On Writing #2: Những cuộc thi viết - những "nên" và "không nên"
Sau một tổng hợp nghe có vẻ nhiều người quan tâm, về báo chí văn nghệ, mình đi sâu hơn vào lĩnh vực thi thố trong văn học.
Trong bài này chúng ta sẽ điểm qua các cuộc thi, các địa chỉ uy tín, kinh nghiệm dự thi, chấm thi và quan điểm về vai trò của các giải thưởng, cuộc thi trong môn văn. Những gì vui và chán của nó.
Series On Writing đã có:
Những cuộc thi văn chương ở VN và trên thế giới
Kỳ Tiếp theo:
"Sống bằng nghề viết" trong năm 2025 và tương lai gần
Do xuất phát từ nhu cầu của bạn đọc, nên chúng mình viết bài này hướng đến đối tượng độc giả:
Sắp bước vào con đường viết lách chông gai
Đã bước vào con đường viết lách, đã dẫm phải chông gai
Đã gặt hái chút ít thành công nho nhỏ và đang self-reflect về con đường đã qua
Bạn đọc không ở lĩnh vực văn chương, nhưng gần gũi như truyền thông, content, copywriter có thể tham khảo vì sẽ có những điểm tương đồng, và ở đây cũng có những tổng hợp nhỏ về các cuộc thi rộng hơn
MẤY ĐIỀU CƠ BẢN CẦN THỐNG NHẤT
Trước khi vào bài viết này, mình muốn thống nhất với các bạn vài điều.
Thứ nhất, văn chương dĩ nhiên không phải là thể thao rồi, phải không? Các cuộc thi văn chương vẫn được tổ chức đều đặn hằng năm trên thế giới và ở Việt Nam. Tuy nhiên, thi thố trong văn chương không bao giờ quan trọng nhất trong sự nghiệp viết văn đâu nhé. James Joyce, Kafka, Luis Borges hay Nabokov chưa bao giờ đoạt giải gì. Tôi tưởng như các khảo thí hồi còn đi học với môn văn là đã quá đủ rồi =)). Nhưng các cuộc thi và giải thưởng - cũng giống như báo chí - là một bước đệm, một lối đi, một nguồn động lực không nên bỏ qua.
Mình viết bài này với tư cách cũng từng mất nhiều năm viết văn lặng thầm không thành tựu. Sau đó, với tư cách đã từng thi văn chương, từng đoạt giải ở một cuộc thi tiểu thuyết do Bộ Công An và Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức, một cuộc thi dài hơi trong 5 năm, cạnh tranh với nhiều cây bút lão luyện ngay trong ngành. Và mình cũng từng không đoạt gì cả ở Văn học tuổi 20, nói theo nghĩa nào đó là từng không thành công. Mình cũng không tham dự các cuộc thi mà mình thấy không phù hợp, dù giá trị giải thưởng rất cao mà những bạn bè của mình đã thắng cuộc với vài trăm triệu đồng. Nói chung, mình không phải là một thợ săn tiền thưởng. Mình chỉ sử dụng các cuộc thi như một phần của hành trình sáng tạo.
Mình từng chấm giải nhiều cuộc thi viết văn nho nhỏ, trong đó có cuộc thi của thương hiệu văn học mạng rất nổi bật Tomo Story 2022. Và khi làm xuất bản, cũng là người duyệt bản thảo, tổ chức đặt hàng các tác giả trẻ trong dự án, chẳng hạn như Tước Gấm Giấu Đay
Vì vậy trong bài này, mình sẽ nói cả ở mục "đi thi" lẫn "chấm thi", cả lều chõng lẫn chánh khảo, nhưng dựa trên nghiên cứu của mình và ý kiến của bạn bè văn chương nữa.
Thứ hai, Phân biệt giữa cuộc thi văn chương và giải thưởng văn chương. Cuộc thi văn chương hay cuộc vận động sáng tác văn chương chủ yếu thường tổ chức với một chủ đề hoặc thể loại cụ thể, cuộc thi cho phép các tác giả, đặc biệt là những người mới, gửi tác phẩm để được đánh giá bởi hội đồng giám khảo. Giải thưởng cho các cuộc thi này thường bao gồm tiền mặt, cơ hội xuất bản và có được sự công nhận ban đầu trong sự nghiệp của họ. Ngược lại, giải thưởng văn chương tập trung vào việc tôn vinh các tác phẩm đã được xuất bản và có tầm ảnh hưởng. Các tác phẩm đoạt giải thưởng thường được chọn từ những tác phẩm đã xuất bản và được đánh giá bởi một hội đồng giám khảo uy tín.
