Note: Sông Đà & trò chuyện với nhân vật hư cấu
và có thể đi đến chỗ nhận ra rằng “tình yêu” và “chủ nghĩa thực dân” là hai thứ hoàn toàn giống nhau.
1.
Sau vài ngày, tôi cũng rút ra được mấy kinh nghiệm làm sao để trò chuyện được với những nhân vật tưởng tượng. Những người viết khác có thể có kiểu khác. Nhưng với tôi thì, first, hãy dọn bàn.
Rồi hãy ngồi khoanh tay, chân xếp bằng như một đứa trẻ lớp hai bỗng có hứng với những hình ảnh ngoan ngoãn. Hoặc duỗi chân xuống cho thoải mái một chút. Đấy là một.
Bước thứ hai: ta phải trong suốt, y như những con sứa trong món nộm ở bia hơi Hải Xồm. Nghĩa là ta phải trục xuất hết mọi tình cảm, theo cách của một lão già lẫn đã xảy nhà. Buông bỏ nhưng không phải kiểu Thiền, mà theo kiểu rất cáu bẳn, bực tức và thất vọng. Theo kiểu muốn chửi um lên nhưng dằn lại. Trục xuất xong tình cảm, thì hãy liệt kê nhanh tất cả con người và đời sống xung quanh, gom lại trong một hình ảnh rồi vứt vào đâu đó. Cả những dĩ vãng vàng son của tình trường hay khổ đau những trận đòn cũ. Nếu thế giới thực chưa chán ta hẳn, thì làm cho nó chán ngay đi lập tức. Hãy giống như một trưởng phòng kế toán. Viết văn, và làm kế toán, xét về tính chất công việc thì cơ bản là hoàn toàn giống nhau, chỉ khác đi một vài yếu tố phụ trợ không có gì đáng kể.
Hãy quên luôn giới tính, tên và địa chỉ nếu có thể. Nhưng nếu không thể thì bỏ qua bước này. Hãy quên luôn ngày mai. Nhưng thật ra không cần cố gắng vì nếu ta chỉ cần im mồm đi không định nói gì nữa, thì sẽ tự nhiên quên được tất cả ngần ấy thứ lằng nhằng.
Cửa luôn để hờ, hãy pha cafe nóng. Hương cafe bốc lên sẽ trông giống như cái khí của một bàn thờ mới đỏ nhang trong trận giỗ đầu.
Như vậy ta đã mở được một vết nứt của thực tại, và của thời gian vốn đã xơ vữa trên đồng hồ: lúc này ta đi vào lĩnh vực của bất tận. Các nhân vật trong tiểu thuyết cần được định hình trước khi ta mời họ đến. Nếu đã định hình, họ sẽ đến sớm thôi.
Đối với riêng tôi, khi nhân vật chính vào trong nhà, anh ta chỉ ngồi im lặng ngó nghiêng như trọng tài tennis. Chúng tôi không nói với nhau câu nào suốt non một tuần. Anh ta muốn truyền đạt cho tôi rằng: không nói gì, và gần như một người câm, thì mới cơ bản đóng vai chính được.
Bài tập để câm hình như khá quan trọng để viết lách, nên câm hẳn mồm trong vài hôm, (nhưng tối đa hai ba hôm thôi)
Các nhân vật khác, bao gồm một cô gái rất nhỏ nhắn và xinh đẹp, một chị thiếu nữ hơi nhợt nhạt, một ông bụng phệ nhìn dễ thương… Tôi biết tất cả những điều về họ. Nhưng cái sự biết đó không khác gì biết nhau qua Facebook hoặc tệ hơn là biết nhau qua Tinder. Nghĩa là viết văn theo kiểu tìm tài liệu trên social media. Vì gặp nhau ngoài đời thật thì mới thấy hết cái bình thường và tầm thường của nhau. Và cũng không ai là ẩn dụ cho bất cứ cái gì cả. Tất cả các nhân vật đều dần gột đi cái tính chất phiêu lưu giang hồ mà truyện cứ ép họ vào. Giờ thì chỉ có thể trò chuyện, và hiểu nhau qua trò chuyện.
Nhưng điều đáng kể nhất, có lẽ quý giá nhất, đó là sau khi trò chuyện xong, ta vẫn không hiểu chút nào về nhân vật đó, dù đã chắc chắn là hiểu lệch đi so với lúc đầu. Ngược lại, tôi thấy các nhân vật bắt đầu hiểu tôi hơn.
2.
Đọc lại Người lái đò Sông Đà, thấy Nguyễn Tuân dùng lại nhiều hình ảnh của các quyển cũ. Nhất là những con sóng hất hàm hỏi thuyền khai tên tuổi, nhất là tiếng tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa . Tức là những sáng tác trước như đã tích luỹ và bao quát đủ mọi tiềm lực để lôi ra dùng. Thế nên cũng có thêm cảm giác là việc viết cái tuỳ bút Sông Đà đó hơi dễ quá, và chắc là dễ chọn để cho vào sách hơn cả, vì đề tài.
Tiếng còi xúp-lê của xe lửa đã có trong Tàn đèn dầu lạc và Lư đồng mắt cua, thi thoảng lại lướt qua trong mấy đoạn đoản thiên in báo khác. Tiếng còi này là hình ảnh tóm gọn của hai thứ: lịch trình, những chuyến đi, một thứ Nguyễn Tuân ghét còn một thứ thì rất yêu. Mặt khác lại là dấu hiệu của thứ máy móc vô tình làm ông vừa cáu tiết vừa buồn cười, trong suốt cả một cuộc đời chung đụng dây dưa với phần lớn những người lôi thôi không có tài cán. Nhưng nó lại hay vang lên trong lúc đêm tàn giao canh, đánh thức một cái gì đó. Thường là để khựng lại lúc mà chính nhà văn bị câu văn của mình cuốn đi, lúc tâm trí và giác quan tự do cứ lọ mọ và say sưa đi dạo bộ dưới nền của đời sống để mà nhìn thấu hoặc lảng tránh. (Không phải sự thấu tỏ mà là chính sự tảng lờ của Nguyễn Tuân mới đúng là nghệ thuật và có khi đúng tính khí của ông cũng nên: nếu đã phải tả cái hiện hình mà không vừa mắt thì tốt nhất là cứ đi lòng vòng quanh đường diềm của nó, rồi đổ vấy cho nó một liên tưởng nào đấy. Không giấu một nụ cười vu khống và thờ ơ).
Tiếng còi phản đối ý định thoát li khôn khéo và nhiều khi thúc giục văn chương chú ý đến mấy điểm lõm rất kiểu giao thời của xuân hạ thu đông trong một cách nhìn chia thế giới và thực tại làm tư.
Suốt một thời thanh xuân, tôi cũng thích những cái còi hú, hoặc đèn đỏ nhấp nháy của các nhà ga và chuyến xe đêm. Đẹp nhất là các chặng ga xuyên núi ở Vân Nam, Trung Quốc. Khi động cơ đã hí hửng lăn bánh và chiếc hoả xa tằn tiện mới bắt đầu thử đi một tí xem sao, không hiểu sao tôi thường có trong tâm trí một tiếng kèn Trombonne trong các hành khúc, vừa sến sẩm mà vừa uy nghiêm giả tạo của hiến binh. Lúc đấy tha hồ mà nghĩ ngợi linh tinh về tính chất phiêu lưu của sự sinh tồn và cũng thấy là cuộc đời không nhất thiết cứ phải có ý nghĩa gì đấy, và có thể đi đến chỗ nhận ra rằng “tình yêu” và “chủ nghĩa thực dân” là hai thứ hoàn toàn giống nhau.