Thơ gửi từ bạn bè là những tấm lòng trân quý. Nhưng vấn đề bây giờ: làm sao để đọc được những tập thơ này?
Để đọc các tập thơ ấy một cách đúng đắn - nếu thực sự có cái tâm đấy - thì cần bước qua xác của một câu hỏi rất khó: Thơ là gì? Để trả lời được một câu hỏi, bước đầu tiên phải lập được mấy tiêu chí. Theo tôi, tiêu chí đầu tiên là định nghĩa đưa ra phải mang tính cơ chế, giống như Kafkaesque là một cơ chế. Tiêu chí thứ hai, việc trả lời ấy phải giúp ích cho việc đọc và hơn nữa phải có ý nghĩa cho đời mình, nếu không thì chả để làm gì. Tiêu chí thứ ba, việc trả lời câu hỏi đó hoàn toàn có thể trùng hay khác quan điểm, nhưng phải đánh động cả suy tư của người khác.
Ba tiêu chí thì tiêu chứ thứ hai khó nhất và hoàn thành được nó thì tự nhiên sẽ đáp ứng hai thứ còn lại. Với văn chương là gì, trinh thám là gì, tôi đã từng tìm cách định nghĩa được, để giành lấy cho bản thân mình một tiếp điểm, một tấc đất cắm dùi mà đi tiếp. Bởi vì tôi có viết những thứ đó. Nhưng thơ thì khác: tôi thì lại không làm thơ, hoặc là từ chối làm thơ, thậm chí còn liều khuyên nhà văn Vũ Thanh Lịch là tránh làm thơ. Rất may, vẫn có một ngách ở đây: khi viết văn, tôi đọc thơ để lấy đà, vì tôi có trực giác là việc đọc thơ rất quan trọng. Sau khi đã rõ với cá nhân mình văn chương là gì, tôi cảm thấy việc tìm cách định nghĩa thơ là rất quan trọng, vì khi viết tiểu thuyết sẽ vẫn phải đối mặt với một số thứ là trạng thái tiềm năng của thơ. Vậy để giải quyết các tiêu chí, ta sẽ cần minh bạch (giống kiểu chống tham nhũng), và với phương pháp duy nhất có thể, là hoàn toàn sử dụng trực giác. Chỉ có như vậy thì câu trả lời mới hiện ra với mình và là của mình (Ở đây xuất hiện một câu hỏi: có gì thực sự là quan điểm cá nhân không? Câu hỏi này quá khó nhưng lại sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ tương lai, nên cứ để sau năm 35 tuổi chúng mình sẽ cùng tìm cách trả lời. Cứ bình tõm). Và cái phương pháp trực giác này hình như khá gần với cái gọi là Phenomenology của Edmund Husserl, nhưng chả quan trọng lắm.
Ta sẽ cần một điểm tựa để bắt đầu, theo thiển ý của tôi, tôi muốn bằng một cụm từ gọi là “Chất thơ của tồn tại” hay “chất thơ của vạn vật”. Tiểu thuyết có phải dành để chỉ ra chất thơ của tồn tại không? Chắc chắn là thế rồi, đấy là cái đích của nó. Nhưng cách làm của tiểu thuyết khác: nó thông qua câu chuyện, thông qua việc kiểm kê thực tại, tách thực tại ra làm nhiều phần và đo khoảng cách cái tôi, có thể nói gọn bằng một cụm từ: “tính chất hiện sinh” (một triết gia liên quan ở khâu này là Emmanuel Lavinas). Điều này diễn ra ở bình diện vĩ mô, tức ở cấp độ cả quyển tiểu thuyết. Nhưng ở thơ, chất thơ của tồn tại lại được chỉ ra ở cấp độ rất vi tế, từng chữ một, từ dấu cách một. Và đấy là khác biệt. Vạn vật đều có chất thơ, tuyên bố này có tư cách khoa học không kém gì câu vạn vật đều tồn tại ở dạng sóng hoặc dạng hạt. Nhưng để tránh chém gió, nên cần định nghĩa cho rõ ràng chất thơ của tồn tại là gì.
Chất thơ của tồn tại, hay chất thơ của vạn vật sẽ được định nghĩa minh bạch như sau: đó là khả năng đi vào giấc mơ của một vật.
Giờ đến phần cơ chế của nó. Giấc mơ có trước hay vật đó có trước? Dĩ nhiên, giấc mơ có trước. Chất thơ của tồn tại chính là thoạt kỳ thuỷ của vật chất, lúc nó ở dạng tiềm năng. Bạn nhìn thấy một cánh cửa nghĩa là thấy kết quả của một sự kết rắn, của những hình ảnh được tụ lại, một cách đau đớn. Điều này thoạt nhìn khá gần với quan điểm của triết học Thế Thân về sự kiện toàn của vật chất, nhưng cứ có cảm giác nó gần hơn với Henri Bergson. Trong khoảnh khắc nhìn thấy cánh cửa, có một thoảng xuất hiện của giấc mơ. Nhưng từ giấc mơ đến vật chất rắn, không trực tiếp mà qua nhiều bước đệm, trong đó có bước ẩn dụ (Và ở đây, ta gặp hai nhân vật nữa, một là Gaston Bachelard, làm ơn ai đó hãy dịch quyển “Water and Dream” và hai là George Lakoff). Ẩn dụ thì có trước tư duy, là ngôn ngữ ở dạng tiềm thể, là một không gian tiềm thức tạo điều kiện cho vật chất xuất hiện. Khi bạn nhìn cái cửa, trước đó bạn có những cảm nghiệm rối bời: một cái gì đó hình chữ nhật, các chiều kích, tính trong suốt của kính… Ở giai đoạn này các nhà thơ thăm dò nó bằng cách nắm bắt lấy “tính chất siêu thực của tồn tại”, như Andre Breton. Sau khi vật chất được kết rắn, nó hiện hữu (Martin Heidegger trong Siêu hình học là gì: hiện hữu chỉ là một tính chất của tồn tại). Vật chất rắn có mặt và nó được gọi bằng các từ ngữ. Đến lúc này vạn vật và ngôn ngữ ra đời, đi vào đời sống thế tục, đi vào dương gian.
Chức năng của thơ đó là chỉ ra chất thơ của tồn tại bằng chất thơ của từ ngữ, song song với một con đường khác là sử dụng tứ thơ - các câu chuyện. Các từ ngữ trong thơ mang đến toàn bộ lịch sử tiến hoá của nó, từ thoạt kỳ thuỷ của giấc mơ. Như vậy nhìn vào một bài thơ, ta thấy các từ đang thành hình, ta được trải nghiệm lại toàn bộ quá trình đi từ chất thơ của vạn vật, đến ẩn dụ, đến vật chất rắn và đến ngôn ngữ. Điều này khá thú vị và nếu chấp nhận nó thì sẽ giải thích được nhiều thứ lắm. Chẳng hạn, nếu ai đó cho rằng một bài thơ nào đó là chẳng qua văn xuôi xuống dòng, thì người đó có thể chưa hiểu bản chất của thơ. Xuống dòng là một hành động quan trọng: nó báo hiệu hình thức thơ, nó nói với anh rằng “của đáng tội đây là thơ ông nhé!” và người đọc lúc đó nhận được mật thư rằng phải đọc văn bản này trong cảm thức của thơ, tức lộn ngược dòng về với chất thơ của tồn tại. Chứ không phải đọc các từ đã thành hình trên dương gian.
Đích đến của bài thơ là hình thức, giống như vạn vật tiến hoá từ giấc mơ đến một hình thức. Điều này sẽ khác với ý nghĩ hình thức là bản chất của thơ. Tất cả từ ngữ đều vươn đến việc tạo ra một hình thức. Và thế là, cái được trình hiện trước mắt chúng ta, trong tập thơ, là hình ảnh cuối cùng kết tinh lại của một sự tiến hoá. Thế nên, đọc thơ sẽ cần chú ý đến nhịp / khoảng trống / trình bày, và cả “đường biên” của tác phẩm như Yuri Lotman lấy ví dụ về khung tranh, tất cả đều quan trọng.
Thế còn nội dung bài thơ? Nếu ví thơ là ngôi đền thì nội dung của nó là thủ nhang, chứ không phải trụ trì. Tuy nhiên, nội dung của bài thơ như đã nói, cũng có cách riêng để chỉ ra chất thơ của tồn tại, giống với tiểu thuyết. Tự sự học đã thành công khi cảm nghiệm rằng các câu chuyện (nhất là của tôn giáo và huyền thoại) là phản chiếu của hành trình vượt thoát của con người từ vô thức đến hiện hữu (reference: Joseph Campbell).
Đến đoạn này nghe vẻ đã khá ổn, giờ đã bắt đầu đọc được thơ rồi đấy: ta sẽ cùng xem các nhà thơ làm gì với từ ngữ, họ có chạm được chất thơ của vạn vật không và bằng các con đường nào. Nhưng từ từ đã, có chiều ngược lại không? Nghĩa là các bài thơ không phải là lộn ngược lại về thoạt kỳ thuỷ của từ ngữ, mà vươn vút lên thì sao? Đúng là có chiều ngược lại. Khi hình thức đã thành hình một cách kiên cố, tạo ra các thể thơ, chẳng hạn như Thơ Đường, các từ ngữ không chịu lộn về nữa, nó cứ diễn ra trên một tầng cao hơn: cái này, chúng ta sẽ gọi là “tính thiêng của tồn tại” hay “tính thiêng của vạn vật”. Tính thiêng (tầng trời) đối lập với chất thơ (tầng đáy), các bài thơ nếu đi theo thể thơ thì sẽ vượt thoát để vươn đến tính thiêng, rất dễ hiểu là điều này xảy ra ở một đất nước có rất nhiều tượng của Khổng Tử đỏ nhang đèn. Dù là đi lên (vươn đến tính thiêng) hay đi xuống (về với chất thơ nguyên thuỷ) thì đều là cách mà các từ ngữ thoát khỏi cái đã thành hình của nó trên dương gian. Có những bài thơ đi được bằng cùng lúc cả hai con đường, vẫn theo thể thơ, nhưng vẫn hoang dã nguyên thuỷ, chẳng hạn như Mai Đình Mộng Ký của Nguyễn Huy Hổ - một bài thơ thuộc hạng cao nhất của văn học Việt Nam, mà cụ Hoàng Xuân Hãn phát hiện ra.