Cuộc thi không phải là đích đến mà là một chặng đường mà bạn phải bước qua
THAM GIA CÁC CUỘC THI VIẾT LÁCH NHƯ THẾ NÀO?
Hiểu rõ ý nghĩa của các cuộc thi văn chương trong con đường viết lách
Tham gia các cuộc thi của mọi lĩnh vực trên đời đều là một loại công việc mang tính chiến lược.
Bởi vì sao?
Thứ nhất là, Mục đích của những tác giả dự cuộc thi đều là để dành giải thưởng, qua đó, dành được sự công nhận đầu tiên cho công việc của mình. Kế tiếp đó là tiền, các mối quan hệ, bạn bè mới, kinh nghiệm tích luỹ... Trong nghề viết lách, rất nhiều khi sự công nhận còn quan trọng hơn tiền.
Sự công nhận sẽ nằm ở 4 thứ: (1) được xuất bản, (2) được chứng nhận, (3) được truyền thông và (4) được giải thưởng. Đây là điều kiện tiên quyết của bất kỳ cuộc thi văn chương nào, nếu không có một trong 4 yếu tố thì bạn nên xem xét nhé.
Thứ hai là, điều này rất quan trọng: có rất nhiều cuộc thi được tổ chức hằng năm, theo chu kỳ, và cũng có rất nhiều cuộc thi đột nhiên xuất hiện. Với mạng lưới dày đặc các cuộc thi văn chương lớn nhỏ, người sáng tác phải tự phân phối sức lực của mình, tự cân bằng bản thân.
Hiểu các cuộc thi và tiêu chí của họ
Ai cũng biết rằng hiểu rõ tiêu chí của cuộc thi giúp bạn xác định xem tác phẩm của mình có phù hợp hay không. Điều này giúp tăng cơ hội tác phẩm của bạn được đánh giá cao. Nếu tác phẩm của bạn không phù hợp với tiêu chí, nó có thể bị loại ngay từ vòng đầu tiên bất kể chất lượng
Nhưng tôi phải nói kỹ hơn chút xíu về thực tế ở VIệt Nam: các cuộc thi gần như đều có mong muốn tạo ra ảnh hưởng thương hiệu hoặc chính trị, xã hội. Chẳng hạn cuộc thi viết về đề tài công nhân của do Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam tổ chức (2021-2023) đương nhiên là để thể hiện sự quan tâm đến đời sống, an sinh xã hội nói chung của cơ quan chức năng. Điều đó cũng thể hiện luôn trong văn bản thể lệ cuộc thi: "Tạo cơ hội để các nhà văn chuyên nghiệp và không chuyên, người lao động trong và ngoài nước sáng tạo những tác phẩm văn học phản ánh thực tiễn phong phú, nhiều màu sắc về đời sống, việc làm của người công nhân, khích lệ, động viên công nhân hăng say lao động đổi mới, sáng tạo" [1]
Ví dụ khác là Cuộc thi viết văn của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, "Giải thưởng Văn học trẻ ĐHQG-HCM," được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích sáng tạo văn học trong giới trẻ. Cuộc thi này được thực hiện bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐHQG TPHCM, phối hợp với Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh và các tổ chức liên quan. Mục tiêu của cuộc thi là phát hiện và khuyến khích các tài năng sáng tác trẻ, góp phần bổ sung đội ngũ cho văn đàn Việt Nam.
Vậy bạn phải chấp nhận những điều như sau:
Hầu như tiêu chí các cuộc thi đều là phép cộng của chất lượng văn chương và yếu tố tuyên truyền / quảng bá cho một lĩnh vực, chủ đề cụ thể. Nên nếu chỉ có chất lượng văn chương mới là một vế thôi.
Bạn có thể thắng giải hoặc không thắng giải, nhưng tất cả chỉ là phù hợp hay không với tiêu chí cuộc thi
Vì tiêu chí như vậy, nên hội động chấm thi có người đại diện cho điều này, người đại diện cho điều khác.
