Notes: Chủ nhật thứ hai của tháng cuối
Người viết nào cũng từng gặp những cảnh thảm thương mà phải tự dằn lòng là sao cái viết lách phù phiếm của mình chẳng giúp gì cho những đời thực kia.
Về chân lý
Chân lý có dăm bảy đường chân lý. Nhưng có hai loại chân lý không thể nói ra: Một là những chân lý cao đẹp, nhưng phải mất tiền, mất công để hiểu được, hoặc cả đời cũng chẳng hiểu được. Vì nó cao đẹp nên nó không thể nói ra. Nhưng cũng có những chân lý rất thô tục. Chân lý dạng này cũng không cần phải nói ra. Nhưng người ta chẳng bao giờ phân biệt được các loại chân lý này: người ta nói cả hai, và vì thế, đó là sai lầm.
Về những cảnh khổ
Trước tiên, nếu văn chương nói chung và sự viết nói riêng (sở dĩ sắp xếp như thế này, là vì theo tôi, văn chương rộng hơn sự viết, vì văn chương còn gồm sự đọc và sự nhìn nhận), được gán cho nhiều những của nợ đạo đức. Người ta đòi hỏi người viết (người viết ở nghĩa rộng ví dụ viết báo) phải tốt, đứng về lẽ phải, bảo vệ người yếu thế, lương tâm của con người.
Nhưng dĩ nhiên, người viết nào cũng từng gặp những cảnh thảm thương mà phải tự dằn lòng là sao cái viết lách phù phiếm của mình chẳng giúp gì cho những đời thực kia.
Tôi có mấy khi được ngồi ở những quán cơm gần bệnh viện công, những quán cơm chen chúc nhưng nhìn chung là đồ ăn không ăn nổi. Một lần như thế ở gần Đại Học Y Hà Nội, tôi thấy một gia đình từ tỉnh xép lên. Hai vợ chồng, đứa bé gái, một cái làn đựng đủ thứ. Họ gọi một phần cơm, có đậu phụ cà chua, một miếng trứng, thêm một đĩa nhỏ cơm trắng cho đứa bé. Người chồng ăn vài miếng, mắt lúc nào cũng nhìn đi chỗ khác, người vợ nói không đói, ngồi chăm đứa nhỏ. Đứa nhỏ oặt ẹo, không ăn, nó đâu có biết gì. Phần cơm chỉ có giá ba mươi nghìn thôi.
À, rõ là một cảnh buồn. Tôi sợ những cảnh nghèo. Ôi những ngày nghèo, vợ tôi kể ngày bé, có những lúc ước được ăn một đĩa cà chua xào với tóp mỡ vụn. Những năm chín mấy, cả nước nghèo lắm, ông ngoại tôi cũng câu cá nuôi tôi: ăn cá miết, giờ tôi vẫn sợ. Nhưng tôi nghĩ, nếu trong đời, đã từng phải nhịn miệng cho một đứa con thơ, thì đó là một cái chạm nhẹ vào chân lý cao đẹp. Thì còn chuyện gì nữa mà không hiểu được.
Nhưng người viết không phải là người đầu tiên nhận ra những tác nhân của lòng trắc ẩn. Bữa cơm bụi hôm đó, người chủ quán - dù không cho thêm cơm - thì cũng đã không tính tiền cho gia đình ấy.
Về lòng cảm thương
Vậy thì, văn chương và lòng cảm thương (hay cảm xúc, tình cảm) nhìn thì rất gần, nhưng không gần nhau đến như thế. Văn chương đứng về phía con người? Không. Nó chẳng đứng về phía nào cả, nó là nó thôi, vì thế nó rất rộng lớn. Văn chương phải giữ khoảng cách với lòng cảm thương, thụ thụ bất thân. Bởi viết là công việc duy nhất trên đời đòi hỏi người ta phải luôn luôn lùi lại mà nhìn nhận. Nó không phải là một tấm áo cứu một người cơ nhỡ trong chiều lạnh, nhưng văn chương chỉ cho người ta cách để dệt vải. Đấy là mới là cách văn chương đóng góp cho cuộc đời, nếu không muốn nói là tạo nên cuộc đời.
Về ẩn ức
Người ta đọc sách trong sự hoang mang vì người ta cứ không chịu nhìn vào bản thân quyển sách, mà lại nhìn vào cái khoảng rỗng trong lòng, vào ẩn ức dưới đáy tim. Như thế thì mãi không thoát được nhà tù của chính mình.