Chưa xong đâu. Rất gay cấn, đến đoạn này tôi cảm thấy phải hồi hộp đi thêm vài bước. Bằng một thăm dò như sau: xen giữa các tầng từ (1) chất thơ nguyên thuỷ của vạn vật - (2) ẩn dụ (hay chất siêu thực của vạn vật) - (3) vật chất rắn - (4) ngôn ngữ - (5) tính thiêng, chắc chắn là còn các tầng đệm khác. Trực giác mách bảo rằng các nhà thơ giỏi là những người không phải chỉ sinh hoạt trên các tầng đã được định nghĩa, mà họ đi rất chậm qua các tầng để nắm bắt được các vùng đệm.
Có rất nhiều vùng đệm, nhưng cảm thấy cái này cần phải nói đến trước: đó là “tính chất xa lạ của tồn tại”, nó có thể là vùng đệm trước khi kết tinh vật chất rắn. Đó là một khoảnh khắc thoảng qua ngay trước khi cái cửa trở thành cái cửa: một pha choáng ngợp, sợ hãi và đau đớn của đứa trẻ ra khỏi tử cung. Con người bâng khuâng nhìn thấy sự xa lạ của vạn vật. Tiểu thuyết và thơ cũng khám phá các tầng này: trên con đường lội về nguyên thuỷ, các từ ngữ trở nên lạ lùng vì nó phải đập vỡ hình ảnh cố định đã quen thuộc. Nhiều khi một bài thơ được tổ chức chỉ để cho một vài từ bất ngờ xuất hiện mà thôi, với cảm giác hồi hộp, lạ lẫm.
Và đỉnh cao của tầng đệm này, là tầng chứa “tính chất kinh dị của vạn vật” - đã có nhiều các nhà thơ kỳ tài đã dạo được đến tầng này. Đó là Hoa ác của Baudelaire, Con Quạ (The Raven) của Edgar Allan Poe, Mê Hồn ca của Đinh Hùng (“Hoả thiêu rồi! làn tử khí lên cao / Chiều tái tạo bâng khuâng từng ngọn cỏ”) vân vân… Các nhà nho trong giai đoạn cực điểm của Khổng giáo thì lại quay sang viết truyện chí quái, truyền kì, là để tìm về một cân bằng, đối trọng với tính thiêng. Nhưng văn học kinh dị không phải là phản ánh nỗi sợ của con người - cái đấy là hiệu ứng về sau thôi, mà đúng ra, là phản ánh tính chất xa lạ sẵn có của tồn tại. Nếu để cho suy nghĩ dắt ta đi một cách phóng túng hơn nữa, người Việt đã chọn cõi ma để đặt đời sống tâm linh vào, chứ không chọn cõi tiên của các nền triết học Trung Hoa, đó là cách để thoát khỏi Hán hoá. Đời sống tinh thần của người Việt gần với tầng đáy của vạn vật (chất thơ) và tầng kinh dị, hơn là tầng thiêng của người Trung Hoa. Tiến hoá sáng tạo của hai dân tộc có thể đã đi hai đường khác nhau, một mặt là lựa chọn của thực vật thân gỗ (dinh dưỡng, nảy mầm, bề thế, lễ nghi) và một mặt là lựa chọn của côn trùng (bản năng, trực giác). Không khó để hiểu thơ ở VIệt Nam phổ biến đến như vậy, một đất nước mà món ăn quốc tuý là trứng vịt lộn, tiết canh - những tiếp điểm của hình thành vật chất rắn, những hình thức kinh dị của vạn vật.
Đến đây đã có thể kết thúc bài viết này. Những gì bỏ ngỏ hoặc cần kiểm chứng, ta sẽ cùng tìm hiểu tiếp, qua thời gian.
Và nên kết thúc bằng mấy câu thơ của tập Tôi học ca hát như những cuộc vui mình đã chọn của Đoàn Nguyễn Anh Minh
Sách tham khảo nếu cần (mình xin không ghép chú thích)
Heidegger, Martin. Was ist Metaphysik, Phạm Công Thiện dịch. Bản dịch Siêu hình học là gì. Nhà xuất bản Đại Học sư Phạm
Bergson, Henri - Nguyễn Anh Cường dịch. Tiến hóa sáng tạo. Nhà xuất bản Hồng Đức, 2022
Levinas, E. (1961). Totality and Infinity: An Essay on Exteriority. Duquesne University Press.
Bachelard, G. (1942). Water and Dreams: An Essay on the Imagination of Matter. Dallas Institute Publications.
Campbell, J. (1949). The Hero with a Thousand Faces. Princeton University Press.
Lakoff, G., & Johnson, M. (1980). Metaphors We Live By. University of Chicago Press. Bản dịch của Tạ Thành Tấn: Chúng ta sống bằng ẩn dụ, NXB Đại Học Quốc gia, 2020