Cân bằng giữa quan điểm nghệ thuật của bạn và điều mà cuộc thi càn
Tôi thấy những người đã xác lập tên tuổi trên văn đàn, họ đều có chung một nét như sau khi dự thi một cái gì đó: Văn chương của họ vừa thuộc một cuộc thi, và vừa thuộc về bản thân họ.
Nghĩa là họ cân bằng và chú trọng cả hai thứ: tiêu chí cuộc thi và quan điểm của họ. Điều này làm cho họ sảng khoái tinh thần hơn khi thi thố. Như trên ta đã nói về 4 yếu tố lợi điểm của một cuộc thi (được xuất bản, được chứng nhận, được trao thưởng và được truyền thông); vậy bạn hãy xác định các lợi ích từ cuộc thi mà bạn tham dự, nó có phù hợp với bạn hiện tại hay không? Nếu bạn không được cả 4 thì bạn chọn cái nào?
Các cây bút giỏi thường lập kế hoạch sáng tác theo phong cách, trường phái và quan điểm nghệ thuật của họ trước; rồi khéo léo lồng các giá trị mà cuộc thi mong muốn. Họ luôn hướng đến việc sau khi cuộc thi kết thúc, tác phẩm vẫn còn giá trị. Cuộc thi không phải là đích đến mà là một chặng đường
Bạn hãy nhớ rằng các giải nhất, nhì, ba.. chỉ khác biệt về tiền thôi. 7 mùa của cuộc thi văn học tuổi 20 là một ví dụ cho thấy hầu như các giải nhì và ba đều đi một con đường văn chương vững chãi hơn cả những tên tuổi quán quân.
!IMPORTANT! Hoà trộn những cuộc thi
Có rất nhiều cuộc thi được tổ chức hằng năm hoặc theo mùa, bạn nên phân phối sức cho hợp lí. Nghe thì dễ nhỉ, nhưng cụ thể là như sau: bạn hãy theo đuổi một vài đề tài nhất định mà bạn thấy hứng thú, với một công nghiên cứu, hãy sáng tác và phân phối đến các cuộc thi, các đơn vị xuất bản, báo chí khác nhau; chỉ cần tìm ra hình thức văn chương phù hợp là được. Điều này giúp bạn cho trứng vào nhiều giỏ, đồng thời tìm được các phương án tối ưu, khi còn đang gặp khó khăn về xuất bản.
Chẳng hạn, cùng thích thể loại truyện lãng mạn học đường, nhưng bạn có thể biến đổi cách tiếp cận để phù hợp với văn học mạng, với báo chí, với cuộc thi văn học trẻ nào đó. Tất cả các câu chuyện đều có đủ không gian (vì là do bạn thôi mà) cho mọi đề tài. Vẫn viết truyện lãng mạn học đường, nhưng vẫn có chủ đề phù hợp với một cuộc thi, tại sao không được nhỉ? Đó cũng là một kỹ năng của nhà văn.
Thực ra phương pháp này sẽ giúp bạn mở rộng hơn rất nhiều kỹ năng của mình thay vì gò bó vào các môi trường viết lách quen thuộc. Bản thân tôi thấy nhiều bạn viết văn học mạng theo lối học từ văn học Trung Quốc, sau đó không tài nào thoát ra nổi.
Đọc, đọc và đọc
Tôi không hiểu tại sao Mạng xã hội (nhất là threads và tiktok) thấy mọi người có vẻ choáng ngợp về sự đọc. Trên một số diễn đàn còn thấy cả sự ngạc nhiên vì cách diễn đạt mượt mà của một nhà văn này, nhà văn kia... Trong khi đọc văn chương của Việt Nam và quốc tế, đáng lẽ là công việc hết sức cơ bản, không có gì đáng nói của một người xác định làm nghề viết, thậm chí nghề truyền thông, quan hệ công chúng, branding hay marketing.
Đọc những gì liên quan đến cuộc thi, và đọc rộng những gì bạn đang quan tâm, đồng thời đọc văn chương nói chung. Sự đọc nếu không làm bạn thắng ngay một cuộc thi này, sẽ làm bạn thắng lớn ở một việc khác trong tương lai. Tôi đảm bảo luôn!!!!
CÁC TIÊU CHÍ VĂN CHƯƠNG
Bỏ qua các tiêu chí về chủ đề, riêng tiêu chí văn chương của các cuộc thi sẽ thường nằm ở công thức dưới đây
1,Nhân Vật
Phát triển nhân vật: Nhân vật cần được xây dựng một cách sống động và có chiều sâu, cho thấy sự phát triển hoặc thay đổi qua các sự kiện trong câu chuyện. Những nhân vật hấp dẫn thường có động cơ rõ ràng, mâu thuẫn nội tâm và khả năng tạo sự kết nối với người đọc .
