OnWriting: Tổng kết giữa kỳ
Trước tiên, chúng ta thử hỏi nhau một cái xem: thay vì viết Substack sao bạn không viết một truyện vừa, một vở kịch, một cuốn tiểu thuyết?
"Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật."
(Phùng Quán)
Đây là một tổng kết giữa kỳ.
Trước tiên, chúng ta thử hỏi nhau một cái xem: thay vì viết Substack sao bạn không viết một truyện vừa, một vở kịch, một cuốn tiểu thuyết?
Đây mới là lời khuyên chân thành nhất: sáng tác mới đúng là nghĩa vụ của Creative Writing, thay vì chỉ chia sẻ kinh nghiệm. Người ta nói "viết" thì khó hơn "cách viết": ngồi vào bàn, vứt bỏ mọi thứ sau lưng, lấy giấy bút hoặc máy tính, một tác phẩm mới ra đời. Mọi người đang cần bạn. Ngành sáng tạo của Việt Nam trong lĩnh vực văn học, kể cả là văn học đại chúng, mới dừng lại ở truyện mạng và một vài tác giả nổi trội hẳn sẽ không thể nổi trội mãi mãi. Trong khi đó, sự thay đổi chóng mặt của thời đại khiến nhiều nghề nghiệp biến mất, chỉ còn sáng tạo là ở lại. Chỉ còn khả năng kể chuyện của con người là còn có thể tồn tại lâu dài.
Nhưng ngoài những chuyện ấy ra, trong sự sáng tác, tôi nhận ra rằng văn chương (hay sáng tạo bất cứ cái gì) không phải là thừa thắng xông lên. Ngược lại, mỗi lần viết tác phẩm đều phải là một quãng đời miệt mài sống và sẵn sàng dọn rỗng tinh thần mỗi lần bắt đầu. Mỗi lần viết cái mới là đốt đi cái cũ bằng ngọn lửa có dầu đèn.
Sự sáng tạo phải đi hẳn được hết hai con đường cùng một lúc. Tôi tin là nó đúng cho cả mọi ngành. Một là con đường đơn độc cá nhân: bạn phải dám làm thiên tài, dám mài sắc một ý nghĩ độc đáo nghịch thiên, dám yêu, dám ghét và dám sống bằng toàn bộ khối da thịt của mình và viết vì mình, cho mình. Bạn phải là Napoleon chết già trong vinh quang của đền đài đơn độc ấy.
Con đường thứ hai, lại trái đi hoàn toàn, bạn phải viết vì người khác, cho người khác và cùng người khác... Viết vì thị trường cần như vậy và viết cho đời sống cần thêm những tiếng nói nhân văn đẹp đẽ
Phải đi cả hai con đường, không có con đường thứ nhất thì cũng không có con đường thứ hai.
Sự viết cũng giống như sự đọc là cả một tiến trình sắp xếp, gạn lọc và nuôi dưỡng. Trong Series OnWriting, chúng tôi chủ yếu là xây dựng kiến thức và kinh nghiệm đến cho các bạn đang viết, dưới 3 mục đích chính:
Thực tế kiến thức, nhưng không quá gắt gao cụ thể, mà là nền tảng để hiểu chung về ngành sáng tạo này
Cảm hứng
Gợi mở
Phản hồi của mọi người về các bài viết của tôi hầu như đều hài lòng về những gợi mở. Đúng vậy, nếu mạng xã hội của chúng ta chỉ toàn Tips và Tips, e rằng nó sẽ thành dạy bảo nhau mất. Người làm sáng tạo cần gợi mở, cần những câu hỏi được đặt đúng chỗ, vang lên như một tiếng chuông nhà thờ. Tất nhiên, sự gợi mở đó đặt trên một hướng đi cụ thể và thiết thực thì mới hiệu quả. Nếu không, gợi mở mãi thành ra loạn trí.
