OnWriting 10: Văn chương thì không phải là nghệ thuật
Sự viết hàm chứa mưu cầu và ý đồ nghệ thuật, điều này đã nói rõ trong các bài trước rồi. Nhưng sự viết có hoàn toàn chỉ chăm chăm làm nghệ thuật?
Virginia Woolf có The Common Reader (chúng sinh độc giả), thì ở đây, chúng ta cũng nên có The Common Writer (người viết bình sinh). (ai lại dịch “common” là đại chúng bao giờ: làm gì có đại chúng trong văn chương). Loạt #OnWriting tiếp tục dành cho Common Writer chúng ta. Trước tiên, chúng tôi xin điểm lại một số bài trong series:
Sự viết hàm chứa mưu cầu và ý đồ nghệ thuật, điều này đã nói rõ trong các bài trước rồi. Nhưng sự viết có hoàn toàn chỉ chăm chăm làm nghệ thuật?
Phân biệt là hành động chính yếu làm nên thế giới quan. Phân biệt giữa văn học và nghệ thuật: với người viết, sự nhầm lẫn giữa những điều không hoàn toàn giống nhau là điều tối kỵ.
Hành trình của chúng ta khi khẳng định điều này thực ra là đi qua một ngả đường lớn, bản chất của sự viết, trong tương quan với các môn nghệ thuật khác. Sự viết có thể bao gồm nghệ thuật, nó có thể là nghệ thuật trong rất nhiều trường hợp, nhưng nếu toàn bộ sự viết đều là nghệ thuật thì không phải. Thậm chí, nghệ thuật viết không đóng vai trò chính yếu đến mức ấy trong văn chương.
Nghệ thuật đều là biểu đạt: mang vẻ ngoài của việc dường như chẳng muốn nói gì, muốn kín tiếng với một bí mật, thì bên trong lại muốn nói rất nhiều. Nghệ thuật - chẳng hạn như điện ảnh, thơ, trình diễn - là hương thơm và hơi thở ái ân (trong chuyện yêu đương, nhất là chuyện làm tình, hương và hơi thở mới là chính yếu chứ không phải xác thịt). Người ta đi vào nó, đi vào nghệ thuật. Ngược lại, văn chương, mang dáng hình của biểu đạt (ngôn ngữ), thường thì lại không muốn nói gì mấy. Văn chương tất nhiên có thể gồm nghệ thuật ở trong đó, lúc các từ muốn tố lên chất thơ của tồn tại bằng mỹ cảm riêng của nó, nhưng ngoài cái đó ra còn rất nhiều thứ khác. Có những văn chương cố gắng không đạt đến nghệ thuật ngôn từ, nhà văn hoàn toàn có thể rất vụng. Nói cách khác, vươn tới cái đẹp là không phải đường lớn duy nhất của văn chương.
Cuộc ái ân của văn chương không phải chỉ có hương và hơi thở, mà có cả cái nhìn trở lại lúc lìa khỏi, còn là hồi tưởng khi đã nguội lạnh. Văn chương thúc đẩy một thứ tiềm năng nghệ thuật ở người đọc: chính nghệ thuật được mang đến từ phía kia, tức là người đọc.
Nghệ thuật thâu tóm bản chất, văn chương thì không, văn chương chỉ nhìn, cái nhìn có thể không gồm nhận mặt.
Trong sự viết lách, nhất là viết hư cấu, rất nhiều người tìm đến viết văn vì ngưỡng mộ điện ảnh. Tôn trọng quan điểm từng người, nhưng tôi thì muốn nói, ngả đường đó có thể hoàn toàn sai lầm. Điện ảnh là một thứ nghệ thuật trình diễn và biểu đạt: nó làm tốt nhất có thể trong việc mài sắc mảnh của thực tại. Trong khi viết văn là mài cùn chứ không phải mài sắc. Tư thế của người viết văn là chỉ biểu đạt, tức chỉ làm nghệ thuật khi nào thật sự cần. Nghệ thuật tiểu thuyết là phép cộng của vẻ đẹp trình hiện (câu chuyện, từ ngữ, chất thơ) lẫn hậu cảnh (tinh thần của người viết). Người viết một mặt vừa tạo ra các lực đẩy nghệ thuật giống như điện ảnh, nhưng một mặt chống lại nó: những nhà văn lớn thường hoài nghi triệt để, trong những cái ý vừa viết ra thì luôn lấp ló một cái cười tủm tỉm vu khống.