Độc đáo và đa dạng: Tạo ra những nhân vật không rập khuôn, với các đặc điểm riêng biệt và sự đa dạng về nền tảng văn hóa và xã hội.
2. Cốt Truyện (nếu là văn học hư cấu)
Logic: Cốt truyện cần phải hấp dẫn từ đầu đến cuối, với những bước ngoặt bất ngờ và các sự kiện logic.
Tiến trình phát triển: Cốt truyện nên có sự tiến triển rõ ràng, bắt đầu từ một điểm khởi đầu hấp dẫn, trải qua những xung đột và thử thách, và kết thúc bằng một kết cục thỏa đáng .
3. Bối Cảnh
Chân thực và chi tiết: Bối cảnh cần được miêu tả một cách chi tiết và chân thực để tạo nền tảng vững chắc cho câu chuyện. Điều này bao gồm cả thời gian, địa điểm, và môi trường xã hội .
Tác động đến cốt truyện và nhân vật: Bối cảnh nên tác động trực tiếp đến cốt truyện và hành động của nhân vật, làm nổi bật các yếu tố văn hóa và xã hội có liên quan .
4. Văn Phong
Sạch nước cản: Đáp ứng cơ bản về việc viết lách sáng nước, khúc chiết, rõ ràng
Sáng tạo và phong phú: Văn phong cần thể hiện sự sáng tạo và phong phú, phù hợp với thể loại và nội dung của tác phẩm.
5. Cấu Trúc
Sắp xếp hợp lý: Cấu trúc của tác phẩm cần được sắp xếp một cách hợp lý với phần mở đầu, phát triển và kết thúc rõ ràng. Tối kỵ câu chuyện không mục đích, lan man (với tiểu thuyết, truyện ngắn) hoặc diễn giải dài dòng không thoát ý (với phi hư cấu, tản văn, content)
Kết nối giữa các phần: Đảm bảo sự kết nối liền mạch giữa các phần của câu chuyện để tạo sự nhất quán và logic trong toàn bộ tác phẩm .
6. Thông Điệp Nhân Văn
Ý nghĩa sâu sắc: Một tác phẩm văn chương thường để lại ấn tượng mạnh mẽ khi nó chứa đựng một thông điệp nhân văn sâu sắc, khuyến khích người đọc suy ngẫm và cảm nhận .
NHỮNG SAI LẦM NÊN TRÁNH
Không hiểu rõ tiêu chí cuộc thi: như trên, chúng ta không bàn lại nữa nhé
Không hiểu rõ các yếu tố cơ bản: deadline, thể loại, đề tài
Không theo dõi truyền thông của cuộc thi trên báo chí, và các kênh chính thức của cuộc thi. Điều này sẽ làm lỡ nhiều thông tin quan trọng, như gia hạn hoặc các hoạt động giao lưu khác.
Không gửi mail đúng định dạng. Kể cả là gửi mail tham dự thi hay gửi tìm cơ hội ở các NXB thì hầu như đều phải có: [1] Bản thảo hoàn thiện, [2] Giới thiệu tác giả, [3] Tóm tắt / giới thiệu bản thảo; thường trong cùng một file định dạng .doc hoặc .docx, tên bản thảo Tiếng Việt không dấu, định dạng bản thảo ở font Times New Roman cỡ 12.
Chán chường và nói xấu các cuộc thi khi thất bại: Có nhiều người khi thất bại nhiều ở các cuộc thi, hoặc gửi bản thảo không thành công sẽ tự cảm thấy bất tài, sau đó là cảm thấy bất công. Rồi bạn sẽ gặp rất nhiều trường hợp vật vã với con chữ và rồi mang tâm trạng tiêu cực của kẻ không được công nhận đúng tài năng. Đừng nhé!
Quá say mê các cuộc thi khi thành công: phải nói là cũng có nhiều người viết cứ muốn thi mãi, thi mãi, mà không chịu thoát ra để lập phong cách và tên tuổi riêng.
CÓ HAY KHÔNG NHỮNG BẤT CÔNG CỦA CÁC CUỘC THI?
Các cuộc thi có ưu tiên người nhà, người quen hay không?
Tôi dám chắc là không thể 100% các cuộc thi đều công bằng. Đặc biệt, ở các cuộc thi mà bản thân đơn vị tổ chức do những lý do khách quan không còn quan tâm, hoặc không còn đủ kinh phí vận hành. Chuyện ưu tiên người quen sẽ xảy ra, trong trường hợp cuộc thi ấy cần kết thúc một cách an toàn về mặt chính trị, xã hội. Dẫu sao, cuộc thi và ban tổ chức cũng là con người, họ có quan điểm của họ, lợi ích của họ, điều mà họ muốn bảo vệ, muốn làm rõ, muốn tôn vinh và có cả những điều họ không muốn trong lòng.
Tổ chức các cuộc thi - giống như mọi việc trên đời - đều tốn nguồn lực: tiền thưởng, công sức, đội ngũ, chi phí quản lý, marketing. Nguồn lực này nếu không từ ngân sách nhà nước thì cũng từ tiền túi của các doanh nghiệp. Đương nhiên, các doanh nghiệp sẽ can thiệp một chút ít vào kết quả cuộc thi bởi nó còn liên quan đến thương hiệu của họ. Một thương hiệu bánh ngọt không thể để cho một truyện ngắn có những nội dung nói xấu bánh ngọt dành giải cao nhất được. Đó là những ranh giới vô hình của cuộc thi, và có lẽ là của xã hội loài người.
Cho nên sự công bằng, tử tế của các cuộc thi sẽ thấy ngay từ khâu tổ chức. Thường các cuộc thi lớn của các đơn vị nhà nước, hoặc đơn vị tư nhân có uy tín trong lĩnh vực chuyên môn mà cuộc thi hướng đến thì đều tương đối công bằng.
Các yếu tố có thể làm hỏng sự cân bằng của cuộc thi
Ở trên ta đã thấy yếu tố vận hành, tiền bạc và nguồn lực ảnh hưởng khá rõ. Nhưng có những điều khác nhỏ hơn nhưng cũng không phải là không gây ra hậu quả:
Ban giám khảo: Họ quá bận rộn, hoặc quá ẩu, không đọc kỹ, thiếu cái tâm chấm để...trả deadline
Ban tổ chức: Tổ chức lộn xộn dẫn đến bỏ sót bài thi, bản thảo, hoặc dồn ngày để làm việc chạy chỉ tiêu
Thí sinh không hiểu cuộc thi, gây nhiễu
Điều đó lý giải tại sao bạn cần theo dõi truyền thông của các cuộc thi.
CÁC CUỘC THI VĂN CHƯƠNG Ở VIỆT NAM
Các cuộc thi hiện đang có
Bạn có thể tham khảo Group "Tổng hợp các cuộc thi viết" của admin Hà Thy Linh, một người bạn của mình. Bạn ấy chắc chắn kỹ tính và uy tín hơn mình trong việc tổng hợp đề tài này. Ở đây quan trọng là có những cuộc thi nhỏ hơn, gần gũi hơn và cũng đáp ứng đa dạng cơ hội hơn cho mọi người làm trong các lĩnh vực biên kịch, truyền thông. Ở đây chỉ nêu vài cuộc nổi bật:
Cuộc thi Truyện Ngắn Báo Văn Nghệ (2022-2024): Được tổ chức bởi Báo Văn Nghệ, cuộc thi này nhằm tôn vinh các tác phẩm truyện ngắn chưa được công bố. Đối tượng tham gia là tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước, không phân biệt độ tuổi. Tác phẩm dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, với độ dài không quá 7000 từ
Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc UIT” (2024): Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, cuộc thi này do Thư viện Trường Đại học Công nghệ Thông tin tổ chức, nhằm khuyến khích sinh viên tham gia viết về tầm quan trọng của việc đọc sách và lan tỏa tình yêu sách
Cuộc thi sáng tác “Văn chương phương Nam” (2024): Dành cho học sinh và sinh viên, cuộc thi khuyến khích sáng tác truyện ngắn và thơ với chủ đề vùng đất và con người phương Nam. Tác phẩm dự thi bao gồm truyện ngắn không quá 3.500 chữ và thơ không quá 40 câu
Cuộc thi Truyện ngắn hay Đường Văn (2023-2024): Mở rộng cho tất cả công dân Việt Nam, cuộc thi này khuyến khích viết truyện ngắn với mục tiêu khơi dậy những kỷ niệm và cảm xúc về dòng sông quê hương và các dòng sông khác tại Việt Nam. Các tác phẩm cần có độ dài không quá 7000 từ [58].
Cuộc thi Sáng Tác Truyện Ngắn 2024 - Tôn Vinh Văn Hóa Đọc: Được tổ chức bởi Trung tâm Tôn Vinh Văn Hóa Đọc, cuộc thi nhấn mạnh vào việc sáng tác truyện ngắn và khuyến khích những tác giả mới nổi sáng tạo những tác phẩm mới lạ
CÁC CUỘC THI VĂN CHƯƠNG Ở NƯỚC NGOÀI CHẤP NHẬN TÁC GIẢ VIỆT NAM VIẾT BẰNG TIẾNG ANH
Cái này thì...nhiều lắm. Tuy nhiên tác giả Việt thường vấp phải các rào cản như sau:
Chất lượng các cuộc thi quốc tế rất thượng vàng hạ cám
Những cuộc thi, giải thưởng uy tín về tiểu thuyết hầu hết chỉ nhận bản thảo từ Agent (người đại diện) hoặc đơn vị xuất bản hoặc thư viện. Nghĩa là bạn phải có sách xuất bản ở nước ngoài trước.
Viết bằng tiếng Anh, mà lại còn viết văn chương, đòi hỏi tư duy ngôn ngữ nguyên thuỷ và hiểu được cả tính thi ca của cảm thức ngôn ngữ ấy, đương nhiên là điều rất khó
Cuộc thi nào cũng có lệ phí thi, đây là rào cản lớn với một số tác giả nghèo
Desperate Literature Short Fiction Prize (Tây Ban Nha):
Hạn chót: 30 tháng 4, 2024
Loại hình: Tác phẩm truyện ngắn chưa từng xuất bản, tối đa 2.000 từ.
Lệ phí tham gia: 20€ cho bài dự thi đầu tiên, 10€ cho mỗi bài tiếp theo (tối đa 5 bài).
Giải thưởng: Giải nhất nhận 1.500€ và tư vấn từ một đại diện văn học, các á quân nhận 750€ mỗi người .
Ploughshares Emerging Writer’s Contest (Mỹ):
Hạn chót: 15 tháng 5, 2024
Loại hình: Tác phẩm tiểu thuyết, phi tiểu thuyết chưa xuất bản (tối đa 6.000 từ) và thơ (3–5 trang).
Lệ phí tham gia: 24 USD, bao gồm một năm đăng ký tạp chí.
Giải thưởng: 2.000 USD cho mỗi thể loại (tiểu thuyết, phi tiểu thuyết, thơ) và xuất bản trong số mùa đông 2023–2024 của Ploughshares
Aesthetica Creative Writing Award (Anh):
Hạn chót: 31 tháng 8, 2024
Loại hình: Thơ (tối đa 40 dòng) và truyện ngắn (tối đa 2.000 từ).
Lệ phí tham gia: 12£ cho mỗi bài thơ, 18£ cho mỗi truyện ngắn.
Giải thưởng: 2.500£ cho mỗi thể loại và xuất bản trong Aesthetica Creative Writing Annual
The Caledonia Novel Award (Anh):
Hạn chót: 23 tháng 9, 2024
Loại hình: Tiểu thuyết chưa xuất bản.
Lệ phí tham gia: 28£
Giải thưởng: Giải thưởng bao gồm tiền mặt và các dịch vụ hỗ trợ từ agent
Tadpole Press 100 Word Writing Contest (Quốc tế):
Hạn chót: 30 tháng 4, 2024
Loại hình: Tác phẩm viết tối đa 100 từ.
Lệ phí tham gia: 15 USD
Giải thưởng: 2.000 USD cho giải nhất, các gói hỗ trợ viết lách cho các giải tiếp theo
NHỮNG MẶT LỢI HẠI CỦA CÁC CUỘC THI VĂN CHƯƠNG THEO QUAN ĐIỂM CỦA CÁC NHÀ CHUYÊN MÔN TRÊN THẾ GIỚI
Lợi Ích Của Cuộc Thi Văn Chương:
Cơ Hội Được Xuất Bản: Nhiều cuộc thi văn chương mang đến cơ hội xuất bản cho người thắng giải, đặc biệt với các thể loại như truyện ngắn hoặc trích đoạn của tác phẩm dài hơn. Điều này giúp các tác giả trẻ và chưa nổi tiếng tiếp cận độc giả rộng hơn [3]
Tăng Cơ Hội Tiếp Cận: Các cuộc thi giúp tác giả tăng khả năng tiếp cận công chúng, đặc biệt nếu họ giành giải hoặc trở thành người vào chung kết, nhờ đó tác phẩm của họ được nhiều người biết đến hơn [1][3].