Phim Inception của Nolan (dù tôi không thích điện ảnh lắm) kể về việc anh thoát khỏi giấc mơ, nhưng kỳ thực không phải: cái thực tại anh trở lại nó vẫn là ảo ảnh thôi. Đọc sách cũng vậy.
Theo tôi, cách hiểu về việc những tổn thương rồi sẽ nở thành hoa hồng là sai lầm: điều này khuyến khích nghệ sĩ nuôi dưỡng độc tố. (Dù tôi đã từng nghĩ như thế)
Phải tự giải quyết ẩn ức của mình. Phải đứng trên nó.
Về mùa đông
Mùa đông ở Hà Nội sẽ được nhìn thấy rõ nhất ở nơi cho người ta luôn thấy cái cảm giác của một lữ khách không mời, ngay cả khi ở nhà. Vậy chỉ có một nơi thôi: là phường Bồ Đề, quận Long Biên. Mùa đông nhìn từ Long Biên có đủ tất cả mùa đông Hà Nội, và mùa đông của các tỉnh lỵ Bắc Bộ xung quanh cộng lại.
Nhưng không giống như bạn nghĩ, để có được cảm giác ấy, bạn phải ngồi ở xa sông Hồng một chút.
Về tài năng và ngưỡng mộ
Về tài năng, thì có hai kiểu. Kiểu thứ nhất, là những người mà tài năng của họ có được là do có được những mặt ưu tú hơn người khác. Kiểu thứ hai là những tài năng tạo ra giá trị riêng, độc đáo, duy nhất, không cần một so đo nào với ai. Những người ở kiểu thứ nhất sẽ không còn là một tài năng nữa, khi nếu có thêm nhiều người khác cùng năng lực với họ. Còn kiểu thứ hai ngược lại, đưa vào chỗ nào - kể cả những nơi có nhiều người giỏi hơn - thì họ cũng vẫn cứ là tài năng. Một bên thì theo đuổi tiêu chuẩn; một bên thì các tiêu chuẩn theo đuổi họ. Một bên là kỳ tài, một bên là thiên tài.
Nhìn thấy tài năng là việc không khó. Nhưng cái khó là sao cho không bị nhầm hai loại này. Nhầm lẫn theo kiểu là rõ người đó là tài năng kiểu một, nhưng lại được nhìn nhận như kiểu hai. Và ngược lại, thiên tài bị nhìn như một nhân tài bình thường. Việc gì liên quan đến quản trị nhân lực thì đều gặp cái khó này. Ngoài ra còn rõ là ở công việc đọc văn chương. Đọc ra cái hay thì dễ thôi nhưng dễ sơ sảy nhìn nhầm.
Bạn gặp một tài năng hơn bạn thì bạn rất ngạc nhiên, và thường ít khi đánh giá được đúng. Gần như chẳng có cách nào ngoài trực giác (sense) được đào luyện qua va chạm và qua cả nhiều lầm tưởng - có người đã nói với mình như thế.
Phản ứng bình thường khi gặp một tài năng cao hơn đó là: hoặc làm sao để mình được ngang họ, hoặc làm sao để họ xuống bằng mình. Nhưng Thời đại toàn cầu hoá và Mạng xã hội cung cấp một giải pháp thứ ba: kéo cả hai về trung điểm.
Nhờ có thời đại toàn cầu hoá, những sự ngưỡng mộ nhiều khi không còn được như ban đầu. Có nhiều người vỡ mộng vì gặp thần tượng, nhưng vỡ mộng nhiều hơn vì đọc facebook của thần tượng.
Bản chất của ngưỡng mộ là gì? Nó liên quan đến lý thuyết đa vũ trụ. Bạn ngưỡng mộ một người, nghĩa là bạn luôn thấy họ và bạn sống cùng nhau, nhưng khác về chiều không gian. Họ ở một thực tại khác, chiều không gian khác. Chỉ có sự khác về chiều không gian thì mới giữ được sự ngưỡng mộ như ban đầu. Khi gặp người mà bạn ngưỡng mộ: thực tại tạm thời có khe nứt. Thế nên, ta ngày càng ít đi sự ngưỡng mộ thực thụ, vì giờ đây thần tượng nào cũng có thể chụp ảnh cùng được.
Thế Kỷ Hư Cấu 2025 Writing Program sẽ quay trở lại cuối tháng này, cấu trúc đã thay đổi khá nhiều, xin mời mọi người xem ở đây nhé