rực rỡ, một biển hân hoan, một trời ngây ngất, tao đi đây.. ” (Dòng Sông Rực Rỡ)
Vậy tóm lại Mai Thảo đóng góp gì cho văn chương Việt Nam? Ta có thể trở lại với ý của Nguyễn Mộng Giác, như sau: “Không ai có thể phủ nhận được ảnh hưởng lớn lao của Mai Thảo. Anh gây thành một phong trào viết óng ả chải chuốt như lối viết của anh, lối viết đó lan sang giới truyền thanh qua những lời giới thiệu bài hát, chương trình Tao đàn, và cho tới bây giờ, đã trở thành cái nếp không thể bỏ được, làm nhịp cầu giữa ca nhạc và văn chương. Anh tạo thành một thế lực văn hóa ảnh hưởng lan rộng qua nhiều ngành, từ văn chương, báo chỉ, xuất bản, qua ca nhạc, điện ảnh”. (sách đã dẫn)
Nhưng ta cũng nên nhớ rằng, đây không phải là một bài viết để nói về đóng góp của Mai Thảo trong văn học Việt Nam. Ngay từ đầu tôi đã phải chống lại một…quá sớm luận định như thế. Chúng ta còn nhiều điều để nói, chẳng hạn như chưa nói về những cốt truyện ái tình lắt léo, chưa nói về năng lực có thể viết về muối biển ở từng vùng miền hay bàn sâu hơn về tuỳ bút và truyện ngắn. Không nhất thiết phải như vậy. Chỉ là ngôn ngữ và tinh thần duy mỹ, cái tư thế đứng cao hơn để kiến thiết thế giới văn chương riêng biệt, cái búng tay rụng đi thứ văn chương thể thao, riêng điều ấy thôi đã cho ta quá nhiều. Đánh thức mỹ cảm với tiếng Việt tưởng như là vấn đề cơ bản của viết văn, song cái mê mải đuổi theo các giá trị toàn cầu phần nào làm cho mỹ cảm ấy sẽ đến chậm. Chậm đến mức nếu vô phúc trót thâm nhiễm lối nói của sách dịch và báo chí hiện đại, cơ hội sửa là không còn. Ta sẽ thấy ở Nguyễn Tuân, ở Phan Du, ở Khái Hưng, ở Thạch Lam, Phan Du, Tô Thuỳ Yên, Nguyễn Thị Hoàng… những rung cảm như thế, nhưng không phải bằng nức nở tha thiết du dương, mà bằng mãnh lực của những từ được xếp đúng chỗ như phi tiêu đặt trọn vào hồng tâm. Và ở nơi những tu từ khiêm nhường kín đáo mang lại hiệu quả sắc nét có thể mang đến sức mạnh đáng kể cho ngòi bút, thì Mai Thảo là bậc thầy. Đó là tấm gương cho nhiều thơ ca đăng báo của ngày hôm nay, phô phang mãi những ẩn dụ và hoán dụ trong một sự không chịu được khi không xuống dòng, cũng giống như không chịu nổi bóng tối vô danh, chỉ để tô lên một cách nói khác cho những gì đơn điệu. Tấm gương ấy không hắt trả một đường môi.
[1] Nguyễn Mộng Giác, “Nỗi cô đơn lớn lao của Mai Thảo”. Trích xuất từ: https://nguyenmonggiac.com/tap-chi-van-hoc/250-noi-co-don-lon-lao-cua-mai-thao.html. Truy cập lần cuối: 15/01/2023
[2] Một bài tiểu luận trong tập Văn Uyển số 14, tháng 6/1969
[3] Mai Thảo, “Nói chuyện với những người viết mới”, in trong Dòng sông rực rỡ (Văn Uyển, 1968)
[4] Mai Thảo, “Cửa sau”, in trong Dòng sông rực rỡ (Văn Uyển, 1968), in lại trong Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta (Sóng, 1974)
[5] Mai Thảo, Khi mùa mưa tới (Xuân Thu, 1964)
[6] Vũ Uyên Thi, Trực giác (intuition) trong siêu hình học của Henri Bergson, trích xuất từ liên kết: https://sjjs.edu.vn/truc-giac-intuition-trong-sieu-hinh-hoc-cua-henri-bergson. Truy cập lần cuối: 10/01/2023
[7] Mai Thảo, Mấy tháng cuối cùng với Vũ Hoàng Chương (Văn Khoa xuất bản, Hoa kỳ, 1985)
[8] Căn nhà vùng nước mặn (An Tiêm, 1966)
[9] Chuyến tàu trên sông Hồng (Tuổi Ngọc, 1969)
[10] Đêm giã từ Hà-nội (Người Việt, 1955)