#5: Narratology - Tự sự học: Cuộc đời của ta có phải là một câu chuyện không?
Con người có bản chất là sinh vật kể lể: việc kể chuyện (narrative) duy trì bản sắc cá nhân và ký ức cộng đồng. Kể chuyện là phương tiện để hiểu và định hình thế giới.
Series On Writing đã có:
Vài giây quảng cáo: Writing Course Thế Kỷ Hư Cấu đã khởi động lại sau mấy kỳ không có đơn vị tổ chức, The S Authors và Dòng-Chữ sẽ bắt đầu lại chương trình này vào tháng 9. Đây là course được phát triển với 4 nền tảng xuyên suốt của sự viết, được dệt từ những người có thành tựu và kinh nghiệm thực tế (không phải founder này nọ...) Đăng ký trước 15/9 nhé mọi người: Xem trang web chính thức
MỞ ĐẦU
Thân chào mọi người, bất kể cái tên nghe có vẻ như sách tự lực, thì đây vẫn là một phần, chắc là phần quan trọng bậc nhất của Series Onwriting và không hề tách rời phần trước về Kỹ thuật kể chuyện.
Cuộc đời của chúng ta có phải là một câu chuyện không?
Ban đầu chúng tôi tính đặt tên là "Tự sự học - Narratology: Tại sao không mấy ai áp dụng được cấu trúc ba hồi?". Tuy bài viết ở kỳ số 4 thu hút chừng 2000 lượt đọc trên Substack và Spiderum, nhưng thật ra câu chuyện về lý thuyết hay kỹ thuật - nhất là trong cách ngành xã hội nhân văn, chưa bao giờ là cái thu hút người Việt mình (dù lẽ ra nó phải được quan tâm ở mức độ foundation). Nên chăng mở rộng vấn đề?
Như ta biết, có thể không mấy khó khăn để tìm một cuốn sách hay khoá học về kể chuyện, ta có thể học ngay cả khoá của Dan Brown nếu thích. Cấu trúc truyện 3 hồi cổ điển, hay 6 hồi mở rộng, kim cương hay phi tuyến tính vân vân... trông có vẻ hữu dụng, nhưng để dùng thì rất khó. Nó tựa như đã có kiếm mà làm sao để dùng được thanh kiếm... (Một thời kỳ dài, ở nước mình rộ lên trào lưu thực chiến, nghĩa là học lý thuyết, rồi học cách dùng lý thuyết, mà không hiểu rằng lý thuyết không phải để dùng. Lý thuyết là để suy ngẫm, để tìm ra một nét nghĩ sâu sắc trong tâm tưởng và từ đó tạo ra một cái nhìn riêng biệt, chính xác, hiệu nghiệm. Người ta bảo học để quên là vậy: phải tìm ra một chân lý riêng tư).
Bởi vì nó đòi hỏi không chỉ tài năng mà còn nội lực, cũng như cách hiểu thấu đáo về những gì tạo nên nghệ thuật kể chuyện.
TẠI SAO BÀI VIẾT NÀY QUAN TRỌNG?
Giải thích vì sao ta gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng các lý thuyết biên kịch
Giải thích những động lực ngầm bên dưới bản chất của một câu chuyện, và cách nó liên quan đến nhân sinh và bản chất con người thế nào
Từ đó, ta tiến gần hơn đến bản chất của sáng tạo
Bài viết cũng tổng thuật nhiều lý thuyết liên quan cho ai muốn tiếp tục đào sâu
LÀM RÕ CƠ SỞ KHÁI NIỆM: "ĐỜI" VÀ "CHUYỆN"
Cuộc đời là một câu chuyện. Có thể trả lời ngay điều ấy là đúng, theo mọi nghĩa. Cuộc đời đẹp đẽ và quyến rũ, tâm tình bùng cháy nồng nàn... chính vì nó là những câu chuyện. Chính câu chuyện mới hại gan chứ không phải là bia. Nếu ta uống bia không dễ chỉ uống được một cốc và sẽ tốt cho sức khoẻ. Ta ngẫm cuộc đời của ta, chọn lựa những nét chính để suy nghĩ đúng sai, chiêm nghiệm được mất. Một cách rất bản năng của con người, ta cũng thích nghe chuyện của người khác (nhất là mấy tay hút thuốc lào kể chuyện hàng xóm đi tù), người khác đó không những cũng chọn lựa các nét chính, các sự kiện hàm súc, mà còn có thể có năng lực trời phú là bịa ra thêm cho thú vị rồi cười khành khạch như vừa đốn ngộ.
Khi nói câu "cuộc đời là một câu chuyện" thì cả hai cụm từ "cuộc đời" và "câu chuyện" đều quá rộng. Cuộc đời có thể là cuộc sinh hoạt, đời thường... Nó có thể là Thế giới đời thường (Lifeworld) - Berger và Luckmann [1] mà con người sống, mưu sinh và tương tác hàng ngày. Nhưng nó cũng có thể là In-der-Welt-sein (hữu tại thế) của Martin Heidegger [2], là tổng thể sự hiện hữu của con người trong cõi nhân gian. Nó quá rộng và bí hiểm, có thể gồm phần nhìn thấy và vô hình, hoặc cũng lại quá cụ thể.
"Câu chuyện" cũng vậy. Theo nghĩa nào? Nếu đó là ông hàng xóm đi tù thì đó có thể là một chuyện hàng nước (pulp fiction). Câu chuyện cuộc đời anh hùng của là một sử thi (epic), một tale... Chuyện có thể là một Fabula (tức "câu chuyện" theo nghĩa các sự kiện tuần tục tuyến tính thời gian), một Chronicle (biên niên sử)... nhưng những nhân vật kiệt suất cũng có thể là một story hoàn chỉnh, một tự (叙) sự, đưa lên phim thì sẽ xoay quanh một plot/siuzhet (cốt truyện) và theo cách kể (recit) của nó... Nhìn chung xoay quanh từ "câu chuyện" trong Việt ngữ có rất nhiều khái niệm, mà thực ra phương Tây đã nghiên cứu trong một môn khoa học là Narratology - Tự sự học - nhân vật chính trong bài viết này.
