Notes: Sống đời những tiệm sách (2)
Khi tôi còn trẻ, như thời ấy, cuộc đời đẹp không phải là vì tôi yêu đời, mà là vì chẳng ai thù ghét tôi.
Trong ảnh bìa bài viết này chính là tiệm sách Bá Tân, gần đây tôi có chấm một cuộc thi trong khuôn khổ chiến dịch truyền thông của tiệm sách. Rất mừng cho một tiệm sách cũ Sài Gòn
Tiếp những ghi chép bên trong một tiệm sách:
7/2022
Trong một tôn giáo nọ, có một học thuyết gọi là nhị đế. Một cách nôm na, chúng ta có hai loại hiện thực. Một loại là hiện thực như ta đang thấy, cuộc sống của ta, mọi người, thiên nhiên, đất đai tiêu thổ, miếng ăn, tình yêu, bức xúc…gọi là Tục đế. Nhưng có một loại hiện thực khác vượt trên nó, gọi là chân đế. Cách hiểu có thể đúng với văn chương. Văn chương có lẽ không phải là để tố cáo thế tục, mà là để chỉ cho người ta cách nhìn vào chân đế - cái hiện thực của chân lý kia, theo kiểu của nó. Như vậy thì câu chuyện về văn học phản ánh hiện thực hay giả tưởng gì đó… sẽ tiêu biến đi như một vấn đề không nên đặt.
Đấy là chỉ dấu cho mỹ cảm của tôi khi đọc một cái gì cụ thể, như thế, ngày càng bớt phụ thuộc vào keyword, tên tác giả. Nhiều ảo tưởng tan đi. Nhiều người viết văn đã đau đớn và vất vả, cố sống cố chết để phản ánh và đối thoại với thực tại - cũng như đời thường - nhưng lại thiếu mất một cái gì đó để nhìn lên. Cái để nhìn lên không phải là một tư tưởng, một ý lớn, mà là một dòng sông rực rỡ vô hình cuồn cuộn băng đi giữa không trung, qua đó, đời sống được nhuộm sang lên trong một màu vàng châu thổ.
11/2022
Cái năm nay là năm của sống nhanh, sự sốt ruột của thân phận đã đòi hỏi bàn tay nhỏ quật roi mà thúc đời sống đi lên. Muốn về được một nếp nghĩ thư thái, đủng đỉnh của ngày trước thì cần nhiều động tác tinh thần, tựa như đến lúc phải bồi thuốc bổ cho phủ tạng hoạt động theo chức năng của tuổi mười bảy. Tôi đâm ra cảm mến các nhà thơ, lúc nào họ cũng bắt thời gian ngưng lại được, lúc nào cũng nghe ra được cái mát mát của gió mới thổi phù qua ngón tay nhấm nước để hờ trên đầu lọc thuốc lá. Còn giờ đây với tôi, muốn bình tĩnh lại thì phải trẫm mình một lát vào bóng cây trước sân nhà, chắc là một bóng cây bàng, hoặc cây vối, hay đại loại hoa sữa, quanh năm không bao giờ để ý đến, nhưng chờ nó sẫm dần thành một bãi đen dưới ngọn đèn mật ong hỏng. Chờ tiếp một tiếng đồng hồ nữa cho đến khi đích thị là sắp có một người giống hệt mình tìm vào, như trong truyện của Dostoevski. Nhưng chừng nào cái chờ ấy giúp ta hình thành hẳn một kỷ niệm, tôi ngờ rằng có thể tìm ngay ra một lối đi vào thế giới văn chương quen thuộc mà hằng ngày sục sạo trên trang giấy mà không nhìn thấy. Dưới đêm tối, một câu chữ gì đó loé lên, một sự gì đó bắt đầu. Trước đây tôi hay so sánh sự loé đó như một ánh chớp màu cam viễn xứ, nhưng bây giờ, phù hợp hơn cả, là tiếng xèo tự do và khinh bạc của thuốc cháy dụi xuống một giọt sương.