Muốn tiếp cận văn chương thì phải qua chính văn chương, không bằng cách nào khác ngoài hành trình đọc và tìm những tương giao với sách vở, đặc biệt là từ cổ điển. Điều này liên quan đến vế còn lại của văn chương và nghệ thuật: sự tiếp nhận.
Xem phim thì người xem nhìn ngang, còn đọc sách, họ nhìn từ trên cao. Bộ phim nuốt chúng ta vào, đến lượt ta sẽ chiếm lấy nó. Sách thì chuộc chúng ta khỏi thực tại, nhưng không lấy gì của ta, ngược lại, ta hoàn toàn có thể đọc lướt, đọc vài trang, đi dạo quanh mà không bước vào, nhưng vẫn thấy được toàn bộ sức mạnh văn chương không hụt đi nửa phần. Nhưng càng ngày càng ít quyển sách làm được điều đó.
Nếu bạn phát hiện được gì từ cuộc đời, mà muốn kiểm chứng xem cái phát hiện ấy có giá trị hay không thì đây là cách: hãy xem phát hiện ấy có phải là nghịch lý hay không. Chừng nào nó là một nghịch lý nó mới có giá trị. Phát hiện của chúng ta ở đây là: hoàn toàn ngược lại với những suy nghĩ chung, việc đọc sách theo kiểu bình sinh (common reader) lại khó áp dụng nhất, vì nó đòi hỏi tác phẩm phải là một tổng thể đầy đủ. Ngược lại, nếu các tác phẩm văn chương chỉ là các mảnh của thực tại (vậy rất giống với những bộ phim hay vở kịch), thì ta phải dùng rất nhiều liên hệ từ chỗ khác để tiếp nhận được. Ta phải đem cái phần của mình vào, méo mó có hơn không. Sự đọc chỉ có thể toàn vẹn với một số nhà văn có thế giới văn chương riêng, toàn kiện như Kim Dung, Charles Dickens, Herman Melville, Henry James, Joseph Conrad, F. Kafka, Robert Musil v.v… Gọn hơn thì sách không phải là món ăn tinh thần. Sự đọc không diễn ra theo cách hấp thụ, giống như dinh dưỡng, chính vì điều này người ta cảm thấy được tác động bởi sự viết, không hẳn vì những trình hiện đẹp đẽ của ngôn từ, mà đa phần vì tinh thần và tư thế của người viết và vì không gian văn chương ấy đủ rộng để người ta tự do đọc được và nói lên mọi điều về toàn thể vũ trụ và đời sống. Trong khi yếu tính của tiếp nhận nghệ thuật lại là thời gian: toàn bộ lịch sử sống co lại trong một khoảnh khắc, một khoảng đốn ngộ.
Nghệ sỹ treo mình lên cây thập giá, còn nhà văn? Anh ta ngồi ở quán cafe gần chỗ đó.
Viết là sống, nghệ thuật là hy sinh.
Tái bút 1:
Vậy thì nếu mang theo những đắm đuối say mê của một nghệ sỹ - điều thường thấy ở văn chương học trò - vào viết một tiểu thuyết thì rất dễ vấp ngã. Người viết truyện nói chung - chắc không còn cách nào khác - giống như một trường tàu phải chịu trách nhiệm cho thuỷ thủ đoàn. Hãy cảnh giác với những ai khuyên bạn nuôi dưỡng những nỗi đau đời và cái ý định trải mình trên trang giấy. Bạn dùng nó chứ nó không dùng bạn. Vả chăng, cái đó chỉ hợp với thơ thôi. Một lần nữa: văn chương thì không phải là nghệ thuật
Tái bút 2:
Đọc Henry James và Nguyễn Đình Toàn, tuy hai tác giả khác xa nhau, nhưng càng xa lại càng gặp: cứ đọc đến đoạn nào có hai nhân vật giáp mặt đối thoại thì chỗ ấy vực thẳm hiện ra. Vực thẳm của lửa vừa lìa khỏi tro. Chỉ còn lại hai nhân vật ấy nói chuyện trong cõi, trong ánh mắt rình rập của một quái vật lúc nhà văn đã thiếp đi, còn cốt truyện đã ở dưới thấp, và có cách nào khác ngoài lao xuống. Henry James thậm chí số lượng vực thẳm luôn vượt quá số 2, theo nghĩa đen, là có hai đến ba vực thẳm liền nhau nên truyện thực sự khó nắm bắt.
Henry James ở đây
Câu này hay quá anh ơi: "Hãy cảnh giác với những ai khuyên bạn nuôi dưỡng những nỗi đau đời và cái ý định trải mình trên trang giấy. Bạn dùng nó chứ nó không dùng bạn."
Một góc nhìn mới mẻ