Notes: Triết - Mua sách - 2024
Tìm ra được một chỗ phù hợp bằng sự đi nhầm. Đó là thông điệp của Nghìn Lẻ Một Đêm
Notes: Sống đời những tiệm sách
Notes: Sống đời những tiệm sách(2)
Notes: Sông Đà & trò chuyện với nhân vật hư cấu
A, mới lên tiki mua một quyển sách, mới nhận thấy đã có nhiều quyển mới được dịch, như Le Bergsonissme của Deleuze - Deleuze cũng đề cập đến ảnh hưởng của Bergson trong các lĩnh vực nghệ thuật và thơ ca, viện IRED cũng dịch tiếp Karl Popper, và tái bản “Tri Thức Khách Quan”. Tri Thức Khách Quan là cuốn sách đánh động ý nghĩ của mình nhiều nhất những năm 23 tuổi, nói vắn tắt, nó xoay quanh một câu hỏi là làm sao để khoa học dám kết luận tất cả con người đều có phổi nếu như chưa mổ hết toàn bộ nhân loại ra. Cho đến giờ mình thấy Karl Popper chẳng có ý nghĩa gì với cuộc đời mình nữa, nhưng mình vẫn mua bản in lại. Popper đã được dịch một cuốn dày hơn, shop anh Bình Book có bán, rất hay cho bạn nào đọc triết ở dạng tìm sự liên kết với Ontology - Methodology trong khoa học xã hội. Bộ History of Sexuality của Foucault cũng đã dịch được tập 1, quyển này mình đọc bản tiếng Anh, cả ba tập, tập 3 là hay nhất. Nó có ý rất khác so với các luận giải ta đã biết và thường dùng, về tính dục và giới, như luận giải của Pierre Bordieu.
Bertrand Russell đã được dịch rất nhiều. Nhưng ở đây, là người đọc lâu năm, mình có một nguyên tắc: riêng lĩnh vực Philosophy, có những quyển sách dành cho mình, còn có những quyển không dành cho mình. Mình biết rất chắc chắn quyển nào dành cho mình và quyển nào không. Những quyển không dành cho mình thì cũng có thể tìm cách mượn mõ để xem qua hoặc có khi đọc kỹ, nhưng phải ra lựa chọn. Có những quyển về cơ bản là mất thời gian, đọc xong thì trí đã bị vấy mực, không còn cơ hội “bỏ trắng ý nghĩ” (Thanh Tâm Tuyền): B. Russell - ngoài những chương nói về toán học, nó sẽ liên quan đến quyển Hệ Ghi Ý của Frege - thì đúng là mất thời gian. Còn những sách dẫn nhập triết học nhìn chung đều vô hại, và vô ích. Tất nhiên ở đây, nói với ý kiến riêng, trong sự tôn trọng những dịch giả đã bỏ công sức chuyển ngữ. Song bạn vẫn nên mua, nên đọc, nhiều khi là đọc để biết nó không dành cho mình.
Nhiều khi đọc chệch hướng cũng lại mở ra một đường đi li kì khác, hoặc làm đà tiến tới một ngả khác. Tìm ra được một chỗ phù hợp bằng sự đi nhầm. Hành trình cốt truyện của Nghìn Lẻ Một Đêm là theo kiểu thế
Nhưng ở đây mình muốn nói về mua sách: để tìm được những quyển đó, hoặc để biết sự tồn tại của chúng, bạn phải lần đường dây bắt đầu một số quyển, như Vật Chất và Ký ức của Bergson, sau đó cứ thế mò đi theo loạt “sách tương tự”. Nếu bạn nghĩ là vào mục Triết Học trên Tiki có thể tìm được, sẽ không dễ mà thấy những quyển đấy. Phần lớn choán khung hình là những sách vở dẫn nhập, kiểu Lịch sử triết học, Chủ nghĩa khắc kỷ, Heidegger trong 60 phút gì đó…Và các quyển chả quan hệ gì mà lạc vào.
