Tả một đám tang Bắc bộ
Linh cữu của Vũ trong hòm thủy tinh, phản chiếu ánh đèn huỳnh quang treo cẩu thả bên góc ban thờ, sáng lên một cách buồn bã.
Đoạn trích từ “Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời”
Kiên biết rõ đường làng: một cái dốc thoải, qua một con ngách lởm chởm gạch, và không hiểu sao, dẫn qua một ngôi chùa giả cổ treo nhiều cờ đỏ, đón đầu là một ngôi nhà có thềm cao hẳn, tường nhiều mảnh chai một cách vô lý, trước đây là một vườn hoang trồng sắn, con chó già hung dữ đã in hằn mãi mãi chiếc bóng của nó ở đó - trong tâm trí Kiên, và rồi rẽ vào một tấm sân nhiều mạt cưa, nơi mà trong tuổi thơ của Vũ, lúc nào cũng căng bạt rất thấp để khách buộc phải cúi đầu khi vào nhà.
Khá đông người, phần lớn là vì hiếu kỳ. Ghế nhựa xếp lan cả ra sang bên cửa hàng xóm. Một chiếc xe tang lễ sơn đỏ đứng đó, bâng khuâng và nản chí, không có rồng, trắng ởn một mảng bã kẹo cao su bên bánh lái như của một người khổng lồ bần tiện vừa nhổ ra.
Kiên rõ nó như lòng bàn tay: đây là đường về nhà. Nhưng dẫu sao, là về nhà của Vũ. Đứng trên quê hương, vẫn tâm hồn đó, nhưng hít thở bằng một cánh mũi khác. Rồi anh nghĩ về bà nội, về bác của anh, à không, của Vũ, và người vợ của Vũ nữa. Anh liếc qua tờ cáo phó trên tường, xác của Vũ sẽ được chuyển đi vào gần tám giờ sáng mai.
Tìm được chỗ ngồi, Kiên lơ đãng nhìn những khuôn mặt láng giềng quen thuộc, không hiểu họ sẽ nghĩ sao nếu biết hồn phách của kẻ vừa nằm xuống, kỳ thực vẫn ở lại đây, trong một thực thể sống khác, mang khuôn mặt lạ hoắc và nói giọng Nam Trung Bộ?
Kiên (và Vũ) đã từng biết đến nhiều đám tang của những người họ hàng. Chỉ mất một thời gian không quá dài sau, người ta sẽ chấp nhận sự vắng mặt của người đã khuất. Tức là, Kiên nhẩm tính, bác Trung và chú Lợi, thím Dương sẽ nhanh chóng thu hồi căn phòng ở bên chái nhà, vợ của Vũ - Lan - dẫu thế nào cũng không hẳn hạnh phúc, hết khán giả là ngưng than khóc. Còn bà nội anh, cũng đã tám mươi tuổi, bà sẽ chỉ loáng thoáng nhớ thằng cu lêu lổng hay đi nắng, đen như tam thất, hay nhổ bọt. Chỉ còn bé gái mới hơn một tuổi - con của Lan và Vũ, thực sự Kiên vẫn chưa biết phải xử trí ra sao. Nhưng tất cả sẽ về đúng chỗ của nó, Kiên nghĩ, trong khi nhận ra mình mới nuốt ực một cái.
Xem thêm
Thế rồi, bỗng nhiên, không chuẩn bị gì cả, cũng không cần phải lấy một hơi thật sâu, Kiên đứng dậy, mạnh dạn bước vào cổng nhà. Trong màu sắc nhờ nhỡ ngây ngất của chiều muộn phản chiếu qua những chiếc mâm nhôm, những người làng thít chặt các lối đi, những bà con, những họ hàng, những răng vổ và xương nhô, thoảng hương vương lại của mùi máy xát gạo khô dầu. Ông thầy cúng nhọc lòng vần đi vần lại một bài kinh Hán ngữ, mà dường như chỉ có một nửa các âm là còn lại trong dương thế. Cái vĩ âm ghê rợn tháo được cả thừng chão trên cột hiên, khiến người nghe như thấy một bàn tay lạnh vừa vuốt ngược lên gáy, nhưng rồi cũng tán đi mau khi bị trộn với những bàn tán lao xao bên rìa, về việc tối nay đội tuyển Việt Nam thi đấu.
Bàn thờ gỗ xập xệ, những lon Pepsi gá chặt vào đĩa bằng băng keo, một tấm phông bất hạnh trương mình lên, bằng cách nào đó, hứng được ánh hồng hắt lên từ ban thờ bởi ai đó đã khéo xếp mấy món đồ chơi vàng mã vòng quanh bát hoa quả, phô diễn cái sự chỉnh tề giả tảng, như một tặng vật ác ý dành cho nạn nhân trẻ tuổi. Và một bác hàng xóm không còn nhiều ấn tượng trong trí nhớ của Kiên, bỗng dưng trở thành người chỉ huy trưởng của tang lễ, với gương mặt trang nghiêm, dường như chỉ đạo được cả vong hồn, khéo làm cho cái trật tự kín đáo và khắc nghiệt của đám tang mang vẻ ngoài của một cơn bối rối lộn xộn, hòng đẹp lòng người đã khuất.
Nhưng chẳng ai biết linh hồn người đã khuất thì đang cư ngụ ở một con người cụ thể. Kiên nhận ra chú thím, bác ruột và các em họ của anh quỳ trước sân trải bạt, thiếu mỗi thằng Trình con chú Lợi do bận trả nợ môn đại học nên không thể về dự đám anh nó. Và vợ của Vũ, với đứa con hơn một tuổi, câm lặng dưới vòng khăn.
Kiên tự thấy kinh ngạc khi mình không cảm thấy gì trước cảnh tượng, không đau buồn, cũng không thấy thế là kì lạ. Thậm chí Kiên nhận ra bể nước và khoảnh đất vườn đã được san phẳng, cái bể nước tuổi thơ anh được bà nội dặn dò kĩ là không được trèo lên vòm bể, bởi bà tin chúng làm bằng thạch cao hoặc một loại đá rẻ tiền nào đã quá tuổi. Nhà từng có ông mãnh bị sụt hố bể, chết duỗi thân trong buồng nước tối, từ ấy bà nội không cho ai dùng nước đó vo gạo.
Ngôi nhà đang thay đổi. Kể từ nay, nó không còn là của anh nữa. Cái sân phơi phồng rộp trong mưa ẩm này. Cả vách tường hoa từng hụt một lần cháy, lửa còn in ngọn. Cả những cây táo còi thê lương, cái chuồng lợn rỗng nhìn xuống bờ ao tanh bèo. Cả quê hương.
Chỉ đến khi lễ viếng được cử hành, anh mới có dịp tuồn vào nhà. Bà nội, tóc thưa đi quá nửa, ngồi bệt trước linh cữu. Kiên sửng sốt: bà đã già đi quá nhiều. Bà nội trong trí nhớ của Kiên béo tốt, hăm hở lưu cữu vỏ lon với hy vọng đám người đúc nồi dạo sẽ quay trở lại, tự hào về những xếp củi khô tích trữ sân sau, nhất quyết không từ bỏ gian bếp trấu để đổi sang bếp điện. Rồi Kiên quay mặt đi, câu hỏi ấy trở lại vây kín trí não của anh: anh đã bỏ bản ngã của Vũ bao nhiêu lâu? Bao lâu anh đã không về với thân xác của Vũ để thăm căn nhà? Bà nội không ngồi câm lặng, bà khóc rũ rượi như một cơn lên đồng ngắn, thi thoảng ngắt nhịp bằng những hắt hơi, hoặc quay ra quát đứa cháu dâu: “Mày trông hộ tao nồi xôi trắng.” Một phần trong tiếng khóc là bài hát ru ai oán, phần còn lại thì vượt quá sức hiểu biết của Kiên, tựa như cất lên từ sâu thẳm cội nguồn văn hóa Việt, với những đợt thủy triều của âm thanh dưới đáy họng, với những đoạn nảy hạt ca trù. Tiếng khóc mà bà được mớm lên bởi nỗi đau tích tụ trong suốt cuộc đời chứng kiến những người ra đi. Kiên chỉ biết là mọi thứ đều đang đúng chỗ, trừ việc chắc anh sẽ từ chối viết phong bì viếng chính mình. Và mặc dù còn quá trẻ để hiểu sâu về tang lễ, anh biết rằng đám này thuộc vào phạm trù những “tổ chức gói gọn”. Trời càng vế tối, Kiên càng không biết phải làm gì, không biết cả việc nên so sánh tình huống hiện tại với cái gì khác trên đời.
Nhưng Kiên vẫn còn đó 47 email chưa phản hồi và hơn 30 đoạn chat đã bỏ lỡ trên Slack. Công việc giống như những chiếc đinh tán mọc ra từ màn hình điện thoại và đâm vào đùi anh. Khi anh bắt đầu mở chúng ra xem, và chưa kịp trẫm mình vào cơn sốt ruột thường ngày ở văn phòng, một người đàn ông nhỏ thó quấn khăn tang kéo anh sang hàng xóm ăn cơm. Đó là chú Lợi. Anh miễn cưỡng đi theo, không quên liếc mắt sang Lan và đứa con.
Những đoàn viếng vẫn tiếp tục ra vào, chủ yếu là họ hàng làng xóm trả nợ nhau những việc hiếu hỷ trước đây. Không một bạn bè cũ. Không một giáo viên trường làng đến thắp cho trò cũ một nén nhang ái ngại. Nhưng có một người trong lễ viếng, đi một mình, một nghịch âm giữa đám người làm Kiên thực sự chú ý. Có một thiếu phụ trẻ tuổi, mà cũng không trẻ lắm, nhưng lộng lẫy, dẫu đã giấu thân thể cao ráo và ắt hẳn là nóng bỏng sau bộ quần áo nghiêm trang. Một cô gái phong thái thị thành, má hồng thắm, trắng nhễ nhại. Kiên có giũ não ra cũng không nhớ được là ai, quan hệ như thế nào với Vũ. Hay là người thân của kẻ đã giết Vũ?
Cuộc trò chuyện trong bữa cơm không tiến triển được gì nhiều, từ cả hai phía Kiên và gia đình Vũ. Trong cơn run rẩy khi đối diện với chú Lợi, uống nước liên tục, Kiên chỉ nói anh là bạn của Vũ, người Đà Nẵng, quen biết Vũ khi Vũ còn làm ở xưởng mũ lưỡi trai ở Quán Toan, Hải Phòng. Những người đàn ông khề khà rượu quê và cũng rất giỏi lảng sang chuyện khác, đấy là kỹ năng của họ, sao cho cả cuộc đời đừng phải nói việc gì nghiêm trọng khi không có micro hay huân chương ngực áo. Chỉ sau năm phút, tất cả ngó vào trong nhà. Ti vi đã bật lên, đội tuyển Việt Nam bắt đầu thi đấu. Kiên cũng xem mười phút đầu của trận đấu, tất nhiên. Kỳ này đội tuyển Việt Nam có nhiều cầu thủ nhập tịch da đen, trên mạng tranh luận rất nhiều, còn những người dân làng đang vô cùng hào hứng để được thể hiện sự cụt hứng với đề tài ấy. Bỗng nhiên Kiên cảm tưởng ngay cả khăn tang cũng bắt đầu có sắc đỏ.
Nhưng Kiên bỏ đi khỏi hội coi đá banh. Anh trở lại gian nhà. Bà nội vẫn ngồi đó. Linh cữu của Vũ trong hòm thủy tinh, phản chiếu ánh đèn huỳnh quang treo cẩu thả bên góc ban thờ, sáng lên một cách buồn bã. Kiên bắt đầu tự khơi lại cảm giác của mình với ngôi nhà tuổi nhỏ. Căn nhà có bốn gian, bác cả của anh ở chái ngoài cùng, gian phòng giữa bà nội nằm, chái trong của vợ chồng chú thím. Vũ thì có một gian buồng nhỏ, tựa một khối đùn lên từ vết toác nẻ của chái nhà - meo méo và lạc lõng - lưu cữu rất nhiều săm xe, cho đến nay Kiên cũng không hiểu vì sao. Suốt một tuổi thơ... Căn buồng dán kín hình ảnh những cầu thủ ưa thích của Vũ, nhất là Zinedine Zidane - một cựu tiền đạo Pháp. Và giờ đây cái buồng nhỏ đó cũng là nơi vợ chồng Vũ và đứa con thơ trú ngụ.
Kiên sinh năm 1998, ít hơn Vũ 4 tuổi. Đã có bốn năm đầu đời, Kiên không tồn tại, chưa là một “nhân sinh kép”, chỉ có Vũ với căn nhà này, sinh mệnh này.
Kiên và cái xác nằm kia nối với nhau bằng sợi dây vô hình. Giờ đây, Kiên ngồi xuống bên cạnh bà nội. Kiên nhận ra bây giờ bà mới khóc... bình thường. Tức là không ra tiếng, tức là khóc một mình. Má bà nội hóp lại, tóc bà thưa quá, và bà ngồi đó, miết tay khô lên nền nhà gạch đỏ, như ăn vạ lão Thổ Công đi vắng. Bây giờ, với giọng quê Bắc Bộ, với chữ e thật bẹt, với thanh sắc rất cao, như với tay lên bắt lấy một tàng ảnh. Người ta bảo mọi tâm tư của dân quê miền Bắc chỉ có thể tìm thấy ở cái phát âm thanh sắc ấy, cái thanh âm cao vút của thủy tinh nén vỡ để gửi một chút lời nói về với ông giời: “Sao khổ thế, con ơi, Vũ ơi.”
“Sao khổ thế, con ơi, Vũ ơi.” Và nghe đến đấy, bỗng dưng, không vì lý do gì cả, không vì bất cứ lý do gì, Kiên bật khóc nức nở. Chỉ là khóc, như người ta nôn ra giữa trận rượu mà không hiểu sao. Anh thấy bóng mình đổ sụp xuống, dưới gấu quần vải sờn của bà nội.
Đâu đó quanh đây một tiếng reo lan dần ra xa xa đồng quê - đội tuyển Việt Nam vừa ghi bàn.