Trong chủ nhật này, Khoá học Thế Kỷ Hư Cấu sẽ bắt đầu. Nó không phải là khoá học thương mại, mặc dù có tính phí nhưng là để trang trải cho hệ thống tài liệu, app, recording...Phần lớn mục đích là để tìm và chuẩn bị cho chương trình xuất bản năm 2025 theo đúng định hướng của tôi trong career path xuất bản. Nếu xuất bản tiếp tục chỉ dựa vào văn học mạng, sách giảm giá... e rằng không hẳn là bền chặt.
Sau Thế Kỷ Hư Cấu, series OnWriting sẽ tiếp tục các tuyến bài của nó, chỉnh lý dựa trên những gì các bạn đã trao đổi và phản hồi.
Series On Writing đã có những bài sau và tóm tắt của nó, để mọi người dễ hình dung:
Báo chí và văn chương Việt Nam
Bài viết này tổng hợp thực tế báo chí ở Việt Nam, cung cấp thông tin về các tờ báo, các cuộc thi văn chương đang hoạt động, cách liên hệ
Những cuộc thi văn chương ở VN và trên thế giới
Tương tự bài viết này nói về các cuộc thi, có một chút tips về việc quản lý các cuộc thi mà bạn tham gia
Nhìn thực tế: có thể sống bằng nghề creative writing trong tương lai?
Nghề viết sáng tạo là nghề sẽ sống được tốt trong tương lai gần, tuy nhiên không phải cứ theo kiểu lên LikedIn và nhận job. Nghề này tương tự như một start-up, bạn phải tư duy nó như một dự án mới, dám đầu tư và có tầm nhìn. Ngược lại, nếu không hẳn muốn như vậy, bạn vẫn có thể sống với nó, bằng cách kết hợp nó với các nghề khác. Và đó là nội dung của bài viết trên
Kỹ thuật kể chuyện: Storytelling trong điện ảnh
Trong bài viết này chúng tôi tổng hợp một vài lý thuyết, một vài quyển sách mà mọi người có thể tham khảo để bắt đầu viết truyện. Tuy không đi quá cụ thể, nhưng sẽ là cánh cửa để mọi người tự nghiên cứu thêm và tổng hợp kinh nghiệm cho riêng mình.
Tự sự học: Cuộc đời của ta có phải là một câu chuyện không?
Không phải ai cũng áp dụng được các lý thuyết truyện kể của điện ảnh. Đơn giản là vì đằng sau công thức ấy là cả một câu chuyện dài của triết học. Ta cùng khám phá câu chuyện này qua bài viết trên. Bài viết nhằm mục đích nêu cao tầm quan trọng của ngành tự sự học, và khuyến khích người viết nên khám phá thêm kiến thức từ ngành này. Người viết văn ở Việt Nam có điểm yếu là ít đọc sâu để nhìn dài rộng một sự nghiệp nghệ thuật, mà chỉ đọc những thứ phù hợp cho cái sáng tác hiện tại.
Bốn nghệ thuật của hành văn tiếng Việt
Bài viết này cắt nghĩa một cách cơ bản những gì là nét đẹp của tiếng Việt, với tinh thần là trân trọng tiếng Việt và vẻ đẹp nội tại của nó. Như một mở đầu cho phần Nghệ thuật Viết.
Tuyến bài tiếp theo trong tháng 9
Tiếng Việt bên trong và bên ngoài văn học mạng
Nền kinh tế sách giấy
Các kiểu mẫu và cách xây dựng nhân vật ở Việt Nam
Ngoài ra chúng tôi vẫn còn series Văn xuôi thế hệ mới, với bài tiếp theo là Cyberpunk ở Việt Nam, hiện đã được đăng tải trên tạp chí Văn Nghệ Quân ĐỘi, nhưng chưa re-post được.
Nhờ anh chị em Share và Recommend nếu thấy hấp dẫn nhé.
Xin cảm ơn mọi người,
Giờ thì tôi đi chuẩn bị phần handout cho Thế Kỷ Hư Cấu
<3