Nhìn lại sách triết học đã dịch in, cũng trong tinh thần trân trọng các dịch giả, mình vẫn thấy lửng lơ. Cảm giác không thể dùng những quyển sách Việt ngữ mà đi được đến đâu, tất cả đều là bước một. Ở đâu cũng là khởi động, khởi động màn này xong, sang khởi động màn khác. Tất cả cứ lửng lơ, ỡm ờ, khuyết thiếu, của một thứ nhân tình hờ hoãn hẹn. Không có Gaston Bachelard, Merleau-Ponty, Levinas, không có Cioran.
Có mấy thứ cần thiết thì vẫn phải đọc bản tiếng Anh, mà bản dịch tiếng Anh thì lắm khi nhiều nghi hoặc hơn cả tiếng Việt. Trên giá sách, có Nietzche, rồi, bên cạnh, có Alain, rồi, có Bergson (có một quyển sách nào đó đã xếp Alain và Bergson cạnh nhau và gọi là “triết học về trực giác”), tiếp, tự nhiên mọc ra Deleuze, rồi phát nữa, H. Arendt. Nhưng họ khác nhau như cafe với tóp mỡ. Tất cả dù cùng chung từ “triết học” nhưng chả liên quan gì mấy đâu.
Mua sách ở Tiki đã đến hồi kết rồi. Mình mua vài cuốn cho người bạn, rất áy náy về việc không tìm thấy nổi phương án nào để có thể mua ship một lần luôn. Thôi thì từ nay, bạn bè nào mua sách của tôi, xin hãy cứ mua ở Shopee, hay đâu đó, rồi nếu có dịp nào chúng ta gặp nhau, rồi tôi sẽ ký tặng - giống những độc giả ở Sài Gòn.
Trước đây thời Tiki hưng thịnh, ta có thể đặt sách trên sàn Tiki và ship một lần. Còn bây giờ, mỗi shop lại có vài quyển, ship làm mấy lần. Cũng vì là nhiều shop quá, không phải shop nào cũng liên kết với tiki tradin. Ngay cả một người gần như follow toàn bộ các shop, các đơn vị xuất bản như mình, vẫn giật mình về một quyển nào đó thiên hạ in từ đời nào, thế mà hoàn toàn không hay biết. Chắc là vì lên facebook toàn xem Troll Bóng Đá.
Và thế là, sách vở 2024 đã bắt đầu có mystery đúng y như thời xưa: đã bắt đầu trở lại giai đoạn người ta không còn lên tiki để nhìn thấy một mặt chuyển động của xuất bản, mà giờ đã có các vùng tối. Giống như xưa phải ra một vài nhà sách lớn. Về xuất bản sách, kiểu như một bụi mận gai nào đó, có một kẻ rình rập, thình lình nhảy bổ ra in hoặc dịch một quyển sách, rồi biến mất. Quyển sách đó lạc lõng trong thư mục của một tác giả. Chẳng hạn nó là quyển rất cần được đọc chung với quyển khác cho liền mạch, thì ở đây chỉ có mình nó; hoặc giả, lại rất chi là bổ sung cho một quyển khác, nhưng lại phải tìm ở một bụi mận gai khác. Tất nhiên rất là khó, vì tiền thôi, “vì tiền hay thiết tha?” (Trúc Phương)
Vậy nhưng cũng là cơ hội cho những người bán sách có vốn dài hạn, máu làm ăn và có trực giác tốt: bạn có thể cócơ hội chiến thắng nếu bạn nhìn thấy được toàn bộ ngành sách. Trường hợp Bình Book là như vậy: tôi luôn tìm thấy những quyển cần ở cùng một shop, người chủ shop có một trực giác tốt. Sự bán sách có một cơ chế riêng, một đạo đức riêng, độc lập với thế giới của việc đọc.
Xem thêm: