Notes: Đọc Sách - tháng 3/2025
Trong số này: Luis Borges, Bioy Casares, Trinh thám, Bóng hình của gió, Nguyễn Huy Thiệp...
* Luis Borges và Cổ học tinh hoa
Thật vậy, bác nào còn chưa đọc những gì Luis Borges “luộc” của sách khác, thì chưa gọi là đọc Borges. Borges vĩ đại ở chỗ ổng là một nhà văn kì ảo ở cấp độ thực hành, tức là không chỉ viết mà cách sống cách nghĩ cũng hoàn toàn dùng thế giới quan của văn ổng.. Borges và Bioy Casares lúc còn chơi với nhau viết chung một quyển, nhưng quyển này rất thú, không viết mới mà gom các mẩu truyện có không khí Borges, trên khắp các nền văn hoá. Quyển tên là “Cuentos breves y extraordinarios”. Trong tập này, đầy cái hay, có truyện Con Hươu Nước Trịnh, một ông tiều phu săn được hươu, bèn giấu xác hươu để hôm sau lấy. Nhưng sau đó, ông quên mất nơi mình đã giấu con hươu và tin rằng mọi chuyện chỉ là một giấc mơ. Một anh nọ nghe lỏm được chuyện của tiều phu, đi tìm xác hươu giấu, mang về thì vợ ảnh lườm: “Có khi chính chàng đã mơ thấy một người tiều phu giết một con hươu. Chàng thực sự tin rằng có người tiều phu sao? “
Truyện đó của Liệt Tử đã in trong tập Cổ Học Tinh Hoa của Nguyễn Văn Ngọc dịch. Giống như các truyện khác, Casares và Borges không sửa đổi gì cả, gần như bê nguyên vào, nhưng vẫn thành một thứ của Borges.
Bioy Casares có một quyển tiểu thuyết khoa học viễn tưởng (tên gì quên rồi, là một hòn đảo có một tay vượt ngục) có twist y chang Thiên Thần Mù Sương. Đó là một hòn đảo, nơi ký ức đồng hiện, y hệt sương mù trong quyển truyện nhảm của tôi.
Đâm ra tôi lại thích Casares hơn
* Trinh thám và Borges
Cũng hai ông Borges và Bioy Casares, có một tập trinh thám, một thám tử (Isidro Parodi) ngồi tù nghe nghi phạm ngồi tán nhảm từ đầu đến cuối. Tập này tên là Seis problemas para don Isidro Parodi. Tên là Parodi thì biết rồi đấy!
* Xét lại Lịch sử tiểu thuyết Trinh thám
Nhờ vào tính cách vui vẻ, dễ chịu… mà bất ngờ truyện trinh thám trở thành đề tài luận văn luận án ở Việt Nam khoảng 7-10 năm gần đây, sản xuất ầm ầm luôn. Hehe, nhưng tuyệt nhiên không có khám phá nào mới, thực ra đa phần là lấy bằng thạc sĩ để tiện xin biên chế thôi. Có cả bác làm luận án về tôi nữa cơ.
Ta phải nhớ rằng, do vị thế bá chủ của tiếng Anh, lịch sử trinh thám cũng được viết bởi thiên kiến của người Anh và Mỹ. Ngay cả trong trinh thám Anh tôi cũng tìm được nhiều thứ khác với hiểu biết thông thường. Pháp tất nhiên là không chịu, các ông vứt Edgar Poe vào sọt rác, chính chúng tôi kiếm được ổng chứ ai: Baudelaire. Nhưng còn những quốc gia khác, xa xôi như Na Uy. Một bài tiểu luận trên Crimetime của văn sĩ trinh thám Nils Nordberg nói rằng trinh thám Tây sớm nhất đã có ở Mauritz Christopher Hansen. Lưu ý để gọi tác giả nào đó là ông tổ trinh thám, cần có hai điều kiện: (1) tác phẩm phải thuộc thể loại trinh thám và (2) Phạm trù ý thức; tác giả phải có ý thức rõ, phải biết là mình đang viết trinh thám. Thì ông Hansen đã có đủ. Nordberg lấy ví dụ về Jutulskoppen (1836, Ngọn núi quỷ), có hai vụ giết người, một nghi phạm vô tội, một cuộc điều tra dựa trên chứng cứ tài liệu, một phiên tòa và một màn lật mở ở toà.
