On Writing #3 - Nhìn thực tế: có thể sống bằng nghề creative writing trong tương lai?
Viết lách không phải là một nghề, nó là một phần của một sự nghiệp gồm nhiều công việc khác nhau, trong đó viết lách là phần cốt lõi.
Series On Writing đã có:
Nhìn thực tế: có thể sống bằng nghề creative writing trong tương lai?
Kỳ Tiếp theo:
Loại bỏ đao to búa lớn khi xây dựng nhân vật và câu chuyện
Nhìn thực tế: có thể sống bằng nghề creative writing trong tương lai?
Câu thơ "Cơm áo không đùa với khách thơ" của Xuân Diệu thường được dùng trong bối cảnh bàn luận nghề viết có sống được hay không. Trong đó đã chứa sẵn các tiền định, gồm
Nghề viết được coi là khách thơ: nghĩa là bản chất của nó đã ít tính tự chủ và đậm chất phong lưu nhiều hơn
Cơm áo: nghĩa là thu nhập thực tế để tồn tại
Không đùa: nghĩa là cơm áo là chuyện nghiêm túc, nó sẽ không phải là thứ mà khách thơ có thể coi thường
Đặt vào bối cảnh bài thơ thì những tiền định này đều không chính xác. Nguyên bản câu này nằm trong bài thơ "Giới thiệu", nội dung là nói về một nhân vật ở giới trí thức khoa cử, nhìn chung làm công tác đèn sách, bút nghiên theo truyền thống, hơi lạc thời với xã hội tư bản VIệt Nam thời ấy mà crush của anh ta thuộc về. Song dẫu văn cảnh nguyên bản thế nào, câu thơ vẫn được tách ra như một lời cảnh tỉnh, thậm chí lời nguyền cho giới viết lách.
(Có một thời kỳ ai cũng có thể nói về đề tài này như một cách để lấy chuyện làm quà. Mà quà đó thì khác gì táo độc. Có một lần tôi làm diễn giả cho một chương trình ra mắt sách do NXB Phụ Nữ tổ chức, đến phiên một KOL khuyến đọc đứng lên phát biểu giao lưu, không nói vào trọng tâm vào tác phẩm sách mà nói về nhà văn có sống được bằng nghề hay không. Tôi thấy như thế là khiếm nhã)
Từ lâu nhìn cha mẹ, anh chị mình lao động, trên đất nước mình, tôi đã biết rằng cơm áo không đùa với mọi nghề, chẳng riêng gì khách thơ. Sự lao động, ở tất cả mọi nơi, mọi thời đại... đều là vinh quang nhưng cũng hàm chứa nhiều bất trắc, thử thách, đòi hỏi lòng kiên nhẫn, một chút may mắn, số hưởng, đòi hỏi cả sự nghiêm túc đánh đổi, tổ chức lại cuộc sống.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cùng xem xét tương lai của một người phát triển trong nghề viết, trong bối cảnh bây giờ và tương lai gần:
Có thể sống bằng và chỉ bằng nghề viết không? Nghĩa là có thu nhập đều đặn, ổn định thực tế từ nó hay không?
Trong thời gian từ 2025, tương lai của nghề này như thế nào?
Tiêu chí của bài viết này là: thực tế và cặn kẽ
Bài viết này về và dành cho các đối tượng:
Người làm nghề viết (gồm tất cả các công việc viết lách nói chung, gồm cả báo chí, biên kịch, copywriter, solopreneur, freelancer liên quan) - nhưng sẽ nhấn mạnh hơn một chút vào viết văn
Người đang định hướng cho nghề này bởi một cảm giác mơ hồ là mình có thể làm được
Người thích làm công việc viết lách dù đã có công việc chính
Mấy điều cơ bản cần thống nhất
Bài viết này là quan điểm của tác giả, dựa trên kinh nghiệm khi trực tiếp làm việc trong nghề và tiếp xúc với nhiều nhà văn, copywriter, nhà biên kịch... có thâm niên. Trong cuộc đời mình, tôi làm nhiều công việc khác nhau gồm marketing, quan hệ công chúng, kinh doanh, xuất bản, mentor, diễn giả... nhưng viết - thậm chí cụ thể là viết văn - chính là trung tâm trong cuộc sống của tôi, nó tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến tất cả các công việc trên, tác động ở dạng cốt lõi nhất.