Đến đây chắc ta để ý người Việt sau khi có chữ quốc ngữ đã dùng 2 từ gần âm và gần nghĩa: truyện và chuyện. Ở nhà trường thì ta được học rằng truyện mang nghĩa với fiction, còn chuyện thì gần nghĩa với story. Nhưng thực tế không đơn giản như thế, ta sẽ có rất nhiều thứ đứng giữa cả hai: Anecdote (giai thoại), Memoir (hồi ức), pulp fiction (chuyện hàng nước thì thường xuyên có hư cấu)... Có lẽ cách phân loại đơn giản nhất: "Câu chuyện" là một tập hợp rộng, chỉ các sự kiện tạo nghĩa, chứa nhiều hình thức truyện kể khác nhau.
Tuy vậy, bỏ qua chuyện chẻ tóc làm tư. Ở đây chúng ta sẽ xét đến nghĩa khó nhất và hẹp nhất của một câu chuyện: truyện kể (story), thậm chí Fiction (truyện hư cấu)... Bởi lẽ đấy là đối tượng quan tâm xuyên suốt của Series. Như trong bài trước, một truyện kể, một câu chuyện... có tính cấu trúc và tính chỉnh thể, nghĩa là nó là nền tảng của một tác phẩm nghệ thuật, với cách biểu đạt riêng, có khả năng sản xuất ý nghĩa và tự soi chiếu ý nghĩa của nó.
Cuộc đời ở đây chúng tôi sẽ dùng nghĩa rộng, theo kiểu in-der-welt-Sein, tức là tổng thể kinh nghiệm, sự việc con người từng trải qua trong cõi sống, tính cả những thứ không có thật như giấc mơ, cơn điên.
Như vậy cuộc đời bao la rộng lớn như vậy có còn là một câu chuyện nữa không? Chủ đề đến đây mới thực sự hấp dẫn, bởi nó sẽ liên quan không chỉ đến narratology, mà còn cả cái mà ai cũng đi tìm: ý nghĩa cuộc đời
Đây không phải là một bài nghiên cứu hay tiểu luận văn chương, đây chỉ là blog. Chúng tôi hướng đến chọn lọc những gì khả dụng cho đối tượng đọc bài, là những người viết lách, sáng tạo. Nếu không được đến đích thì cũng phải tạo ra một suy tư mới mẻ gì đó. Tuy nhiên, như một định mệnh ta cũng không thể tránh khỏi phải bản thể luận, phải đi qua một chút về triết học hay khoa học xã hội, nhưng sẽ cố gắng không hàn lâm hay làm màu, riêng về phần này chúng tôi sẽ để reference ở cuối bài.
HƯỚNG DẪN
Bài viết này thích hợp cho ai
Nhà văn đang sáng tác / hoặc đang trót trở thành nhà văn
Các bạn làm creative liên quan đến công việc kể chuyện hư cấu
Độc giả đã theo dõi On Writing
Bài viết gồm các phần
Tổ chức kinh nghiệm về bản sắc
Tổng quan về tự sự học
Lý thuyết Hero Journey
Ứng dụng làm sáng tỏ bí quyết của viết truyện hư cấu
TRUYỆN KỂ VÀ BẢN SẮC: CÁCH CHÚNG TA TỔ CHỨC KINH NGHIỆM
Chuyện, hay truyện, thôi không phân biệt nữa... không đều là những thứ đang được kể lại. Nghĩa là nó đã trôi qua. Câu chuyện bao giờ cũng là một quá khứ, dù cho nó được sáng tạo ngay tại thời điểm nói, và kể về tương lai.
Bởi vì, não bộ sẽ hoạt động trước miệng. Nó sẽ thu thập trí nhớ, kinh nghiệm, sáng tạo và tưởng tượng... làm chất liệu kể. Muốn như vậy, những thứ ấy phải sản sinh trước.
Như vậy, về nguyên thuỷ, "cuộc đời được diễn ra" và "câu chuyện được kể lại" đi theo hai mũi tên xuôi chiều. Một mặt, nhân loại sống để tạo ra nguyên liệu cho các câu chuyện, và mặt kia, người ta kể chuyện để chắt lọc những gì có trong nguyên liệu.
Câu chuyện định hình lên cuộc đời, hay cuộc đời tạo ra câu chuyện? Đây là câu hỏi mang tính chất mở khoá. Trong toàn bộ bài viết này, ta sẽ được biết rằng: hai thứ tồn tục song song nhau. Cuộc đời là một câu chuyện ở dạng nguyên thuỷ. Tính chất cấu trúc và hoàn chỉnh của một câu chuyện không tự dưng mà có, nó đến từ chính việc tổ chức lại kinh nghiệm về một cuộc đời. Nói cách khác, truyện kể là hình ảnh phản chiếu của một đời người. Ý này sẽ cực kỳ quan trọng để hiểu bản chất sâu sắc mà một kịch bản, một fiction vận hành, nó không phải chỉ vận hành trên cấu trúc 3 hồi như sách vở. Vì cấu trúc 3 hồi ấy từ đâu ra thì không ai nói. Ý tưởng này sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc hiểu được triết học của truyện kể, từ đó xây dựng được chiều sâu cho truyện của mình.
Thế kỷ XX, có một người đàn ông quan tâm rất chặt chẽ đến lĩnh vực này. Đó là Paul Ricoeur. Trong một cuốn sách có tên tiếng Pháp là "Soi-même comme un autre", Paul Ricoeur đã nói cặn kẽ về sự kiến tạo bản sắc (identity) của con người thông qua truyện kể. Đây chính là cuốn sách tôi với được dưới một gầm tủ nhà sách, dưới sự nhắc tuồng của TS Nguyễn Mạnh Tiến, đã nói đến trong post này. Không ngờ giờ đây nó hiệu nghiệm. Cuốn sách được chuyển ngữ sang tiếng Việt là "Chính mình như một người khác"
Đầu tiên là khái niệm "bản sắc tường thuật" (narrative identity), qua đó triết gia này lập luận rằng bản sắc cá nhân không phải là một thực thể cố định mà được hình thành và tái cấu trúc liên tục qua các câu chuyện mà con người tự kể về chính mình. Theo Ricoeur, bản sắc không chỉ là sự liên tục thời gian mà còn là một quá trình kể lại, nơi mà con người diễn giải các sự kiện trong cuộc đời mình thành chuyện. Câu chuyện này kết nối các trải nghiệm khác nhau, từ đó giúp cá nhân duy trì một cảm giác liên tục về bản thân, ngay cả khi họ phải đối mặt với những thay đổi hoặc thử thách trong cuộc sống. Bằng cách kể lại và tái diễn giải những sự kiện trong đời mình, cá nhân có thể xây dựng và hiểu rõ hơn về bản sắc cá nhân, đồng thời tạo ra một sự gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Trong việc phân tích bản sắc cá nhân, Ricoeur đưa ra hai khái niệm quan trọng: "idem" và "ipse". "Idem" đại diện cho khía cạnh của bản sắc liên quan đến tính đồng nhất, sự bất biến qua thời gian. Nó thể hiện những phẩm chất và đặc điểm ổn định của một cá nhân, những điều giúp duy trì cảm giác liên tục về bản thân. Ngược lại, "ipse" đại diện cho khía cạnh linh hoạt và tự chủ của bản sắc, cho phép cá nhân thích ứng và thay đổi theo thời gian. Ricoeur cho rằng bản sắc cá nhân là sự cân bằng giữa "idem" và "ipse", giữa tính ổn định và sự thay đổi. Đây là một mối quan hệ căng thẳng, nơi mà cá nhân phải liên tục điều chỉnh để duy trì bản sắc trong khi đối mặt với những biến đổi và thử thách của cuộc sống.
Tự sự đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết căng thẳng giữa "idem" và "ipse" bởi nó cung cấp một khuôn khổ linh hoạt để cá nhân diễn giải và tích hợp những thay đổi trong cuộc đời mình. Khi kể lại câu chuyện cuộc đời, cá nhân có thể tái cấu trúc những trải nghiệm và thay đổi, tích hợp chúng vào một bản sắc liên tục mà không cảm thấy mất mát hoặc xung đột. Tự sự cho phép cá nhân nhìn nhận những thay đổi như một phần tự nhiên của cuộc sống, từ đó chấp nhận và hiểu rõ hơn về những biến đổi trong bản thân mà vẫn duy trì được cảm giác liên tục về bản sắc. Tha nhân đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành bản sắc cá nhân, bởi vì cách người khác nhìn nhận và phản ứng với câu chuyện của chúng ta ảnh hưởng đến cách chúng ta hiểu và định hình bản thân. Tự sự do đó không chỉ là một hành động cá nhân mà còn là một hành động xã hội, nơi bản sắc được xây dựng và xác nhận thông qua sự tương tác với tha nhân. Ricoeur lập luận rằng chính qua quá trình kể chuyện và nhận phản hồi từ người khác, cá nhân có thể khám phá và củng cố bản sắc của mình, đồng thời hiểu sâu hơn về vai trò của mình trong xã hội.
Từ điểm này, ta cùng trở lại với một triết gia cổ điển hơn: Aristotle. Trong Thi Ca Luận [4], Aristotle cho rằng mọi hình thức nghệ thuật, bao gồm thơ ca, hội họa, âm nhạc, và bi kịch, đều là các hình thức mimesis, tức là sự mô phỏng hoặc bắt chước cuộc sống thực. Nghệ thuật là một sự tái hiện có chọn lọc, nhấn mạnh những khía cạnh quan trọng của cuộc sống và con người. Bằng cách tái hiện các sự kiện và hành động trong cuộc sống, nghệ thuật kể chuyện giúp khán giả nhìn nhận và hiểu sâu hơn về bản chất con người và thế giới xung quanh. Ý tưởng này tất nhiên sau đó còn rất nhiều bàn cãi kéo dài nhiều thế kỷ, nhưng về cơ bản, cái nền tảng lý luận của nó hoàn toàn khả dĩ cho trường hợp của chúng ta: nghệ thuật nhất là trần thuật, xuất phát từ việc mô phỏng cấu trúc đời sống của một con người. Trong tiểu luận "The Storyteller: Reflections on the Works of Nikolai Leskov," triết gia Đức thế kỷ 19 Walter Benjamin [5] thì cho rằng rằng giá trị cốt lõi của kể chuyện truyền thống nằm ở khả năng truyền tải kinh nghiệm sống thực tế. Người kể chuyện là người giữ gìn, chiêm nghiệm những kiến thức, giá trị và đạo đức của cộng đồng. (Sau đó thì chủ yếu ông nói Sự phát triển của tiểu thuyết, báo chí, cùng với những thay đổi trong cách con người trải nghiệm thời gian và không gian, đã làm mất đi vai trò trung tâm của người kể chuyện trong việc truyền đạt kinh nghiệm và tri thức giữa các thế hệ)
Ta có thể khái quát lại trong sơ đồ sau:
Sơ đồ trên biểu thị ý tưởng bài viết này đang theo đuổi: đời sống cung cấp mô thức cho cách chúng ta tổ chức kinh nghiệm, và từ sự tổ chức này, chúng ta có các câu chuyện (ở nghĩa rộng), và rồi truyện kể (theo nghĩa có tính cấu trúc, tính hoàn chỉnh như đã nói) ra đời. Ngược lại, truyện kể tiếp tục củng cố nhân dạng và bản sắc của chúng ta.
Tất cả những điều này diễn ra một cách bản năng và tự nhiên, giống như một phần tồn tại của loài người. Một triết gia lừng danh khác là Hannah Arendt [6] cho rằng con người có bản chất là sinh vật kể lể: kể chuyện (narrative) là trọng tố trong duy trì bản sắc cá nhân và ký ức cộng đồng. Kể chuyện là phương tiện để hiểu và định hình thế giới. Thông qua nó, hành động của con người được ghi nhớ và tích hợp vào dòng chảy lịch sử, sản sinh ý nghĩa và đảm bảo rằng chúng không bị lãng quên.
TỰ SỰ HỌC LÀ GÌ? CÁC KHÁI NIỆM RECIT, STORY, NARRATION..
Cuộc đời của con người tất nhiên có trước các câu chuyện, và rồi các câu chuyện lại sinh ra và định hình các cuộc đời thế hệ sau. Nghệ thuật kể chuyện ngày càng phát triển, văn học cổ điển ra đời, kịch nghệ trở thành món ăn tinh thần và sau này, điện ảnh gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế giới quan của ta.
Vì lý do nó liên đới đến bản chất loài người, và lại được coi là một lĩnh vực thuộc về nghệ thuật, truyện kể được nghiên cứu, lật đi lật lại như lật bánh tráng suốt hàng ngàn năm. Cuốn sách của Aristotle như trên vừa nêu chính là một trong những tác phẩm kinh điển của sự nghiên cứu này. Trong đó ông triết gia này phân tích cấu trúc của bi kịch và cách thức mà các câu chuyện phản ánh cuộc sống thông qua mimesis (mô phỏng). Aristotle đặt nền móng cho việc nghiên cứu tự sự bằng cách khám phá các yếu tố như cốt truyện, nhân vật, và cách thức chúng tạo ra catharsis (thanh lọc cảm xúc) cho khán giả. Mặc dù những khái niệm này chủ yếu tập trung vào bi kịch, chúng đã mở ra con đường cho các nghiên cứu sâu hơn về cấu trúc tự sự trong các thể loại khác.
Tổng thể sự nghiên cứu về truyện kể, người ta gọi là Tự Sự Học (Narratology). Đây là môn học được dạy ở Việt Nam và có bộ giáo trình riêng do Giáo Sư Trần ĐÌnh Sử chủ biên [7].
(Ở đây, một lần nữa, khi nói đến “câu chuyện” “truyện kể”, như đã thống nhất, chúng ta sẽ dùng hình thức hẹp nhất của nó: một loại hình nghệ thuật. Truyện kể cũng sẽ được dùng với nghĩa là truyện kể truyền thống. Đương nhiên truyện kể hiện đại và hậu hiện đại đã khác biệt rất nhiều: nó phá cấu trúc, nó dùng nhiều chất liệu trước đây chưa từng có vân vân… nhưng sự đổi mới đó cũng phải dựa trên nền tảng đã có một thứ gì đó là truyền thống, là kinh điển tồn tại trước).
Lịch sử tự sự học (narratology) là một quá trình phát triển phong phú và phức tạp, trải dài từ những nền tảng cổ điển đến những lý thuyết hiện đại và hậu hiện đại. Tự sự học là một lĩnh vực nghiên cứu khoa học về cấu trúc, chức năng, và sự tác động của tự sự (narrative) trong văn học và các loại hình nghệ thuật khác, bao gồm cả điện ảnh và truyền thông kỹ thuật số.
Sự phát triển thực sự của tự sự học như một lĩnh vực nghiên cứu độc lập bắt đầu vào đầu thế kỷ 20, với sự xuất hiện của các nhà Hình thức luận Nga (Russian Formalists). Các nhà lý thuyết như Viktor Shklovsky, Boris Eikhenbaum, và đặc biệt là Vladimir Propp đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tự sự học cấu trúc chủ nghĩa. Propp, với tác phẩm "Morphology of the Folktale" (1928), phát triển một mô hình phân tích câu chuyện dựa trên 31 chức năng cố định mà ông xác định trong các câu chuyện cổ tích Nga [8]. Ông xem xét nhân vật như những "vai diễn" (roles) thay vì cá thể, từ đó giúp phân tích câu chuyện dựa trên các hành động và chức năng thay vì dựa vào nhân vật cụ thể. Shklovsky, trong khi đó, đã giới thiệu khái niệm về 'fabula' (tích truyện) và 'siuzhet' (truyện kể) để phân biệt giữa chất liệu cốt truyện gốc và cách thức mà nó được kể lại, tạo nên sự khác biệt về nghệ thuật và ý nghĩa trong truyện.
Những năm 1960 và 1970 chứng kiến sự nở rộ của chủ nghĩa cấu trúc (Structuralism) trong tự sự học, với những đóng góp quan trọng từ các nhà lý thuyết như Roland Barthes, Claude Lévi-Strauss, và Gérard Genette. Barthes và Lévi-Strauss, những nhân vật chủ chốt trong phong trào này, đã tập trung vào việc phân tích các yếu tố cấu trúc của câu chuyện và cách chúng phản ánh các mô hình văn hóa sâu xa. Lévi-Strauss áp dụng lý thuyết cấu trúc vào nghiên cứu thần thoại, trong khi Barthes khám phá cách thức mà các yếu tố tự sự có thể được phân tích như một hệ thống các ký hiệu. Barthes, trong tác phẩm "Introduction to the Structural Analysis of Narratives" (1966) [9], đã đề xuất một hệ thống phân tích chi tiết các yếu tố tự sự, từ đó mở rộng phạm vi nghiên cứu của tự sự học sang các lĩnh vực khác như ký hiệu học và lý thuyết văn hóa.
Gérard Genette, trong tác phẩm "Narrative Discourse: An Essay in Method" (1972) [10], đã đưa tự sự học đi xa hơn với các khái niệm về thời thái (tence), ngữ thức (mood), và ngữ thái (voice). Genette tập trung vào cách thức mà các câu chuyện được kể, cách mà thời gian được xử lý trong tự sự, và mối quan hệ giữa người kể và người nhận câu chuyện. Genette phân biệt giữa récit (câu chuyện được kể), narration (hành động kể chuyện), và histoire (cốt truyện hay câu chuyện xảy ra). Theo Genette, récit là văn bản thực tế hoặc câu chuyện cụ thể được trình bày, trong khi narration là cách thức mà câu chuyện được kể lại, bao gồm việc lựa chọn ngôi kể, giọng điệu, và cấu trúc thời gian.