Rèn Luyện Kỷ Luật: Tham gia các cuộc thi thường yêu cầu tuân thủ hạn chót nghiêm ngặt, giúp nhà văn rèn luyện kỷ luật và động lực làm việc [3].
Những Hạn Chế Và Vấn Đề:
Chi Phí Tham Gia: Nhiều cuộc thi yêu cầu phí tham gia, có thể là rào cản đối với một số nhà văn. Dù số tiền này thường dùng để trang trải chi phí hành chính và tiền thưởng, nhưng không phải lúc nào cũng đảm bảo giá trị mà người tham gia nhận được [5].
Tiêu Chuẩn Khắt Khe: Nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều người đoạt giải từ các giải thưởng văn học lớn thường có nền tảng giáo dục cao cấp, như từ các trường Ivy League hoặc các chương trình MFA danh tiếng. Điều này tạo ra rào cản cho những tài năng không có cơ hội học tập tại các cơ sở này [4].
Sự Công Bằng Và Đa Dạng: Một số ý kiến cho rằng, mặc dù số lượng người thắng giải từ các nhóm dân tộc thiểu số đang tăng lên, những người không thuộc các tổ chức uy tín vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc được công nhận [4].
Quan Điểm Về Tính Đáng Tin Cậy:
Nhiều cuộc thi có thể không đáng tin cậy, với các công ty tổ chức nhằm mục đích thu lợi nhuận mà không thực sự tạo ra cơ hội cho các nhà văn. Do đó, việc nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi tham gia là cần thiết để tránh các cuộc thi lừa đảo [5].
Ý Nghĩa Văn Hóa Và Xã Hội:
Các giải thưởng văn học không chỉ đơn thuần là giải thưởng tài chính mà còn mang lại sự chú ý và cơ hội chuyên nghiệp cho các tác giả. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành con đường nghệ thuật của nhiều tác giả [4].
LỜI CUỐI
Thật ra đây không phải là chủ đề hấp dẫn với bản thân mình, nhưng cũng là để có thêm một chia sẻ nữa cho series #Onwriting còn chưa đi được vào cửa chính.
Làm nghề viết lách có sống được thoải mái hay không, còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, mà cuộc thi chỉ là một phần rất nhỏ. Hãy đón xem kỳ tiếp theo nhé
Qua Blog này, team S.Authors và mình sẽ tiếp tục những câu chuyện mới về các chủ đề văn học, sáng tạo, xuất bản và truyền thông; những workshop và dự án xuất bản sắp tới để mở cửa cho mọi người cùng tham gia, kết nối với các dự án của Linh Lan Books cũng như các đơn vị xuất bản uy tín trong nước. Hãy subscribe để nhận những thông tin độc quyền qua thư điện tử nhé
Nếu bạn còn thắc mắc gì hay có gì cần hỏi hãy để lại bình luận hoặc nhắn cho mình qua Threads Instagram nhé
Tham Khảo:
"Thể lệ Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn", Báo Lao Động 23/11/2021, link: https://laodong.vn/cong-doan/the-le-cuoc-thi-sang-tac-van-hoc-ve-de-tai-cong-nhan-cong-doan-976767.ldo
"ĐHQG-HCM phát động cuộc thi sáng tác văn chương cho sinh viên, học sinh toàn quốc." Đại học Quốc gia TPHCM, vnuhcm.edu.vn, https://vnuhcm.edu.vn/tin-tuc/phat-dong-cuoc-thi-sang-tac-van-chuong-giai-thuong-van-hoc-tre-dhqg-hcm-nam-2022.
"The Biggest Benefits of Writing Contests." NY Book Editors, nybookeditors.com.
"Literary Prizes Under Scrutiny." Poets & Writers, pw.org.
"Which Screenwriting Competitions Are Worth Entering?" Personal View, personal-view.com.