Chim muông buồn rủ nhau bay về đâu
Tháng tư là tháng kinh hoàng của nghiệp làm sách chúng tôi với sự bận rộn điên rồ cho các loại chương trình nhân dịp Ngày Sách và văn hoá đọc: nhất là những người làm nghề truyền thông. Riêng năm nay, có vẻ an ủi hơn, lại chính vì sự đi xuống của ngành xuất bản. Hội sách ít hơn, đâm ra lại rảnh. Nhưng trên diện rộng, đó là rã đám của mười năm đã qua: mười năm niềm nở của thế giới mở, marketing, mạng xã hội, vội đến, vội buông lời và vội đi, với thế hệ 9x đời đầu, bơ vơ ở lại, bắt đầu hiểu ra là phải mua một miếng đất ở quê nhà.
Nhân tháng tư, về sách, tôi mới đọc một cuốn cực mỏng của Jean-Luc Nancy, một triết gia mới qua đời cách đây vài năm, sách tên “On the commerce of thinking” (Về giao thương của tư tưởng), giật mình nhận ra ông đã triển khai đầy đủ các ý mà tôi lơ mơ cảm nhận được trong đoạn đầu bài viết này của tôi, chỗ mà tôi đã dừng lại.
Jean-Luc Nancy:
Một cuốn sách là một thiên thạch vỡ tan thành hàng ngàn thiên thạch nhỏ mà những đường đi ngẫu nhiên của chúng gây ra những vụ va chạm, những nét thiên tài, những sự kết tinh đột ngột của những cuốn sách mới, những dấu vết chưa được công bố của các ký tự, những ấn bản được mở rộng, sửa đổi và hiệu đính, một sự lưu thông giữa các thiên hà.
Một cuốn sách luôn mơ ước trở thành một khối khí bốc cháy, một sao chổi mà chiếc bờm rực lửa của nó thiêu rụi Idea thành bụi vinh quang và kinh nghiệm về cái vô hạn. Hiệu sách mở ra không khí tự do này của kinh nghiệm, của rủi ro và cơ hội thoáng nhìn thấy cái không thể nhìn thấy, cái trong Idea vượt quá mọi hình thức và mọi ký tự. Hiệu sách luôn giữ sâu trong lòng mình một cái gì đó của người bán sách rong, người đàn ông lực lưỡng đó chất đầy những cuốn sách nhỏ khổ mười hai và khổ mười sáu, những cuốn sách nhỏ rơi ra khỏi bao tải và nhét vào đuôi áo khoác hoặc mũ của anh ta, thành thạo không chỉ trong việc bán chúng mà còn quảng cáo chúng nữa, và, nếu cần, đọc thuộc lòng chúng từ đầu đến cuối—Manon Lescaut, Nỗi đau của chàng Werther, hay Sheherazade—một người bán hàng rong và người kể chuyện du mục, một thi sĩ lang thang, một người bán hàng rong [marchand marcheur et démarcheur] của những ấn bản rẻ tiền, hiệu sách dưới ánh nắng mặt trời và mưa trên những cánh đồng, bờ biển và con đường rộng mở. Một hiệu sách luôn được tìm thấy ở rìa một đại lộ lớn không dẫn đến đâu ngoài từ sách này đến sách khác, tự phó mặc cho chính mình và đi theo dấu vết của ý niệm của nó, từng từ một được in lại vô hạn định, một đại lộ lớn mà dọc theo đó sự giao thương tình cảm và tinh tế này của tư tưởng không bao giờ ngừng lại, bởi vì trong đó được tóm tắt và tiêu thụ hình thức thuần túy và luôn mới lạ của cái mà chúng ta gọi là cuốn sách
(Jean-Luc Nancy, On the Commerce of thinking)
Và bây giờ, những người chủ xướng các trào lưu (đọc và viết) văn chương cũng dần tiến đến chỗ chán chường.
Không tìm đâu không khí vui tươi, bàn về một quyển sách hay, một tác phẩm lớn mới in. Dù không phải là không có tác phẩm lớn mới in, như đây nhé:
Job: tiểu thuyết về một người thuần hậu. Ai là người thuần hậu (simple man) trong quyển này? Thằng bé Menuchim Do Thái tật nguyền, là gánh nặng bị gia đình nghèo túng bỏ rơi - trong lúc tất cả họ đèo díu nhau sang Mỹ? Tất nhiên, phải là người cha Mendel Singer. Người cha lúc cập bến Mỹ, ngồi trong toa tàu nóng như đỉnh hè Hà Nội, rùng mình nhận ra, ơ hay tại sao ta sống trốn này, đời cũ của ta đâu, con ta đâu rồi Menuchim ơi. (Trước đây thời chưa có con, đọc đoạn này thấy xoàng thôi, nhưng sau mới hiểu).
Như để tặng cho những ai đã phải sang Mỹ tìm đường sống và cũng có những phút rùng mình như thế
Nhưng Joseph Roth trong truyện này còn lộ ra những đoạn cực ngắn, mà ta thấy sẽ hiểu cách viết phi thường của Joseph Roth, như từ một chỗ rình nấp nhân vật, nhảy sổ ra mắng vào mặt, hay là cười vào mặt nhân vật - lúc đó truyện ở một trạng thái không còn là ngôi thứ ba số ít nữa. Những chỗ ấy Roth đã vượt qua Nabokov - một văn hào có kiểu viết văn gần tương tự.
Không chỉ có mỗi một Nabokov mới biết viết như thế. Đầy người. Dưới cuối entry chúng ta sẽ đến với một tác giả khác.
Tình bạn ư? Tôi tặng một số bạn bè sách, tôi nhận sách của bạn tặng, và họ viết gì đó, review gì đó. Và thấy giữa chúng tôi có một mối liên kết mới, nó giống tình bạn hơn bất kỳ mối quan hệ Mạng xã hội nào.
Nhưng nhìn chung, trong thời này, cái sự tình cảm đã bị bóp méo sao đó, tình cảm không còn phong phú, chỉ còn tóp, quắt lại là thương cảm xúc động vặt. Cái gì cũng thành thương cảm, lòng tự tôn cũng thành thương cảm, sự biết ơn cũng hoá ra thương cảm. Người chịu ơn ban lòng thương cho ân nhân của mình.
Đã nói đến Sự hăm hở của thế giới mở, thì dưới đây, có “Sự tầm thường của ngày khai trường”: Thanh Tâm Tuyền, từ đây, suy rộng ra, có những sự tầm thường cần thiết của… mọi thứ khác.
Tôi thích một từ rất bình thường: “nghèo túng”, dường như không còn ai dùng từ đó nữa, mà thay bằng “nghèo khổ” hoặc “nghèo khó” - hai từ có tính cách dân vận và tuyên truyền, về độ chân thành thì thua xa chữ “nghèo túng”. Từ “khổ” là một từ biết kêu lên, nhưng từ “túng” là thì là cái nghèo giấu mặt, dằn lại, rít răng khe khẽ mà cấu véo nhau. Một truyện ngắn của Nguyễn Tuân, tôi đã quên tên, một anh bạn gặp lại bằng hữu lâu ngày trên chuyến tàu, quý lắm, mời về nhà. Người bạn kia chắc sẵn tính sẵng sẵng, vui vui, đời sao thì ta theo vậy, cũng đồng ý chơi lại một đêm, nào ngờ nhà gia chủ thuộc dạng hộ nghèo. Người vợ - để có một bữa ăn đủ, đã phải âm thầm nhịn, quay mặt vào trong. Đêm đến mới lôi nhọ nồi ra quệt mặt chồng để báo thù.
Dường như những thứ như thế mới đúng là “phận người” - và bản thân chữ “phận người”, thì giờ sao rồi, sau cả chục năm bị vật chán trên báo chí mỗi khi các nhà tản văn kia bí từ.
Người ta nhìn con người bằng những cách rất chính trị. Cả chính tôi cũng thế, đọc lại nhiều tác phẩm mình viết, đó là cách nhìn con người của chính trị. Nhìn con người không như con người, mà chỉ muốn tóm lấy, mà lý luận. Điều này xảy ra liên tục với văn chương, ngay cả ở các tác phẩm lớn nhất, nổi tiếng nhất, người viết cũng không nhận ra. Virginia Woolf - một nhà văn tôi không thích mấy - viết tiểu luận “Mr. Bennett and Mrs. Brown”. Trong tiểu luận này, Woolf đề cập đến điều mà bà coi là sự xuất hiện của chủ nghĩa hiện đại, với câu nói nổi tiếng: "Vào khoảng tháng 12 năm 1910, tính cách con người đã thay đổi", ám chỉ đến triển lãm Manet and the Post-Impressionists của Roger Fry. Bà nhằm đến cách miêu tả con người trong văn chương những nhà văn thời Edward, như Arnold Bennett (nhà văn tôi rất thích), H.G Wells (cũng rất thích) và Samuel Butler. Đó là cách tả con người như một tổng hợp rất hợp lí của tiểu sử, trạng thái (kinh tế, tính cách, tình cảm), khoa học và các cơ chế tâm lý.
Tiểu luận sau này bị Wyndham Lewis (nhà văn tài hoa này do viết về Hít-Le nên sau đã không còn nổi tiếng) chê, rằng Woolf làm như trên đời chỉ có mỗi mấy ông nhà văn Anh. Và làm như thế giới có mỗi người Anh.
Tuy nhiên, tôi đồng tình với tư tưởng của văn hào Woolf. Bởi tôi có một số khải thị khác.
Và Lewis vẫn nói đúng. Thế giới lúc đó còn có Nam Tư nữa:
Nam Tư trong Thế chiến I qua Miroslav Krleža
Khi những anh hùng của chúng ta suy nghĩ về đời mình, thì nó trông đại khái như thế này: "Đây là túp lều của tôi, mái nhà dốc, nước mưa chảy xuống hai bên trái phải và không nhỏ giọt lên đầu tôi. Đó là cả một phát minh để nước không nhỏ giọt lên đầu tôi, và đó là thứ ông nội quá cố của tôi để lại cho tôi làm gia tài, mái nhà ấm áp đầy khói bụi của tôi, và tôi sẽ để lại nó cho con trai tôi, vì đó là một điều khôn ngoan: một mái nhà che đầu. (Con người sẽ như gia súc nếu không có mái nhà.) Tôi ngồi dưới mái nhà hình nấm của mình và nhìn khói bốc lên, giọt trời chảy xuống và tưới tắm cho cánh đồng. Điều đó cũng tốt. Vợ tôi liếm sợi lanh như con nhện, trong nồi khoai tây đang sôi, và có lẽ còn có vài miếng sườn mỡ trên gác bếp. Thế là đủ. Thực ra tôi không cần gì hơn nữa. Đời thế mà vui! Người ta châm tẩu thuốc lúc hoàng hôn và nhìn đôi mắt mèo vàng hoe trong hơi thở của bò trong chuồng, chúng lấp lánh cứ như đom đóm! Đời thế mà vui!
(Miroslav Krleza - Trận chiến ở Bistrica Lesna, rút từ tập Hrvatski Bog Mars)
Trên đây là tập truyện của Miroslav Krleža - nhà văn lớn của Nam Tư thế kỷ XX. Trong văn học, Nam Tư đã chia hai từ trước khi thực sự tan rã bởi Krleza và Ivo Andric. Miroslav Krleža là nhà văn Croatia và còn Ivo Andric là người Bosnia và Herzegovina. Tôi cũng vừa đọc Gospodjca - phần thứ hai của trilogi Cầu Sông Drina (Nguyễn Hiến Lê dịch), lại một trilogy nữa, cùng thời với trilogy của Sabato, Gunter Grass: những đất nước vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm của chính mình. Nhưng Ivo Andric, thì để đó đã. Năm 1961, Ivo Andric đoạt giải Nobel, trong long-list ứng cử viên, có cả Gaston Bachelard và Miroslav Krleža. Khi Ivo Andric in quyển sách đầu tiên - tập thơ Ex Ponto năm 1918 - Krleza là người viết giới thiệu (theo như bài báo này nói). Ivo Andric cũng giới thiệu Krleža với Viện Hàn Lâm Thuỵ Điển.
“Vị thần chiến tranh Croatia” (Hrvatski bog Mars) là tập truyện xoay quanh Thế Chiến Thứ Nhất. Miroslav Krleža bắt đầu viết tập truyện này từ ngay trong cuộc chiến, cụ thể là năm 1917, nhiều truyện in rải rác suốt sự nghiệp của ông, và hoàn thành tập sau Chiến tranh thế giới thứ hai, in bản hoàn thiện năm 1946. Một tập truyện kéo dài đến cả hai cuộc Thế Chiến.
Chiến tranh của tập truyện này nhìn từ những người lính Croatia - một phần của Đế quốc Áo-Hung, chính xác hơn là Dalmatia và Istria thuộc phần Áo, còn Croatia Banovina thuộc phần Hungary. Những người Croatia, sau hiệp định 1868, bỗng thành lính Vệ Quốc, Lực lượng Phòng vệ Nội địa Croatia-Slavonia (Hrvatsko-slavonsko domobranstvo) thuộc về Lực lượng Phòng vệ Hungary (Hungarian Honvéd).
“Trận chiến ở Bistrica Lesna” là truyện mở đầu tập, in báo năm 1923, là truyện duy nhất có cảnh chiến tranh, dài khoảng gần 20 nghìn từ.
Nhưng không có kẻ thù, chỉ có số phận hạ sĩ và sáu binh lính dân quân, được viết liền mạch như một bài thơ văn xuôi, cuốn theo đó tất cả những bi kịch, mỉa mai, buồn bã và cái cảm giác ung thư, khó ở với cuộc đời [sau này được nhà văn triển khai trong một quyển hết sức nổi tiếng, có cảm giác khá gần với Gombrowicz hay Thomas Bernhard, tên là Al filo de la razón (Bên bờ vực của Lý trí)]. Trong cái bi kịch có cái nhăn nhăn nhở nhở, trong từng câu văn có những xung động cựa quậy và độ phức tạp tinh diệu, khó đoán, phản ánh một nhà văn lớn đã bị lãng quên ở những nơi bên ngoài thứ tiếng Serbo-Croatia.
Kết cục của Thế Chiến I đã ảnh hưởng quyết định đến tương lai và vị thế của Croatia, nhưng người dân và lính Croatia thật ra chẳng được gì, luôn luôn ở bên lề, dù đã tham gia vào mọi nỗ lực và có mặt trong mọi đau đớn mà chiến tranh mang lại.
Câu chuyện này về một chi tiết của trận chiến tại Bistrica Lesna là để tưởng nhớ hạ sĩ quá cố Pesek Mato và sáu binh sĩ dân quân đã hy sinh thuộc tiểu đoàn hai, đại đội hai, bao gồm: Trdak Vid, Blažek Franjo, Loborec Štef, Lovrek Štef, Pecak Imbro và Križ Matija, tất cả đã ngã xuống trong cuộc tấn công anh dũng vào cao điểm số ba trăm mười ba, đổ máu dân quân hoàng gia Hungary của mình vì vinh quang của vương quốc Szent István ngàn năm tuổi, theo tinh thần Hiệp định Hungary-Croatia năm 1868. Xin hãy yên nghỉ!
Hạ sĩ dự bị Pesek Mato và sáu anh hùng trong câu chuyện của chúng ta, tất cả họ ban đầu sống một cuộc đời lặng lẽ và cay cực như hàng triệu người trên đời, những người đã khốn khó hàng thế kỷ trên mảnh đất bùn lầy này, cày xới nó mỗi mùa xuân và mùa thu để kiếm được một hai nắm hạt và ăn một lát bánh mì vào Lễ Phục sinh và Giáng sinh, hai ngày tươi sáng, khi gánh nặng thường nhật không còn đè nặng lên lưng, chỉ có việc cho gia súc ăn trong chuồng, hút thuốc và nhổ nước bọt trước nhà thờ suốt buổi sáng. Trong màn sương mù hàng thế kỷ của lao dịch khổ sai, của khói bếp, của chế độ nông nô roi vọt, trong màn sương mù phong kiến vẫn còn bao phủ làng quê chúng ta vào năm một nghìn chín trăm mười bốn dưới triều đại Franz Joseph Đệ nhất như một tấm màn tang thương, tất cả các anh hùng của chúng ta đều cảm nhận cuộc sống của mình như một điều gì đó do chính Chúa tạo ra, và ông nội, ông cố của họ (xin đừng trách họ) cũng đã sống như vậy, vậy thì có gì để suy nghĩ và có thể làm gì được đây? Tất cả những gì đang diễn ra đều do chính Chúa Trời tạo ra (vinh quang và ca ngợi Ngài), và đàn ông là những kẻ nghèo khổ, khi chính Chúa Trời đã tạo ra họ nghèo khổ, và điều đó đã được ghi lại trong sổ sách giáo xứ và địa bạ, trong các điều luật ở quận và trong luật pháp tại tòa án, nơi Chúa Trời đã đặt các Quý ông để trông coi những người đàn ông bần cố ấy, đảm bảo họ thực hiện tốt mười điều răn của Chúa, nộp thuế, phụ thu và các khoản đóng góp, đi lính, và khi Ngài muốn, thì cả đi lính.
Trdak Vid là người được nhắc đến đầu tiên, và cũng là người chết trận đầu tiên.
Sáng đó, khi trận chiến sắp diễn ra, binh sĩ dân quân Trdak Vid là người buồn nhất trong số họ. Anh mơ thấy các con mình, rồi anh nhớ đến sự trống rỗng, sự trống rỗng khủng khiếp mà anh đã nhìn thấy cách đây năm ngày, và có thứ gì đó nghẹn lại trong cổ họng anh đến nỗi anh không thể uống nổi ly cà phê đen, mà đổ nó xuống bùn. Ngay trước khi anh lên thành phố, vào doanh trại, anh đã chôn cất vợ mình, để lại hai đứa con ở nhà, đứa lớn bảy tuổi, đứa nhỏ bốn tuổi. Anh đã cãi nhau với họ hàng bên mình và bên vợ, và cho đến khi nhận được điện báo phải đi, anh đã trằn trọc nhiều đêm trên chiếc nệm rơm hôi hám, suy nghĩ phải giải quyết chuyện con cái mình như thế nào? Đêm cuối cùng đó, anh nảy ra ý tưởng đến gặp chính phủ hoàng gia Croatia-Slavonia-Dalmatia rất sáng suốt, trên Quảng trường Thánh Mark, đến gặp chính ngài Ban sáng suốt, để phàn nàn với ngài Ban: chuyện gì sẽ xảy ra với các con anh khi anh ra mặt trận, và xin ngài Ban sáng suốt hãy làm gì đó trong trường hợp của anh.
Cái chết của Trak Vid tội nghiệp liên quan đến:
Lovrek Štef cúi xuống bên Vid Trdak và muốn đỡ anh ta dậy và làm điều gì đó khôn ngoan, nhân đạo và đúng đắn, chỉ có điều anh ta không thể nào nhớ ra được băng gạc của mình ở đâu, cái đồ của khỉ đó đã lẫn ở đâu…
Phần lớn những người anh hùng của chúng ta đều chết trận theo cách rất buồn cười. Ở khía cạnh này, Krleza đã hơn đứt Hemingway lẫn E. Remarque, vì sao nhỉ, vì đó chính là một thứ văn chương đúng nghĩa. Không khí truyện, phảng phất một nỗi hoài nghi hài hước và bi thảm, nhưng cũng không bám chặt vào điều đó. Krleza chỉ tập trung vào cái chết, những màn đụng độ, khó chịu của người lính trong quân luật của họ. Và rồi, những lá thư mà người thân hậu phương gửi đến, được anh sinh viên Katica Rodešova đọc lại trong nhàm chán, xếp cạnh chồng giấy báo tử; những người anh hùng là nạn nhân của lịch sử, nạn nhân của việc phải trở thành anh hùng. Một câu chuyện như thế chỉ có thể kể từ Nam Tư mà thôi.
Nhưng cũng nhờ những nhà văn lớn như M. Krleza, chúng ta chợt nhận ra: vì như thế, nên Thế Chiến Thứ Nhất là cuộc chiến có một cái kết.
Còn Thế Chiến Thứ Hai, là cuộc chiến không bao giờ kết thúc, nó vượt qua cái thời độ mà lẽ ra nó đã phải xong rồi, nó đã thành một thứ gần với lố bịch, khi các trại lò thiêu thành điểm du lịch hút khách, Call of Duty phát hành game mới hằng năm, còn Gunter Grass đẻ ra đến hai tự truyện.
"Đấy, bên ngoài đang diễu hành những người thợ mỏ Zagorje, những người đã nuốt khói bụi, mùi hôi và khí độc cả đời, họ đã sống dậy từ mồ mả, thắp đèn dầu và lặng lẽ đi thành hàng đôi vào một hầm mỏ khác và vào cõi bất diệt. Và những người trồng nho Podravina và những người nông dân Stubica, cháu của Matija Gupca, tất cả họ đều diễu hành bên ngoài trong bóng tối và tất cả họ sẽ quay trở lại đây trên bàn khám nghiệm tử thi của anh ta. Và anh ta sẽ đọc những lá thư tình, những đơn xin của họ, xem những bức ảnh man rợ khủng khiếp đó, lật giở tài liệu, tưởng không bao giờ có hồi kết."
Đi vào Miroslav Krleza với tác phẩm này, quả là tuyệt vời. Sau này sẽ còn một vài cuốn sách nữa, còn “khiếp” hơn, hy vọng tôi sẽ có thời gian để đọc. Cảm ơn bạn Dusan Phan, người bạn, đã dịch ra tiếng Việt, các truyện ngắn. Truyện sẽ được đăng trên blog này.
Và tôi chợt nhớ đến Thác Đổ Sau Nhà của Võ Phiến
Tôi lau nước mắt, nhìn bàn chân gầy khẳng khiu của Thọ duỗi bên cạnh chân tôi. Gót chân anh túm lại, nhỏ một cách tội nghiệp. Những ngón chân xương xương vụng về chổng lên trời, lơ ngơ, thản nhiên, không ăn nhập gì với giọng nói thiết tha của Thọ. Tôi nhìn chúng và ngạc nhiên nghĩ rằng một sự thân mật giản dị như vậy chỉ trong giây lát rồi sẽ mất, không sao trở lại được. Bàn chân gầy ngơ ngác thản nhiên đó làm cho tôi lại đột nhiên kinh ngạc sững sờ và đau đớn về sự chia biệt gấp rút, vô lý của chúng tôi. Chốc nữa đây, Thọ sẽ rút bàn chân ấy đi và vĩnh viễn, vĩnh viễn hai thân thể của chúng tôi chẳng bao giờ còn được ở bên cạnh nhau nữa!
Ngón chân giao chỉ của huyền thoại, và ngón chân chổng lên trời của Thọ, trong truyện Võ Phiến!
Câu chuyện của Thác Đổ Sau Nhà kể từ một thiếu phụ nọ, trong một bữa tiệc, tình cờ bắt gặp kẻ đã ngủ với mình trong một đêm hoang tình ở rừng rú. Vấn đề là câu chuyện dẫn thẳng đến cái đêm đó lại chẳng có tí liên quan nào cả: chỉ là một chỗ để đột ngột nhìn lại quá khứ, Thọ (nhân vật đoạn trên) với lý tưởng chánh trị, Kha - bất ngờ hơn, một anh bị bom đạn cướp mất người vợ thương yêu, dần từ người lành, cũng sang một kẻ có lý tưởng chủ nghĩa. Ta không thật rõ anh nào phe nào, đó là giai đoạn đặc biệt, những năm 1955 trong văn học Việt, những năm không thực sự thuộc về “văn học miền Nam trước 75”, mà tầm nhìn xa hơn rất nhiều. Võ Phiến là một trong những dịch giả đã dịch Stefan Zweig sang tiếng Việt. Cách viết của Võ Phiến không có điều gì chung với nền văn học ta biết sau đó, và cả trước đó.
Sao tôi lại nhớ đến truyện này nhỉ, vì đó là số phận của các đất nước, gặp nhau ở một chỗ nào đó, mông lung.
Cây đa, Lò sưởi, Ống khói
Chỉ cần vài đoạn Dickens, nếu bốc đúng, bạn đọc sẽ hiểu vì sao ông là thần tượng của mọi nhà văn. Làm gì có cái lý là Tôi sẽ không ngại nói mình thích Dickens hơn Dostoevsky.
Dickens có thể nghe thấy tiếng hát của ấm nước sôi:
Thì cũng như, Hermann Melville viết “I and My chimney” (Tôi và ống khói của tôi):
Tôi và ống khói của tôi, hai tên già đầu muối tiêu nghiện nhả khói, cư ngụ vùng thôn dã. Không ngoa khi nói chúng tôi là dân chính gốc vùng này; mà đặc biệt là cái ống khói của tôi, càng lún xuống đất, nó càng chính gốc hơn.
Dù tôi luôn bảo, Tôi và ống khói của tôi, như Đức Hồng y Wolsey từng nói, “Tôi và Vua của tôi1”, cái thói huênh hoang này của tôi - khi tự đặt mình lên trước ống khói - thực chất chỉ tuyền là xạo sự; bởi ngoài câu chữ ra, ống khói của tôi việc gì cũng đều đứng trên tôi cả.
Cách con đường cỏ mọc um chưa đầy ba mươi foot, ống khói của tôi - một ống khói béo phình to, béo ú cỡ vua Henry Đệ Bát - sừng sững đứng đó trước tôi và đất đai của tôi. Đứng chễm chệ trên một sườn đồi, ống khói của tôi như cái kính thiên văn khổng lồ của Lãnh chúa Rosse chĩa thẳng lên cung trăng, nó chính là thứ đầu tiên đón ánh mắt mặc khách, cũng là thứ cuối cùng được ông mặt trời chào trước khi đi lặn. Ống khói của tôi còn hưởng những đặc sản của mùa trước cả tôi. Tuyết phủ trên đầu cậu trước cả mũ tôi; vào mỗi lần xuân tới, cậu như cái hốc cây dẻ già, gọi những chú chim én mới di cư đến làm tổ bên trong mình.
Source: https://vitanova.vn/toi-va-ong-khoi-cua-toi/
Bùi Gia Bin dịch
Những con người ở thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 thuộc về một loài khác, chứ không cần phải lùi về tận Homer như Ortega Y Gassett:
Nhưng không sao, bạn Nguyễn Vũ Hiệp cũng viết “Cây đa nghĩ thế nào là đẹp:
https://docs.google.com/document/d/1GPACFqQPP76QpxhGZ5ktLDfp4JDVKAeV/edit?tab=t.0
Tạm biệt tháng tư.
Chào bạn, hôm trước mình có đọc được bài tham luận về văn học trẻ - "Một cái nhìn vào thời hiện đại" của bạn. Mình thấy bạn có viết: "Các sử gia, như Marc Bloch, luôn nói, con người không hiểu hiện tại. Một anh chàng đang làm công sở, nuôi vợ con, sống cuộc sống như hàng triệu người, tham gia vào quần chúng nhân dân vĩ đại, thường lại chính là những người không hiểu thực tại. Bởi vì thế, con người cần văn chương, sử học và triết luận để nhìn vào thời đại của nó". Mình đi tìm ý này của Marc Bloch, muốn tìm nguyên văn để đọc nhưng chỉ ra câu: 'Misunderstanding of the present is the inevitable consequence of ignorance of the past. But a man may wear himself out just as fruitlessly in seeking to understand the past, if he is totally ignorant of the present...This faculty of understanding the living is, in very truth, the master quality of the historian.'
Thú thực, mình rất dốt tiếng Anh và có nhờ chat GPT để dịch, sau đó theo cách hiểu của mình thì mình thấy ý này của ông Marc Bloch không hề giống bản chất với điều bạn nói. Mình muốn hỏi bạn, không biết có phải phần tìm kiếm của mình chưa tới không? Bạn cho mình xin cái ý mà bạn mượn lời ông Marc Bloch được thể hiện ở đâu, như thế nào được không?