Tuy nhiên, dù câu trả lời hay thông tin trong bài này như thế nào, chúng tôi rất muốn thống nhất về quan điểm với các bạn rằng: nếu các bạn đã yêu viết lách, thích văn chương và sáng tạo, và coi đó là một giá trị của bản thân mình, thì bất kể như thế nào, hãy làm và tận hiến cho công việc đó. Có nhiều anh chị, bạn bè của tôi đã rất thành công trong công việc này, chỉ vì lẽ đơn giản ấy.
Điều cuối cùng cần thống nhất, cụm từ "viết lách" trong bài này có nghĩa tương đương với "creative writing". Nghĩa là tôi sẽ không tính chuyện kỹ năng viết lách theo kiểu nhân viên hành chính, giấy tờ, thư ký, đánh máy cho thủ trường - dù những nghề này cũng khó không kém. Creative Writing đối với tôi gồm sáng tác (biên kịch, viết văn), viết bài truyền thông (PR, Marketing), báo chí, blogging.
Những gì tôi đã nói
Đề tài này mình đã nói nhiều lần trong suốt những năm qua, chủ yếu sâu hơn vào văn chương - một phần của creative writing. Cùng điểm qua một chút, để xem bản thân mình đã thay đổi quan niệm như thế nào nhé:
Bài trên Zingnews 2021 (đọc lại ở đây). Khẩu khí cũng đỉnh nóc kịch trần phết đấy. Trong đoạn phỏng vấn này, quan điểm trung tâm của tôi nói trắng ra là: (1) không thể sống bằng thu nhập từ viết văn, tuy nhiên (2) viết văn có thể mang lại nhiều giá trị lớn mà tiền không mua được hoặc phải mua bằng rất nhiều tiền, cho nên (3) rất đáng để sống với văn chương. Đúc kết bằng câu sau:
Tiền là phương tiện, không phải mục đích. Văn chương là mục đích, không phải phương tiện.
Bài phỏng vấn trên VNExpress, thực ra có rất nhiều chủ đề, nhưng nhà báo chọn luôn chủ đề nhà văn cần phải nuôi thân cho nó dễ câu views. Trong bài này, chủ ý của tôi gần như vẫn như cũ, nhưng đã nghiêng hơn về việc chính nghề viết có thể sống được mà không cần nghề thứ hai kèm theo.
Tuy nhiên chương trình phát thanh dưới đây thì khác:
Trong Podcast này của Đài Tiếng nói Việt Nam, dường như kịch bản không cho phép tôi lòng vòng, mà đi thẳng vào các ngách hẹp nhất của nghĩa: có thể viết văn, kiếm tiền từ việc đó như một nghề chính hay không? Trong trường hợp này, tôi đã quan sát được rộng hơn. Có một sự thay đổi nhỏ ở đây: tôi không nghĩ đó là một job, mà là một career, tôi không nghĩ nó là mass market mà là niche market. Và câu trả lời mà tôi toát lên là hoàn toàn được, những người làm công việc viết lách hoàn toàn sống được, không hề kém cạnh mọi chuyên môn khác.
Job và Career có vẻ giống như cách người ta nói về nghề và nghiệp. Song chữ "nghiệp" ở Việt Nam còn có nét nghĩa định mệnh, còn Career có lẽ thực tế hơn nhiều: quá trình phát triển và tiến bộ nghề nghiệp lâu dài trong một lĩnh vực. Nó đại diện cho sự nghiệp tổng thể của một người trong suốt cuộc đời, với những mục tiêu dài hạn, cụ thể.
Cũng khó có thể tư duy nghề viết như một công việc của Mass Market. Việc đọc, thưởng thức sản phẩm hoặc sử dụng các giá trị của công việc viết lách... là thị trường ngách, nó chỉ nằm ở một cộng đồng nhỏ trên đất nước và thế giới. Tuy nó ngách, nhưng nó cũng đầy tính cạnh tranh.
Trên kênh Newsletter này, tôi được trò chuyện với những người cùng trang lưá hoặc ít tuổi hơn, dẫu sao nói thực là cũng dễ nghiêm túc trao đổi hơn (riêng với đề tài này). Các bạn đọc blog này đều biết chúng tôi luôn luôn tìm cách mở rộng vấn đề như một chân trời suy tư. Chứ nhiều người ở thế hệ trước, đọc mỗi cái tiêu đề rồi phán luôn mấy cái định kiến lỗi thời vào, xin kiếu!
Nỗi lo của một người viết đến từ đâu?
Đây là những lý do cơ bản khiến người ta (cả trong cuộc và ngoài cuộc) ngần ngại với nghề viết. Tôi sẽ comment luôn từng ý.
Định kiến nặng nề chính từ quan điểm "dài lưng tốn vải" hoặc "cơm áo etc." ở trên. Nhưng định kiến này sai trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Những đồng tiền đầu tiên kiếm được rất khó, cạnh tranh cao và các account thường trả bèo bọt. Cái này đúng với content marketing, nhưng thực ra nó đúng với mọi nghề. Ngay cả design, quay dựng cũng vậy thôi. Khi bạn không có kinh nghiệm, personal brand, các mối quan hệ.. thì làm gì cũng khó
Viết là một nghề mang tính tài năng cá nhân, lúc nào cũng phải tự tay làm. Điều này hoàn toàn không đúng. Nhiều freelancer writer đã lập agency và rất thành công với nhiều dự án tiền tỷ, như Soloexpert của Linh Phan.
Nghề creative writing như Viết văn và cả biên kịch đều có nhuận bút không quá cao, trong khi công sức, chất xám rất cao. Tôi không chắc về điều này. Nhưng có một điều mà ta thường bỏ qua: personal brand. Một bộ phim, một cuốn sách của bạn sẽ mang lại cho bạn những điều mà người ta phải bỏ rất nhiều tiền để có được.
Khái niệm "nghề" và "sống"
Ta cần xác định một cái gì đó có phải là một nghề không đã.
Chúng tôi sẽ đưa ra những cách hiểu dưới đây, việc chọn lựa là của bạn nhé:
Quan điểm 1: Viết lách là một nghề. Thu nhập của nghề này dựa trên người ta trả tiền cho sản phẩm cuối cùng
Quan điểm 2: Viết lách không phải là một nghề, mà là một phần của một sự nghiệp. Thu nhập ở đây sẽ là tổng số tiền được thu về từ sự nghiệp ấy.
Quan điểm 3: Viết lách không phải là một nghề, mà là kỹ năng cần thiết trong nhiều nghề. Thu nhập ở đây chủ yếu là trong các nghề khác mà không trực tiếp từ viết lách
Quan điểm 4: Viết lách không phải là một nghề theo bất cứ nghĩa nào, nó là một dạng việc phải làm trong cuộc đời để tạo ra di sản cá nhân. Nó không quan trọng thu nhập.
Bạn còn quan điểm nào khác không, hãy comment nhé
Còn sống bằng nghề là gì?
Quan điểm 1: Simply, nghề nghiệp ổn định, thu nhập đều đặn, phù hợp với bản thân
Quan điểm 2: Nghề nghiệp thu nhập tốt, tạo ra nhiều cơ hội thăng tiến, mang lại những giá trị cao hơn trên tháp nhu cầu
Quan điểm 3: Nghề nghiệp ổn định, thu nhập đều đặn, tạo ra sự hạnh phúc và thoải mái
Trông na ná nhau nhưng khác đấy. Quan điểm số 1 dành cho người thích ổn định, thực tế và không thích bon chen. Quan điểm số 2 phản ánh tham vọng của bạn. Quan điểm số 3 dành cho người lãng mạn, truy cầu nhiều điều hơn là tiền.
Vậy bạn hãy tự ghép hai quan điểm của bạn vào để xác định tâm thế, cho chúng tôi biết bạn đã chọn điều gì qua comment nhé:
---
Còn đây là quan điểm của tôi: viết lách không phải là một nghề, nó là một phần của một sự nghiệp gồm nhiều công việc khác nhau, trong đó viết lách là phần cốt lõi.
