Thục Linh: nghiệp viết truyện kinh dị
Nỗi sợ hãi là một trong những phương cách tốt nhất để giáo dục, uốn nắn con người, nếu như ta biết sử dụng nỗi sợ vào đúng chỗ.
Recap cuộc trò chuyện với Thục Linh, từ Talkshow “Viết và đọc kinh dị ở Việt Nam”
Văn học kinh dị Việt Nam đương đại có nét giống thế kỷ XX ở chỗ các tác phẩm đều là sự hòa trộn giữa lối viết ma mị, truyền kỳ truyền thống kết hợp với những gì học được từ phim ảnh, truyện kinh dị phương Tây. Điều này đã từng được nhiều người lý giải
“Văn học kinh dị từng bị nghi kị là dễ dãi, chỉ có tính giải trí, thậm chí còn xui con người ta tin vào mê tín dị đoan.
Thực tế, đó là một thể loại văn học không dễ viết và mang nhiều giá trị về văn hóa, thông điệp nhân văn. Các tác phẩm thành công đều cần những điều đó, truyện kinh dị cũng không ngoại lệ
“Ở Việt Nam, tín ngưỡng rất đa dạng, với nhiều vùng miền, làng quê khác nhau. Nếu như phương Tây, kinh dị, ma quỷ thuần tuý là các yếu tố về đức tin tôn giáo, thì ở Việt Nam những niềm tin dân gian về ma quỷ gần gũi hơn rất nhiều. Và các câu chuyện truyền kỳ ở Việt Nam - cũng như những thần thoại và cổ tích - đều có tính khuyên can, răn dạy con người tin vào lẽ phải, tin vào nhân quả để sống một cách đúng đắn hơn”
“Nỗi sợ hãi là một trong những phương cách tốt nhất để giáo dục, uốn nắn con người, nếu như ta biết sử dụng nỗi sợ vào đúng chỗ. Mặt trái lớn nhất đó là những tác phẩm kinh dị không tới tầm sẽ khiến người ta sợ một cách vô lý. Sợ vô lý và niềm tin vô lý vào những điều không có thật đã mang lại cái nhìn vô cùng lệch lạc về văn học kinh dị - một dòng văn học lẽ ra phải được đặt đúng vị trí của nó, là một sứ giả truyền tải văn hoá, những nét đẹp độc đáo, đa dạng của nền văn minh chúng ta đang sống”.
“Không phải cứ bịa ra một câu chuyện có ma nữ tóc dài dọa nạt người đọc là sẽ thành văn học kinh dị. Không phải như vậy. Lằn ranh giữa văn học kinh dị và truyện ma mê tín tuy mỏng manh nhưng xác thực. Trên hết truyện kinh dị phải là văn học. Và sau cùng, nó phải để lại cho người ta những giá trị đích thực, để thêm yêu cuộc sống, trân trọng và khiêm tốn hơn trước thiên nhiên, trước tôn giáo tín ngưỡng và những giá trị văn hoá lớn. Muốn vậy thì các tác giả vẫn phải bước ra ngoài cuộc sống, đầu tư đọc, tìm tòi, nghiên cứu như để viết một công trình nghiêm túc
Về Thục Linh: là tác giả quen thuộc của dòng sách tâm linh - kinh dị Việt, đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng được xuất bản từ 2020 đến nay. Cô tốt nghiệp khoa Sư phạm của trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội và hiện đang là giáo viên bộ môn Ngữ văn. Thục Linh bắt đầu viết truyện từ năm 2017 và nhận được sự quan tâm rất lớn từ các độc giả yêu thích truyện tâm linh trên mạng xã hội.
Tác phẩm tiêu biểu: Rừng Than Khóc, Khế Ước bán dâu, Nhục hồng ngải, Bóng trăng trắng ngà, Ngôi làng cổ mộ, Tứ trấn huyền linh.