Bắc Âu luôn là cứu tinh của trinh thám, mỗi lần lịch sử của thể loại này biến động. Ở Đức, tình hình rất bi đát, một bài viết của AIEP (link dưới còm ) liệt kê khá nhiều quyển hay - chẳng hạn của Jakob Wassermann - của trinh thám cổ điển Đức quãng thập niên 30 (đó là quãng đã có điện ảnh và trinh thám noir Mỹ kiểu Chandler), nhưng rất nhiều quyển tôi không tìm được: Hitler đốt sạch rồi còn đâu. Người Na Uy, nhờ việc thành lập Interpol, nên lúc sát chiến tranh, họ viết các truyện điều tra hình sự rất dễ dàng. Tiêu biểu là tác giả tên Hans Brückenberg viết các truyện về âm mưu Đảng Quốc Xã - ông này là dân Na Uy, viết lúc Na Uy đang thân với Đức và chưa nhận ra bộ mặt của Đức. Vị thế tương đương Graham Greene trong Anh ngữ
Trinh thám đó là thứ văn chương cổ điển và thuần khiết nhất, là loài khủng long cuối cùng đã sót lại, sau khi lịch sử tàn huỷ hết các dạng truyện phiêu lưu, anh hùng. Trong lĩnh vực này cũng đầy những thiên tài trác việt, giá trị và ơn ích của nó với loài người là không kể siết, dẫu cho loài người khinh nó thế nào.
Phần này sẽ viết sâu hơn. Một bài trước đó:
Trinh thám Tàu
Trinh thám Tàu cũng có một Arsene Lupin và Sherlock Holmes của riêng mình. ĐÓ là "Thám Tử Hồ Sương" của Trình Tiểu Thanh và "Vụ Án Lục Bình" của Tôn Liễu Hồng viết vào thập niên 1920. Tàu có truyền thống sách "giải oan" "công án", nhưng mãi đến cuối đời Thanh, nhờ phong trào NGŨ TỨ, nên trinh thám tây đi vào nước này mạnh mẽ, người ta chú ý hơn đến khía cạnh Logic, tức "Sái tiên sinh" - nếu bác nào học Tàu biết về "Đức Tiên Sinh" và "Sái Tiên Sinh"
Những nhân vật tham gia thúc đẩy trinh thám Tàu, lại là những tên tuổi trí thức lừng lẫy như Lương Khải Siêu, Hồ Thích, Châu Quý Sơn: chính họ là người đã lập ra các tạp chí kiểu như Trung Ngoại Tiểu Thuyết Lâm, Tạp Chí Cảnh Sát Giang Nam...đăng tải, dịch thuật truyện Conan Doyle, và một số trinh thám đời đầu "Tân Thám tử Đàm" (1908) hay "Vụ án của Thám tử Thượng Hải" (1907)
La Sombra de Viento - El laberinto de los espíritus
Tôi vừa trót mua tập cuối của Bộ Bóng Hình Của Gió của Carlos Ruiz Zafon - nhà văn trinh thám tôi yêu mến, để xem kết cục của "Nghĩa trang những cuốn sách bị lãng quên". Đây là tuyệt tác của thế kỷ này, hội những tinh hoa của văn chương đại chúng cổ điển
Sách tên: "Mê cung của hồn" (El laberinto de los espíritus)
Đang đọc đến chương 2, Fermin kết bạn với một con chuột:
"— Chúng ta giống nhau như hai bạn đồng hành, bạn ạ, cùng chịu đựng triết lý những tai họa của loài vượn đứng và gãi gẫm những gì có thể để sống sót. Mong sao một ngày nào đó, không xa lắm, loài vượn sẽ bị tuyệt chủng chỉ với một cú đập tay, và sẽ cùng với loài diplodocus, mamut, và chim dodo mà xuống làm phân bón cho đất. Để các bạn, những sinh vật chăm chỉ và hòa bình, chỉ thích ăn, giao phối và ngủ, có thể thừa kế Trái Đất, hoặc ít nhất là chia sẻ nó với loài gián và vài con bọ cánh cứng.