Bây giờ là năm 2025. Có rất nhiều nghiên cứu đề cập đến nhu cầu phát triển các kỹ năng đa ngành để thích ứng với thị trường lao động đang thay đổi. Một nghiên cứu chỉ ra rằng việc tích hợp các kỹ năng từ nhiều lĩnh vực khác nhau có thể nâng cao khả năng tuyển dụng và thích ứng của người trẻ, bởi họ thường được kỳ vọng thực hiện các vai trò kết hợp các yếu tố từ các ngành nghề truyền thống khác nhau Các tác động từ cấu trúc và văn hóa - như được thảo luận trong cuốn sách Youth, Jobs, and the Future - cũng góp phần vào những thách thức về việc làm mà giới trẻ đang phải đối mặt. Việc tích hợp các kỹ năng đa ngành được coi là một cách để đối phó với những thách thức này, giúp người trẻ điều hướng thị trường lao động phức tạp và năng động một cách hiệu quả [1].
Đến đây, sự việc đã phức tạp hơn. Nhưng chúng ta cũng đã có thể hiểu được một phần công việc của mình rồi đúng không?
Các tác giả tôi biết đã nghĩ gì?
Tôi làm việc với nhiều tác giả viết văn, chuyên gia truyền thông gắn với lĩnh vực câu chữ, họ đều sống ổn với nghề theo quan điểm của họ. Họ thoả mãn chí sáng tạo, có danh tiếng và gặt hái thành công:
Một số tác giả có lượng độc giả đông đảo, nhất là lĩnh vực văn học kinh dị, họ thực sự kiếm tiền bằng nghề viết: kênh tiktok, youtube, sách, ebook và donate cộng đồng của họ. Đây là những người THẬT SỰ sống bằng creative writing theo nghĩa thuần khiết nhất.
Một số tác giả trẻ tuổi, dù vẫn kiếm được tiền từ viết văn, nhưng họ không đặt nặng, họ có nghề khác rồi. Có lẽ họ theo quan điểm thứ 4.
Một số tác giả khác, họ kiếm tiền từ tổng thể các dự án viết lách nói chung. Họ phân định rạch ròi chỗ nào là viết kiếm tiền và chỗ nào là viết văn để vừa thoả mãn sáng tạo, vừa làm branding, vừa tìm cơ hội khác.
Một số copywriter và content specialist, họ đầu quân cho các công ty lớn, sau đó tách ra và tự lập. Thông thường. Họ viết sách non-fiction, đôi khi cả tiểu thuyết, tự chi tiền in ấn hoặc tham gia các cuộc thi. Những tựa sách này mang lại cho họ danh tiếng nhất định.
Cũng có những người viết lách không thực sự thành công, phần lớn họ coi viết lách là sở thích. Họ rất yêu viết lách nhưng không coi đấy là phương tiện sống; hoặc họ cũng coi đó là phương tiện sống nhưng không chủ đích tìm một chiến lược rõ ràng.
Nhà nước ta nghĩ gì?
Rất rõ ràng:
Quyết định số 329/QĐ-TTg: Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 15 tháng 3 năm 2017, đề án này nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của đề án là xây dựng và duy trì thói quen đọc sách, kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin cho người dân. Đề án cũng nhấn mạnh việc phát triển thư viện hiện đại, khuyến khích các hoạt động văn hóa đọc tại các thư viện công cộng và trường học (Xem Hệ thống văn bản)
Quyết định số 515/QĐ-TTg: Phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025. Chương trình này bao gồm các mục tiêu và giải pháp để thúc đẩy sự phát triển bền vững của văn hóa Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong xây dựng và phát triển đất nước (Xem Hệ thống văn bản).
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa: Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm thúc đẩy sự phát triển và lan tỏa của văn hóa Việt Nam thông qua các ngành công nghiệp sáng tạo (Xem Hệ thống văn bản).
Mô hình của bạn là gì?
Trong bài viết của tôi từ đầu đến giờ, hẳn các bạn sẽ cảm thấy đôi lúc tôi nói riêng về viết văn (sáng tác văn chương) và đôi lúc lại nói chung về viết lách. Nhưng sự bất phân đó có chủ ý.
Chúng ta tạm đúc kết mối liên hệ giữa thành quả (ở đây sẽ dùng từ "outcome" thay vì "income") và công việc viết lách, dựa trên vai trò và vị trí của nó trong sự nghiệp của bạn. Thuật ngữ Solopreneur ở đây đại diện cho hệ thống các công việc kiếm sống của bạn (tính luôn cả việc bạn làm văn phòng nhé)
Mô hình thứ nhất, Solopreneur của bạn tạo ra Outcome độc lập với Writing. Mô hình này khá dễ. Bạn sống hai cuộc đời, tự phân chia thời gian làm hai công việc khác nhau
Mô hình thứ hai, Solopreneur của bạn tạo ra là để tập trung cho Writing, và tạo ra Outcome. Mô hình này khá khó, rủi ro thu nhập thấp.
Mô hình thứ ba, Solopreneur và Writing kết hợp để tạo ra Outcome. Trong mô hình này, bạn buộc phải là người rất giỏi. Ví dụ solopreneur của bạn là biên kịch hoặc chấp bút, như vậy bạn vừa làm nghề writing, vừa kiêm luôn tìm kiếm đối tác, khách hàng và quản lý các hợp đồng.
Mô hình thứ tư, Solopreneur và Writing kết hợp nhưng mỗi bên tạo ra Outcome riêng. Ví dụ, việc writing của bạn mang lại đối tác để Solopreneur của bạn mở rộng dịch vụ, hoặc sản phẩm. Đây là mô hình kinh điển, việc này bồi cho việc kia, nhược điểm là luôn bận rộn và mệt mỏi
Trong 4 mô hình, Writing - viết lách có vai trò khác nhau, có lúc nó là chính, có lúc nó là bổ trợ, có lúc là một công việc, một nghề tay trái độc lập. Xác định mô hình sẽ giúp bạn biết cân bằng kỳ vọng và thời gian đầu tư cho nó.
Thu nhập của một người viết đến từ đâu?
Tôi tin là đa số người viết có tinh thần nghiêm túc, đều sống được ổn định. Có rất nhiều người thậm chí sống tốt, dù tôi chưa thấy ai thực sự giàu có: để giàu có bạn phải kinh doanh. Giàu là một đề tài khác, chúng tôi sẽ bàn ở một series khác trên Nonfic+
Nhưng tất nhiên không ai oang oang trên báo chí truyền thông là tôi kiếm sống ổn bằng nghề viết, vì trong nghề này, sự thành công được bảo chứng bằng các yếu tố khác. Hay nói tóm lại, họ khoe cái khác (thành tựu, lời khen, giải thưởng, cuộc sống tinh thần và vật chất vui vẻ của họ) chứ không khoe tiền.
Ở đây sẽ phân loại thành nhóm chính, nhóm phụ và nhóm thu nhập phái sinh. Nhóm chính liên quan đến cốt lõi của nghề. Nhóm phụ là nhánh không theo định hướng nhưng vẫn liên quan đến nghề chính. Nhóm thu nhập phái sinh hay "lợi nhuận bất ngờ" (windfall profit), là khoản thu nhập không được dự đoán trước hoặc không nằm trong kế hoạch, thường xảy ra do những biến động không lường trước trên thị trường, thay đổi chính sách, hoặc các yếu tố bên ngoài khác. Bạn có thể tự chia lại dựa theo mong muốn của bạn, chẳng hạn bạn làm copywriter thì copy sẽ là chính
Giống như mọi bussiness, không có mức giá nào cố định cho giá trị nghề nghiệp của bạn cả. Các yếu tố tạo nên thay đổi trong thu nhập:
Kinh nghiệm của bạn - ở đây chính xác là kinh nghiệm quản lý, tổ chức các dự án. Bạn biết rồi đó, nó gồm quản lý nguồn lực, năng suất và thu chi. Ta sẽ nói qua ở dưới và bàn sâu hơn qua một bài khác trong Series On Writing
Brand của bạn: Nó quyết định đến cách mà sản phẩm của bạn được định giá
Nhu cầu của thị trường
Nhóm chính:
Bán sách: Đây có thể là thu nhập từ việc bán sách giấy, sách điện tử, hoặc sách nói. Các nền tảng như Amazon Kindle, Apple Books, và Audible là những kênh phổ biến để phân phối sách và kiếm thu nhập từ tiền bản quyền.
Viết bài cho tạp chí và báo chí: Nhiều tạp chí và báo chí trả tiền cho các bài viết, phỏng vấn, và bài bình luận. Đây là nguồn thu nhập thường xuyên cho nhiều nhà văn tự do.
Nhóm phụ:
Viết Content: Viết bài cho các trang web, blog, và nền tảng truyền thông xã hội có thể mang lại thu nhập qua các hợp đồng tự do hoặc thông qua các chương trình như Google AdSense và các quảng cáo khác.
Viết kịch bản và nội dung sáng tạo: Các kịch bản phim, chương trình truyền hình, và trò chơi điện tử đều cần đến người viết nội dung sáng tạo. Các nhà văn có thể nhận tiền từ hợp đồng kịch bản hoặc tiền bản quyền từ tác phẩm của họ.
Viết quảng cáo (copywriting): Viết nội dung quảng cáo cho các công ty và nhãn hàng có thể mang lại thu nhập ổn định, đặc biệt là khi làm việc với các chiến dịch tiếp thị lớn.
Viết tài liệu học thuật và nghiên cứu: Các tổ chức giáo dục và nghiên cứu thường cần các tài liệu học thuật, bài nghiên cứu, và sách giáo khoa.
Viết nội dung hướng dẫn và tài liệu đào tạo: Viết các tài liệu hướng dẫn sử dụng, tài liệu đào tạo, và nội dung e-learning cho các doanh nghiệp và tổ chức giáo dục.
Ghostwriting (chấp bút - không phải chắp bút): Đây có lẽ là công việc thường tạo ra thu nhập ổn định nhất, nhưng đòi hỏi những kỹ năng chuyên biệt liên quan. Cung cấp dịch vụ viết lách theo yêu cầu cho các doanh nghiệp, bao gồm viết thư từ, tài liệu truyền thông nội bộ, và nội dung liên quan đến dịch vụ khách hàng; chấp bút hồi ký.
Nhóm Windfall profit:
Bán bản quyền và tác phẩm: Bản quyền các tác phẩm đã xuất bản có thể được bán cho các nhà xuất bản quốc tế hoặc các hãng phim để chuyển thể thành phim, chương trình truyền hình, hoặc các dự án đa phương tiện khác.
Ngắn gọn về Cách thức tổ chức công việc xoay quanh viết lách
Thực tế là nếu bạn tự nhiên kiếm được một khoản tiền nhiều hơn thu nhập bình thường từ một nghề nào đó, bạn sẽ yêu nghề đó luôn
Mô hình của bạn cần các yếu tố như sau:
Năng lực quản lý: bất kể làm freelancer, solopreneur, chủ công ty, lead dự án, nhân viên văn phòng... bạn vẫn phải quản lý được cảm xúc, thời gian, cộng sự, nguồn lực... cho hoạt động viết lách của mình. Kỹ năng này buộc phải đào luyện, và nhanh nhất có lẽ đào luyện qua cả 2 môi trường freelancer và văn phòng.
Core Value: Những sản phẩm đánh dấu bạn trong cuộc đời. Một tập thơ, một cuốn sách
Tay nghề: Ít nhất bạn có một nghề làm cơ sở để thiết lập một dịch vụ hoặc bussiness liên quan
Một tâm thế tiếp cận. Cái này sẽ quyết định tất cả cách bạn sắp xếp mô hình
Cộng sự: Bạn cần một hoặc một vài cộng sự có thể giúp những công việc hành lang khác.
Bạn có thể tổ chức như sau:
Mô hình Solopreneur: Một quy trình vận hành và sắp xếp tối ưu để sẵn sàng bước chân vào các job lớn nhỏ trên thị trường, sau này sẽ là đầu ra của bạn.
Sáng tác và tìm cơ hội từ việc sáng tác. Nhưng lưu ý chúng tôi không khuyên bạn chăm chăm viết để có branding, bạn hãy viết những gì có ích cho mọi người, hoặc nếu không phải là quan điểm và giá trị nghệ thuật chính bạn. Hãy tìm cách đưa tác phẩm ra bên ngoài qua hình thức xuất bản.
Mô hình truyền thông: Bạn cần một kênh truyền thông với brand của bạn, dùng để mang lại cơ hội
Vốn và Tái đầu tư: Luôn hoạch định vốn ban đầu và lợi nhuận để đầu tư ngược về số 2, bao gồm mua sách đọc, thời gian lên thư viện, giao tiếp, đi workshop. Đặc biệt là khâu đọc, nghiền ngẫm, bất kể làm nhà văn hay copywriter.
Set up các mục tiêu nhỏ, thực tế trước để có thể cảm nhận rõ hơn về công việc, tránh chìm đắm và lơ lửng.
Một công việc song song: Trong trường hợp mới bắt đầu, bạn cần có một công việc ổn định, có thể là làm content marketing để nuôi dưỡng ước mơ, mài giũa sự kiên nhẫn và tích luỹ kinh nghiệm, cũng là để tự cho công việc Writing của bạn có thời gian để thành hình với ít áp lực hơn.
Những khó khăn phải vượt qua
Về tâm lý: Viết lách khó có thể mang lại kết quả nhìn thấy ngay, bạn buộc phải
Về thời gian: Mặc dù bạn có thể rất giỏi về set up thời gian, nhưng việc viết lách luôn khiến đầu óc ta lúc nào cũng bận rộn. Thiên tài như Lưu Quang Vũ cũng từng than thở như vậy trong nhật ký của ông, không riêng gì bạn hay tôi.
Về sự ủng hộ của người khác: Bạn cần rất khéo léo truyền thông cho công việc của mình để tranh thủ sự ủng hộ hoặc sống được chung với sự nghi ngờ và phản đối, nhất là khi còn chưa xác định được mình trên con đường nghề nghiệp
Về vật chất: Phải rồi, khi tài chính không dư dả, tâm lý của chúng ta không bao giờ đủ tốt để tạo ra sản phẩm tử tế. Theo chúng tôi, nên bắt đầu với một mô hình mà Writing là công việc song song, tuy vất vả nhưng nó sẽ khiến bạn bám trụ được từ đầu
TẠM KẾT
Chúng ta đang sống trong một đất nước khuyến khích giá trị văn hoá, khuyến khích việc đọc, nghiên cứu, trao đổi...và phát triển công nghiệp văn hoá. Với tất cả những lợi thế khách quan đó, công việc viết lách, sáng tạo nói chung đều được khuyến khích phát triển trong tương lai gần.
Ở phần 4 cái mô hình em hơi rối chút vì không biết phần chữ giải thích là để giải thích cho hình phía trên hay hình phía dưới nó. Nếu anh tách ra thành 4 mục nhỏ hơn thì sẽ dễ nhìn hơn. Với nó cũng vào được trong cái mục lục luôn.
Về cách gọi "outcome", em hiểu đây chỉ là kết quả của công việc viết. Theo kiến thức của em trong ngành phát triển sản phẩm thì kết quả chia ra làm hai loại là output với outcome. Output là các kết quả trực tiếp của các công việc, còn outcome có nghĩa khác, đó là kết quả thu được do sự thay đổi về hành vi của người dùng khi tương tác với sản phẩm đã được cải tiến hoặc sản phẩm mới. Ví dụ, output của mình khi viết bài là bài viết, còn outcome của nó là việc tăng retention hoặc retention rate, tăng referral, v.v. Việc chia như vậy là quan trọng, vì:
- Outcome mới là cái mình thực sự hướng đến
- Outcome là thứ thể hiện sự tiếp nhận của thị trường
- Có những output không đo lường được, hoặc những thứ đo được thì không có ý nghĩa gì lắm. Ví du, một bài viết thì có những loại đo lường nào có ý nghĩa? Số lượng từ? Thời gian viết? Nhưng outcome thì luôn có thể đo lường được. Nếu nó nằm trong chiến lược của mình thì tự động nó sẽ có ý nghĩa
- Việc tập trung vào outcome sẽ giúp giảm việc thấy làm cái gì cũng hay và trở thành dàn trải quá nhiều mà không có kết quả (vì việc nghĩ về kết quả mình làm lôi cuốn hơn việc nghĩ về người ta sẽ sử dụng nó thế nào)
- Nó làm cho ta thấy rằng công việc cần được nghĩ như là một cách để kiểm định giả thiết, chứ không phải chỉ để hoàn thành
Bởi vì một sản phẩm được tạo từ nhiều output, nên em dịch output là thành phẩm còn outcome là thành quả.
Có cuốn sách "Outcome over output" nói về vấn đề này. Nếu sau này em nghĩ ra được thêm điều gì mới thì sẽ cập nhật ghi chú tại https://doi-thoai.deno.dev/Jh.on-writing-3-nhin-thuc-te-co-the.1