Viết để hạnh phúc
Chừng nào thì bạn nhận ra rằng: bạn không cần phải tranh đấu với ai hay khó chịu vì một điều gì bên ngoài?
Chừng nào thì bạn nhận ra rằng: bạn không cần phải tranh đấu với ai hay khó chịu vì một điều gì bên ngoài? Và bạn chỉ cần sống với giá trị của bạn thôi, dù không lớn, không rực, dù ít ỏi nhưng phải sắc nét.
Bạn hãy thử viết đi. Viết là mặt bên kia của đọc: viết chính là đọc, nhưng lật ngược lại, tổng hoà hơn, minh triết hơn. Viết là đọc những chân lý ta có sẵn trong lòng mà nhiều khi ta không biết.
Sự viết sẽ chỉ cho ta đúng đường, hoặc nó có thể khiến ta bừng tỉnh: một bừng tỉnh không cần gián tiếp qua lý trí, qua phân tích, qua lý lẽ sách vở nào hết… Hãy viết theo hướng dẫn mạo muội của tôi như sau.
Trước tiên, bạn hãy chọn điều bạn thấy gần gũi nhất, hạnh phúc nhất, xung quanh bạn, và xoay quanh cuộc sống gia đình của bạn. Đời thường nhé.
Sau đó, chọn ra từ đề tài đó, điều mà bạn thấy hạnh phúc nhất. Khâu này khó, nhưng vượt qua được thì sẽ thông suốt. Chỉ tập trung vào điều mà làm bạn vui, hạnh phúc. Đặc biệt, không makeup, không cố tỏ ra vui, mà phải tìm được điều mà làm bạn hạnh phúc, vui vẻ thật sự, trong đời thường của gia đình bạn.
Giờ, hãy viết về nó, bản năng nhất. Viết như người học trò tập làm văn. Nhưng thi thoảng dừng lại một nhịp: cố gắng chọn những tiểu tiết hài hước vui nhộn thay vì những chi tiết giản dị. Hãy cố gắng viết chính xác trung thực, con người cụ thể, địa điểm cụ thể, những gì đúng là bạn cảm nhận, nghe được, nếm được.
Bạn thấy sao sau khi viết xong? Hẳn tâm trạng bạn khá hơn rồi đấy. Giờ, hãy chia sẻ điều bạn viết lên mạng xã hội nào (hoặc tất cả các mạng xã hội) bạn hay hoạt động.
Nhưng khoan đã. Trước khi đăng tải, hãy sửa lại nó một lần, trong một buổi sáng sớm, thay đổi một vài cách dùng từ, cố gắng đưa thêm một số liên tưởng so sánh, nhưng đừng quá lố. Tức là hãy cố gắng trau chuốt phần văn. Ở một vài tiểu tiết, nếu nhớ ra thêm kỷ niệm nào, thì go ahead, đặt xuống một dấu ngoặc đơn và kể lại kỷ niệm đó. Vẫn nguyên tắc cũ: trung thực, chính xác, cụ thể, không makeup.
Hãy viết đi và bạn sẽ thấy trong tâm hồn của mình vừa được trồng một bông hoa và bông hoa ấy thực sự là của bạn.
Cuộc đời bạn là của bạn, và bạn yêu nó.
Có lần tôi ngồi uống rượu với nhà văn Nguyễn Việt Hà, chắc bạn biết cuốn “Cơ hội của Chúa” hay “Khải huyền muộn” chứ? Nhà văn có nói về quan điểm “bốn cái không”. Trong đó có: không đấu với mệnh, không cãi với lý. Hai cái khác thì không hiểu sao mình không nhớ, chỉ nhớ được hai cái này. Không đấu với mệnh và không cãi với lý.
Ở vế thứ nhất, có những người sinh ra đã có lợi điểm (hoặc bất lợi) hơn người khác, nhưng vì quá nghiễm nhiên nên họ không nhận ra. Anh A có tính cách rất sợ mình vô dụng, sợ nếu không đóng góp gì thì tự thấy phiền toái và không mang lại ích gì cho người khác. Anh B, ngược lại, cha sinh mẹ đẻ đã biết cái lẽ đủng đỉnh thuận tự nhiên, có thì hốc hết và không thì thôi, ít dây ít phiền. Ở một góc độ, anh B tự nhiên đã lợi hơn anh A. Rồi cả hai đều sẽ làm đúng và làm sai. Một cách thuận lý, Anh A có thể gây thiệt hại vì nhiệt tình, còn anh B có thể chết vì thiếu trách nhiệm. Nhưng đấy là mệnh của họ, không ai dạy bảo hay tiêm vào đầu thứ đó, mà mã gene họ đã chứa sẵn. Sửa rất nhiều lần mà không được.
Không đấu với mệnh: nghĩa là từ chối được những gì không phải là mình. Nhưng trước khi điều đó xảy ra, họ phải sửa đổi đủ nhiều, đủ sâu để nhận ra cái gì là không thể sửa được, chỉ còn cách chung sống và tìm hướng cư xử. Cái khâu biết mình này cực kỳ khó và mông lung.
Hồi trước, tôi hay bị peer pressure: bạn bè hay người thân có cái gì là mình cũng phải nếm một tí. Bạn đọc cái này thì tôi cũng phải đọc được cái kia. Bạn có đầu óc tính toán, kinh tế thì tôi cũng phải ăn được 6, 7 phần. Bạn có máu làm thầy, thét ra lửa thì tôi cũng tập làm người nghiêm khắc thử coi. Nhưng càng về sau, mình càng hiểu có những cái là giới hạn, ta phải chấp nhận và thậm chí, từ chối nó một cách quyết liệt.
Chẳng ai được làm chính mình cả, nhưng ta có thể không làm những hình ảnh không là chính mình.
Nhưng để làm được điều đó, khó với người này và dễ với người kia. Trời cho một số người trái tim vô tư, nhưng lại bắt một số người khác có bộ óc cả nghĩ. (Tại sao người ta không dịch overthinking là cả nghĩ nhỉ, một từ rất truyền thống và cực kỳ chính xác)
Viết không phải là để chữa lành, nó có vai trò cao hơn rất nhiều: nó cứu độ chính mình và luôn luôn chỉ được đúng đường. Vì viết bắt ta trung thực. Dưới đây là một quyển sách trong một cuộc viết từ các tù nhân trong trại giam mà tôi được trại giam cho mượn, một trong những quyển sách hay nhất mà tôi từng đọc trong năm nay. Ta sẽ cùng đến với quyển này trong một entry khác:
Bạn có tin được không, khi trung thực, khi viết, những người tù trong đó có cả những người ít học, đã viết với một tinh thần và năng lực gây được rung động với người đọc. Nhưng tôi còn tin hơn cả là: họ đã thật sự hạnh phúc khi viết. Không phải chỉ là giải toả đâu - sự viết để giải toả đều vẫn còn vương vấn nhiều thán khí. Câu chữ bình lặng cho thấy một tâm hồn đã tìm ra cái mái nhà yên ổn của nó.
Đọc là một con đường đi ra, còn viết là con đường thu vào. Đọc và Viết lúc này chính là chìa khoá cho mọi sự. Đọc và viết là để hạnh phúc; và ngược lại, hãy hạnh phúc khi viết bất cứ điều gì.