Nếu con chuột không đồng ý, nó không hề thể hiện ra ngoài. Chúng sống hòa thuận, không có tranh giành, giống như một hiệp định giữa các quý ông."
("—Usted y yo somos tal para cual, compadre, sufriendo con filosofía la plaga del simio erecto y arañando lo que se puede para sobrevivirla. Dios quiera que algún día no muy lejano los primates se extingan de un soplamocos y pasen así a criar malvas junto con el diplodocus, el mamut y el pájaro dodo para que ustedes, criaturas hacendosas y pacíficas que se contentan con comer, fornicar y dormir, puedan heredar la tierra o, cuando menos, compartirla con la cucaracha y algún que otro coleóptero.
Si el ratoncillo estaba en desacuerdo, no daba muestras de ello. La suya era una convivencia amigable y sin protagonismos, una entente entre caballeros")
Luis Lavelle
Hôm qua dịch giả Đào Quốc Minh dịch một đoạn Sartre và Lavalle, xem ở facebook.
Ông Sartre hồi trẻ đẹp trai hơn cả tài tử điện ảnh, dù tôi không thích ông này lắm, nhưng cũng phải thấy... phải là người như thế mới làm thần tượng được chứ.
Luis Lavelle là triết gia hấp dẫn nhất nửa cuối thế kỷ XX, bất chấp đầy người nổi tiếng và tài danh khác ở Pháp, về lĩnh vực hiện sinh. Vì cách tiếp cận của ông khác, truyền thống của ông cũng khác, một người chịu ảnh hưởng của nhà thần học Augustino thành Hippo và Maine de Biran - triết gia thế kỷ 18 cũng bị lãng quên nốt. Hai quyển là rường cột sự nghiệp của ông, cũng là hai khái niệm nổi bật là L’acte và La presence totale, tôi đọc bản dịch tiếng Bồ Đào Nha (bản dịch duy nhất có trên mạng) là A presença Total. Tải ở đây nhé
Đối thủ của Lavelle là Heidegger và Emanuel Levinas, theo đúng Levinas bình luận, trong cuốn sách De otro modo que ser. Lavelle từng được dịch một đoạn rất dài trong một quyển sách, tên là "Toàn cảnh triết học Âu Mỹ thế kỷ XX" của Soạn giả Phan Quang Định.
Sách mới: Tai nạn đường sắt
Gần đây, nhà văn trẻ Việt Nam có quan tâm đến đề tài tai nạn đường tàu Việt nam, nhằm viết truyện li kì tâm linh.
Rất trùng hợp, ở Canada, một chị shortlist giải ManBooker khác tên Emma Donoghue vừa ra một quyển, giới thiệu trên The Guardian như sau
"Một chuyến tàu tốc hành đâm vào các rào cản ở Montparnasse, lao qua sảnh ga và xuyên qua một bức tường ngoài, những người chứng kiến hoảng sợ nghĩ rằng đó là một vụ tấn công khủng bố. "Plus ça change" (Vẫn vậy thôi); sự việc này xảy ra vào tháng 10 năm 1895 và là nguồn cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết mới của Emma Donoghue, diễn ra trên chuyến tàu này khi nó lao từ Granville tới Paris."
Quyển tên The Paris Express (web của nhà văn)
Và chị là một nhà văn có-thiên-hướng-trinh-thám, chuyên viết dạng truyện cho tất cả mọi nhân vật vào một chốn hẹp
---------------------------
NGUYỄN HUY THIỆP
Note này viết trên Google Keep đúng hôm 20/3 ngày mất nhà văn, một cách không hề biết trước. Sẽ triển khai thành tiểu luận sau.
Tập di cảo có hai truyện ngắn là Cô My và Vết Trượt (để đọc và thấy nó hay, thì rất nên làm độc giả các truyện ngắn của F. Scott Fitzgerald). Bản thân cố văn hào Nguyễn Huy Thiệp không còn thích truyện đó, và không cho vào các hợp tuyển, chắc vì nó basic quá.