Trong phần đời nho nhỏ phía trước, nếu thực sự đời có lựa chọn, thì tôi đã tick thẳng tay vào tất cả những phương án khó nhất. Tôi không làm bất cứ một điều gì dễ chịu cả, vào lúc chỉ cần có thể gạch một nét xổ phấn bình thường thì tôi lại vẽ cho kì được dây tầm gai, và vào lúc phải tinh tấn tinh thần để đến một nấc thang thăng hoa, thì tôi ngừng và quay đầu lại. Cái ương bướng bản năng của tôi là để phản ứng với một cuộc sống sắp sẵn, thế nên có lúc nó tự phản ứng với chính nó luôn, cho nên chung quy lại về lý trí thì tôi vẫn ước mơ một nếp đời bình thường. Bao nhiêu bạn bè quay mặt được với cái mực thước, và lờ đi được những cái tầm thường để được tự do thì tôi lại từ chối những nét nghĩ nông nổi mà thú vị kia, để đến lúc bạn bè văn nghệ thấy bực vì tôi sống “hơi bị lý lẽ”. Thì cũng vì điều kiện sống đâu có cho phép: cái hào sảng bên ngoài bù sao được cái thua thiệt trời phú cho. Cũng đành.
7/2023
Các hiệu sách cũ phổ thông (tức không phải là hiệu sách cũ rất cá tính và rất giàu truyền thống) có đang biến mất không nhỉ? Lâu rồi tui không ghé một hiệu sách cũ nào cả, cũng không lang thang một mình lùng sách (lang thang một mình là một loại năng lực: hoặc do không quen ai, hoặc phải tích luỹ đủ kỷ niệm, nhiều đến mức vô biên, nhiều đến mức hiểu ngay được một người bạn mới gặp mặt, phải có thế giới tinh thần và phải bao quát được cả không gian sống. Rất là khó đấy). Không có hiệu sách thì lắm lúc một người nào đó sẽ không biết phải đi đâu.
Với vô số nick facebook bán sách cũ kết bạn hằng ngày, tôi như kiểu nhận ra các hiệu sách cũ không còn nhiều cơ hội. Chỉ còn một số thực sự mạnh, hoặc ở một địa phương nào.
Nhưng xem sách cũ trên facebook rất là mất cảm xúc: ví dụ vô phúc lướt tay xuống sẽ gặp ngay những quả tin tức như kiểu Quang Linh Vlog (không hiểu sao ngày nào cũng hiện ra), lướt tiếp lại thấy ai đấy bức xúc về giáo dục, về vân vân…
Toàn bộ sự nhạy cảm ít ỏi của tôi về sách, thực ra lại không được tích luỹ khi làm trong ngành, mà lại có từ thời tôi bán sách cũ vỉa hè - một thời ngắn ngủi mà đáng nhớ. Thời ấy tôi trẻ, ngồi dưới gốc cây bàng già. Tôi gặp ba loại người: những người đang vào pha đầu của ảo tưởng, đi nhanh, nói năng linh hoạt và cười rất đẹp. Những người vừa hết sạch sẽ mọi ảo tưởng thì đi chậm, nói ít hơn, không câu nào nói được hết mệnh đề. Bonus loại thứ ba thì như bị sách nguyền rùa, luôn luôn trông rất bẩn và hiểu biết, luôn luôn bế tắc trong đời nhưng rạo rực đam mê với chữ. Tôi cũng quen một ít giới chơi sách ở Hà Nội, tuy tôi chẳng có sở thích ấy, cũng không có tiền. Chẳng may tôi có gì mà họ cần tìm là tôi tặng bằng hết, không bao giờ bán lại sách.
Một người chơi sách lâu năm và biết chém gió để pass lại sách, luôn luôn nói: quyển này rất quan trọng. Không phải quyển này rất hay, mà là rất quan trọng, đẳng cấp của câu này cao hơn câu “quyển này hiểm phết”
Khi tôi còn trẻ, như thời ấy, cuộc đời đẹp không phải là vì tôi yêu đời, mà là vì chẳng ai thù ghét tôi. Chẳng ai bao giờ lại thấy một người hai mươi tuổi có hại gì, hay có cửa nào tranh miếng ăn của họ cả, thậm chí làm cho họ có cảm giác họ vừa chín, chưa già.
Khoảng thời gian ấy làm cho tôi sau này ở bất cứ một thời điểm nào, chạm vào một quyển sách là có thể cảm nhận được rất nhiều thứ vô hình xung quanh. Thực ra cái cảm nhận đó không có gì là thần thánh, và thật ra cũng không hoàn toàn nằm ở quyển sách: chỉ là khoảnh khắc rất hiếm mà tôi tin tưởng tuyệt đối ở bản thân mình, sự tự tin lớn đến mức cảm nhận được đời sống và số phận của đồ vật trên tay.
Nhưng nếu thực sự hiệu sách cũ phổ thông biến mất thì đó là thiệt thòi cho đời ta. Hoặc là, có thể thế này mới đúng: bằng cách nào đó, nó đang lẩn trốn đi đâu, trốn khỏi ta, cũng như nhiều thứ khác vốn từng là của ta nữa