Tuy nhiên, tự sự học cấu trúc chủ nghĩa, dù có những đóng góp lớn, đã bị chỉ trích vì tập trung quá mức vào các yếu tố hình thức và bỏ qua ngữ cảnh văn hóa và ý nghĩa của câu chuyện. Điều này dẫn đến sự phát triển của các lý thuyết hậu cấu trúc (Post-Structuralism) và hậu tự sự học (Postclassical Narratology). Đây chính là vấn đề lớn, và chính là giai đoạn mà sau này người ta cảm thấy các cấu trúc được dạy trong các khoá biên kịch đều thiếu một cái gì đó.
Những nhà lý thuyết như Tzvetan Todorov và Roland Barthes, sau khi góp phần định hình tự sự học cấu trúc, đã chuyển hướng nghiên cứu sang văn hóa và ký hiệu học. Điều này mở rộng phạm vi của tự sự học, tích hợp các phương pháp từ nghiên cứu văn hóa, lý thuyết giới tính, và lý thuyết truyền thông. Todorov, trong Thi Pháp văn Xuôi (1977) [12], đưa ra khái niệm về tự sự học bằng cách phân tích các cấu trúc sâu xa hơn, tập trung vào cách mà các cấu trúc này ảnh hưởng đến diễn ngôn văn học và ý nghĩa của nó.
Trong bối cảnh hiện đại, tự sự học đã phát triển thành nhiều nhánh khác nhau, bao gồm tự sự học nhận thức (Cognitive Narratology) và tự sự học hậu cổ điển (Postclassical Narratology). Các nhà nghiên cứu như Marie-Laure Ryan [11] đã đưa ra những cách tiếp cận mới, tập trung vào cách mà người đọc và người xem tiếp nhận và xử lý các câu chuyện. Ryan, trong tác phẩm "Narrative as Virtual Reality" (2001), nghiên cứu cách mà sự kiể chuyện có thể được trải nghiệm và tái hiện trong không gian ảo và các phương tiện truyền thông mới.
Bạn không cần phải nhớ tất cả các tiểu tiết trên, vì chúng ta không làm nghiên cứu. ĐIều quan trọng nhất tôi muốn nói là: Tự sự học, với lịch sử phát triển lâu dài và phong phú, đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu sâu rộng về bản chất và cấu trúc của câu chuyện. Đấy là chưa kể những lập thuyết riêng nhà văn thành công. Chẳng hạn, như Stephen King và Mario Vargas Llosa. Ở Việt Nam đã dịch cuốn "Thư gửi nhà tiểu thuyết trẻ" (Letters to a Young Novelist) của Vargas Llosa.
Các khóa học hay sách dạy biên kịch thường được thiết kế dưới dạng các phiên bản rút gọn của những lý thuyết tự sự học phức tạp, nhằm cung cấp cho người học những kiến thức thực tiễn và dễ ứng dụng nhất. Chúng tôi không bảo sách hay khóa học này kém chất lượng, nhưng chúng giới hạn trong phạm vi các kiến thức cơ bản. Lúc đó, tiếp cận với những lý thuyết sâu rộng và hàn lâm là không cần thiết, và cũng không thực tế. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến một kết luận quan trọng: đối với những ai thực sự nghiêm túc về biên kịch hoặc muốn hiểu sâu hơn về nghệ thuật kể chuyện, việc nghiên cứu tự sự học là vô cùng cần thiết.
GỐC GÁC CỦA TRUYỆN KỂ GIẤC MƠ VÀ THẦN THOẠI
Nếu bạn quan tâm đến các lý thuyết tự sự học, xin tìm hiểu tiếp theo các nhân vật mà chúng tôi vừa tổng luận ở trên. Để tránh sự chìm đắm trong hàn lâm, chúng ta sẽ đi thẳng đến một cuốn sách rất độc đáo về lĩnh vực truyện kể, đã từng được dịch ở Việt Nam. Cuốn sách kinh điển này dĩ nhiên các nhà biên kịch đều biết, song hiểu được nó lại là chuyện khác.
Có vẻ ngoài là một tập sách nghiên cứu truyện kể tôn giáo, “Người hùng mang ngàn gương mặt” [13] của Joseph Campbell thực chất là nghiên cứu cách mà kinh nghiệm sống trong tiềm thức của con người tạo nên câu chuyện. Cuốn sách khởi đầu không dễ tiếp cận với độc giả ngoài ngành, sử dụng kiến thức phân tâm học của Carl Jung và hiểu biết vô cùng rộng lớn của tác giả trên lĩnh vực truyện kể tôn giáo. Và đây chính là cuốn sách có năng lực vô biên đủ để trả lời cặn kẽ câu hỏi chính của chúng ta.
Theo sự vận dụng lý thuyết của Carl Jung về vô thức tập thể, Joseph Campbell các archetype (nguyên mẫu) để giải thích cách mà giấc mơ và thần thoại biểu hiện những mẫu hình tâm lý chung, tồn tại trong vô thức của nhân loại. Theo Campbell, những câu chuyện thần thoại và giấc mơ đóng vai trò như những công cụ giúp con người kết nối với các chiều sâu tâm lý của chính mình, biểu hiện qua các hình ảnh và biểu tượng phổ quát. Truyện kể và thần thoại có sức mạnh chữa lành, giúp cá nhân đối diện và giải quyết các xung đột nội tâm, trước khi chúng ta phân tâm học giải thích và làm sáng tỏ các giấc mơ.
Các câu chuyện và cách tiếp nhận truyện kể của con người - tức là cách bộ não chúng ta được sắp xếp để thấy được tính hấp dẫn của một câu chuyện - không phải từ trên trời rơi xuống. Nó được phôi thai từ cõi vô thức, từ các ẩn ức, các biến động trong tâm lý và xuất tiết thành truyện kể. Truyện kể vì thế có tính toàn vẹn: chúng có một suối nguồn duy nhất, chúng là trạng thái vận động của một mô hình tâm lý. Tiểu thuyết theo nghĩa kinh điển luôn vươn mình đến một thế giới đủ đầy, khép kín, tự sinh nghĩa và giải nghĩa. Và cũng vì thế, truyện kể có tính cấu trúc: chúng được hình thành trong tâm thức của con người theo cách phân tầng. Đầu tiên ta có một hình dung về bản sắc, bản sắc đó, vì những mâu thuẫn nội tại, tạo ra một đối cực. Hai đối cực này tạo nên hai pha của một câu chuyện: thế cân bằng và hỗn loạn. Nhân vật chính - được tác giả gọi bằng chữ “người hùng” - đi qua hai thái cực, và trở về vị trí ban đầu.
Phần về Hero Journey có lẽ chúng ta đã bàn trong kỳ trước của OnWriting rồi (xem lại). Ở đây chúng ta biết thêm về bản chất của nó. Các archetype - tức những nguyên mẫu - xuất hiện trong giấc mơ của loài người và được phản chiếu trong thần thoại, đồng dao… gồm các nhân vật và biểu tượng xuất hiện trong các câu chuyện thần thoại từ khắp nơi trên thế giới. Một số archetype chính là:
Người anh hùng (The Hero): Nhân vật chính vượt qua thử thách để đạt được mục tiêu.
Người dẫn đường (The Mentor): Hướng dẫn và bảo vệ người anh hùng.
Ngưỡng cửa bảo vệ (Threshold Guardian): Thử thách mà anh hùng phải vượt qua.
Kẻ thù (The Shadow): Đối thủ hoặc sức mạnh phản diện.
Người thay đổi hình dạng (The Shapeshifter): Nhân vật không ổn định, thường thay đổi lòng trung thành.
Mẹ thần thánh (The Goddess): Biểu tượng của sự chăm sóc và nuôi dưỡng.
Đây cũng chính là mẫu của các nhân vật mà sau này các lý thuyết tự sự học ứng dụng (tức là các khoá dạy biên kịch) sử dụng. Joseph Campbell giải thích rằng những tổ chức kinh nghiệm trong cuộc đời của con người, gồm cả giấc mơ, đã sản sinh ra nhiều loại nguyên mẫu nhân vật. Chúng không từ trên trời rơi xuống và cũng không từ một nhà review phim nào đúc rút ra.
Đồng thời, tác giả cũng trình bày khái niệm "monomyth" hay "hành trình của người anh hùng" (Hero's Journey). Campbell phân tích các câu chuyện thần thoại và huyền thoại từ nhiều nền văn hóa khác nhau, tìm ra một mẫu hình chung trong hành trình của các anh hùng, từ sự kêu gọi phiêu lưu đến thử thách, chiến thắng, và trở về với tri thức mới.
Dưới đây là giải thích ngắn gọn về các nhịp chính trong hành trình này:
Hồi 1
Gọi phiêu lưu (Call to Adventure): Nhân vật chính được mời gọi tham gia vào một cuộc phiêu lưu, thường là do một biến cố hoặc một sự kiện bất ngờ.
Từ chối lời kêu gọi (Refusal of the Call): Ban đầu, nhân vật có thể do dự hoặc từ chối tham gia vì sợ hãi hoặc vì lý do khác.
Gặp người dẫn đường (Meeting the Mentor): Nhân vật gặp một người hướng dẫn, người sẽ cung cấp sự chỉ dẫn, công cụ hoặc đào tạo cần thiết để tiếp tục hành trình.
Bước qua ngưỡng cửa đầu tiên (Crossing the First Threshold): Nhân vật vượt qua ranh giới giữa thế giới bình thường và thế giới phiêu lưu mới, chấp nhận thử thách trước mắt.
Hồi 2
Thử thách, kẻ thù và đồng minh (Tests, Allies, and Enemies): Nhân vật đối mặt với các thử thách và gặp gỡ những kẻ thù cũng như đồng minh trên hành trình.
Tiếp cận hang động sâu thẳm (Approach to the Inmost Cave): Nhân vật tiến gần hơn đến cuộc thử thách lớn nhất của mình, nơi mà họ sẽ phải đối mặt với nỗi sợ hãi lớn nhất.
Thử thách (The Ordeal): Nhân vật đối mặt với thử thách lớn, thường là một cuộc đối đầu với kẻ thù chính hoặc một tình huống sinh tử.
Hồi 3
Nhận được phần thưởng (Reward): Sau khi vượt qua thử thách lớn, nhân vật nhận được phần thưởng, có thể là vật chất hoặc sự hiểu biết sâu sắc.
Con đường trở về (The Road Back): Nhân vật bắt đầu hành trình quay trở lại thế giới thường ngày, mang theo những gì đã học được.
Sự hồi sinh (The Resurrection): Trên đường trở về, nhân vật gặp một thử thách cuối cùng, qua đó họ được tái sinh hoặc thay đổi hoàn toàn, trở nên mạnh mẽ hơn.
Trở về với Elixir (Return with the Elixir): Nhân vật trở về nhà, mang theo phần thưởng hoặc bài học quý giá để chia sẻ với người khác.
Hero Journey là lý thuyết cơ bản đã sản sinh ra hoặc tương đương một số loại cấu trúc như ta được học ở biên kịch. Một số loại cấu trúc khác thì đến từ các trường phái tự sự học khác. Điều đó không quan trọng. Cái cần chú ý ở đây là: tất cả các cấu trúc của truyện kể như vậy theo Campbell là phản chiếu của thế giới vô thức của con người. Nó là một thứ phát sinh từ một cốt lõi: hành trình của người anh hùng, khi thắng phản diện, trở về yên bình… thực ra cũng là hành trình anh ta giải quyết những mâu thuẫn sẵn có của bản thân. Những nhân vật, biến động còn lại… có thể hiểu là những hình ảnh phóng chiếu của anh ta.
Việc diễn đạt cấu trúc Hero's Journey qua sơ đồ hình tròn như dưới đây thể hiện tính chu kỳ và liên tục của hành trình người anh hùng một cách rõ ràng khúc chiết hơn, nhấn mạnh rằng cuộc phiêu lưu không phải là một con đường thẳng mà là một chuỗi các giai đoạn lặp lại. Hình tròn biểu thị sự kết nối chặt chẽ giữa các bước, cho thấy rằng mỗi giai đoạn đều ảnh hưởng đến giai đoạn tiếp theo và rằng sự phát triển cá nhân diễn ra theo cách tuần hoàn. Điều này cũng phản ánh tính thực tế của cuộc sống, nơi mà mỗi chu kỳ trải nghiệm dẫn đến sự trưởng thành và tái sinh, giúp cá nhân đạt được hiểu biết sâu sắc hơn về bản thân.
Cốt truyện là một tổng thể toàn vẹn, vô cùng cân đối. Ta tưởng tượng như cốt truyện là trái bong bóng được thổi ra từ một miếng kẹo cao su trong miệng nữ sinh tinh nghịch. Miếng kẹo cao su đó là nguyên thuỷ của truyện kể.
Ở đây, tôi thích lấy ví dụ về Life of Pi hơn cả. Tác phẩm này có thể được xem như một ẩn dụ sâu sắc về cuộc đời của mỗi con người. Cuộc phiêu lưu của Pi tượng trưng cho hành trình mà mỗi chúng ta phải trải qua: rời bỏ sự an toàn, buộc phải trưởng thành, chấp nhận, lựa chọn, đối mặt với những thử thách và khó khăn không thể đoán trước, và cuối cùng là tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống. Richard Parker, con hổ Bengal, có thể được hiểu như là những phần bản năng, hoang dã bên trong mỗi người mà ta phải đối mặt và học cách kiểm soát. Cái làm khó ta nhất chính là phần bên trong ta, và nó toát ra thành những thế lực đối trọng bên ngoài.
CUỘC ĐỜI NHÌN THEO CẤU TRÚC
Cuộc đời con người có thể được nhìn nhận như một hành trình phiêu lưu, nơi mỗi giai đoạn của cuộc sống đều tương ứng với những bước đi trong mô hình Hero's Journey của Joseph Campbell. Từ khi còn nhỏ, chúng ta sống trong một "thế giới thường ngày," nơi mà mọi thứ dường như an toàn và quen thuộc. Đây là giai đoạn đầu tiên, khi chúng ta chưa phải đối mặt với những thử thách lớn của cuộc đời. Tuổi thơ là khoảng thời gian mà bản năng, sở thích, và các giá trị cốt lõi của chúng ta được hình thành, tạo nên nền tảng cho hành trình dài phía trước.
Khi chúng ta trưởng thành, một "sự kêu gọi phiêu lưu" xuất hiện, kéo chúng ta ra khỏi thế giới an toàn để bước vào một hành trình mới đầy thử thách. Đó là quá trình của sự lớn lên, khi chúng ta phải đối mặt với những nhiệm vụ của cuộc đời như học tập, làm việc, và xây dựng các mối quan hệ. Những trải nghiệm này giống như các thử thách mà người anh hùng phải vượt qua, buộc chúng ta phải phát triển và tìm kiếm mục tiêu, từ đó xây dựng những thành tựu đầu tiên trong cuộc đời.
Điểm giữa của cuộc đời, hay midpoint, thường là thời điểm chúng ta đối diện với một khủng hoảng hoặc sự tái đánh giá về hành trình đã qua. Đây là giai đoạn mà chúng ta có thể phải bắt đầu lại từ đầu, như việc khởi nghiệp, gây dựng gia đình, hoặc đối mặt với những thất bại lớn. Đây là khoảnh khắc mà chúng ta phải soi chiếu lại toàn bộ hành trình của mình, nhìn nhận những gì đã đạt được, và tìm ra sức mạnh để tiếp tục tiến về phía trước. Những gì mà chúng ta yêu thích và có trong bản năng từ thuở nhỏ sẽ trỗi dậy, giúp chúng ta định hình lại con đường đi tiếp.
Cuộc đời không phải là một con đường đi thẳng, mà là một hành trình vòng lặp tìm về khởi nguyên để phát triển đến mức tối đa. Ở giai đoạn này, chúng ta hiểu rằng việc quay lại với những giá trị cốt lõi và bản năng ban đầu không phải là bước lùi, mà là cách để tái tạo và hoàn thiện bản thân. Những giá trị này giúp chúng ta đối mặt với những thử thách cuối cùng của cuộc đời, nơi kẻ thù lớn nhất không đến từ bên ngoài mà từ chính bên trong - sức khỏe và thể xác, những yếu tố đã được ban cho ta từ đầu.
Cuối cùng, giai đoạn cuối của cuộc đời, hay hồi ba, phụ thuộc rất nhiều vào những gì chúng ta đã tích lũy được từ hai hồi trước đó. Thành công hay thất bại ở giai đoạn này không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực hiện tại mà còn vào cách chúng ta đã chuẩn bị và đối mặt với những thử thách trước đó. Cuộc đời, khi nhìn qua lăng kính của Hero's Journey, không chỉ là một chuỗi các sự kiện ngẫu nhiên, mà là một quá trình liên tục của thử thách, học hỏi, và hoàn thiện bản thân, một hành trình mà mỗi người đều trải qua theo cách của riêng mình.
TA CÓ THỂ ÁP DỤNG NHỮNG KIẾN THỨC TRÊN NHƯ THẾ NÀO
Đến đây, ta đã thấy được cuộc đời của con người vừa là suối nguồn và là kết quả của truyện kể. Nhưng ví dụ này chỉ để dẫn bạn đến một thông điệp giản dị hơn: truyện kể có huyền cơ của nó, điểm cốt lõi không nằm ở cấu trúc ba hồi - mà là cách các mảnh ghép trong đó tương hợp với nhau. Nghệ thuật kể chuyện cổ điển cũng giống như nhiều loại hình nghệ thuật, đều có ý hướng tìm đến sự hoàn hảo, cân đối, tỷ lệ vàng…
Chính vì cốt truyện có triết học riêng của nó, nên những ai áp dụng cấu trúc ba hồi máy móc hầu như đều tạo nên một kịch bản hay một cuốn tiểu thuyết hạng xoàng. Đó là vì họ cố gắng tạo ra các tình tiết, sự kiện sao cho khớp với mô tả của sách giáo trình, mà không chú ý và chưa từng đào sâu khám phá tính liên đới của chúng, cách chúng phản ánh tồn tại của căn tính người trong cõi nhân sinh vô cùng.
Truyện kể là để khai phá căn tính và bản chất của con người, theo cách riêng của nó. Vậy việc tiến hành lên một cốt truyện sẽ không phải là ngồi bịa ra các sự việc để lấp đầy beatsheet. Mà trước hết, ta cần hình dung được hình ảnh toàn vẹn của một câu chuyện, xuất phát từ nhân vật chính, thế giới mà anh ta đang có, thế giới mà anh ta đã mất, thế giới mà anh ta đang đi lấy lại. Ta sẽ cần phải thậm chí thấy được cả nhân vật phản diện và các nhân vật phụ bên trong nhân vật chính: chúng là những mảnh khác nhau của một tổng thể toàn vẹn. Cái kết đã có ở phần mở đầu, những chi tiết được kể đã dự báo những đoạn cao trào.
Khi cảm nhận được đầy đủ về điều này, ta sẽ hiểu tại sao nhân loại mất nhiều công sức để nghiên cứu tự sự học đến như vậy, ta cũng hiểu tại sao khi xem một tuyệt tác điện ảnh có cốt truyện (tức là không phải loại không có cốt truyện), ta bỗng thấy nó có chiều sâu, có một thế giới đang vận động, khép kín, tĩnh tại. Chiều sâu của nó lúc này chưa hề nằm ở nghệ thuật kể, mà trước hết, nó đến từ tính toàn vẹn của cốt truyện. Nó chạm vào vô thức tập thể của chúng ta. Đặc biệt là những bộ phim siêu anh hùng được làm tử tế.
Tất nhiên, một lần nữa chúng tôi xin nhắc lại, những gì chúng ta đang bàn là lý thuyết tự sự học kinh điển. Chúng tôi đề xướng mọi thứ thuộc về kinh điển, chuẩn mực ta nên nắm vững nó trước, trước khi phá vỡ và tạo ra cái riêng cho mình. Bạn hoàn toàn có thể phá vỡ các giới hạn và tạo ra lý thuyết riêng: đó chính là tiến đến cấp độ thật sự làm nhà văn. Dù vậy, lý thuyết riêng trông có vô lý thế nào đi nữa, về bản chất kiệt cùng thì nó cũng sẽ không thoát xa khỏi mô thức tiếp nhận và sản sinh câu chuyện của con người đâu.
Nếu chúng tôi nói ngay những điều đó mà không thực sự tổng thuật lại các nghiên cứu, thì rất nhiều người sẽ bỏ qua tầm quan trọng của việc đào sâu tự sự học. Trong Workshop Thế Kỷ Hư Cấu, chúng tôi đã nói tương đối cụ thể và chi tiết về từng thành tố trong một cốt truyện. Và phần này - phần có tính ứng dụng cao nhất - chúng ta sẽ cùng gặp nhau trong một bài khác của của OnWriting cũng như Online Course Thế Kỷ Hư Cấu sắp tới.
Cho đến hiện tại Series này đã giới thiệu cơ bản về nghề viết (3 kỳ đầu), về lý thuyết truyện kể (2 kỳ hiện tại)… Ở kỳ tiếp theo ta sẽ cùng nói đến một vấn đề nằm ngoài yếu tố kể chuyện: nghệ thuật viết.
[1] Berger, Peter L., and Thomas Luckmann. The Social Construction of Reality: A Treatise in the Sociology of Knowledge. Anchor Books, 1966.
[2] Heidegger, Martin. Hữu thể và thời gian. Trần Công Tiến dịch, Ca Dao 1962.
[3] Ricoeur, Paul. Soi-même comme un autre. Seuil, 1990.
[4] Aristotle. Poetics. Translated by S. H. Butcher, Macmillan, 1902.
[5] Benjamin, Walter. The Storyteller: Reflections on the Works of Nikolai Leskov. In Illuminations, edited by Hannah Arendt, translated by Harry Zohn, Schocken Books, 1968, pp. 83-109.
[6] Arendt, Hannah. The Human Condition. University of Chicago Press, 1958.
[7] Trần Đình Sử. Tự sự học – Lí thuyết và ứng dụng. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2020.
[8] Propp, Vladimir. Morphology of the Folktale. Translated by Laurence Scott, University of Texas Press, 1968.
[9] Barthes, Roland. Introduction to the Structural Analysis of Narratives. Hill and Wang, 1977.
[10] Genette, Gérard. Narrative Discourse: An Essay in Method. Cornell University Press, 1980.
[11] Ryan, Marie-Laure. Narrative as Virtual Reality: Immersion and Interactivity in Literature and Electronic Media. Johns Hopkins University Press, 2001.
[12] Todorov, Tzvetan. The Poetics of Prose. Cornell University Press, 1977. Cuốn này ở Việt Nam có bản dịch là “Thi pháp văn xuôi”
[13] Campbell, Joseph. The Hero with a Thousand Faces. Princeton University Press, 1949. Bản dịch: Người Hùng mang ngàn gương mặt, Thiên Nga dịch, NXB Dân Trí 2020