Nhưng chính cái basic ấy lại là nền quan trọng. Không vì nó nhạt hơn các truyện khác mà bỏ qua.
Trước hết, trong các quan hệ con người, cái phiền phức nhất, cái các văn sĩ muốn tránh mặt nhất, cái nhàm chán nhất chính là “phương diện tổ chức trật tự con người”. Một gia đình, một nhóm làm ăn, một quốc gia, đều đặt trên hai thứ cơ bản: trị sự và kinh tế. Nhưng chính những nhà văn lớn nhất lại rất hay tìm vào trong các vùng lá thấp này, như Conrad hay Kafka. Các nhà văn lớn không bao giờ cần phải tách bạch con người hiện sinh và con người xã hội, cái tôi riêng biết và cái tôi chung chạ, vì cơ bản các hình thức con người sẽ hiện ra đầy đủ trong những vùng sâu nhất của tổ chức người. Hai bà góp chung một sạp thịt lợn để làm ăn, chỉ riêng việc ấy thôi, trong đó, cũng sẽ có đủ những nét phác sơ khai của chính trị, kinh tế, văn hoá, và thậm chí tôn giáo - nếu ta tinh tường mà để ý kỹ (đọc phần non-fiction của di cảo, sẽ thấy Nguyễn Huy Thiệp có nhắc đến ý tương tự). Các mô hình tổ chức người tạo nên thứ bậc xã hội, trong đó yếu tố chính trị thường được để ý nhất, do hoàn cảnh đặc biệt của nước ta - những ẩn ức chính trị nhất định, những bất công và dồn nén, người ta hay nhìn vào nó để mà luận, mà than thở hay vỗ đùi. (Nhà phê bình Mai Anh Tuấn có một bài viết về các nhân vật quyền bính trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp)
Nhưng còn có các thứ bậc khác của cõi người: kinh tế, đặc biệt là kinh tế - tổ chức phân công lao động, yếu tố cơ hội, gia đình và dòng tộc… Các dạng tổ chức đó đều tạo ra cơ hội để kể chuyện con người. Song, nói thì không dễ, nhất định phải là những nhà văn có đủ trải nghiệm: Nguyễn Huy Thiệp có đủ trải nghiệm hay không? Xin đọc di cảo, phần hình ảnh, để biết về các nghề ông từng sống.
Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn Việt Nam soi tỏ tường được những yếu tính nguyên thuỷ của phương diện con người của tổ chức. Phương diện này gồm các điều sau đây: Cấu trúc, Tài Sản, Mục đích, Phân công, Tôn ti và Tín điều. Như đã nói, đó là tiền thân của chính trị - kinh tế - tôn giáo và văn hoá, trên bình diện khổng lồ hơn. Một nhóm thợ xẻ, một anh từ quê ra đi tìm việc làm, một gia đình (như Không có vua, Tướng về hưu, các vở kịch), một hợp đồng thuê mướn, đổi chác, một đội quân kháng chiến lập quốc, thậm chí chỉ mấy người trên cùng một con thuyền sang sông … Trước hết, là gia sản họ có: Nguyễn Huy Thiệp bao giờ cũng tỉ mỉ một cách mỉa mai với các bài toán thống kê đồ đạc, tiền nong và các vụ thương lượng và lừa đảo. Sau đó, cách họ tổ chức tôn ti trật tự: thường xuyên các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp có sự đổi vai của quyền hành.
Trong khi người viết văn ở Việt Nam thường hay suy tư vào các vùng khác có phần trong trẻo dễ chịu hơn (tình cảm, nhân nghĩã, thiện - ác). Nhưng không hẳn là do tính cách, mà - đoạn này hẳn gay cấn - một tầng lớp có kinh nghiệm quản lý ở nước ta, ở những hạt nhân cơ bản như làng, đã biến mất cùng lịch sử, mang theo kinh nghiệm tổ chức của họ (Do biến động lịch sử nào thì thề có bóng đèn tôi không biết). Họ chỉ còn là Mẹ Cả mà thôi. Bao giờ các tổ chức của Nguyễn Huy Thiệp cũng khuất đi một mắt xích, trong Không Có Vua thì rõ, nhưng trong nhiều truyện, thì không có các cấp trung gian. Bao giờ cũng là một thứ tổ chức bán khai còn đang thành hình, kể cả là câu chuyện chỉ có hai người.
Không cần viện đến lịch sử, đau thương… truyện của Nguyễn Huy Thiệp vẫn rất lớn và hấp dẫn. Cấp trung gian ư? Trong Vết Trượt, chính là câu chuyện về một anh nhậm chức mới, cấp Phó, đang cần xoay xở để tổ chức lại bộ máy, hoặc sửa mình để hợp với bộ máy. Đọc Nguyễn Huy Thiệp, ta thấy lịch sử phun trào và tạo ra con người chứ không phải con người làm nên lịch sử: dường như mọi dạng tổ chức (độc tài, quân phiệt, cộng hoà, công ty tư bản…) Nguyễn Huy Thiệp đều đã dùng tất tần tật…
Nhưng như vậy còn chưa đủ, ba yếu tố tiếp theo: sự trượt nghĩa, sự tha hoá và những mâu thuẫn kì dị của trật tự con người mới là đáng nói. Sự tha hoá - như rất nhiều nói - ở Nguyễn Huy Thiệp, không diễn ra bởi cá nhân, hay cái thiện - ác gì cả, mà nó phải đi từ bình diện tổ chức. Người ta vẫn còn thích đọc Nguyễn Huy Thiệp ở tuổi quá băm, vì ít nhiều đã từng trải cái vô lý khi phải đứng đầu hoặc đứng trung gian một tổ chức người, ít nhất tác phẩm của ông đã có lời chào đẹp như thế, với những bạn đọc dày dạn và đôi khi đã ở tuổi không còn quá tin vào văn chương nữa. Từ chỗ này, ông đã chuẩn bị đủ khung cảnh và tinh thần, trước khi dẫn người ta đi tiếp đến chỗ có thể nô đùa.
Đức Anh
Nguyễn Huy Thiệp qua lời tựa của dịch giả G. Lockhart
Dịch giả Lockhart khi dịch Tướng Về Hưu (sách có hàng ở Bookworm, xem) có viết một prologo rất hay. Đây có lẽ là một trong số những bài viết hay nhất về Nguyễn Huy Thiệp, đoạn cuối bài kết thúc bằng hình ảnh cánh diều. Con diều bay cao, nhưng vẫn được nối với mặt đất bằng sợi chỉ mảnh, nó chao liệng, khinh bạc… đó là văn chương Nguyễn Huy Thiệp?
Đoạn này đáng chú ý, dịch thuật không tốt lắm, xin bỏ quá:
Nhịp điệu nhanh chóng của những thay đổi thời trang, sự xâm nhập của quảng cáo, và sự tồn tại phổ biến của các phương tiện truyền thông quốc tế không thể so sánh với những gì đang diễn ra ở các xã hội phương Tây hay các xã hội châu Á phát triển. Tuy nhiên, một lượng lớn hàng tiêu dùng Mỹ đã được đưa vào Việt Nam rồi rời đi sau đó. Các gói viện trợ từ các quốc gia xã hội chủ nghĩa là khá đáng kể. Sự lan rộng của truyền hình đã xảy ra ở các thành phố. Các báo cáo từ báo chí và quảng cáo đã trở nên đa dạng hơn. Một dòng chảy ổn định của các sản phẩm Pháp, rượu whisky, đồng hồ, xe máy, video, và đôi khi là giấy vệ sinh đã đến từ Thái Lan, Hồng Kông và Trung Quốc. Đến cuối những năm 1980, khu trung tâm thành phố Hồ Chí Minh cũng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi thương mại quốc tế. Trong bối cảnh sự thiếu hụt kinh tế và nghèo đói, do đó, dòng chảy tiêu dùng đã đủ để làm nổi bật hai điều quan trọng: thứ nhất là làm nổi bật sự thiếu hiệu quả trong nền kinh tế của chính phủ; thứ hai là thiết lập những kỳ vọng mới mà không chỉ dựa trên các nhu cầu tiêu dùng cá nhân, mà còn không thể đáp ứng bằng những khẩu hiệu chính trị mòn, dựa trên truyền thống và lịch sử.
Điều chúng ta đang đối mặt ở Việt Nam không hoàn toàn là chủ nghĩa tiêu dùng, nhưng là dấu vết của chủ nghĩa tiêu dùng và sự thất vọng của người tiêu dùng mà N.H. Thiệp sử dụng trong các câu chuyện của mình để làm sắc nét sự đơn lẻ của cá nhân trong một bối cảnh xã hội chủ yếu là nghèo đói và thiếu phân biệt. Trong The General Retires [Tướng về Hưu], ví dụ, chúng ta có hình ảnh đặc trưng của Thụân với điếu thuốc Galang. Đây là một loại thuốc lá đắt tiền của Ấn Độ được mang vào từ Liên Xô, tuy nhiên, anh ta phải cai nó để trang trải chi phí gia đình. Nguồn cung cấp thuốc lá kém chất lượng và một tập hợp những bài hát của Beatles và Abba làm nền cho lễ cưới, nhấn mạnh những tính cách tư bản của những người tổ chức.
Vậy, những dấu vết của người tiêu dùng này đưa chúng ta quay lại câu hỏi về cách chúng ta hiểu được quan điểm nâng cao, trôi nổi từ đâu mà các câu chuyện của N.H. Thiệp được nhìn nhận. Mặt khác, những dấu vết này rõ ràng mô tả cá nhân trong một xã hội nơi mà sự khao khát về hàng tiêu dùng hiện đại rất mạnh mẽ. Mặt khác, chúng tạo ra những đường nét cá nhân của những người tiêu dùng với những dấu vết của sự sung sướng tưởng tượng. Những dấu vết này, vì thế, làm nổi bật các đường nét cá nhân của những người tiêu dùng với những dấu vết của sự sung sướng tưởng tượng. Những dấu vết này, do đó, gợi lên những đường nét cá nhân của những người tiêu dùng với dấu vết của sự sung sướng tưởng tượng.
Do đó, quan điểm của N.H. Thiệp phải nằm trong xã hội, để những khác biệt cá nhân của các nhân vật có thể tiếp tục phát triển. Nhưng nó cũng phải nằm ngoài xã hội để điều này có thể xảy ra. Quan điểm của N.H. Thiệp nằm trong một cuộc đối thoại về hiện đại hóa, với một nền kinh tế tiền hiện đại, được kích thích bởi các yếu tố ngoại lai. Những dấu vết tiêu dùng này gợi lên cuộc sống trước khi tiêu dùng trở thành nền kinh tế hiện đại.
[…] Trong Con Gái Thuỷ Thần, hình ảnh của cô giáo xinh đẹp, Phượng, không thể làm nổi bật hơn nữa chân trời xa xôi và sự thất vọng vụng về của người thanh niên nông dân, Chương, người yêu cô ấy. Cô đã đi ra nước ngoài, trong sự xa cách của Chương, mặc chiếc quần bò và áo blouse, và mang theo chiếc túi đựng có vẻ như khiến cô ấy trông giống như một "nữ diễn viên điện ảnh". Những thứ như thuốc lá, trang phục ngoại quốc, đồng hồ thời trang, trang sức và kính mát, lại nổi bật lên rõ ràng chống lại một nền tảng nghèo đói trong các câu chuyện của N.H. Thiệp, và làm nổi bật sự cá nhân hóa của những người tiêu dùng với dấu vết của cái sướng ảo.
[…] Do đó, quan điểm của N.H. Thiệp phải nằm trong xã hội, để những khác biệt cá nhân của các nhân vật có thể tiếp tục phát triển. Nhưng nó cũng phải nằm ngoài xã hội để điều này có thể xảy ra. Quan điểm của N.H. Thiệp nằm trong một cuộc đối thoại về hiện đại hóa, với một nền kinh tế tiền hiện đại, được kích thích bởi các yếu tố ngoại lai. Những dấu vết tiêu dùng này gợi lên cuộc sống trước khi tiêu dùng trở thành nền kinh tế hiện đại.
Bước chân tình xa do Quang Toàn hát: